Đã Mang Lấy Nghiệp Vào Thân | ĐÀM LINH THẤT
Có thể bạn quan tâm
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thơ tặng cho người bỗng lãng quên
Thân này là thân nghiệp và còn mang thân là còn mang nghiệp. Nghiệp không phải là cái để trách mà nhìn ra ta đã làm gì để hưởng nghiệp hay trả nghiệp. Có những nghiệp quá lớn và ta dường như bất lực đứng nhìn nó, nhưng dù cho có lớn cách mấy nếu ta biết thực tập thì nghiệp vẫn chuyển hóa, nhỏ dần, nhỏ dần và đến khi không còn nghiệp nữa. Cuộc đời không hẳn là một bể khổ như những gì người ta lặp đi lặp lại như một thông điệp. Khi đức Phật thành đạo, đâu thấy ngài khổ gì nữa. Dù có những nỗi đau về thân do bị ám hại, bị bệnh tật hay bị bức bách của thân tứ đại, nhưng do nhìn thấy bản chất khổ của chúng là chuyện đương nhiên, là không có thực, hay được thêu dệt bởi những ý niệm, nên ngài không khổ.
Tôi có làm bài thơ ngắn Tôi ơi, xin đừng khóc. Khóc chưa hẳn là khổ đau, chưa hẳn là nghiệp. Khóc còn là biểu hiện của một tâm trạng mừng vui, mừng cho khổ đau đã qua hay mừng cho hạnh phúc vừa tới. Đôi khi mừng vì khổ đau tới vì nhờ khổ đau mà chấm dứt làm khổ thân hay làm khổ người. Ta đừng bao giờ thách thức nghiệp hay thách thức khổ đau, vì khi đúng thời điểm mà nó tới thì nếu không vững chãi, ta không kịp trở bàn tay. Học trò của tôi có một người bạn vừa qua đời vì tai nạn giao thông. Học trò buồn quá vì mới trò chuyện với bạn hồi sáng này, bây giờ nằm trong nhà xác.
Thân đang đi hay nghiệp đang đi? Nghiệp vẫn phải nương nhờ các điều kiện mới trổ ra được, như phải gặp đúng hoàn cảnh này, môi trường này, thời gian này, con người này… thì nghiệp mới đủ sức phát sinh. Trong số 7 tỉ người trên địa cầu, có bao nhiêu người biết tu, trong số người biết tu có bao nhiêu người tu thiệt, trong số người tu thiệt có bao nhiêu người thành tựu, và trong số người thành tựu có bao nhiêu người thành tựu giải thoát? Không cần biết mà chỉ cần trong giờ phút này đây, ta có thực tập hay không, ta có tu thiệt không, ta có buông bỏ được không.
Bài thơ Tôi ơi, xin đừng khóc được tặng cho những người bỗng lãng quên, vì những chuyến đi dài hơi mà quên mất con đường. Ta hay quên tu lắm. Tại cái này, vì cái kia mà không chịu tu. Ta vẫn có thể làm việc, lập gia đình, theo đuổi sự nghiệp, nhưng hãy tu trong những công việc như vậy. Tham, sân, si là đại nạn của nhân loại. Làm việc cũng gặp đại nạn, lập gia đình cũng gặp đại nạn vì các tâm này vẫn đang tung tăng. Chỉ cần buông bỏ chúng bằng trí tuệ thì đại nạn sẽ được giải. Nhiều người giải nạn bằng cúng sao, cầu an, cầu phước thì biết bao giờ mới hết đại nạn một khi các tâm bất thiện vẫn còn đó. Ta lãng quên việc chuyển hóa các tâm bất thiện và rồi ta bậc khóc, khóc nức nở, dù cho đối tượng của việc khóc đó là hạnh phúc hay khổ đau. Thường thì ta khổ quá mới biết lo tu, sướng quá thì chẳng ai chịu tu cả. Học trò hỏi tôi thầy có kinh nghiệm yêu đương gì không mà viết cuốn Quản trị nhân duyên. Giống như một cô gái cứ hay hỏi chàng trai, Anh có yêu em không? Chàng trai trả lời, Có chứ. Vài bữa cô gái lại hỏi tiếp và câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, đơn giản bởi vì ta không có chắc ăn. Nhiều người khi nhìn thấy tôi còn quá trẻ, sao lại có thể viết những cuốn sách như vậy. Tôi chỉ cười, không nói gì. Vì người ta kẹt vào tướng và cái kẹt này ngày càng gia tăng khi sáu căn bị thắt chặt vào tướng. Người ta tu tướng quá mức nên khi tu tâm rất khó. Ta lãng quên tu tâm và chạy theo tu tướng và dần dà con đường ta đi sẽ bị biến tướng. Đức Phật từng dạy, Giác ngộ không phải là vấn đề của năm tháng.
Nếu tâm tạo nghiệp thì các tế bào của thân đều chịu ảnh hưởng của nghiệp vì tâm và thân tương tức với nhau. Tâm vui thì tất cả tế bào đều vui và tâm buồn thì tất cả các tế bào đều phiền não. Đã mang nghiệp vào thân là do tâm mang nghiệp hơn là do thân. Tâm làm mà thân phải chịu và quay ngược lại tâm. Muốn chuyển nghiệp phải chuyển cái tâm của mình. Tâm có khuynh hướng muốn thọ hỷ. Thân có khuynh hướng muốn thọ lạc. Tùy theo đối tượng muốn hướng tới mà việc thọ này có tính chất thiện hay không thiện. Hành thiền, tâm nhẹ nhõm đi, thân nhẹ nhàng đi, thì việc hỷ lạc này có tính chất thiện. Đi khiêu vũ ở vũ trường, tâm hứng khởi và thân bị kích động, đây cũng được xem là hỷ lạc nhưng nó mang tính chất dục và hưởng thụ. Hỷ lạc thiện giúp cho thân thể ít bệnh tật và hỷ lạc không thiện gây ra bệnh tật và vì thế thọ mạng giảm dần. Chính tâm hay cách mà ta tác ý làm cho nghiệp mang vào thân. Có người không làm việc sai trái nhưng tâm thấp hèn thì thân cũng phải gánh chịu những nghiệp do tâm đã tạo. Có người vui buồn vì những danh ngôn và nổi sân vì danh ngôn. Danh ngôn nào hợp với ý mình, ý niệm của mình hay được cho là hợp với chánh pháp thì mình vui lắm, bằng ngược lại thì nổi sân ngay. Vì mình chấp vào danh ngôn, chấp vào từ vựng, chấp vào những nguyên tắc. Đáng lẽ ta có thể học được và hành trì được từ những danh ngôn đó, đằng này ta làm cho ta tự thiêu đốt và thân thể phải chịu đựng tâm sân này. Nói cho dễ hiểu đa phần nghiệp từ thân đều do tâm mang lại.
Chúng ta sống trong cơn mê dài và lãng quên sự thật. Sự thật luôn có sẵn, như khổ là một sự thật, nguyên nhân của khổ là một sự thật, có con đường chấm dứt khổ là một sự thật và khổ được chấm dứt là một sự thật. Các sự thật này đều có mặt cùng một lúc, nhưng một thời gian dài, ta bỗng lãng quên. Thời gian dài không hẳn là một năm, hai năm, mà có thể là một kiếp người hay hằng hà sa số kiếp. Tôi có dịp xem bộ phim Noah có tên tiếng Việt là Đại Hồng Thủy. Ngày diễn ra trận đại hồng thủy như lời phán xét. Người có tu sẽ được cứu sống và người không tu thì phải gánh chịu thảm họa. Trong phim kẻ cầm đầu tội ác lại được sống lâu hơn những người đáng lẽ phải có cơ hội đó. Các loài động vật thì được cứu và hầu như con người thì không được ngó ngàng tới. Đã là tận thế thì khó lòng có ai sống sót. Nếu sống sót thì là chuyện thần kỳ. Ta lãng quên việc tu hành, và khi đau thương, mất mát tới, ta chịu không nổi, ta than khóc như chưa bao giờ được than khóc.
Thân giúp ta đảm đương với nghiệp và nghiệp có chấm dứt hay không tùy thuộc vào cách tâm ứng xử với nghiệp ra sao. Ta có mặt ở đây chẳng phải do ba do mẹ mà là do nghiệp. Ba mẹ không chọn đứa con, không thể lúc nào cũng sinh ra đứa con thông minh hay đứa con thành đạt. Có trường hợp ba mẹ rất giỏi nhưng sinh ra đứa con ngỗ nghịch hay làm việc rất tắc trách. Cộng nghiệp khiến cho đứa con được sinh ra và người này là ba, người này là mẹ. Các căn mà cơ thể biểu hiện ra cũng là quả của nghiệp. Khi thầy mình giảng mà không chịu nghe, chỉ muốn nghe hay làm theo ý của mình, đây gọi là nghe theo nghiệp. Nghiệp khúc xạ vào trong tâm. Mình vẫn nghe nhưng có làm hay không lại là chuyện khác. Như gặp bất cứ đệ tử nào, Phật đều dạy một thứ giáo pháp như nhau, nhưng có người thực tập đúng đắn và thành tựu, có người thực tập không đúng đắn và không thành tựu. Đây không phải là nghiệp riêng của từng người là gì. Hay có người sinh ra sáu căn đều đẹp đẽ, kể cả ý căn, vì đã tạo ra rất nhiều thiện nghiệp trong quá khứ, và thiện quả trổ ra, biểu hiện ở sáu căn. Nhưng nếu kiếp hiện tại không lo tu tập, thì tất cả thiện nghiệp đó khi hưởng hết thì sẽ biến mất. Trò mà hại thầy thì địa ngục bày sẵn cho người trò đó. Ông thầy không thể cứu được. Tội ai làm nấy chịu. Nếu biết nghe lời thầy mà tu tập, không để nghiệp chướng sai sử thì nghiệp nặng cách mấy vẫn có thể chuyển hóa. Người tu mà tham danh lợi, tiền tài, sắc dục thì địa ngục cũng thẳng tiến. Cho nên đừng bao giờ để cho thân tâm vướng vào vòng lao lý, ở đây là song sắt của địa ngục. Trong thời buổi mà chuyện gì người ta cũng dám làm thì mạt pháp là cái chắc. Thật tội nghiệp cho những người đã gặp Phật pháp, nhưng vẫn còn cố chấp hay vẫn còn sai lầm. Không thể tưởng tượng nổi phẩm chất tu học được xác định bởi bằng cấp như thạc sĩ hay tiến sĩ. Sự giải thoát không nằm ở chỗ bằng cấp. Phật làm gì có bằng cấp và ngài cũng chẳng bao giờ cần đến bằng cấp. Nếu đức Phật sống lại vào thời đại này, chắc hẳn ngài sẽ điên mất, điên về cách người ta hoằng pháp, hay điên về cách người ta đo lường phẩm chất tu học. Phật không bao giờ tranh cãi với chúng sinh, trong khi chúng sinh cứ cãi nhau. Càng có nhiều pháp môn thì tranh cãi càng nhiều, và phẩm chất tu học xuống cấp nghiêm trọng. Nghiệp cứ thế mà ngùn ngụt dâng cao. Chắc hẳn tôi sẽ phải viết phần 2 sách Chat Với Thế Giới Bên Kia với chủ đề Thân người tâm địa ngục. Phải viết thôi.
Lãng quên là một tình trạng của thất niệm, do đối tượng cứ kéo mình đi. Thất niệm không chỉ đơn thuần là không có chánh niệm hay không niệm được thực tại, mà còn có nghĩa là lầm đường lạc lối. Tâm si sai sử nên việc tu tập không còn đúng cách. Nghe pháp thì nghe bằng trí tu hoặc nghe bằng pháp hành, chứ không nghe bằng văn tự, hay nghe bằng sự ngạo mạn. Hộ trì Tam bảo đúng cách là dùng tâm thanh tịnh mà cúng dường. Chỉ có tâm thanh tịnh mới ứng xử với nghiệp một cách thanh tịnh hay làm việc Phật sự mới có thanh tịnh. Bằng không ngay chốn được cho là thanh tịnh sẽ khiến cho việc tạo nghiệp thêm sâu dày. Giáo pháp của Phật lúc nào cũng như ánh sáng mặt trời, đẹp đẽ và nhiệm mầu. Nhưng giáo pháp không phải là cái để tán thán, mà để hành trì. Giáo pháp đem không đúng chỗ sẽ bị tổn phước trí rất nhiều. Lãng quên giáo pháp, không tin nghiệp, không tin nhân quả, việc gì cũng có thể làm là hủy báng giáo pháp, và khi tâm khổ, thân khổ, có hối cũng không kịp, vì giờ khắc tái sinh đã gần kề, thọ mạng càng ngày càng ngắn dần. Ta có khuynh hướng muốn di tản phiền não, muốn phiền não đi chỗ khác chơi. Như khổ quá nên đi vô chùa hay tìm chỗ thanh tịnh cho thấy khỏe. Tâm thanh tịnh không bao giờ được xây dựng bởi chỗ thanh tịnh hay hoàn cảnh thanh tịnh, mà chỗ thanh tịnh hay hoàn cảnh thanh tịnh được xây dựng bởi tâm thanh tịnh. Người phiền não đi vào chỗ nào cũng phiền não. Người thanh tịnh đi vào cái chợ hay sân vận động hàng ngàn người vẫn thấy thanh tịnh. Hành thiền cũng vậy, ta hành thiền bằng tâm gì. Hành thiền bằng tâm từ thì việc hành thiền có lợi lạc. Hành thiền bằng tâm sân thì việc hành thiền không mang lại lợi ích, thậm chí gia tăng sự nghi hoặc và chán chường, xem việc hành thiền như công phu lao tác mệt nhọc. Pháp thiện mà không phát triển thì pháp ác chiếm chỗ, rất nhanh, rất mau. Cho nên, hãy gấp rút làm việc thiện, không chần chờ, không do dự. Không lo làm việc thiện thì việc bất thiện phát khởi liền. Nên việc thiện, việc tu là liên tục, không ngừng nghỉ, cho đến giờ phút sinh tử cũng phải tu liên tục và làm việc thiện liên tục.
Khóc có thể giúp cho ta nhẹ nhõm đi phần nào những khổ đau, nhưng khóc không phải lúc nào cũng giải quyết được gì, khi mà cái gốc hay nguyên nhân của khổ đau vẫn còn đó. Nếu không phá vỡ cái gốc của khổ đau, ta sẽ lập đi lập lại khổ đau, và việc khóc cứ diễn ra. Đến lúc vô cảm với khổ đau, khóc không nổi nữa thì nguy to. Giọt nước mắt rơi xuống vì nhận ra bộ mặt thật của khổ đau, sung sướng thấy được con đường chánh pháp và hạnh phúc trào dâng vì niềm vui đích thực, việc này đáng khóc hơn, nhiều khi giọt nước mắt đó lại là giọt nước cam lồ, giọt nước của sự chuyển hóa.
Hôm qua tôi đã khóc
Giọt nước mắt đầu đời
Nỗi đau chưa kịp vơi
Thì hạnh phúc gọi mời.
Sáng nay tôi đã khóc
Tiếng vọng từ trái tim
Ôi nỗi đau ngọt mềm
Hạnh phúc rơi lả chả.
Khi nãy tôi đã khóc
Từ tâm khảm bao la
Thấy nỗi đau đậm đà
Đêm thâu không bóng tối.
Bao bình yên vẫy gọi
Lúc nhận ra chính mình
Giọt nước mắt lặng thinh
Tôi ơi, xin đừng khóc.
Chia sẻ:
- In
- Thêm
- Tumblr
Có liên quan
Từ khóa » đa Mang Lấy Nghiệp Vào Thân
-
Đã Mang Lấy Nghiệp Vào Thân, Cũng đừng Trách Lẫn Trời Gần Trời Xa!
-
Chương 06: Nguyễn Du Và Truyện Kiều - Làng Mai
-
Đã Mang Lấy Nghiệp Vào Thân - Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
-
Đã Mang Lấy Nghiệp Vào Thân! | .vn
-
Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 3241-3254) - GOCNHIN.NET
-
/2019/03/a-mang-lay-nghiep-vao-...
-
Tìm Hiểu Tư Tưởng Nguyễn Du Qua đoạn Kết Truyện Kiều
-
Truyện Kiều- Nguyễn Du- Phần 4 - SÁCH TRỰC TUYẾN
-
Số Còn Nặng Nghiệp Má đào (II) - Trường THCS Vũ Hữu
-
Lời Bài Thơ Truyện Kiều 1 (Nguyễn Du)
-
Góp Phần Tìm Hiểu Triết Lý đạo Phật Trong Truyện Kiều
-
10 Vấn đề Nhân Vị Trong đạo Phật - Bookdown
-
Ðã Mang Lấy Nghiệp Vào Thân… - Báo điện Tử Bình Định