HÀNH VI CƯỠNG ÉP KẾT HÔN, LY HÔN HOẶC CẢN TRỞ HÔN ...

Hôn nhân ở Việt Nam là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng; vợ chồng bình đẳng, cùng nhau nuôi dạy con thành những công dân có ích cho xã hội. Do đó mọi hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam sẽ đồng hành cùng bạn tư vấn và giải đáp về qui định của pháp luật trong việc xử lý hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ thông qua bài viết dưới đây.

I. Cơ sở pháp lý

1. Luật hôn nhân và gia đình năm 2014;

2. Bộ luật hình sự năm 2015;

3. Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

II. Nội dung tư vấn

Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập và thực hiện theo quy định của pháp luật. Quan hệ này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Theo đó hành vi cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn là các hành vi bị ngăn cấm (Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014) và tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

* Về xử phạt hành chính

Theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng một trong các phương thức như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng.

* Về xử lý hình sự

Điều 181 BLHS, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm. Cấu thành của tội phạm trên cụ thể như sau:

- Khách thể: Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đã xâm phạm nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật bảo vệ.

- Mặt khách quan: Người phạm tội là người thực hiện một trong các hành vi:

+ Cưỡng ép người khác kết hôn hoặc ly hôn trái với sự tự nguyện của họ.

Trường hợp này người bị hành hạ, cưỡng ép chủ yếu là người có quan hệ lệ thuộc (vật chất hoặc tinh thần) với người phạm tội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giữa người phạm tội với người bị hành hạ, cưỡng ép không có mối quan hệ lệ thuộc.

+ Cản trở người khác kết hôn hoặc ly hôn tự nguyện.

Đây là hành vi ngăn cấm không cho nam và nữ kết hôn hoặc ly hôn với nhau mặc dù họ có đủ điều kiện kết hôn, ly hôn. Hành vi này có thể được thực hiện bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc thủ đoạn khác, nhưng chủ yếu bằng thủ đoạn yêu sách của cải (thách cưới, đặt điều kiện rất khó thực hiện để cản trở việc kết hôn của hai người nam và nữ hoặc giữ giấy tờ ngăn cản việc ly hôn…).

+ Cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Đây là hành vi tìm mọi cách chấm dứt quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ đang tồn tại. Hành vi này có thể dẫn đến quan hệ hôn nhân tan vỡ, nhưng cũng có thể quan hệ hôn nhân đó không bị tan vỡ nhưng cũng làm cho cuộc sống chung vợ chồng xáo trộn.

Mặt khác, tất cả hành vi các hành vi cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác kết hôn, ly hôn cản trở người khác duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ nếu chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì chưa cấu thành tội phạm. Dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm và cũng là dấu hiệu để phân biệt hành vi phạm tội với hành vi vi phạm.

- Chủ thể: Chủ thể của tội phạm là bất kỳ chủ thể nào có năng lực trách nhiệm hình sự

- Mặt chủ quan: Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý.

Như vậy hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty TNHH Luật HTC Việt Nam liên quan đến việc xử lý hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Chúng tôi hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Nguyễn Thị Lan Anh)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

Xem thêm các bài viết liên quan:

Đánh ghen gây thương tích bị xử lý như thế nào?

Tự ý xông vào nhà đánh người phạm tội gì?

Có thể xử lý hình sự với hoạt động đa cấp trá hình không?

Từ khóa » Cưỡng ép Ly Hôn