Dã Quỳ Cây Thuốc Quý điều Trị Mụn Nhọt, Lở Ngứa, Phòng Trừ Sâu Hại

  • Tên khác: hướng dương dại, hoa quỳ, sơn quỳ, cúc quỳ, quỳ dại.
  • Tên khoa học: Tithonia diversifolia, thuộc họ Cúc: Asteraceae (1).
  • Bộ phận dùng: lá cây
  • Tính vị: đang cập nhật
  • Công dụng chính: điều trị mụn nhọt và hạ đường huyết.

Tháng 11 hàng năm là mùa của hoa dã quỳ và cũng là thời điểm khách du lịch kéo về Đà Lạt để chiêm ngưỡng những cung đường hoa dã quỳ vàng rực!

Hoa dã quỳ, không đẹp ở sự kiêu sa, lãng mạn mà đẹp ở sự mạnh mẽ, hoang dại. Và cũng như vậy, cây dã quỳ không quý ở hình dáng bắt mắt mà quý ở giá trị làm phân xanh (nhờ có nhiều P, Ca, Mg) và những công dụng làm thuốc của nó!

Về cây dã quỳ

Cây dã quỳ nhìn thoáng qua thì dễ nhầm với cây hướng dương nhưng thân dã quỳ mảnh khảnh, phân nhánh nhiều hơn, lá và hoa cũng nhỏ hơn, hoa cũng ít cánh hơn. Với cây dã quỳ, chúng ta có thể nhân giống dễ dàng bằng cách giâm cành (có lẽ nhờ thế mà cây dã quỳ nhanh chóng làm nên những cánh đồng hoa vàng rực, những con đường hoa và những lối đi đầy hoa của xứ xở Tây Nguyên mà thủ phủ của nó là Đà Lạt!).

Ngoài tên gọi dã quỳ, cây còn được gọi là hướng dương dại, hoa quỳ, sơn quỳ, cúc quỳ, quỳ dại…, với tên khoa học là Tithonia diversifolia, thuộc họ Cúc: Asteraceae (1).

Công dụng của lá dã quỳ
Công dụng của lá dã quỳ

Lá dã quỳ điều trị mụn nhọt, lở ngứa hiệu quả

Là loài cây dại nhưng cây dã quỳ lại cung cấp được một lượng sinh khối lớn để làm phân xanh cải tạo đất. Không chỉ thế, trong đời sống hàng ngày, lá dã quỳ còn là bài thuốc điều trị ghẻ lở, mụn nhọt, mẩn ngứa, mụn nước tay chân… rất hiệu quả.

Cách sử dụng lá dã quỳ cũng đơn giản: chỉ cần ngắt vài nắm lá tươi (có cả lá và ngọn), rửa sạch rồi đổ nước nóng vào, sau đó cho thêm một ít muối (khoảng 1 muỗng cà phê), đợi cho nước bớt nóng thì ngâm tay chân vào hoặc lấy nước tắm (các bạn nhớ lấy lá chà nhẹ chỗ bị ngứa cho bệnh mau hết). Đây là cách làm đơn giản, không tốn tiền mà lại tận dụng được cỏ cây quanh nhà một cách hiệu quả (2).

Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất nước nóng từ cây dã quỳ có tác dụng điều trị mụn rộp ở miệng và mụn rộp sinh dục (HSV – 1, HSV – 2) (7). Thêm vào đó, tạp chí Journal of Ethnopharmacology cũng công bố chiết xuất methanol từ lá dã quỳ (lá khô) có tác dụng chống viêm và giảm đau (3). Các kết quả trên đã cung cấp thêm bằng chứng cho tác dụng điều trị các bệnh viêm nhiễm của lá dã quỳ mà từ lâu, đồng bào Tây Nguyên đã dùng làm thuốc.

  • Tham khảo: Sâm cuốn chiếu (Bàn long sâm) loài sâm quý có hoa cực đẹp

Lá dã quỳ có điều trị tiểu đường được không?

Theo báo Đà Nẵng online thì có người đã dùng lá dã quỳ điều trị tiểu đường và bước đầu cho thấy hiệu quả. Cách dùng là hái ba lá dã quỳ nấu với một chén nước, đến khi nước rút còn 1/3 thì uống (mỗi ngày uống hai lần như vậy vào sáng và tối) (4).

Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi chưa tìm được tài liệu ghi chép công dụng điều trị tiểu đường của loại cây này, chỉ có kết quả nghiên cứu trên chuột bị tiểu đường type 2 cho thấy chiết xuất ethanol 80% từ cây dã quỳ giúp hạ đường huyết (theo tạp chí Biological and Pharmaceutical Bulletin (5). Vì vậy, khi chưa có các công bố chính xác về tác dụng điều trị tiểu đường của lá dã quỳ trên cơ thể người, các bệnh nhân cần cân nhắc sử dụng loại cây này. Theo một báo cáo khoa học, chiết xuất ethanol 70 % từ thân và lá dã quỳ có thể gây ra độc tính ở gan và thận của chuột thử nghiệm, điều này đã đặt ra vấn đề về tính an toàn của chiết xuất dã quỳ trong điều trị bệnh (trong đó có bệnh sốt rét) (6).

  • Tham khảo: Cây đuôi chuột (mạch lạc) và tác dụng điều trị tiểu đường, ho, viêm tiết niệu

Một số công dụng của lá dã quỳ

  • Điều trị AIDS: Theo chia sẻ trên báo Đà Nẵng online, lá dã quỳ được dùng trong bài thuốc kết hợp điều trị HIV/ AIDS. Nếu người bệnh có các biểu hiện sốt nóng, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng thì lấy 15 g lá dã quỳ, 15 g hoàng cầm sắc chung với đậu mắt tôm (kê nhãn thảo), cỏ tím (tử hoa địa đinh), cây chua me đất (hoa vàng), cỏ lưỡi rắn trắng và rau diếp cá (mỗi vị 30 g).
  • Nếu bệnh nhân bị nổi mụn nước và chảy mủ viêm nhiễm thì lấy lá dã quỳ tươi sắc chung với vỏ rễ cây xoan, cúc hoa vàng (các loại bằng nhau) và rửa vùng da bị mụn lở. Ngoài ra, cũng cần sắc uống các vị thuốc sau đây để bổ trợ: lá dã quỳ, cỏ tím (tử hoa địa đinh), bồ công anh và kim ngân (lấy dây), mỗi vị 15 g (4).
  • Tác dụng làm thuốc trừ sâu sinh học: lấy lá dã quỳ giã nát, vắt lấy nước rồi phun lên sâu hại (2). Có thể thấy, cách làm này vừa góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người lại vừa tận dụng được nguồn dã quỳ có sẵn trong tự nhiên.

Lưu ý

Cây dã quỳ có dược tính nhưng cũng có độc tính, vì vậy chỉ an toàn khi dùng ngoài da. Khi có nhu cầu dùng làm thuốc uống, các bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chỉ định phù hợp nhất.

Nguồn tham khảo

  1. Dã quỳ, https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A3_qu%E1%BB%B3, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  2. Phương thuốc chữa bệnh ngoài da đặc biệt của dã quỳ, https://baomoi.com/phuong-thuoc-chua-benh-ngoai-da-dac-biet-cua-hoa-da-quy/c/28595150.epi, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  3. Studies on the anti-inflammatory and analgesic properties of Tithonia diversifolia leaf extract, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874103003969, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  4. Dã quỳ có chữa được tiểu đường?, https://baodanang.vn/channel/5433/201711/da-quy-co-chua-duoc-tieu-duong-2578457, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  5. Antidiabetic Effect of Nitobegiku, the Herb Tithonia diversifolia, in KK-Ay Diabetic Mice, https://www.jstage.jst.go.jp/article/bpb/28/11/28_11_2152/_article/-char/ja/, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  6. Toxicity studies of Tithonia diversifolia A. Gray (Asteraceae) in rats, https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0378874108006648, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.
  7. In vitro Anti-leukemic and Antiviral Activities of Traditionally Used Medicinal Plants in Taiwan,  https://www.worldscientific.com/doi/abs/10.1142/S0192415X04002284, ngày truy cập: 06/ 11/ 2019.

Từ khóa » Cây Lá Quỳ Chua