Phòng Chống Nguy Cơ Xa Rời Quần Chúng Của Đảng Cầm Quyền Theo ...

Nguyễn Văn Công

Nguyên GĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Tư tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nội dung quan trọng đặc biệt, xuyên suốt từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị những tiền đề cho việc thành lập Đảng cho đến trước lúc Người đi xa. Người chỉ rõ rằng, đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân thì “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(1). Sự thống nhất biện chứng, phù hợp lợi ích giữa Đảng với nhân dân; giữa Đảng với giai cấp công nhân và dân tộc là bản chất của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, cội nguồn sức mạnh nội lực của Đảng ta. Vì thế, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân là một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là yêu cầu khách quan, nhất quán đối với Đảng cầm quyền để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Qua đó, góp phần chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, Đảng của cả dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và thực hiện nguyên tắc của Lênin về một Đảng cầm quyền là phải: “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng của quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng, giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”(2). Ngược lại nếu Đảng cầm quyền không làm được điều đó tức là Đảng sẽ xa rời quần chúng nhân dân và sẽ là một nguy cơ rất lớn, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong quá trình xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã chứng minh sự gắn bó mật thiết với nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận: “Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(3).

Sự thống nhất lợi ích giữa Đảng với nhân dân là Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của dân. Hồ Chí Minh đã lưu ý: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”(4) cho nên Đảng phải đặt quyền lợi của nhân dân trên hết thảy; đảng viên phải có một tinh thần chí công vô tư; phải “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng”. Cán bộ, đảng viên phải phục vụ nhân dân trên tinh thần: “Luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân dân; Tự mình phải làm gương, cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”; “sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân”(5), để nhân dân tin yêu và gắn bó. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, mỗi người “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”(6) và chăm lo những việc nhỏ, cần thiết cho đời sống hàng ngày của quần chúng nhân dân. Đó chính là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi. “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(7).

Đứng trước căn bệnh quan liêu, xa dân, Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh báo và chỉ ra những biểu hiện nguy hại của nó: cách xa quần chúng, không hiểu thấu tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, không học hỏi dân chúng, xem khinh quần chúng, sợ quần chúng phê bình, thích dùng mệnh lệnh hành chính, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong lãnh đạo,... Người nghiêm khắc chỉ ra có một bộ phận cán bộ, đảng viên “cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết thì không nói đến”(8).

Để “tẩy sạch” bệnh quan liêu, xa dân trong cán bộ, đảng viên, để người chiến sĩ cách mạng tránh bị đào thải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hành “4 phải”: “Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết. Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân. Phải thật thà thực hành phê bình và tự phê bình. Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”(9).

Trong suốt hơn 90 năm hoạt động, trưởng thành và lớn mạnh, Đảng ta đã phát huy dân chủ, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phát triển, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, thực tế gần 40 năm đất nước ta thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, thì vẫn còn tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên với những biểu hiện: quan liêu, cửa quyền, tham ô, tham nhũng, sách nhiễu dân, nhóm lợi ích... Thờ ơ, vô cảm, xa dân đang là những vấn đề nhức nhối trong xã hội, nó tồn tại ở hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của Đảng trong sự nghiệp cách mạng. Ở nhiều nơi, quyền làm chủ của nhân dân bị vi phạm; cán bộ, đảng viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, những việc có hại đến nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. làm cho dân chúng nghi ngờ, thậm chí bất mãn, không ủng hộ,. từ đó dẫn đến những vụ việc khiếu kiện kéo dài của nhân dân, là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước. Ngày 25/10/2021, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm trong đó có nhiều điểm mới so với Quy định 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011. Một trong những điểm mới là Đảng làm rõ và bổ sung thêm biểu hiện căn bệnh quan liêu ở Điều 3: “Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Có thể nói, đó là sự bổ sung xác đáng từ nhận thức sâu sắc về thực trạng và tác hại của căn bệnh quan liêu, xa dân, vô cảm với dân đã tồn tại dai dẳng, thậm chí có mặt diễn biến phức tạp hơn trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân, nhằm chống nguy cơ xa rời quần chúng nhân dân, để thiết thực góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhất thiết mỗi cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hiện tốt những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng chống nguy cơ xa rời quần chúng là:

Thứ nhất, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; cán bộ, đảng viên phải thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân để không chỉ nắm vững tình hình, hiểu rõ tâm trạng, yêu cầu của quần chúng nhân dân mà còn phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định sâu sắc vị trí, vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ hai, đổi mới hình thức, nội dung và biện pháp để tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ chính trị, đạo đức cách mạng, hiểu biết pháp luật cho quần chúng nhân dân, để quần chúng nhân dân thực hiện tốt vai trò “là chủ”, “làm chủ” của mình. Làm tốt công tác dân vận phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương, mỗi địa bàn cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và dựa vào nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đồng thời, trừng trị nghiêm khắc những cá nhân, tập thể tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính, xâm phạm lợi ích của nhân dân, dù đó là ai, giữ chức vụ gì hay đã nghỉ hưu.

Thứ ba, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải hướng về cơ sở, gần dân, hiểu dân, trọng dân, tin dân, học dân, dựa vào dân và thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Thứ tư, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện, có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Coi sự đánh giá của nhân dân là thước đo chính xác, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm của cấp ủy các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong mọi mặt công tác, trong quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và thiết thực không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, mọi cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị gắn với đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với tự phê bình và phê bình thực chất, phát huy dân chủ và đoàn kết, thống nhất nội bộ.

Để phòng chống nguy cơ xa rời quần chúng của Đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì mỗi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt nhất những chỉ dẫn của Người: quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, dám làm, dám chịu, đồng thời khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo. Nhằm xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với quần chúng nhân dân, Đảng phải xây dựng được đội ngũ cán bộ cách mạng đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân, thực sự tôn trọng quần chúng nhân dân, gần dân, vì dân, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, thì chắc chắn sẽ được quần chúng nhân dân tin, yêu và ủng hộ - xóa bỏ nguy cơ xa rời quần chúng nhân dân của Đảng cầm quyền, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.290.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.607.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.185.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.611 - 612.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.434, 177.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.606.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.249.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.326.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.89.

Từ khóa » Tác Hại Của đặc Quyền đặc Lợi