Cựu Sinh Viên Ngoại Thương Bán Kem Gọi Vốn 5 Tỷ Trên Shark Tank ...

Phó Đức Thành, Nguyễn Hùng Cường và Đỗ Hồng Ngọc là đồng sáng lập của thương hiệu kem Takitimu. Các bạn trẻ xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam tập 11 với lời đề nghị được rót vốn 5 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần.

Theo lời Ngọc, năm 2013, sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, hai vợ chồng Ngọc sang New Zealand, làm cho một cửa hàng kem có quy mô gần như lớn nhất New Zealand.

"Chính xác họ là một trang trại dâu tây, trồng dâu tây và sử dụng chính dâu tây đó để làm kem. Nhận thấy họ chỉ có một vị duy nhất nhưng rất được yêu thích, với doanh số lên tới 3.000 cây kem/ngày, vợ chồng em tự hỏi: Ở Đông Nam Á có nhiều loại hoa quả nhiệt đới phong phú, tại sao không mang công nghệ này về?", Ngọc kể.

Tháng 3/2016, các bạn trẻ mở cửa hàng kem đầu tiên tại Hà Nội trên phố Phan Đình Phùng. Món kem lạ cộng thêm việc chạy quảng cáo, doanh thu cửa hàng lên tới 100 triệu đồng/tháng. Sau đó vì khúc mắc với chủ nhà, Takitimu phải chuyển cửa hàng trong vẻn vẹn 10 ngày. Cộng thêm mùa thu - đông, khoảng thời tiết "chết" của hoạt động kinh doanh kem, doanh thu Takitimu dần đi xuống.

Sau 2 năm kinh doanh, doanh thu của cửa hàng kem ở mức 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng.

Chi phí mở một cửa hàng kem mất khoảng hơn 600 triệu đồng, trong đó, chi phí lớn nhất là máy chế kem, nhập từ Úc với mức giá 200 triệu đồng/máy. Trừ mít, xoài, bơ… các loại hoa quả khác cũng phải nhập về. Mùa hè doanh thu 60-70 triệu đồng/tháng, mùa đông doanh thu tầm 30 - 40 triệu đồng/tháng, đủ hòa vốn.

Sản phẩm bán ra có mức giá dao động từ 29.000 - 34.000 đồng/cây kem.

Các Sharks chỉ ra 5 tử huyệt kiểu "em tưởng" mà Takitimu cũng như dân F&B hay mắc phải

Với số tiền gọi được, các sáng lập của Takitimu muốn tập trung vào marketing, tự chủ nguồn nguyên liệu và mở chuỗi.

Kế hoạch này nhận được khá nhiều cái lắc đầu từ các Sharks. Các vị cá mập của chương trình Shark Tank Việt Nam cũng đưa ra nhiều sai lầm mà Startup F&B này mắc phải.

- Làm F&B nhưng không có bí quyết riêng

Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse nhìn nhận các nhà sáng lập làm F&B mà không nắm giữ được bí quyết riêng.

Sản phẩm về cơ bản là hoa quả và kem cho vào máy trộn. Trong khi đó kem mua từ Thái Lan. Máy nhập từ Úc. Hoa quả cũng phải mua ngoài (mua trong nước hoặc nhập khẩu). Rất dễ copy. Đến nhân viên làm cũng có thể copy lại.

Ông chủ Sunhouse thẳng thắn nhận xét: "Anh thấy mô hình này của em mức lợi nhuận không cao, anh cũng không nhìn thấy bí quyết gì để các em giữ được nên khi nhân rộng, rất khó để đảm bảo tính cạnh tranh. Ngay cả nhân viên của em cũng có thể copy lại những gì em đã làm".

- Copy mô hình mà không xác định được đâu là giá trị cốt lõi

"Các trang trại New Zealand chẳng ai mở ra chuỗi bán để kiếm tiền, họ chỉ dùng để quảng bá về sản phẩm hoa quả. Họ coi đây là sản phẩm phụ trong một cửa hàng của họ. Có nghĩa là nếu đứng độc lập rất khó để tồn tại một mô hình riêng kiếm lời", Shark Phú nhận xét.

Shark Thủy cũng đồng tình với ý kiến này, nhìn nhận với mô hình trang trại nông sản bán kem, thì nông sản mới là giá trị cốt lõi, còn mô hình bán kem là giá trị gia tăng của trang trại, chứ không phải giá trị cốt lõi.

- Thế giới chưa có mô hình nào tương tự, nhưng Founder cho rằng mình có thể là người tiên phong?

Nhìn nhận về mô hình bán kem hoa quả phát triển theo chuỗi, Shark Thủy đặt nghi vấn khi đây chưa phải một mô hình kinh doanh đã được chứng minh ở đâu đó là đã thành công với một hệ thống lớn.

Thành cũng thừa nhận thế giới chưa có mô hình như thế, và các bạn đang muốn áp dụng tại Việt Nam.

"Em có biết tại sao những trang trại ở New Zealand chưa nhân thành chuỗi?", Shark Phú đặt câu hỏi.

"Họ hoàn toàn chưa muốn mở rộng. Họ muốn làm kem từ chính trang trại dâu tây này, từ chính những trái dâu tây của họ", Thành nói.

Việc chưa có mô hình nào tương tự trên thế giới không có nghĩa là không ai nhìn ra, mà khả năng cao hơn là họ nhìn rõ thị trường tiềm năng không lớn hoặc mô hình đó khó thành công nên không nhảy vào.

- Làm F&B mà chi phí vốn quá lớn

Khi trang trại bán luôn kem, thì cơ cấu giá thành của cây kem sẽ không mất tới 40% cho giá vốn.

"Khi làm thương mại, chi phí giá vốn lên tới 40% là rất cao về mặt nguyên liệu, chưa kể hàng tồn kho, hàng hỏng do đây không phải đồ để lâu, sẽ đi vào chi phí rất lớn. Xét về yếu tố thương mại, anh không thấy có gì để có thể nhân rộng, doanh thu lại quá thấp", Shark Thủy nhận xét.

- Muốn franchise mà không sở hữu bí quyết, nguyên liệu, chưa chuẩn chỉnh được quy trình vận hành

"Nhân viên bán 100 cây kem nhưng báo lại là chỉ bán 50 cây kem, làm sao em biết? Họ sang hàng kem khác mua 1 - 2kg đổ vào làm sao em biết? Nhân viên đưa thêm nguyên liệu vào bán em quản thế nào?", Shark Phú chất vấn.

"Thường nhượng quyền phải có bí quyết nào đó bắt buộc cửa hàng phải mua lại. Ví dụ McDonald hoặc KFC phải có công thức, có loại thực phẩm chế biến ở bếp trung tâm".

Shark Hưng cũng nhắn nhủ: Để franchise (nhượng quyền) phải có Thương hiệu, Công thức nhượng quyền với Cách thức vận hành được chuẩn hóa.

"Em cần phải có bếp trung tâm đã được sơ chế, hoặc kem nền tự sản xuất, nguyên liệu pha sẵn rồi cung cấp tới các cửa hàng franchise, họ buộc phải mua của em để làm. Cách quản lý, quy trình vận hành để không cho người ta đưa kem hay hoa quả không phải của em vào. Phải quản lý được doanh số để nhân viên không tự ý bán hàng mà không ghi vào doanh số…"

"Tất cả những cái đó giúp người ta khi bán hàng nhượng quyền của em người ta cảm thấy tự tin. Ngoài ra, em phải làm sao để đa dạng hóa sản phẩm, tránh được chuyện mùa đông không có ai mua hàng, bằng cách bán sản phẩm phụ thêm gì đó", Shark Hưng khuyên.

Dù không may mắn phải nhận đến 5 cái "lắc đầu" từ các nhà đầu tư nhưng những nhà sáng lập của Takitimu thừa nhận họ đã nhận được rất nhiều lời khuyên bổ tích từ các Sharks. Đây sẽ là bài học bổ ích dành cho các nhà sáng lập trẻ, giúp họ có thể thêm các kiến thức để nhìn nhận, đánh giá đúng giai đoạn phát triển của mô hình kinh doanh mà mình đang theo đuổi.

Tổng quan thương vụ gọi vốn của Takitimu:

- Mô tả: Takitimu là cửa hàng bán kem trộn với hoa quả tươi, học hỏi từ mô hình của các trang trại nông sản tại New Zealand. Các sản phẩm kem có giá từ 29.000 - 34.000 đồng/cây kem.

- Founder: Phó Đức Thành, Nguyễn Hùng Cường và Đỗ Hồng Ngọc

- Lĩnh vực: F&B

- Tình hình kinh doanh: Sau 2 năm kinh doanh, doanh thu của cửa hàng kem ở mức 1,4 tỷ đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng.

- Gọi đầu tư: 5 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần

Kết quả: Không được nhận đầu tư

Chiến lược giúp Starbucks trở thành chuỗi cà phê lớn nhất thế giới, ai kinh doanh ngành F&B cũng nên học hỏi

Bảo Bảo

Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link! http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=C%E1%BB%B1u+sinh+vi%C3%AAn+Ngo%E1%BA%A1i+th%C6%B0%C6%A1ng+b%C3%A1n+kem+g%E1%BB%8Di+v%E1%BB%91n+5+t%E1%BB%B7+tr%C3%AAn+Shark+Tank%2C+c%C3%A1c+Shark+ch%E1%BB%89+ra+5+t%E1%BB%AD+huy%E1%BB%87t+%22em+t%C6%B0%E1%BB%9Fng%22+m%C3%A0+d%C3%A2n+F%26B+hay+m%E1%BA%AFc+ph%E1%BA%A3i

Từ khóa » Nhượng Quyền Kem Nz