Cựu điệp Viên Mỹ Edward Snowden: “Chúng Ta đang Chết đuối Giữa ...
Có thể bạn quan tâm
Hai trong số những sự kiện đình đám, gây chú ý đối với giới làm sách trong Hội sách Frankfurt năm nay là sự “xuất hiện” của cựu điệp viên Edward Snowden, tác giả cuốn Permanent Record (Tựa tiếng Việt: Bị theo dõi, Đăng Thư dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2020) và Joshua Wong (nhà hoạt động dân chủ Hong Kong).
Người Đô Thị đã từng giới thiệu cuốn Bị theo dõi của Edward Snowden khi bản tiếng Việt tác phẩm này vừa được ấn hành tại Việt Nam (tháng 5.2020). Cho đến nay, đây vẫn là tựa sách hồi ký tình báo công nghệ được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt.
Chúng tôi xin trích giới thiệu cuộc trò chuyện giữa nhà văn, nhà báo Đức Matthias Frings với cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tại Hội sách Frankfurt 2020 Online vào tối 18.10 vừa qua để bạn đọc có thêm thông tin.
Hình ảnh buổi trao đổi với Edward Snowden tại Hội sách Frankfurt 2020. Ảnh: TL
Anh vẫn luôn là một người thích đọc và sưu tầm sách, đúng không?
Đúng vậy, có một điều tôi nghĩ đến là ngày nay mọi người đọc ebook và các loại hình sách kỹ thuật số thường xuyên hơn so với sách giấy. Nhưng cũng như rất nhiều độc giả ở đây, tôi đã bắt đầu đọc sách từ lúc những lựa chọn đó chưa xuất hiện. Và tôi nghĩ thật thú vị khi quá trình chuyển đổi diễn ra lúc chúng ta đang sống và tiến tới tương lai, cách thế giới dần dành nhiều thời gian hơn cho việc đọc so với thời tôi còn trẻ.
Câu hỏi đặt ra chỉ là chúng ta đọc từ định dạng gì, ta đọc từ những trang web, hay từ vô số các thời biểu, hay từ một quyển sách giấy – vốn là trải nghiệm đọc tốt nhất theo quan điểm của tôi.
Là một chuyên gia và là người nghiện công nghệ internet, vậy có phải anh chỉ đọc sách phi hư cấu không? Anh có đọc tiểu thuyết không?
Tôi có đọc tiểu thuyết nhưng cũng hiếm khi có dịp, vì cuộc sống của tôi quá bận rộn trong những năm gần đây. Về cơ bản, tôi thường chỉ đọc những thứ liên quan đến chính trị hay kỹ thuật, là do cuộc sống của tôi hiện nay.
Có một điều khiến tôi thực sự ngạc nhiên, “bí mật” là 1 từ rất rất quan trọng, cũng liên quan trực tiếp đến gia đình anh. Bởi vì hầu hết các thành viên trong gia đình anh đều làm việc cho quân đội, anh đã trưởng thành giữa cộng đồng làm tình báo, bí mật dĩ nhiên là một vấn đề lớn vì anh làm việc cho NSA, nên anh đã phải hết sức cẩn thận trước khi công bố thông tin. Nhưng giờ đây đột nhiên anh viết một quyển tự truyện, anh trở nên rất cởi mở, nói về gia đình, về cuộc sống riêng tư của mình, cũng như những điều thật đẹp đẽ về vợ mình. Vì cớ gì anh quyết định làm việc đó?
Thành thật mà nói, điều này thực sự khó khăn. Đây không phải là một cuốn sách mà tôi đã dự định viết từ trước. Thực ra nó ra đời như một sản phẩm của quá trình bắt đầu viết và bắt đầu trở thành một tác giả.
Khi tôi tiếp cận các nhà xuất bản nói về các dự án mà tôi đã nghĩ đến, họ đều phản ứng rằng họ muốn xem một cuốn sách viết về tôi. Và tôi đã trò chuyện với bạn bè và những người bạn tâm giao của mình. Chúng tôi đã tranh luận rất lâu và họ nghĩ một điều tôi cũng đồng tình rằng, khi tôi xuất hiện vào năm 2013, rất nhiều người đã hiểu sai về mọi thứ đã xảy ra trong nhiều năm qua và cách duy nhất để bạn có thể kết hợp tất cả các chủ đề này lại với nhau và tạo ra một bức tranh thống nhất chia sẻ về những gì đã xảy ra, không chỉ với tôi mà với thế giới và sự thay đổi trong công nghệ, sự tiến bộ của nó là trong một cuốn sách.
Vì vậy những gì tôi cố gắng làm khi viết Permanent Record (Tựa tiếng Việt: Bị theo dõi, Đăng Thư dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng, 2020) không phải chỉ viết về tôi mặc dù tất nhiên đó là một điều cần thiết trong bất kỳ tác phẩm nào thuộc loại tự truyện.
Cuốn sách nói về điều gì đã làm nên cuộc sống của tôi, cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế nào, những cách công nghệ và xã hội thay đổi tại thời điểm đó. Vì vậy nó thực sự như kiểu một cuốn sách lịch sử kép. Đó là lịch sử của bản thân tôi với tư cách một cá nhân và cũng là lịch sử về thời điểm mà tất cả chúng ta đã trải qua; kết nối của chúng ta với internet, nó đã thay đổi như thế nào và nó đã thay đổi chúng ta theo nhiều cách như thế nào.
Bản tiếng việt cuốn Permanent Record của Edward Snowden đã được Phanbook & NXB Đà Nẵng phát hành cuối tháng 5.2020
Đôi khi tôi phải thừa nhận tôi thực sự quên rằng mình không phải đang đọc một cuốn tiểu thuyết bởi sức hấp dẫn của nó. Anh là một người kể chuyện bẩm sinh và tôi nghĩ anh là một người hoàn hảo để viết tiểu thuyết tình báo. Anh đã bao giờ nghĩ về việc đó chưa?
Tôi đã từng nghĩ về việc đó. Tôi không chắc nó sẽ là một tiểu thuyết tình báo nhưng tôi đã nghĩ về việc viết truyện thể loại hư cấu. Hiện tại tôi đang suy nghĩ nhiều hơn về tương lai, về việc làm thế nào để chúng ta xem xét xã hội ngày nay theo cách làm mọi người thoải mái hơn; vì nếu bạn bắt đầu nói chuyện về mặt phê bình xã hội, phân tích chính trị thì mọi người sẽ trở nên dè chừng. Nhưng nếu chúng ta chuyển nó vào bối cảnh hư cấu, tôi nghĩ mọi người có thể nói và suy nghĩ thẳng thắn hơn.
Vì vậy tôi đã thực sự nghĩ về điều đó rất nhiều. May mắn thay, tôi có rất nhiều thời gian ở phía trước và có thể chúng ta sẽ thấy tương lai một cuốn sách hư cấu trong tương lai.
Có vẻ anh rất quan tâm đến các bình luận xã hội?
Không chỉ như vậy, tôi nghĩ bình luận xã hội thực sự là một biểu hiện về cách chúng ta hiểu bản thân và làm thế nào để chúng ta hiểu thế giới mà chúng ta kết nối; làm thế nào để chúng ta nói những gì chúng ta cảm thấy, những gì chúng ta thực sự cảm thấy nhưng mọi người không thể hiểu trong một điều gì đó ngắn gọn như một cuộc trò chuyện mà chúng ta không thể diễn đạt trong một cuộc phỏng vấn, cho dù chúng ta có hùng hồn đến đâu. Nhưng nếu chúng ta biểu hiện một bức tranh của trái tim mình như nó vốn có, những gì chúng ta nhìn thấy trong tâm trí của mình, chúng ta có thể đi sâu hơn ngay.
Và tôi nghĩ đó là những gì sách dành cho tôi. Tôi chỉ đang nghĩ làm cách nào để khiến mọi người nghĩ về những thứ quá trừu tượng và khó đối với nhiều người, những thứ như quyền riêng tư, những thứ như công nghệ, những thứ như giám sát theo cách thú vị hơn, dễ liên hệ hơn và dễ kết nối hơn.
Permanent Record là bước đột phá đầu tiên của tôi để làm điều đó. Như anh cũng đã nói, tôi đã cố gắng rất nhiều để làm cho nó dễ đọc hơn thứ gì đó đại loại như một cuốn sách đáng sợ với 4.000 chú thích, tuyệt vời về mặt học thuật nhưng lại không có yếu tố nhân văn đó.
Tôi cũng là một tác giả (Matthias Frings là tác giả của những cuốn sách: Der Ietzte Kommunitst–Das abenteuerliche Leben des Ronald M. Schernikau, Liebesdinge: Bemerkungen zur Sexualität des Mannes xuất bản tại Đức… - ghi chú của người dịch). Anh có đồng ý rằng những tư tưởng mình nói đến cần cách diễn giải văn học và không thể hoàn toàn được thực hiện bằng những cách chi tiết hơn; Chúng cần được dẫn dắt và kể chuyện,dĩ nhiên anh cũng phải có tính giải trí vì chúng ta đang sống trong thời hiện đại, nếu phải kể một câu chuyện sao ta lại không trở nên giải trí chứ, và anh là người Mỹ, hẳn anh cũng hiểu rất nhiều về giải trí?
Đúng vậy, một trong những thách thức của thời nay và dính líu đến vấn đề theo dõi – giám sát; một trong những chủ đề chính của Permanent Record là cảm giác bị quan sát.
Liên tục có những ghi chép được tạo ra về chúng ta, về tất cả mọi thứ, cả thế giới đang bị quan sát không chỉ bởi con người, được ghi chép không chỉ bởi những người cầm điện thoại mà dĩ nhiên là tất cả những công ty và dịch vụ, những tập đoàn cũng như những tổ chức đang cố lợi dụng để gây ảnh hưởng, khống chế và kiểm soát tất cả chúng ta. Nhưng để làm vậy trước hết họ sẽ muốn hiểu chúng ta càng nhiều càng tốt, tường tận nhất có thể.
Tất cả những điều nay đang đồng thời diễn ra nhưng sự quan sát này, khi mọi thứ đang diễn ra như vậy, câu hỏi là ai đang làm điều đó. Ngay lúc này máy móc đang tập hợp mọi thứ lại, nếu bạn lên mạng và xem tin, hay đọc báo hoặc mua một quyển sách về những sự kiện thời đại sẽ thấy mọi thứ diễn ra quá nhanh.
Cảm giác như mọi thứ đang diễn ra mọi nơi ở mọi lúc, chúng ta đang chết đuối giữa biển thông tin. Đây để nói rằng chúng ta không bị thiếu thông tin, thứ chúng ta thiếu là sự chú ý. Có sáu – bảy tỉ cặp mắt trên hành tinh này và cuộc chiến đang diễn ra.
Năm 2013, khi đang là nhân viên của CIA, Edward Snowden đã sao chép khoảng 1,5 triệu tài liệu mật, tối mật từ NSA và cung cấp cho báo giới công bố những chương trình do thám toàn cầu, nhiều hoạt động giám sát người dân thô bạo do NSA hợp tác cùng các công ty viễn thông; từ đó thúc đẩy một cuộc thảo luận văn hóa về an ninh quốc gia và quyền riêng tư cá nhân... Ảnh: TL
Anh đã đứng dậy để bảo vệ quyền tự do của các trang web trong khi hầu hết chúng ta đang sử dụng web có thể theo một cách quá bất cẩn. Thái độ của anh đối với việc này như thế nào?
Tôi nghĩ chúng ta phải hiểu rằng khi mọi người tham gia vào internet, chúng ta bị nó xâm phạm. Đó không phải là lỗi của nạn nhân, mà đáng lên án những người đang khiến chúng ta trở thành nạn nhân; đó là các nhà công nghệ với tư cách là một tầng lớp có trách nhiệm bảo vệ những người bình thường hoặc như chúng ta gọi họ là người dùng.
Người dùng bị ràng buộc bởi các thỏa thuận điều khoản dịch vụ này tạo ra ảo tưởng rằng bạn chỉ cần nhấp vào là có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn. Bạn không thể kiếm được việc làm và tham gia cuộc sống xã hội một cách hợp thời mà không mang theo điện thoại thông minh. Nhưng thông qua việc mang theo điện thoại thông minh, thông qua việc mở điện thoại, đăng ký tài khoản hoặc thực hiện cuộc gọi, bây giờ cuộc sống của bạn đã trở thành một phần thông tin đối với Apple nếu bạn sở hữu iPhone hoặc Google nếu bạn sở hữu điện thoại Android bất kỳ. Những công ty này tạo ra cơ sở hạ tầng nhằm khai thác mọi người ở khắp mọi nơi và chúng ta, những người bình thường, đang bị lợi dụng.
“Cả thế giới đang bị quan sát không chỉ bởi con người, được ghi chép không chỉ bởi những người cầm điện thoại mà dĩ nhiên là tất cả những công ty và dịch vụ, những tập đoàn cũng như những tổ chức đang cố lợi dụng để gây ảnh hưởng, khống chế và kiểm soát tất cả chúng ta”
Edward Snowden
Khi tôi nhìn vào sự việc này, nơi mọi người đang bị bóc lột và cho là họ bất cẩn. Không, họ không bất cẩn mà họ chỉ đang trải qua một ngày của họ. Nhiều người đang cố gắng sử dụng internet theo cách tốt hơn và an toàn hơn như chạy trình chặn quảng cáo, mã hóa các đoạn đối thoại, nhưng ngay cả khi họ làm vậy, họ vẫn bị lợi dụng ở mọi thời điểm có thể bởi vì đó vốn không phải là một cuộc chiến công bằng.
Có những người đã dành cả cuộc đời để hiểu những cơ sở hạ tầng này và xây dựng chúng để gây ảnh hưởng và thao túng chúng ta chia sẻ nhiều hơn, hoặc bộc lộ bản thân một cách vô tình khi chúng ta tham gia vào cuộc sống bình thường của mình.
Ý tôi là lỗi thuộc về những công ty này và cả chính những chính phủ tạo ra một hệ thống được thiết kế để gây hại, để tạo ra ảnh hưởng không công bằng lên những người bình thường. Lẽ ra họ phải làm tốt hơn công việc tạo ra các hệ thống an toàn theo mặc định, thay vì nói người dùng cần nghiên cứu đầy đủ trước khi sử dụng điện thoại.
Tôi không nghĩ điều đó là công bằng khi mong đợi những người bình thường không có chuyên môn về mặt công nghệ có thể chiến đấu chống lại sự giám sát bởi các công ty giàu nhất trong thế giới và các chính phủ quyền lực nhất trong lịch sử, một cách bình đẳng.
Edward Snowden phát biểu qua video tại sự kiện công nghệ lớn nhất châu Âu Web Summit 2019. Ảnh: Henrique Casinhas
Đôi khi anh có cảm thấy thất vọng về cách xã hội không thay đổi nhiều sau khi anh công khai những thông tin đó?Xã hội không thay đổi gì nhiều, phải vậy không?
Tôi không nghĩ việc đó là đúng, nhiều thứ đã thay đổi. Thứ thay đổi quan trọng nhất là sự nhận thức. Khi chúng ta bị xâm phạm và biến thành nạn nhân, chúng ta không hề nhận thức được nó xảy ra, chúng ta không có khả năng thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình, nhưng mọi người đang có những lựa chọn tốt hơn.
Ngay cả những công ty đã làm sai trong thập kỷ qua cũng đã cải thiện hoạt động của họ. Phần lớn thông tin liên lạc trên internet bây giờ được mã hóa và điều này không xảy ra trước khi tôi bắt đầu. Tôi đã đáp lại những lời chỉ trích bằng việc tôi thúc đẩy việc áp dụng mã hóa mạnh mẽ hơn trong bảy năm và đây là một trong những điều tuyệt vời nhất mà mọi người từng nói về tôi.
Bây giờ vấn đề là chúng ta cần giải quyết là sự giám sát hàng loạt vẫn đang diễn ra. Nhiều quốc gia, thậm chí cả nước Đức, theo nhiều cách, đã chấp nhận giám sát hàng loạt hơn là trừng phạt những cơ quan đã vi phạm pháp luật, quyền của chúng ta, tiêu chuẩn của chúng ta, kỳ vọng của chúng ta. Họ chỉ đơn giản là phê duyệt lập pháp những điều đã được thực hiện trước đó trong bí mật và thay vì khiến các cơ quan tuân thủ luật pháp, thì giờ đây họ đã làm cho luật pháp tuân thủ các cơ quan.
Điều này quay trở lại một câu hỏi lớn hơn, đó là công chúng thực sự có bao nhiêu quyền kiểm soát đối với hành động của các tổ chức lớn này ngày nay, cho dù họ là công ty tư nhân hay họ là chính phủ của chúng ta. Và tôi không đồng ý rằng không có gì thay đổi.
Người dùng thực sự có quan tâm và họ đang cố gắng chia sẻ có chọn lọc. Họ đều muốn kiểm soát cuộc sống, câu chuyện và hình ảnh của chính mình. Không phải họ không biết gì mà là họ muốn chia sẻ với những người họ tin tưởng. Những gì mọi người cảm thấy là họ không có sức mạnh để thay đổi hệ thống như chúng ta có ngày nay.
Không phải là không có gì thay đổi, mà đây là một cuộc đấu tranh lâu dài hơn là một trận chiến ngắn.
Dự báo của anh về công nghệ trong 10 năm tới như thế nào?
Vấn đề giám sát hàng loạt sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn cho đến khi chúng ta thay đổi một số nguyên tắc cơ bản trong hệ thống luật của chúng ta.
Ngay bây giờ ở châu Âu, tôi thấy một số nỗ lực hàng đầu để thay đổi một số hành vi lạm dụng tồi tệ nhất với các công nghệ như GDPR. Nhưng chúng ta không gặp vấn đề về bảo vệ dữ liệu, mà là vấn đề thu thập dữ liệu. Các công ty có thể tạo hồ sơ và sở hữu những hồ sơ cá nhân vốn thuộc về bản thân của chúng ta, những vấn đề này sẽ tiếp tục phức tạp và lan rộng.
Điều này có thể sẽ diễn tiến trong 10 năm tới nhưng đến một lúc nào đó, mọi vấn đề liên quan đến luật pháp sẽ trở nên rõ ràng và mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh.
Uyên Phạm dịch
Từ khóa » điệp Viên Edward Snowden
-
Edward Snowden – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thế Giới Ta đang Sống Dưới Mắt Cựu điệp Viên Edward Snowden
-
Vì Sao Phim Về Cựu điệp Viên Edward Snowden Thua Lỗ Nặng? - Zing
-
Cựu điệp Viên Mỹ Edward Snowden Lần đầu Tiết Lộ Về Cuộc Sống ở ...
-
Cựu Nhân Viên CIA Tố Giác Chính Phủ Mỹ - VnExpress
-
Cựu điệp Viên Mỹ Edward Snowden Chuẩn Bị Xuất Bản Hồi Ký
-
Edward Snowden | Vietnam+ (VietnamPlus)
-
Mật Vụ Snowden | Netflix
-
Tin Tuc CẬP NHẬT , Edward Snowden | Báo Người Lao Động Online
-
Lộ Thông Tin Mật, Anh Rút điệp Viên ở Nhiều Nước - Hànộimới
-
Mỹ đòi Tịch Thu 5,2 Triệu USD Tiền Viết Sách Của 'tội đồ' Edward ...
-
Edward Snowden Trở Thành điệp Viên Như Thế Nào? - Tiền Phong
-
Mật Vụ Snowden - Phụ đề - FPT Play