Cưỡng ép Ly Hôn Là Gì? Cưỡng ép Người Khác Ly Hôn Bị Xử Phạt Như ...

Mục lục bài viết

  • 1 1. Cưỡng ép ly hôn là gì?
  • 2 2. Cưỡng ép người khác ly hôn bị xử phạt như thế nào?
    • 2.1 2.1. Xử phạt hành chính:
    • 2.2 2.2. Truy cứu  trách nhiệm hình sự:
  • 3 3. Hậu quả pháp lý của việc ly hôn:
    • 3.1 3.1. Quan hệ hôn nhân của vợ chồng:
    • 3.2 3.2. Quan hệ của cha mẹ với con cái sau khi ly hôn:

1. Cưỡng ép ly hôn là gì?

Ly hôn – một thuật ngữ đã không còn quá xa lạ với đời sống hằng ngày của chúng ta hiện nay. Khi xã hội ngày càng phát triển và hiện đại đã kéo theo đó nhiều vấn đề được thay đổi đó chính là quyền con người, cụ thể là sự hạnh phúc của mỗi người đã được đề cao, đặc biệt là vấn đề ly hôn. Trước kia, khi nghe đến ly hôn, mọi người đều bày tỏ nhiều quan điểm rất tiêu cực, đặc biệt là người phụ nữ, đây được cho là sự thiếu giáo dục, không làm trọn trách nhiệm của một người vợ nên mới dẫn đến ly hôn khiến cha mẹ xấu hổ với mọi người xung quanh. Cũng chính vì vậy, mà nhiều người rơi vào hoàn cảnh hôn nhân không hạnh phúc, bị chồng hành hạ, đánh đập, lăng mạ, xúc phạm nhưng vẫn âm thầm chịu đựng.

Tuy nhiên, vấn đề ly hôn hiện nay tại nước ta đã được xem là một vấn đề rất bình thường, thậm chí còn được ủng hộ nếu như cuộc sống hôn nhân cả hai đều không được như ý muốn. Và để bạn đọc hiểu hơn về cưỡng ép ly hôn là gì, tác giả xin giới thiệu đến các bạn khái niệm về ly hôn để giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề này.

Căn cứ theo khoản 14 điều 3 của Luật hôn nhân và gia đình thì ly hôn được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Theo đó, cưỡng ép ly hôn cũng được quy định tại khoản 9, điều 3 như sau:

“9. Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.”

Như vậy, cưỡng ép ly hôn được hiểu là hành vi đe dọa, sử dụng công cụ, phương tiện để hành hạ, đánh đập, ngược đãi hoặc dùng lời nói để uy hiếp tinh thần hoặc dùng tiền để trao đổi việc ly hôn, buộc đối phương phải chấm dứt mối quan hệ hôn nhân với mình.

Cưỡng ép ly hôn được dịch sang tiếng anh như sau: Forced divorce

Khái niệm về cưỡng ép ly hôn được dịch sang tiếng anh như sau:

Forced divorce is understood as an act of threatening, using tools and means to torture, beating, ill-treating or using words to intimidate the spirit or use money to exchange divorce or force the other person to divorce, have to end the marriage relationship with me.

2. Cưỡng ép người khác ly hôn bị xử phạt như thế nào?

Hành vi cưỡng ép ly hôn được xem là một hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến lợi ích của vợ hoặc chồng trong mối quan hệ hôn nhân. Và căn cứ theo quy định của pháp luật thì hành vi cưỡng ép ly hôn được xử lý như sau:

2.1. Xử phạt hành chính:

Căn cứ tại khoản 2, Điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

…”

Như vậy, khi vợ hoặc chồng sử dụng những công cụ, phương tiện để đánh đạp, đe dọa hoặc sử dụng lời nói để tác động đến tinh thần của đối phương hoặc sử dụng bất kỳ hành vi nào khác nhằm mục đích buộc đối phương phải ly hôn với mình thì bị xử lý hành chính từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy theo mức độ gây ảnh hưởng xấu đến đối phương.

2.2. Truy cứu  trách nhiệm hình sự:

Ngoài bị áp dụng xử lý hành chính đối với hành vi cưỡng ép ly hôn thì người thực hiện hành vi còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 181 của Bộ luật hình sự như sau:

“Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện

Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.”

3. Hậu quả pháp lý của việc ly hôn:

3.1. Quan hệ hôn nhân của vợ chồng:

Quan hệ hôn nhân của vợ chồng được chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thông thường thời điểm có hiệu lực của các văn bản này sẽ trùng một ngày với ngày ra bản án, quyết định.

Sau khi hoàn thành thủ tục ly hôn tại Tòa án nhân dân thì Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân , tổ chức liên quan như người có quyền và nghĩa vụ liên quan, Hội phụ nữ địa phương…

3.2. Quan hệ của cha mẹ với con cái sau khi ly hôn:

Một, đối với việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

–  Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tức là con bị dị tật bẩm sinh, không có khả năng tự chăm sóc cho bản thân, không thể nhận thức và làm chủ hành vi của mình.

– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Hai, nghĩa vụ, quyền lợi của cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng sẽ phụ thuộc vào tình hình thu nhập thực tế mà cấp dưỡng theo tháng hoặc theo năm và đến khi con đủ 18 tuổi hoặc sau khi con tốt nghiệp đại học.

– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Ba, nghĩa vụ, quyền của cha mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

– Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tư, nguyên tắc phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:

+ Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn về tài sản chung và riêng.

+ Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn về việc xác định tài sản chung, riêng, chia theo tỷ lệ dựa theo các yếu  tố tác động, chia bằng tiền hay hiện vật và việc chia tài sản phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân dự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

– Khi giải quyết ly hôn nếu có căn cứ cho rằng việc thỏa thuận tài sản của vợ chồng bị vô hiệu thì Tòa án có thể đồng thời yêu cầu chia tài sản của vợ chồng để đảm bảo quyền lợi của vợ chồng trong thời kỳ ly hôn.

Đồng thời để đảm bảo quyền lợi của vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án sẽ xác định vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba để đảm bảo quyền lợi của người thứ ba.  Trường hợp người thứ ba không yêu cầu Tòa án đồng thời giải quyết cho mình thì sẽ được Tòa án hướng dẫn giải quyết bằng một vụ án khác.

– Đối với trường hợp chia tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật thì Tòa án sẽ áp dụng nguyên tắc chia đôi, tuy nhiên phải cân nhắc đến các yếu tố tác động để quyết định chia tài sản, đảm bảo quyền lợi của vợ chồng đối với tài sản đó như hoàn cảnh của gia đình, công sức đóng góp của vợ, chồng, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và ngành nghề để đảm bảo các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,…

– Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.

– Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ví dụ/; Khi ly hôn và chia tài sản thì hai vợ chồng có một căn nhà, tuy nhiên vợ nuôi con chưa thành niên thì ngoài khoản trợ cấp mà vợ yêu cầu hằng tháng để nuôi con thì Tòa sẽ xem xét để người vợ được nhận ngôi nhà để nuôi con hoặc chồng phải thanh toán giá trị tương đương với phần tài sản nếu vợ có yêu cầu.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Bộ luật dân sự 2015;

– Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Từ khóa » Cưỡng ép Ly Hôn