Thế Giới Ta đang Sống Dưới Mắt Cựu điệp Viên Edward Snowden

Thế giới ta đang sống dưới mắt cựu điệp viên Edward Snowden - Ảnh 1.

Ảnh: H.T.KHANG

Hành trình đi từ một người bình thường trở thành anh hùng (và kẻ phản bội) được anh thuật lại trong cuốn tự truyện Permanent Record - vừa được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Bị theo dõi.

Không giống như nhiều tự truyện khác, khi người viết luôn cố "tẩy trắng" bản thân hay biến mình thành anh hùng hòng kể một câu chuyện ly kỳ thu hút độc giả, trong Bị theo dõi (Đăng Thư dịch, Phanbook và NXB Đà Nẵng), Snowden luôn muốn nhấn mạnh mình là một người bình thường.

Snowden muốn xóa tan những huyền thoại xung quanh mình, như cách thế giới đang phủ bóng những giai thoại bí ẩn lên Julian Assange - người sáng lập WikiLeaks. Dẫu vậy, tác giả vẫn biết cách biến câu chuyện của mình trở nên hấp dẫn, khi phân tách thế giới ra những ngày trước khi có Internet và sau khi có Internet.

Sinh năm 1983, thuộc "thế hệ cuối cùng không bị số hóa, thế hệ có tuổi thơ không ở trên đám mây điện toán..." nhưng yêu thích công nghệ từ nhỏ, thế giới quan trong Snowden thay đổi khi khám phá ra thế giới của máy tính.

Và điều gì khiến con người bình thường bỗng chốc vụt lên như một "người thổi còi"? Có lẽ ít ai ngờ đến, đó là từ sự kiện chấn động toàn thế giới - sự kiện

"11 tháng 9" - khi chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi, đẩy nước Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến và cho phép chính quyền vượt khỏi những giới hạn của mình.

Snowden đã chỉ ra trên thực tế, thứ Internet mà toàn thế giới đang sử dụng ngày nay được kiểm soát bởi một số ít cá nhân. Thoạt tiên những cá nhân đó đóng vai trò bảo vệ, nhưng dần dần họ trở thành những kẻ thao túng. Chúng ta phải rùng mình nhận ra mỗi cái nháy chuột, mỗi liên kết chúng ta nhấp vào đều có ai đó trên thế giới này biết.

Các công ty chỉ cần tìm ra cách để đặt mình vào giữa những trao đổi xã hội của mọi người và biến chúng thành lợi nhuận. "Đây là khởi đầu của chủ nghĩa tư bản dọ thám" - Snowden viết.

Đó là khi Edward Snowden biết rằng mình cần phải hành động. Từng làm sĩ quan của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) và làm nhà thầu cho Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), anh hiểu được các thiết chế quyền lực của các cơ quan tình báo, cách mà họ theo dõi bất hợp pháp những công dân và quyền hành của họ trong việc can thiệp vào đời sống riêng tư của mỗi cá nhân mà không được cho phép.

Điều đó dẫn Snowden đến một quyết định quan trọng: công khai những tài liệu mà anh biết để đánh thức những công dân trên toàn thế giới biết rằng môi trường Internet mà họ ngỡ tưởng là tự do, an toàn đã thay đổi. Tất cả đều đặt dưới đôi mắt quan sát của một hệ thống tự cho phép mình có quyền với những thông tin trên mạng.

Quyết định đó đã đẩy Snowden đến cảnh phải sống một cuộc đời lưu vong, và thời điểm cuốn tự truyện ra đời anh vẫn đang phải sống những ngày trên đất khách. Quyết định này cũng đồng thời đẩy anh vào cơn bão dư luận, một đằng coi anh là kẻ phản bội nước Mỹ, trong khi phần còn lại coi anh là anh hùng.

Dù thế nào, cuốn sách là lời thức tỉnh cho những công dân của thế kỷ 21, những người đang hằng ngày lang thang trên Internet mà không biết rằng mình đang bị theo dõi.

Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản vào ngày 17-9-2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện dân sự chống lại Snowden.

Cho đến nay, đã có nhiều bộ phim tài liệu lẫn phim điện ảnh lấy cảm hứng từ cuộc đời của Edward Snowden. Đáng chú ý nhất là bộ phim Snowden được công chiếu năm 2016, thu hút nhiều ý kiến khen chê khác nhau.

Mỹ kiện đòi tiền nhuận bút viết sách của Edward Snowden Mỹ kiện đòi tiền nhuận bút viết sách của Edward Snowden

TTO - Cho rằng cuốn sách mới ra mắt của Edward Snowden chứa các thông tin thuộc diện đã cam kết sẽ không được tiết lộ, các luật sư đại diện cho chính phủ Mỹ đã đệ đơn kiện, yêu cầu tịch thu toàn bộ tiền bán sách.

Từ khóa » điệp Viên Edward Snowden