Cúp Học - Bạn Làm Gì?
(hieuhoc_hieuhoc.com): Cúp học là khái niệm có từ thuở sơ khai của giáo dục. Nhưng chuyện cúp học nhiều khi không đơn giản và ngắn ngủi như cái tên của nó. Đằng sau chuyện cúp học còn là nhiều câu chuyện, nhiều bài học, nhiều tấm gương mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Rảo một vòng quanh các lớp học của một trường ĐH thuộc hàng top của cả nước có chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ, mọi người dễ dàng nhận ra tỉ lệ sinh viên (SV) đi học còn quá ít so với sĩ số lớp học. Một phòng học sức chứa khoảng 50 người thì số lượng chỉ có gần 20 SV. Rất khó bắt gặp một lớp học đông đúc với không khí học hành khí thế.
Cúp học
“Tối qua hơi quá chén trong buổi họp mặt chia tay một đứa bạn sắp lên đường du học nên hôm nay mệt quá,không đến lớp nổi”; “Hôm nay tiết đầu có ông thầy già già giảng chán ngắt, thà ở nhà còn hơn”; “Hôm nay trời nắng, lớp học nóng thế sao mà học mà hành”… Hàng loạt lý do để bao biện cho sự vắng mặt trên lớp học rất thường xuyên của các chủ nhân tương lai của đất nước.
“Phải cúp học, phải nợ môn mới là SV”. Khi được hỏi về vấn đề học tập, rất nhiều SV không ngần ngại trả lời bằng câu “slogan” trên. Từ nhiều SV khóa trên, “truyền thống” cúp học trong SV lại được truyền xuống khóa dưới. Một số SV quan niệm: “Chương trình đào tạo lạc hậu, mang nặng lý thuyết”, vì vậy mà số lượng SV không coi trọng những giờ học trên lớp ngày càng tăng. Nhiều SV dành nhiều thời gian ngồi quán café, ngồi quán net hơn là ngồi trong giảng đường.
Và thi
Đối với những SV cả học kỳ bạn bè không biết mặt, việc thi cử dường như là một cực hình đều đặn ở mỗi cuối học kỳ. Nghỉ học quá nhiều, đến thời gian ôn thi, nhìn lại cuốn sách dày hàng trăm trang và đống tài liệu to tướng khiến nhiều “SV thời vụ” trở nên ngán ngẩm. Lúc này, quay cóp có lẽ là con đường nhanh nhất giúp các bạn có thể vượt qua kì kiểm tra cuối kỳ một cách nhanh chóng nhất. Và nếu vượt qua, cũng là tài liệu vượt qua chứ không phải cái đầu của các bạn.
Nhưng cúp học mà vẫn giỏi
Tuy vắng mặt khá thường xuyên trong các buổi học trên lớp, nhưng một số SV vẫn có được điểm số cần thiết trong những kỳ thi, kỳ kiểm tra của mình mà không cần dùng đến tuyệt chiêu quay cóp, thậm chí họ còn rất am hiểu môn học của mình. Bạn bè hết sức ngạc nhiên khi nhìn vào số điểm gần như tuyệt đối của M.T (SV trường ĐH BK), mặc dù anh ta chỉ lên lớp học được vài tiết trong học kỳ của môn học khó nhằn nhất. Khi được hỏi, mọi người mới vỡ lẽ, T không đến lớp nhưng thường xuyên có mặt tại thư viện trường và những buổi học nhóm với bạn bè. Đọc nhiều tài liệu, làm nhiều bài tập, những lần hiếm hoi T có mặt trên lớp là để hỏi trực tiếp thầy cô những phần T không nắm rõ trong quá trình học ở nhà. Vì vậy mà kiến thức của T vẫn vững vàng bằng cách học riêng, rất chủ động, rất phù hợp với học chế tín chỉ.
Giống như M.T, H.M trường ĐH KT thay vì mày mò trong mớ sách kinh tế dày cộm lại chọn cho mình con đường là làm bán thời gian cho một công ty nhỏ trong vị trí trợ lí kế toán. Vắng mặt rất nhiều trong các bài giảng của thầy cô để dành thời gian cho công việc bán thời gian với số lương ít ỏi, bạn bè ai cũng nghĩ đó là sự lựa chọn sai lầm. Tuy nhiên, với H.M, số tiền kiếm được từ công việc ấy không phải là sức hút để cô bỏ lớp theo việc mà chính là những kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ môi trường doanh nghiệp. Công việc đúng chuyên ngành mang lại cho H.M những kiến thức và kỹ năng hết sức phù hợp. Vì vậy, về nhà,cô chỉ cần đọc lại tài liệu học trình là có thể dễ dàng nắm vững các kiến thức của thầy cô.
Chương trình đào tạo bậc ĐH luôn đòi hỏi người SV có tinh thần tự giác và phương pháp tự học cao. Chính vì tiêu chí này mà cách dạy và giảng của thầy cô ở bậc học ĐH cũng khác rất nhiều với bậc phổ thông. Thầy cô chỉ giảng rất sơ lược và đòi hỏi sự phản hồi từ phía SV. SV cần đào sâu nghiên cứu để có thật nhiều câu hỏi trong những giờ lên lớp. Chính sự khác biệt này làm nhiều SV lầm tưởng thầy cô giảng dạy không hết mình, không nhiệt tình, dẫn đến cố tình nghỉ học mà bỏ qua rất nhiều kiến thức hết sức bổ ích cho việc làm của SV sau này.
Sử dụng hiệu quả quãng thời gian 4 năm làm SV như thế nào là vấn đề của riêng mỗi người SV. Hiếu Học muốn mang lại cho các bạn một cái nhìn tổng quát về những khoảng khắc “cúp học”, một số trường hợp sử dụng thời gian không lên giảng đường một cách tiêu cực và tích cực. Hi vọng mỗi người SV luôn có được những sự lựa chọn tốt nhất cho cách quản lý thời gian, sức lực và tương lai của mình.
Minh Đức
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Minh Đức – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)
Từ khóa » Cúp Tiết Là Gì
-
Cúp Tiết Là Gì - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
CHƯƠNG 1:LÝ LUẬN CHUNG / Định Nghĩa Trốn Học Bỏ Tiết Là Một ...
-
Hiện Tượng Bỏ Học Trốn Tiết Của | Xemtailieu
-
LẦN TRỐN HỌC NÀO LÀM BẠN NHỚ NHẤT? 1. Trốn Tiết Hoá Bị ...
-
Lớp Trưởng Hóng Hớt - 1. Trốn Tiết Ra Khỏi Cổng Trường, đi được Một ...
-
Cúp Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Học Sinh “cúp Cua” - Không Phải Chuyện Bình Thường | .vn
-
Trải Nghiệm Cúp Học đáng Nhớ Nhất Của Bạn Là Gì?
-
3 Lý Do Hàng đầu Sinh Viên Không Nên Nghỉ Học, Cúp Tiết - Chickgolden
-
Tôi... Cúp Học | Kênh Sinh Viên
-
Khám Phá ý Nghĩa Giấc Mơ Trốn Học, Cúp Học Và Các Con Số May Mắn
-
Từ Vựng Tiếng Anh Học Đường Phổ Biến - Sylvan Learning Việt Nam