Góp Phần Tìm Hiểu Triết Lý đạo Phật Trong Truyện Kiều

Tạp chí Hán Nôm >> TCHN từ 2006 về sau >> Số >> 102(2010)
Lê Văn Quán
Góp phần tìm hiểu triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều (Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010; Tr.56-66)

Cập nhật lúc 10h30, ngày 02/01/2012

GÓP PHẦN TÌM HIỂU TRIẾT LÝ ĐẠO PHẬT TRONG TRUYỆN KIỀU

LÊ VĂN QUÁN

GS.TS. Đại học KHXH & Nhân văn, HN

Nội dung Truyện Kiều (K) diễn tả phong phú, sinh động về cuộc đời của các nhân vật càng cụ thể bao nhiêu thì triết lý đạo Phật của Nguyễn Du lại càng xa với ý niệm bấy nhiêu. Triết lý của tác phẩm được toát ra từ nội dung hình tượng, ở những số phận, hành động của nhân vật và bằng những biện pháp nghệ thuật. Truyện Kiều mang ảnh hưởng của đạo Phật, nhưng qua thời gian, không gian đạo Phật đã có biến đổi. Ở thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đạo Phật ở Việt Nam, qua truyện thơ thì lại càng biến đổi. Nguyễn Du viết Truyện Kiều theo luân lý của hiện thực, theo tiếng gọi của tình cảm, trước khi theo giáo lý của nhà Phật. Vì thế, Hoàng Ngọc Hiến đã nói: “…xa lạ với nội dung hình tượng của tác phẩm, những lời thuyết lý dù được diễn đạt hùng hồn đến đâu, cũng chỉ là ngẫu nhiên đối với tác phẩm”(1).

Trong Truyện Kiều, cuộc đời gian truân của nàng Kiều được thuyết lý bằng tài mệnh tương đố, tiền oan nghiệp chướng (duyên nghiệp nhân quả), và tình là dây oan của đạo Phật. Qua nội dung Truyện Kiều có thể nói được rằng, Nguyễn Du là nhà thơ tiến bộ, trước khi là triết học duy tâm.

Tác giả Truyện Kiều đã lấy nội dung hình tượng xác định lời thuyết lý. Ngay ở đoạn phát đoan, tuy là lời bình ngoài cốt truyện của tác giả, nhưng nội dung đoạn thơ biểu hiện có tính chất triết lý, có giá trị tổng kết, và cũng có thể gọi đoạn thơ này là ngôn ngữ thuyết lý:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

(K, c.8)

Tám câu thơ mở đầu có tính chất khái quát nội dung mang ý nghĩa bộc lộ thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả bằng phong cách ngôn ngữ sinh động tạo cho thơ ca gần gũi với tư duy triết học.

Trong xã hội cũ, cuộc đời là bể khổ. Truyện Kiều phản ánh rõ cuộc sống phức tạp đó. Nguyễn Du đã đi từ “Tài mệnh tương đố” và “bỉ sắc tư phong” của Nho giáo đến “nghiệp báo”, “luân hồi” của Phật giáo; từ trung, hiếu, tiết, nghĩa của Khổng Tử đến “lòng “từ bi bác ái” và “tu nhân tích đức” của Thích Ca. Nguyễn Du đi theo triết lý và cảm quan của đạo Phật ở mấy mặt sau:

1. Đối với nàng Kiều, nghiệp, tướng số, bạc mệnh, là một lực lượng siêu nhiên nào đó bắt nàng phải đau khổ, không được chết, không được đi tu để trốn nợ đời, khi chưa đền bù tội lỗi. Chính vì thế cái nghiệp của nàng Kiều không thoát khỏi vòng trói buộc của tạo hóa:

Số còn nặng nghiệp má đào,

Người dù muốn quyết trời nào đã cho.

(K, c.998).

Nàng tin như vậy, và nàng phải chịu cái số mệnh như thế. Tuy Đạm Tiên là sứ giả của số mệnh nhận xét đạo đức của Kiều theo lễ giáo tiết hạnh của Nho gia, nhưng tác giả Truyện Kiều không chỉ thuần túy dựa vào đạo Nho, mà ông còn là nhà thơ đa sầu, đa cảm, đã từng trải nghiệm những đau đớn của cuộc đời. Cho nên ông lợi dụng triết lý Nho gia để đay nghiến “tài mệnh tương đố” ngay từ đầu:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

(K, c.2152).

Làm như vậy, Nguyễn Du mới thỏa mãn được nỗi lòng căm giận của mình đối với mệnh, hay nói đúng hơn là đối với xã hội phong kiến. Để xoa dịu và an ủi nỗi khổ đau cá nhân, Nguyễn Du vận dụng triết lý đạo Phật. Khi tâm trạng con người khi day dứt, khi nàng Kiều đang sợ hãi trước một cuộc sống đầy rẫy bất công thì triết lý đạo Phật mang chất bi quan yếm thế lại trỗi dậy trong tâm trạng bất an của con người, nhất là phụ nữ, nạn nhân cực khổ nhất của xã hội phong kiến, cũng là nạn nhân khổ cực nhất của thời đại Nguyễn Du.

Đạo Phật có một thế giới u linh, huyền ảo phản chiếu tâm trạng đau khổ, vui buồn của con người qua hiện tượng khấn vái, mộng triệu, chiêm bao, oan hồn, ma quỷ:

Buổi ngày chơi mả Đạm Tiêm,

Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao.

(K, c.230).

….

Hay là:

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường,

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

(K, c.2666).

Trong xã hội Truyện Kiều, những con người như Kim Trọng, Thúy Vân, Thúc Ông, bà mẹ Kiều v.v… đều tin vào mọi thứ tôn giáo, nghĩa là tin vào sức mạnh của thần linh sẽ diễn ra qua lễ tảo mộ, hội Đạp Thanh, ma chay, cầu hồn. Những thầy bói, thầy cúng, những đạo cô, bà vãi và cả trời, Phật, ma, đều nghĩ và làm như nhau cả. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, nhất là xã hội của thời đại Nguyễn Du thì những thứ tôn giáo, triết lý, đạo đức hỗn tạp ấy đều thống nhất với nhau trong một hoàn cảnh chung của thời đại thống trị bất nhân, lừa lọc, hại người. Đúng như GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn đã nói: “Thời đại thống trị của sự bất lương, hủ bại, độc đoán, phản bội, xấu xa, tàn sát từ bên trên, của sự nghèo khổ, đói khát, đau thương, chết chóc oan uổng và của những cuộc đảo lộn từ bên dưới”(2). Thời đại có bao nhiêu nước mắt thảm sầu, bao nhiêu con người bị oan trái, bao nhiêu mối tình hờn tủi, chia tay…, khiến cho con người phải băn khoăn về cái lẽ sống chết của mình, và một mối hoài nghi tuyệt vọng mà nàng Kiều phân vân tự hỏi: "Thấy người nằm đó biết sau thế nào?" (K, c.110).

Và lẽ tất nhiên Nguyễn Du nghĩ đến cái “nghiệp” của nhà Phật:

Đã mang lấy nghiệp vào thân,

Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa.

(K, c.3250).

Vì theo giáo lý của đạo Phật, nghiệp là tâm khởi niệm thân làm theo, tất cả hành vi đã làm hoặc khởi niệm mà chưa làm đều gọi là nghiệp. “Nguyên tắc của nghiệp là “gieo gió gặt bão” và nguyên tắc ấy chi phối toàn thể đời sống của Phật tử; bởi vì, sự thực, cái dựng lên cá biệt tính của một người không có gì khác hơn chính là nghiệp của y”(3).

“Tất cả các loại hữu tình sinh ra theo nghiệp của chúng: thiện nhân sinh thiên đường, ác nhân sinh địa ngục và ai thực hành chánh đạo thì chứng đắc niết bàn. Do tụ tập lục độ nên có thể làm ích lợi chúng sinh bằng nhiều đường hướng, và chắc chắn sẽ được hưởng phước lạc, không những chỉ đời này mà cả đến đời sau. Nghiệp có thể chỉ có hai loại: tư (catara) hay nội tâm và tư sở tác (Cetayitva) phát hiện bằng lời và bằng vận động của thân”(4).

Theo đó, Nguyễn Du càng tâm đắc với đạo Phật. Ông bèn lấy chữ nghiệp của đạo Phật bổ sung cho chữ mệnh của đạo Nho. Nguyễn Du dựa trên luật nhân quả của đạo Phật bổ sung cho chữ mệnh của đạo Phật để kết án cá nhân là, tự mình gieo mầm khổ ở kiếp trước, thì tự mình phải chịu lấy quả khổ ở kiếp này:

Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chửng kẻo đền bù mới xuôi!

(K,c.1196).

Rõ ràng, đây là tiếng nói của nàng Kiều suy nghĩ về nghiệp báo. Người đã có cái nghiệp như thế, tất là đa tình, đa cảm. Nguyễn Du mượn lời Đạm Tiên để báo cho nàng biết nỗi khổ cực khó có thể thoát được. Đạm Tiên nói:

Rỉ rằng: “Nhân quả dở dang,

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?

Số còn nặng nợ má đào,

Người mà muốn chết, trời nào có cho!”

(K, c.998).

Tác giả mượn lời Đạm Tiên, để nói cái số mệnh của Kiều rất mong manh, mệnh của Kiều là do nghiệp của nàng quyết định. Nàng đã có cái nghiệp sầu khổ nằm sẵn trong mình, “cho nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đánh ra, đều có cái giọng đau đớn, sầu khổ. Người có cái nghiệp như thế ắt là đa sầu, đa cảm, hai cái đó là cái mối vô hình, cái dây vô thường dử người ta vào chỗ đứng với cái sự nghiệp”(5).

Nguyễn Du mang một nỗi lòng, vì “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, ngụ một ý nghĩa cứu thời, những mong tìm phương cứu vớt người đời thoát nơi khổ ải. Tác giả Nguyễn Du là một nhà văn hiện thực , ông đã hiểu thấu cái tâm lý phức tạp của con người và ông lại đem cái triết lý đạo Phật qua lời Đạm Tiên để bộc lộ tâm tư của mỗi hạng người trong xã hội đương thời. Nàng Kiều oán trách thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, những lũ ác nhân, những bọn buôn người v.v…, là hiện thân của nghiệp báo đã tạo nên cái địa ngục trần gian. Trái lại, Đạm Tiên là sứ giả của nghiệp báo, là linh hồn của con người cũng đau khổ như nàng Kiều, tiêu biểu cho thế hệ phụ nữ trước nàng, thông cảm với nỗi khổ của nàng, an ủi nàng, bày cho nàng kinh nghiệm sống để trở về cuộc đời trần thế mà nàng yêu tha thiết. Nhờ thế mà về sau nàng được sum họp với những người nàng yêu nhất trên trần thế này, chứ không phải là hưởng quả báo tốt ở thiên đường:

Còn nhiều hưởng thụ về sau,

Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào.

(K, c.2747)

Nguyễn Du đã phải mượn đến vong linh của Đạm Tiên và đức độ của sư Tam Hợp để thanh minh biện hộ cho nàng Kiều. Chỉ đáng tiếc sự biện hộ thanh minh ấy không phải là người của cuộc sống thực. Ở nơi mà Kiều nghe theo tiếng gọi hồn nhiên của lòng mình, muốn được yêu thương và hạnh phúc, muốn được làm người thì nàng chỉ thấy toàn chuyện ma đưa lối quỷ đưa đường và chung quanh cái chết của Từ Hải. Lũ quan lại cam tâm làm việc đổi trắng thay đen gán cho Kiều những điều hết sức phũ phàng. Cái lũ đầu trâu mặt ngựa, cái bọn buôn thịt bán người, và cả Tổng đốc Hồ Tôn Hiến cho đến triều đình nằm trong khuôn khổ của giáo lý và nhân sinh quan phong kiến đều có dã tâm hủy diệt Kiều:

Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!

(K, c.690)

Về đạo lý làm người, Nguyễn Du từ trong lòng cuộc sống truy tìm những giá trị đạo đức chân chính (tuy không tránh khỏi mâu thuẫn và hạn chế). Giá trị này chỉ có thể tìm thấy ở những con người bị vùi dập như nàng Kiều. Những đau khổ dồn nén vào một mình Thúy Kiều cũng là những đau khổ mà nhân dân lao động phải chịu đựng trong chế độ cũ. Những khát vọng đạo đức của nhân dân luôn gắn liền với thực tiễn, gắn liền với đời sống, xa lạ với những thứ tín điều hình thức. Về hình thức thì Kiều không bảo vệ được trinh tiết của mình, Kiều mất nết theo trai. Đó là lối suy luận của các bậc vương giả qua hình tượng nghệ thuật, nhưng đối với Nguyễn Du thì lối suy luận ấy hoàn toàn bị phá sản. Nguyễn Du đưa ra vấn đề đạo đức cụ thể, gắn liền với vấn đề xã hội cụ thể, thông qua một cuộc đời cụ thể. Đành rằng nàng Kiều sống trong xã hội phong kiến, chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Song, Nguyễn Du để cho sư Tam Hợp sau này chứng minh trước thiên hạ về mệnh của nàng Kiều:

Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.

Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm,

Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!

(K, c.2884)

Việc làm của Kiều là đúng, Kiều bị cuốn vào chữ trinh cũng là để tự thanh minh về vấn đề động đến phẩm giá của mình, động đến cả mối tình của nàng và Kim Trọng:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan!

(K, c.3162)

Nếu nàng Kiều mắc điều tình ái, tức là mắc vào vòng dục vọng, say đắm dục vọng thì không thể nào thoát khổ, và dường như nghiệp báo lại ám ảnh, khiến cho nàng sợ hãi:

Một mình lưỡng lự canh chầy,

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.

(K, c.218)

2. Theo đạo Phật thì ở đời thường có vấn đề quan hệ giữa “nhân đức” và “duyên phúc”, “tu nhân tích đức” ở kiếp này sẽ được đền bù bằng duyên phúc kiếp sau. Cho nên nàng Kiều chịu đựng cho qua đau khổ, “ quằn quại trong vũng lầy”, và những lúc đó thì nàng nói đến cái nghiệp. Có dịp nào trở lại với tình yêu thì nàng lại sống chân thực với tâm hồn mình. Cho đến “Phật tiền thảm lấp sâu vùi” và “Giọt nước cành dương” cũng không thể dập tắt được lửa lòng của nàng.

Và Nguyễn Du đã cho nàng Kiều đi tu, trong không khí nhà chùa tưởng như ngăn cách nàng khỏi cuộc đời, nhưng ý thức tôn giáo và ý thức trần thế trong tâm hồn nàng vẫn cứ xung đột nhau, lòng nàng bị xé lẻ trong cái bi kịch thường xuyên ấy:

Cửa thiền then chặt lưới mau,

Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người,

Gác kinh, viện sách, đôi nơi,

Trong gang tấc lại gấp mười quan san!

(K, c.1938)

Thúy Kiều sinh ra là để yêu thương, để sống trong sự hài hòa, nhưng chỉ gặp toàn những sự hiểm độc, thô bạo, chà đạp. Lúc tĩnh lặng, hồi tưởng lại, Kiều nhớ cha mẹ, nhớ hai em, nhớ tình thân và mong có ngày sum họp.

Lòng yêu cuộc sống đã đưa nghệ thuật Nguyễn Du tới một mức độ trữ tình tuyệt diệu cá thể hóa được muôn vàn tâm trạng phổ biến, tổng kết được tất cả nghệ thuật thơ trữ tình của ca dao và dân ca. Tinh thần phê phán những dục vọng xấu xa trong xã hội phong kiến thối nát đã làm cho ngòi bút hiện thực của ông vô cùng sắc sảo. Nguyễn Du phê phán những dục vọng xấu xa, nó làm dơ bẩn con tim của mình, và từ đó ngòi bút của ông có ý nghĩa phê phán cái xấu và đề cao cái tốt trong xã hội. Chữ “tâm” của Nguyễn Du có ý nghĩa giữ cho con tim mình trong sạch không dính dấp với dục vọng xấu xa để bảo đảm những tình cảm tự nhiên giữa người với người trong cuộc sống xã hội như lòng hiếu thảo với cha mẹ, lòng chung thủy với người yêu, tình thương mến đồng loại v.v… “Như vậy “tâm” có tính chất tích cực, thực tiễn, không hoàn toàn giống với tâm gốc “Phật vốn là không”(6):

Sự đời đã tắt lửa lòng

Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?”

(K, c.3046)

Khi ấy, tiếng đàn của nàng Kiều nghe thanh thoát, trong lặng như phảng phất mà màu lạc quan của Lão Tử, thực hiện một sự hài hòa giữa tinh thần con người và bản chất vũ trụ:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?

Khúc đâu êm ái xuân tình,

Ấy hồn Thục đế, hay mình đỗ quyên?

Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

(K, c.3204)

Theo Cao Huy Đỉnh nàng có cử chỉ khác thường là cuốn dây đàn và từ bỏ nghệ thuật như muốn nói rằng mình quyết bỏ dục vọng và đau khổ để cho tâm hồn siêu thoát.

“Ngòi bút hiện thực của Nguyễn Du là có dụng ý nâng hình tượng Kiều lên thành tượng trưng tuyệt đối cho lòng trong trắng, kết tinh hết thảy cái đẹp, cái thanh khiết, cái hài hòa của tự nhiên. Cách lý tưởng hóa ấy rất phổ biến trong văn học phương Đông. Nó được nuôi dưỡng bằng mỹ cảm Phật giáo, Lão giáo và cũng rất gần gũi với quan niệm của nhân dân. Hình tượng hoa sen ở trong nghệ thuật Phật giáo và trong ca dao là sự gần gũi ấy:

Nhị vàng bông trắng lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.(7)

Đạo Phật là vì nhân sinh, vì cuộc sống hạnh phúc của con người trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội. Trọng tâm giáo dục của đạo Phật là “giải thoát khổ đau”. Giáo lý của đạo Phật là tránh những luận thuyết viển vông, siêu hình, kéo con người trở về thực tại, quan sát, khảo sát sự thật của sự vật đúng với “Pháp tính” (chân lý, bản chất, qui luật). Nghĩa là nhìn cái gì cũng phải đúng với sự tồn tại khách quan của nó, để tìm con đường giải quyết sự “đau khổ” của thực tại. Khái niệm về “khổ” của đạo Phật là một thực tế thuộc “đối tượng nhận thức”, một thực tại khách quan cần tìm hiểu đúng đắn, đánh giá chính xác để tìm ra nguồn gốc và tìm ra “con đường diệtkhổ”. Đạo Phật chỉ làm công việc thức tỉnh tâm trí của muôn sinh, thiết thực vun bồi đức tin: tin tưởng ở khả năng trí tuệ con người tự mình giải thoát lấy mình và nhận thức đúng đắn chân lý khách quan. Đạo Phật hướng dẫn con người trở về với thực tế và nhận thức những vấn đề trong cuộc sống. Vì thế, tác giả Nguyễn Du tin vào cái thuyết: “nhân quả” của đạo Phật. Nếu người ta giữ tâm theo điều thiện ở kiếp trước thì sẽ được hưởng phúc ở kiếp sau.

Thúy Kiều nhờ được những công đức đã làm, nhờ sự bồi đắp của lòng thiện mà được hưởng ngay kết quả ở kiếp này. Ý tưởng đó, Nguyễn Du đã mượn lời Đạm Tiên để tỏ bày:

Chị sao phận mỏng đức dày,

Kiếp xưa đã vậy, lòng này dễ ai!

Tâm thành đã thấu tới trời,

Bán mình là hiếu, cứu người là nhân.

(K, c.2718)

3. Kiều vẫn sống theo tài, tình cho đến cuối đời. Tư cách của nhân vật Kiều trong tác phẩm được mở rộng trong hình tượng Truyện Kiều với tư cách của một con người tuyệt tài tuyệt sắc, đức hạnh, đa tình. Nội dung chữ tài là tài năng và nhan sắc, là tình và đức hạnh, là những gì tốt đẹp ở con người. Có thể nói “tài” là bản chất con người luôn luôn vươn tới chân, thiện, mỹ. “Tài là một giá trị thực tại, cho nên nó có thể “hiển hiện” ở con người nàng Kiều như một nội dung hình tượng. “Còn số mệnh là một thực thể siêu hình, nó không có hiệu lực thực tại. Trong thế giới Truyện Kiều tồn tại và hiệu lực của số mệnh không “hiển hiện” được, ngay sự hiển hiện của Đạm Tiên cũng không ngoài “trận gió cuốn cờ” và những “dấu giày in rêu”(8). Trong thế giới Truyện Kiều sự chi phối của số mệnh thường là biểu hiện một cách gián tiếp thông qua bọn tham quan ô lại, bọn buôn thịt bán người… những thủ phạm trực tiếp gây ra số kiếp long đong của nàng Kiều. Hiện thân của bọn người này là những đồi phong bại tục. Đây là thực tại của những thiết chế của chế độ phong kiến suy tàn. Như vậy, mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến và bản chất con người là lấy ý nghĩa đích thực, là bản chất của thế giới hiện tượng được mô tả bằng nội dung hình tượng Truyện Kiều.

Vì thế, tài và tình tự nó vẫn có giá trị, nhưng nếu không có cái tâm để làm chỗ nương tựa, thì tài với tình dễ bị xiêu đổ, cho nên Nguyễn Du mới nói:

Thiện căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

(K, c.3252)

Cũng có thể nói, Phật giáo đặt vấn đề giữa quan hệ đạo đức và hạnh phúc. “Tu nhân tích đức” thì được đền bù bằng “duyên phúc” ở kiếp sau, đời sau. Do đó, Nguyễn Du cho Kiều đi tu và kiếp sau Tiền Đường Kiều đoạn tuyệt với đạo Phật:

Có trời mà cũng tại ta,

Tu là cõi phúc, tình là dây oan.

(K, c.2658).

Nguyễn Du, một con người gắn với cuộc đời, cũng như Thúy Kiều, một tâm hồn thiết tha, rạo rực với những vui buồn ở trên đời mà lại quyến rũ bởi ngọn nến lung linh, hiu hắt của bàn thờ Phật. Điều mà Kiều chống đối với tất cả sức sống hồn nhiên của mình, chính là số mệnh. Từ thực tế cuộc sống, Kiều linh cảm một cách đau đớn, day dứt, mãnh liệt, nhưng hoàn toàn bất lực dưới hình thức định mệnh, số kiếp. Thúy Kiều xót thương cho Đạm Tiên cũng là xót thương cho chính mình: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (K, c.84).

Xét cho cùng cũng là mâu thuẫn giữa khát vọng của con người và thực tại xã hội. Kiều đi vào tu hành là bước đường cùng và bao giờ cũng mang theo một tâm trạng của một kẻ lánh nạn, một cuộc sống tạm bợ, chờ ngóng một lối ra.

Sự thật thì Kiều không bao giờ tin rằng mình là một tín đồ nghiêm chỉnh của đạo Phật. Nguyễn Du mà có trách nhiệm với đạo Phật thì không để Khuyển Ưng ập đến bắt cóc Kiều vào đúng lúc Kiều đang khấn vái cầu xin sự phù hộ của Phật:

Nén hương đến trước thiên đài,

Nỗi lòng khấn chửa cạn lời vân vân.

Dưới hoa dậy lũ ác nhân,

Ầm ầm khốc quỷ kinh thần mọc ra!

Đầy sân gươm tuốt sáng lòa,

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao.

Thuốc mê đâu đã tưới vào,

Mơ màng như giấc chiêm bao biết gì!

Vực ngay lên ngựa tức thì,

Phòng đào viện sách, bốn bề lửa dong.

Sẵn đây vô chủ bên sông,

Đem vào để đó, lận sòng ai hay?

(K, c.1650)

Tu hành là xa lánh cuộc sống, từ bỏ làm người. Nàng Kiều đang mang nặng tình đời, Nguyễn Du là người có trách nhiệm với cuộc sống, mà Kiều lại phải nhận lấy cuộc sống tu hành. Tuy có phần triết lý tiêu cực, nhưng đó lại là lời tố cáo chế độ phong kiến hèn mạt, không có công lý, chà đạp lên quyền sống con người. Và đó cũng là một trong những mâu thuẫn của thời đại Nguyễn Du, của thế giới quan Nguyễn Du.

Ở cái thời đại với những bọn quan lại “Trông lên mặt sắt đen sì”, “Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” thì những người có tài lỗi lạc như Cao Bá Quát, Ngô Thì Nhậm khó có thể phát huy. Những người quốc sắc ở Trung Quốc như Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi không được hưởng trọn hạnh phúc, cuối cùng phải chết thê thảm. Những người tài sắc hơn người như thế thường bị những kẻ tầm thường ghen ghét, nhất là khi bọn ấy có chức trọng quyền cao thì lại càng tàn bạo ngang nhiên trù dập người khác. Trong Truyện Kiều, Kiều bị đọa đầy, lưu lạc là do định mệnh, “trời ghét má hồng” tạo hóa ghen ghét:

Rằng: Hồng nhan tự thưở xưa,

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?

(K, c.108)

Chứng tỏ Nguyễn Du xót thương cái tình của Kiều, tất cả đổ riệt cho số mệnh. Bạc mệnh hay nghiệp chướng đối với nàng Kiều đều chỉ là một lực lượng siêu nhiên bắt nàng phải đau khổ. Vì những lực lượng ấy mà Kiều mượn lời sư Tam Hợp để kết án tài, tình của mình:

Lại mang lấy một chữ tình,

Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

Vậy nên những chốn thong dong,

Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

(K, c.2664)

Hay là Kiều tự than thân trách phận:

Có tài mà cậy chi tài,

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

(K, c.3248)

4. Trong Truyện Kiều, con người sống có đức độ được đền bù, còn kẻ sống bạc ác sẽ bị trừng phạt ngay trong cuộc đời này. Nghĩa là tự thưởng phạt có thể ở trên thiên đường cũng có thể ở dưới địa ngục, còn Nguyễn Du thì sự thưởng phạt ngay trên trần thế. Khi có điều kiện là tiêu diệt cho được mọi sự cản trở của cuộc sống, tiêu diệt cái ác, cái xấu để bảo vệ quyền sống cho con người, Nguyễn Du đã làm được điều đó. Nếu suy rộng ra thì đó là hình phạt chân chính của nhân dân đối với những lực lượng xã hội độc ác, và là sự ưu đãi xứng đáng cho những lực lượng phù trợ chính nghĩa. Đó là, thái độ sống của nàng Kiều. Chẳng những ở Truyện Kiều mà trong hầu hết các truyện Nôm khuyết danh đều đề cập đến bản chất của người phụ nữ, dám đứng lên chống lại những bất công của chế độ phong kiến và những điều tai ương trong xã hội. Chẳng hạn, truyện Lưu nữ tướng có nói đến tình yêu, đến hôn nhân, đến hạnh phúc lứa đôi, nhưng chủ đề tác phẩm nhằm ca ngợi ý chí kiên cường, bất khuất của người phụ nữ dám đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại đám vua quan tàn bạo, gian ác. Đó cũng là tinh thần kiên trinh bất khuất của phụ nữ Việt Nam.

Đặc điểm nổi bật của Truyện Kiều là khuynh hướng hiện thực và tính chất nhân đạo. Dưới chế độ phong kiến, người bóc lột người, quần chúng lao động phải chịu mọi điều khổ đau. Do đó, họ phải tìm đến một sức mạnh siêu nhiên, hy vọng cuộc đời của họ sẽ được bảo vệ và cứu giúp. Khi khoa học tự nhiên còn chưa phát triển, con người thường hy vọng ở lực lượng thần linh đặt niềm tin vào tôn giáo. Giáo lý của đạo Phật đề xướng từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn có sức thuyết phục con người và có lúc đã là một trong những nguồn gốc của lòng thương người, của chủ nghĩa nhân đạo. Nhân vật Thị Kính trong truyện Quan Âm Thị Kính là một biểu tượng tốt đẹp của người phụ nữ thời bấy giờ, nên được mọi người đồng cảm thương yêu. Một con người nhẫn nhục, chịu đựng, sống ngay thẳng, trong trắng, thì mọi nỗi oan sẽ được sáng tỏ, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác:

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao,

Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta!”

(K, c.2382)

Qua tòa án báo ơn báo oán của nàng Kiều và Từ Hải càng chứng tỏ, Nguyễn Du đi theo dòng triết lý đó. Nguyễn Du không tách rời đạo đức với cuộc sống, cho nên trong Truyện Kiều hình thành một quan niệm về đạo đức, về giá trị của người phụ nữ. Nguyễn Du đã đưa ra một mẫu người bị xã hội dồn nén lên đầu tất cả những sự nhục nhã ê chề, mà người đàn bà dưới thời phong kiến phải chịu đựng, nhưng cũng chính người phụ nữ ấy trong cuộc đời đắng cay vẫn giữ được đạo làm người, vẫn bảo vệ được nhân phẩm của mình, và trong hoàn cảnh của mình đã hành động một cách xứng đáng được mọi người đồng tình (trừ khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng).

Trong cuộc báo ơn báo oán, Từ Hải ngồi giữa “Trướng hùm” cùng với Thúy Kiều, Từ Hải tin tưởng, yêu quí tài sắc của Kiều và chính thức phát biểu:

Từ rằng: Ân oán hai bên,

Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh

(K, c.2320)

Sau lời nói của Từ Hải, giữa thanh thiên bạch nhật, Thúy Kiều làm chủ cái tòa án xã hội ấy, nàng kiêu hãnh tự giới thiệu về quãng đời từ nô lệ xác thịt và tinh thần đến địa vị làm chủ của mình: "Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi" (K, c.2344).

Với tư thế chính nghĩa, với tư thế của người chiến thắng, nàng Kiều tuyên bố thực hiện công lý một cách dứt khoát: "Báo ơn rồi sẽ trả thù" (K, c.2323).

Ở đây, Nguyễn Du hòa lẫn triết lý “mệnh trời” của Nho giáo:

Cho hay muôn sự tại trời,

Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta!

(K, c.2392)

Với triết lý nhân quả của Phật giáo:

Những người bạc ác tinh ma,

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!

(K, c.2394)

Đặc biệt nổi bật nhất là, Nguyễn Du say sưa với triết lý hành động của nhân dân, một triết lý công bằng, giàu tính nhân văn, hợp lẽ tự nhiên. Và triết lý này đã tác động mạnh mẽ đến hai triết lý trên:

Ác giả ác báo vần xoay,

Hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường.

“Lẽ thường” mà Kiều vẫn nhớ, là lẽ sống trong dân gian:

Ơn ai một chút chẳng quên,

Oán ai một chút để bên dạ này.

Cho nên mở đầu cuộc trả ơn báo oán, Thúy Kiều đa tạ những người đã cưu mang mình. Thúy Kiều một con người đa sầu, đa cảm có thể tuôn lệ “khóc người đời xưa”, một con người không phải sinh ra là để hành hạ, trả thù người khác, nhưng vì thói đời còn nhiều bạc ác, ranh ma nên cần có sự trừng trị những kẻ xấu, những thế lực hung tàn, lừa lọc đó.

Cảnh tượng “Dưới cờ gươm tuốt nắp ra” biểu hiện chuẩn bị sẵn sàng đợi chờ trừng trị Hoạn Thư. Hoạn Thư, cô tiểu thư con quan Lại bộ, kẻ lừa dối, giày vò, đầy đọa Kiều đáng phải bị trị tội. Nhưng Kiều mở đầu cuộc gặp gỡ bằng câu nói mát: "Tiểu Thư cũng có bây giờ đến đây!" (K, c.2358).

Nghe đến hai chữ “Tiểu Thư”, Hoạn Thư thấm thía, mỉa mai, xưa kia mình hành xử Kiều “Bắt khoan bắt nhặt đến lời”, “Làm cho đau đớn ê chề cho coi”, bây giờ mình phải “khấu đầu dưới trướng” của Kiều, người đã từng làm Hoa nô cho mình.

Sau một hồi đấu lý quyết liệt giữa nàng Kiều và Hoạn Thư được Nguyễn Du mô tả một cách tài tình, uyển chuyển của mối quan hệ vừa căm thù vừa đồng cảm giữa hai tính cách của hai con người. Nguyễn Du đã mổ xẻ cái hiện thực oái oăm phức tạp của tâm lý con người:

Rằng: “Tôi chút dạ đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình!

(K, c.2366)

“Thường tình” của “chút đàn bà”, của “thói hồng nhan”. Nó là một chân lý của lòng người phụ nữ mà dân gian ta vẫn thường nói:

“Ớt nào là ớt chẳng cay,

Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”.

Cái “lẽ thường” ấy không phải chỉ có ở Hoạn Thư, có ở mọi người phụ nữ, kể cả Thúy Kiều cũng nằm trong quỹ đạo ấy mà thôi.

Với lời lẽ trần tình, với thái độ “khấu đầu dưới trướng”, Hoạn Thư nhận lỗi hết về mình: "Trót lòng gây việc chông gai" (K, c.2371).

Tất nhiên, Thúy Kiều với bản chất con người trung hậu, tấm lòng nhân nghĩa, nàng liền nói: "Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen" (K, c. 2376)

Và Thúy Kiều xử sự phân minh, dứt khoát truyền lệnh tha bổng Hoạn Thư: "Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay" (K, c.2378).

Đấy là triết lý hành động nhân đạo của nhân dân. Tâm lý những nhân vật chính trong Truyện Kiều là phản chiếu tâm sự Nguyễn Du, nghĩa là nỗi lòng - chí hướng, đau đớn và hy vọng. Nguyễn Du tự mình phủ định những quan điểm tôn giáo của chính mình và khẳng định giá trị chân thực chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân. Triết lý chủ yếu của Truyện Kiều nằm ẩn dưới triết lý “mệnh”, “nghiệp” và được phát triển bởi triết lý hành động nhân đạo của nhân dân. Nguyễn Du là nhà thơ trữ tình tiến bộ đang tìm cách chống đối nhà triết học duy tâm, ánh sáng hiện thực đang xua đuổi triết lý thần bí, cái hợp lý ẩn dưới cái phi lý, nội dung xã hội dần dần lấn bước khái niệm siêu hình, văn học hình tượng chi phối cuộc xung đột bi kịch giữa cá nhân và xã hội, giữa quyền sống của nhân dân với những thế lực phong kiến hủ bại, suy đồi. Trong xung đột, trong đấu tranh, bài ca thắng lợi thuộc về lực lượng chính nghĩa và tiến bộ. Mọi người hồn nhiên, háo hức mê thơ Kiều, hồ hởi tiến lên làm chủ vận mệnh của mình. Trong Truyện Kiều, triết lý Phật giáo là tín ngưỡng thông thường của dân chúng, theo xu thế chủ nghĩa nhân đạo, gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa hiện thực, không còn thuần nhất lấy thiện trị ác một cách tuyệt đối như lời dạy của Phật. Qua tính chất không thuần nhất của triết lý Phật giáo trong Truyện Kiều, chúng ta thấy trí tưởng tượng định mệnh cũng như tư tưởng tài - mệnh - tâm vừa day dứt lòng mà lại dễ bác bỏ, dễ phủ định bởi cái xã hội của nó. Ở Truyện Kiều quan hệ giữa người và người là những quan hệ xã hội gắn liền với vị trí xã hội, với tâm lý riêng của từng người. Tất cả những điều liên quan ấy tạo tiền đề cho chúng ta tìm đến những mâu thuẫn phức tạp trong nhân vật Thúy Kiều, trong thế giới quan phức tạp của Nguyễn Du, để rồi xác định chân giá trị Truyện Kiều là chủ nghĩa nhân đạo của nhân dân ta.

Chú thích:

(1) Hoàng Ngọc Hiến: Triết lý Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục,1998, tr.546.

(2) Nguyễn Khánh Toàn:Nguyễn Du et son temps, Etudes Vietnamienes, Avril(tháng 4-1995), tr.16.

(3)(4) Daisetz Teitaro Suzuki: Thiền luận, quyển trung, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh,1992, tr.403.

(5) Trần Trọng Kim: Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.275.

(6)(7) Cao Huy Đỉnh: Triết lý đạo Phật trong Truyện Kiều, in trong Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, 1998, tr.560; 561.

(8) Hoàng Ngọc Hiến, Bđd, tr.548./. (Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010; Tr.56-66)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » đa Mang Lấy Nghiệp Vào Thân