Cương Sữa Sinh Lý Sau Sinh Và 7 Cách Xử Lý Nhanh Chóng - Nutrihome

Cương sữa sinh lý sau sinh là vấn đề phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh. Tình trạng cương sữa có thể gây nên những cơn đau nhức ngực kéo dài, ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt thường ngày của mẹ. Việc trang bị đầy đủ kiến thức về cương sữa và cách xử lý căng sữa sau sinh là rất cần thiết đối với mẹ sau sinh. Những vấn đề này sẽ được Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome giải đáp ngay trong bài viết sau.

Cương sữa sinh lý sau sinh là gì?

Cương sữa sinh lý sau sinh hay căng sữa sau sinh là hiện tượng thường xuất hiện sau khi mẹ sinh con từ 3 ngày – 5 ngày. Lúc này, bầu ngực mẹ xuất hiện cảm giác nóng rực, đau nhức, chạm vào thấy cương cứng. Mẹ không thể hút hoặc hút được rất ít sữa khi bị cương sữa dù ngực đang đầy sữa. Một số trường hợp có thể xuất hiện cả hạch ở vùng nách.

Cương sữa sinh lý sau sinh là gì?

Cương sữa sinh lý sau sinh làm mẹ đau nhức khó chịu

Dấu hiệu bị căng sữa sau sinh

Dấu hiệu căng sữa sau sinh ở mỗi người mẹ không tương đồng. Mẹ có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu như sau:

  • Ngực đau nhức sưng tấy.
  • Ngực căng cứng khó chịu.
  • Ngực cảm giác ấm hơn các vùng da khác khi chạm vào.
  • Ngực xuất hiện nhiều cục sưng lổn nhổn, có thể sưng kéo dài đến gần nách.
  • Ngực mẹ căng sữa nhưng không thể hút được sữa.

dấu hiệu cương sữa sinh lý sau sinh

Mẹ thường bị căng sữa sau 3 – 5 ngày sau sinh khiến cơ thể mệt mỏi

Trong trường hợp căng sữa nghiêm trọng, mẹ có thể lên cơn sốt nhẹ, người mỏi mệt và đau nhức, đặc biệt là trong những ngày tiết sữa đầu tiên. Những dấu hiệu trên có thể xuất hiện trong vòng 1 tuần kể từ ngày mẹ sinh con. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mẹ không bị căng sữa hoặc 15 ngày sau khi sinh mới bị.

Dấu hiệu của cương sữa sinh lý sau sinh gần giống với tắc tia sữa. Vì vậy, dẫn đến việc rất nhiều mẹ bị nhầm lẫn và xử trí sai cách. Nhầm lẫn tai hại này có thể khiến tình trạng cương sữa trở nặng và gây nguy hiểm cho mẹ. Để tránh mắc phải sai lầm này, mẹ nên tham khảo thêm đề tài “Phân biệt cương sữa sinh lý và tắc tia sữa” đã được chia sẻ bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng tại Nutrihome.

Nguyên nhân bị cương sữa sinh lý

Mẹ đã biết thế nào là căng sữa sau sinh và các dấu hiệu cương sữa, vậy nguyên nhân vì sao? 3 nguyên nhân gây ra tình trạng bị căng sữa sau sinh thường gặp nhất.

1. Cho bé bú không đúng cách

Cho trẻ bú thường xuyên và đúng cách có thể giúp mẹ hết bị căng sữa bởi trẻ có thể bú hết lượng sữa mà ngực mẹ tích trữ. Ngược lại, nếu mẹ không cho trẻ bú ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hoặc cho trẻ bú sai cách, thì nguy cơ bị căng sữa sau sinh thường tăng cao. Vì vậy, mẹ nên tích cực tập cách cho trẻ bú đúng và đủ cữ dù ngực chưa tiết sữa để giảm nguy cơ bị cương sữa.

2. Tắc tia sữa

Dù đã cho trẻ bú thường xuyên nhưng đôi lúc mẹ vẫn không tránh khỏi tình trạng cương sữa sau sinh chủ yếu do bị tắc tia sữa. Tình trạng này ngăn cho sữa chảy ra ngoài, làm sữa ứ đọng và nghẽn lại trong các tuyến dẫn sữa. Lượng sữa bị tích tụ trong bầu ngực sẽ gây cảm giác căng cứng và đau tức ngực.

3. Áo ngực của mẹ quá chật

Sử dụng loại áo ngực quá chật có thể gây chèn ép lên vùng ngực. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây tắc tia sữa, từ đó dẫn đến cương sữa sinh lý sau sinh. Bởi vậy, mẹ cần chọn đúng loại áo ngực có kích thước phù hợp với thân hình để tránh cảm giác khó chịu và ngăn ngừa cương sữa.

Căng sữa sau sinh có ảnh hưởng gì?

Ảnh hưởng tới bé

Cương sữa sinh lý sau sinh có thể làm ngực mẹ luôn trong trạng thái căng tức, phần dịch nằm quanh tuyến sữa bị tích tụ, làm sưng quầng vú và núm vú. Điều này có thể gây khó khăn cho trẻ trong việc ngậm bắt vú, từ đó ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ trẻ nhận được, khiến trẻ quấy khóc nhiều do đói bụng.

Căng sữa sau sinh có ảnh hưởng gì?

Căng sữa sau sinh khiến cả mẹ và bé khó chịu

Ảnh hưởng tới mẹ

Không chỉ gây khó chịu cho trẻ, tình trạng căng sữa sau sinh khiến mẹ đau đớn và khó chịu. Căng sữa kéo dài còn có thể gây mất sữa do tuyến sữa không thể hoạt động. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể dẫn đến hệ lụy sức khỏe nghiêm trọng như áp xe vú, viêm tuyến vú…. (1, 2)

Bị cương sữa sau sinh bao lâu thì hết?

Cương sữa sinh lý sau sinh kéo dài bao lâu? Thông thường, hiện tượng cương sữa sinh lý kéo dài trong vòng 1 – 2 ngày. Thông thường, hiện tượng cương sữa sinh lý sau sinh sẽ thuyên giảm ngay sau khi cho trẻ bú hoặc mẹ hút hết được lượng sữa bị ứ đọng. Mẹ chỉ cần chú ý cho trẻ bú nhiều, đúng cách hoặc chăm chỉ dùng máy hút sữa thì có thể chữa khỏi hoàn toàn vài ngày sau khi sinh.

Tuy hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng mẹ không nên chủ quan khi bị căng sữa sau sinh. Nếu không được xử trí kịp thời và chuẩn xác, ngực mẹ có thể bị tổn thương, tắc sữa và áp xe vú cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Có nên cho bé bú khi bị cương sữa sinh lý ?

Cho con bú là cách giảm nhẹ triệu chứng cương sữa sinh lý sau sinh hiệu quả được nhiều bác sĩ khuyến khích. Mẹ nên cho trẻ bú ngay từ sớm, đặc biệt là thời điểm sau khi sinh. Tiếp xúc trực tiếp giữa mẹ và trẻ không chỉ giúp giảm bớt cảm giác căng tức ngực mà còn có tác dụng kích thích cơ thể mẹ tạo ra đủ sữa cho trẻ bú. (3)

Bị căng sữa sau sinh nên làm gì? Các biện pháp giảm đau hiệu quả

1. Thử cho con bú ở nhiều tư thế khác nhau

Bầu ngực của mẹ có nhiều tia sữa khác nhau. Vì vậy, mẹ có thể chủ động thay đổi nhiều tư thế cho trẻ bú khác nhau như bú nằm, bú ngồi, đổi tư thế tay,… Bằng cách đổi nhiều tư thế, mẹ có thể tìm được cách cho bú phù hợp với trẻ nhất đồng thời giúp trẻ tiếp cận được với mọi tia sữa, hạn chế nguy cơ ứ đọng sữa.

2. Cho con bú thường xuyên

Cho con bú thường xuyên, đủ số cữ đặc biệt cần thiết trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Trẻ được bú đủ sẽ nhận được đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, đồng thời giúp mẹ giải quyết vấn đề bị căng sữa sau sinh.

Trong những ngày đầu sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú mỗi 2 giờ – 3 giờ một lần, mỗi cữ bú kéo dài khoảng 15 phút. Khi cho trẻ bú, mẹ lưu ý nên để trẻ bú hết một bên ngực, sau đó chuyển sang bên còn lại. Phương pháp này đảm bảo trẻ đã bú hết sữa trong bầu ngực và kích thích cơ thể mẹ tạo ra nguồn sữa mới.

Cho con bú sớm, trực tiếp và thường xuyên là cũng biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ bị căng sữa sau sinh hiệu quả nhất.

3. Sử dụng máy hút/vắt sữa

cách chữa căng sữa sau sinh, máy hút sữa

Sử dụng máy hút sữa giúp thuyên giảm tình trạng cương sữa

Nếu ngực mẹ vẫn bị cương sữa sau khi cho trẻ bú, mẹ nên dùng máy hút sữa để hút cạn lượng sữa còn tồn đọng trong ngực. Những người mẹ có quá nhiều sữa thường dễ gặp phải tình huống này. Bởi vậy, mẹ nên kiểm tra kỹ tình trạng ngực sau khi cho trẻ bú để tránh trường hợp sữa còn tích tụ bên trong.

Một số mẹ có cơ địa núm vú quá to, núm vú tụt gây khó khăn cho việc ngậm bắt vú của trẻ cũng được các bác sĩ khuyến khích sử dụng máy hút sữa. Thiết bị này không chỉ có thể hút triệt để sữa mà còn hỗ trợ trẻ bú sữa dễ dàng hơn. Khi dùng thiết bị hút sữa, mẹ cần chú ý đến thời gian hút. Nếu mẹ có nhiều sữa, mẹ chỉ nên hút đến khi ngực hết cương sữa. Ngược lại, mẹ chỉ nên hút sữa tối đa 30 phút mỗi cữ nếu ít sữa. Việc lạm dụng máy hút sữa có thể gây phản tác dụng khiến ngực bị tổn thương đồng thời làm sữa về quá mức nhu cầu của trẻ.

4. Chườm lạnh

Phương pháp chườm ngực được nhiều người mẹ áp dụng khi bị căng sữa sau sinh. Tuy nhiên cương sữa sinh lý chườm nóng hay lạnh tốt? Bác sĩ cho biết, cả hai phương pháp chườm nóng hoặc lạnh đều có tác dụng xoa dịu cảm giác đau nhức và giảm sưng ngực do cương sữa gây ra. Tuy nhiên mẹ chườm nóng nhiều có thể gây giãn nở nang sữa và ống sữa, từ đó gây khó khăn cho việc co bóp tuyến sữa. Ngoài ra, lạm dụng chườm nóng cũng có thể làm phù nền mạch máu ở tuyến vú, tăng nguy cơ gây vỡ mạch và dẫn đến áp xe. Nếu chườm nóng, mẹ chỉ nên chườm khoảng 3 phút.

Nếu chườm lạnh, mẹ có thể chườm lên ngực khoảng 10 phút vào trước hoặc sau khi cho trẻ bú. Để tăng hiệu quả, mẹ có thể kết hợp với động tác massage nhẹ nhàng và duy trì chườm lạnh mỗi 2 giờ – 3 giờ một lần xuyên suốt 24 giờ đầu kể từ khi bị cương sữa.

5. Tắm nước ấm

Tắm nước ấm giúp mẹ làm mềm vùng da ngực và giải tỏa cơn căng tức ngực. Bởi các tia nước ấm từ vòi hoa sen có tác dụng massage nhẹ nhàng, làm cho mẹ dễ chịu hơn và kích thích sữa chảy ra dễ hơn. Mẹ có thể di chuyển vòi hoa sen quanh vùng ngực để massage nhẹ nhàng quầng vú và núm vú. Nhưng nếu núm vú bị nứt, mẹ không nên tắm quá lâu, tránh việc bị nhiễm trùng.

6. Massage nhẹ nhàng

Các động tác massage ngực có thể đánh tan những phần sữa bị tắc, đồng thời kích thích dòng chảy của sữa và giảm cảm giác căng nhức ngực. Mẹ có thể tự thực hiện massage bằng cách dùng một tay đỡ ngực nhẹ nhàng, tay còn lại xoa bóp vùng dưới núm vú.

7. Dùng thuốc giảm đau

Trong trường hợp mẹ bị cương sữa sinh lý sau sinh ở mức độ nặng, liên tiếp có những cơ đau ngoài sức chịu đựng, bác sĩ có thể chỉ định mẹ sử dụng thuốc giảm đau nhẹ ở liều lượng thấp. Do tình trạng của mỗi người một khác vì vậy hãy chắc chắn bạn đã tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Nên và không nên làm gì khi bị căng sữa sau sinh?

Nên làm gì?

  • Mẹ nên cho trẻ bú trực tiếp trong những ngày đầu, hạn chế để trẻ bú bình.
  • Khi bị cương sữa, mẹ chỉ nên tác dụng nhiệt trong thời gian ngắn tối đa 3 phút trước khi cho trẻ bú để kích thích sữa chảy ra nhanh hơn. Nếu mẹ bị căng sữa đến mức sữa không thể tự chảy ra, mẹ nên dùng máy hút sữa thay vì cho trẻ bú.
  • Mẹ nên xoa bóp ngực nhẹ nhàng trước khi cho trẻ bú để sữa tiết ra nhanh hơn.
  • Nếu mẹ cương sữa do có quá nhiều sữa, mẹ nên loại bỏ những món ăn lợi sữa trong thực đơn hằng ngày. Ngược lại, nếu mẹ ít sữa có thể tăng cường bổ sung thêm.

căng sữa sau sinh phải làm sao

Cho trẻ bú trực tiếp là cách chữa căng sữa sau sinh hiệu quả nhất

Không nên làm gì?

  • Không nên lạm dụng chườm nóng, tránh chườm nóng trong thời gian quá dài.
  • Tuyệt đối không được day ấn mạnh bầu ngực vì có thể gây tổn thương da, vỡ mạch máu nằm xung quanh tuyến vú.
  • Không để người lớn bú mút vì khớp ngậm của người trưởng thành khắc với trẻ nhỏ, đồng thời miệng người là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn dễ gây viêm nhiễm.

Cương sữa sinh lý: Khi nào cần đến bác sĩ?

Cương sữa sinh lý sau sinh có xu hướng thuyên giảm nhanh trong vòng từ 24h – 48h. Sau 48 tiếng, mẹ vẫn không thấy chứng cương sữa giảm nhẹ, mà trái lại ngày càng đau nhức và khó chịu. Khi đó, mẹ cần được đưa đến bác sĩ để kiểm tra và xử lý kịp thời. Trong trường hợp sốt cao hoặc đau quá mức chịu đựng, mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc tiêu sưng, giảm viêm dựa trên chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là chia sẻ từ Bác sĩ Lê Bạch Mai của Nutrihome về cương sữa sinh lý sau sinh và cách chữa căng sữa sau sinh. Nhìn chung, tình trạng có thể gây nguy hiểm cho người mẹ nếu không được điều trị chính xác kịp thời. Vì vậy, mẹ cần được thăm khám tại các cơ sở ý tế để bác sĩ tư vấn điều trị ngay khi có dấu hiệu bất thường. Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome quy tụ nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và giúp mẹ giải quyết triệt để tình trạng căng sữa sau sinh.

5/5 - (4 bình chọn)

Từ khóa » Căng Sữa Sinh Lý Sau Sinh