Cương Quyết Xóa Bỏ “đặc Quyền, đặc Lợi” - Công An Nhân Dân

  • Quản lý xe công tập trung, tiết kiệm tiền tỷ
  • Hà Nội thông tin việc 'lãnh đạo sử dụng xe công đi ăn sáng'

Tuần qua, báo chí và dư luận xã hội đã tốn khá nhiều thời gian, giấy mực để tranh luận việc ông Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên dùng xe công đón ông và người nhà tận chân cầu thang máy bay có đúng quy định hay không?

Đúng hay sai thì chúng ta phải chờ kết luận của cơ quan chức năng, nhưng rõ ràng, chỉ một việc nhỏ này thôi mà cán bộ không gương mẫu, không thực hiện được thì dễ gây suy luận tiêu cực trong mắt người dân.

Chính từ cơ chế chính sách, quy định các tiêu chuẩn, chế độ đãi ngộ được hưởng sau khi được tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nên mới đẻ ra tâm lý “đặc quyền, đặc lợi” của một bộ phận cán bộ, công chức nói chung và cán bộ lãnh đạo nói riêng là tận dụng “của chùa” được ngày nào hay ngày ấy, cố bòn rút, tư lợi, chây ỳ và thậm chí là tự cho mình đặc quyền “phạm luật”.

Minh họa: Lê Tâm

Ngoài việc sử dụng xe công vào mục đích cá nhân bị báo chí phanh phui thời gian qua, có nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương được cử ra Trung ương công tác, được phân nhà công vụ, nhưng đã về hưu, về quê an hưởng tuổi già rồi vẫn không chịu trả chìa khóa, không bàn giao lại nhà, vẫn giữ cho con, cháu ở nhờ đi học đại học... Đã có vị nói rằng “có thấy ai nói gì đâu mà phải trả”.

Bên cạnh đó, một số cán bộ có chức, có quyền được cấp hoặc bán nhà, đất phân lô với giá rẻ, thấp hơn giá thị trường, có khi chỉ cần đăng ký, không cần trả tiền, sau đó “sang tay” đã có lãi hàng tỷ đồng; hay trong thực hiện phân bổ ngân sách, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, trong tổ chức bố trí cán bộ đi tham quan, nghiên cứu nước ngoài, kể cả mang danh là đi học tập nhưng lại là đi du lịch, thường rơi vào một số cán bộ có chức vụ chuẩn bị về hưu…

Ngoài ra còn nhiều biểu hiện khác trong việc trang, cấp thiết bị cho các phòng làm việc, chế độ tiếp khách, ăn, nghỉ khi đi công tác... Nói thẳng là quản lý nhà nước về những chuyện này còn yếu kém, không nghiêm minh và rất thiếu cơ chế giám sát và giải trình.

Chúng ta thường nói “dân làm chủ” và sẽ không có gì minh chứng điều đó đúng hơn bằng việc trao quyền làm chủ, quyền giám sát đó cho những người dân bình dân nhất. Tuy nhiên, nếu một người dân nhìn thấy ông lãnh đạo dùng xe công để đi việc tư, có nhà riêng nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ, con cái vẫn được ưu đãi mua nhà thu nhập thấp, rồi đi du học nước ngoài bằng tiền ngân sách… dân sẽ báo cho ai, ở đâu? Việc tiếp nhận và xử lý như thế nào? Thường thì người dân hiếm khi tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này.

Chủ trương khoán nhà ở, khoán xe công, khoán công tác phí… của cán bộ lãnh đạo thực sự là một việc làm thiết thực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà Đảng, Nhà nước đang quyết tâm thực hiện, đã nhận được không ít phản hồi tích cực từ dư luận xã hội và người dân.

Câu hỏi đặt ra là việc khoán có lợi cho dân, cho nước như vậy, mà tại sao được kêu gọi thực hiện hàng chục năm nay, đến giờ vẫn khó thực hiện đến thế? Vì sao cán bộ, công chức lại là những người không mặn mà, không vui vẻ thực hiện chủ trương này? Câu trả lời thường là: Đúng tiêu chuẩn, đúng chế độ, có lãng phí đâu mà bảo không tiết kiệm.

Khi đặc quyền, đặc lợi là quyền lợi đặc biệt chỉ dành riêng cho một người hay một nhóm người, một tầng lớp nào đó được hưởng mà những người bình thường khác không thể có được sẽ tạo ra sự cách biệt giữa các nhóm cán bộ lãnh đạo với công chức, viên chức và khoét sâu thêm khoảng cách “quan-dân”.

Vì vậy muốn xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi, trước hết phải rà soát hệ thống pháp luật, quy định, phân định vị trí công việc rõ ràng, thu hẹp nhóm các vị trí cán bộ có được các quyền lợi đặc biệt để những người có chức, có quyền không thể lách qua các quy định, hoặc lợi dụng các quy định để tạo ra các quyền và lợi ích cho mình, nhưng về mặt hình thức không tỏ ra có gì là khuyết điểm, sai phạm. Đặc quyền, đặc lợi phải được giám sát tốt, không để người có đặc quyền dùng quyền hạn để vụ lợi hoặc trục lợi, mà để phục vụ cho công vụ, chứ không được tư lợi như ta thường thấy hiện nay.

Một xã hội tiến bộ, một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp sẽ không chấp nhận hiện tượng đặc quyền, đặc lợi, bởi đó là biểu hiện bất bình đẳng, thiếu dân chủ, mang nhiều tàn tích của cơ chế bao cấp, phong kiến lạc hậu.

Đã đến lúc không thể kêu gọi sự tự giác suông được nữa, Đảng, Nhà nước cần phải nhanh chóng, mạnh tay, buộc những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm, để những đồng tiền thuế của người dân và doanh nghiệp đóng góp được sử dụng hiệu quả vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Khi có sai phạm phải xử lý nghiêm minh, chứ đừng theo kiểu “xin nhận khuyết điểm và kiểm điểm sâu sắc” thì sẽ còn sai phạm.

Từ khóa » Tác Hại Của đặc Quyền đặc Lợi