Dạ Lữ Viện Xưa: Người Lang Thang, Không Cửa Không Nhà đến Ngủ ...

Dạ Lữ Viện xưa: Người lang thang, không cửa không nhà đến ngủ hằng đêm - Ảnh 1.

Dạ Lữ Viện Địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn - Ảnh tư liệu

1. Có một lần, tôi cùng một ông anh già gân chạy xe ẩu, phải lên trụ sở cảnh sát giao thông ở đường Trần Hưng Đạo nộp phạt.

Anh già dân chơi của tôi thuộc loại "hi chân đai" - hai chân đi của cái đô thành Sài Gòn hoa lệ, tự hào là rành sáu câu vọng cổ ngõ ngách của thành phố này. Đứng nhìn trụ sở cảnh sát giao thông một lúc, anh hỏi thằng tôi: "Mày biết hồi trước trụ sở này là cái gì không?".

A, câu này dễ, vì hồi đó khi đi học tôi thường đi ngang đây. "Ty Cảnh sát công lộ chứ gì? Tui bị cảnh sát công lộ rượt hoài" - nổ một chút theo tinh thần người Việt. Lão đại ca hỏi tiếp: "Còn trước nữa?". Câu này thì tôi bí.

Lão đại ca bèn giảng giải nơi này trước đây là Dạ Lữ Viện, đường Galliéni thời Pháp thuộc. Tên gì nghe rất là "giang hồ kiếm khách". Này nhé: dạ là đêm; lữ là quán trọ, lang thang; viện là nơi chỗ, sở viện.

Tôi hỏi tiếp "cái viện gì mà ghê vậy anh?". "Viện gì. Tiếng Tây gọi là L’asile de nuite. Cái tên dịch qua tiếng Hán thì ghê vậy chứ nôm na nơi này là nơi "tiếp rước", "quéo còm" cho người lang thang, không cửa không nhà đến ngủ hằng đêm.

Hồi xưa, người ta đặt tên khi đọc lên nghe hoành tráng lắm, nhà thương con nít kêu là "Viện bảo dưỡng hài nhi" hay "Viện Dục Anh", còn nơi ở của người già gọi là "Viện dưỡng lão". Ôi, nghe thật là sướng cái lỗ tai".

2. Ngày 16-11-1949, Dạ Lữ Viện ở số 345 Galliéni, Sài Gòn được khánh thành sau một thời gian xây dựng theo đề xuất của Bộ Xã hội. Ngôi viện này được dành cho người thất cơ lỡ vận, không nơi ngủ hằng đêm có thể đến để trú ngụ.

Rộng khoảng 200m2, mái ngói và các gian nhà được kiến trúc giống một cánh cửa mở vào một ngôi chùa. Với kiến trúc và cái tên viện như thế, có lẽ chính quyền muốn cho người mang kiếp nạn của phận làm người không no ấm khỏi có cảm giác là người được bố thí.

Đến khi ông Ngô Đình Diệm nắm chính phủ, những cuộc đụng độ thường xuyên khiến Dạ Lữ Viện tan hoang và số phận những con người ở đây trôi dạt tứ phương. Ngôi nhà Dạ Lữ Viện trở thành Ty Cảnh sát công lộ từ năm 1968 với tên là Cảnh sát Lưu Thông.

Dạ Lữ Viện không còn nhưng còn lại một cái tên "Khu Dạ Lữ Viện" - nằm trong hẻm phía sau khu "bót Công Lộ" với những ngôi nhà tạm bợ như đang chạy tị nạn chờ ngày hồi cư.

Sau năm 1975, khu Dạ Lữ Viện bị giải tỏa để xây dựng khu công ích. Năm 1982, chính quyền phường Cầu Kho lại phải bố trí những người từ khu kinh tế mới về, sống lang thang tại chợ Nancy về khu này.

Năm 2004, báo chí ghi nhận nơi đây như một khu ổ chuột với 120 người của 25 hộ cư ngụ chen chúc - bình quân 2m2 một nhân khẩu. Đến năm 2018, sau khi đã di dời có đền bù cho người dân, khu Dạ Lữ Viện được xây thành khu công ích.

3. Khi cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 đến hồi quyết liệt, nhiều người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Ngày 31-3, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM có văn bản kiến nghị UBND TP đẩy mạnh việc tập trung người vô gia cư ăn xin, người sinh sống nơi công cộng vào trung tâm hỗ trợ xã hội để quản lý, kiểm soát.

Đọc dòng tin này, bỗng dưng ngồi buồn nhớ người, tôi nghĩ đến Dạ Lữ Viện.

Những cái tên như Dạ Lữ Viện, khu Khăn Đen Suối Đờn, Mã Lạng, Bến Tắm Ngựa… sẽ luôn còn đó trong lòng người Sài Gòn. Quá khứ đi qua, nhưng những điều hay, lẽ phải liên quan đến thành phố này sẽ còn mãi.

Có một Dạ Lữ Viện ở Hà Nội xưa

Tại Hà Nội ngày xưa cũng có một Dạ Lữ Viện do Hội Hợp thiện thành lập. Theo một bài viết của ông Bùi Hệ, "Dạ Lữ Viện được khởi công xây dựng năm 1932 tại đường Soeur Antoine (nay là phố Hàng Bột), Hà Nội.

Ngày 4-12-1933, vua Bảo Ðại đã tham dự lễ khánh thành viện, khi đó Dạ Lữ Viện hoàn thiện được khoảng hai phần ba. Dạ Lữ Viện là nơi tiếp nhận người nghèo không phân biệt độ tuổi và giới tính. Viện cung cấp cho mỗi người nghèo một chỗ nghỉ ngơi miễn phí trong vòng bảy đêm liên tiếp...

Bên cạnh đó, Dạ Lữ Viện cũng tổ chức một văn phòng giới thiệu việc làm. Với danh sách người xin việc và thông tin việc làm được cập nhật mỗi tuần, văn phòng đã mang lại nghề mưu sinh cho trên dưới 200 người từ thư ký, lái xe đến giúp việc và phu phen...".

120 năm Viện Viễn Đông Bác cổ: Lật mở những câu chuyện thú vị còn khuất lấp 120 năm Viện Viễn Đông Bác cổ: Lật mở những câu chuyện thú vị còn khuất lấp

TTO - Ngày này đúng 120 năm trước (20-1-1900), Toàn quyền Paul Doumer đã ký nghị định thành lập Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp.

Từ khóa » Dạ Lữ Viện