Những Lợi ích Mà Loài Hoa Dại Dã Quỳ Mang đến Cho Nông Nghiệp

Có lẽ đối với những con người ở vùng đất Tây Nguyên thì không còn xa lạ gì với cây hoa dã quỳ. Một loài hoa dại xuất hiện khắp triền đồi, vách núi ở vùng cao nguyên đầy nắng gió này.

Là loài hoa có sắc vàng rực rỡ khiến người ta mê mẩn. Nhiều nhà thơ nhà văn đã tốn không ít giấy mực để miêu tả vẻ đẹp của loài hoa này. Đặc biệt, những cánh đồng bạt ngàn hoa dã quỳ ở Đà Lạt luôn níu chân người du khách khi đến đây vào mùa hoa nở.

Dã quỳ không chỉ đẹp mà còn mang lại cho những người nông dân những lợi ích đặc biệt mà ít loài cây nào có được.

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm hình thái và sinh thái của dã quỳ
  • 2. Những lợi ích của cây dã quỳ trong nông nghiệp
  • 3. Cách trồng dã quỳ

1. Đặc điểm hình thái và sinh thái của dã quỳ

1.1 Hình thái

Hoa dã quỳ còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại, hướng dương dại, hướng dương Mexico,… Là một loài thực vật thuộc họ Cúc, có tên khoa học là Tithonia diversifolia.

Phụ thuộc vào khu vực, nó có thể là cây một năm hay cây lâu năm. Dã quỳ mọc thành từng bụi, có chiều cao trung bình khoảng 2,5 đến 3m.

Thân cây có màu xanh đậm và chuyển dần sang màu nâu đất theo thời gian. Lá có hình dáng giống lá của cúc vàng nhưng có kích cỡ to hơn. Phiến lá nhẵn, trên mặt lá có một lớp lông nhỏ.

Hoa dã quỳ có màu vàng tươi hoặc vàng cam, thường mọc đơn, đôi khi mọc thành từng chùm. Cánh hoa mỏng, có 13 cánh tỏa tròn với đường kính khoảng 8 – 10cm. Hoa bắt đầu nở vào mùa khô để kịp kết hạt trước khi đất khô cứng. Hạt sẽ rụng xuống đất, và chờ nước mưa của mùa mưa tiếp theo mang đi xa để mọc cây con.

Hoa dã quỳ

1.2 Sinh thái

Cây dã quỳ có nguồn gốc từ Mexico. Là một loài cây bụi ưa nắng, phù hợp với các vùng đất có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Là loài cây có sức sống mãnh liệt, có thể sống tốt ngay cả tại các vách núi dựng đứng với bộ rễ chùm bám rất chắc chắn vào đất.

Ở nước ta, dã quỳ phân bố khắp các vùng đồi núi ở Tây Nguyên, miền Bắc và một số tỉnh phía Nam. Hoa nở vào mùa đông vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên. Loài cây này được xem như một loài cây báo hiệu cho sự xuất hiện của mùa khô. Khi hoa dã quỳ nở, có nghĩa là mùa khô đã đến rất gần.

2. Những lợi ích của cây dã quỳ trong nông nghiệp

2.1 Nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng

Hoa dã quỳ được người Pháp đưa vào Việt Nam với mục đích ban đầu là làm phân bón cho các đồn điền cao su, cà phê tại khu vực Tây Nguyên. Nhờ hạt dã quỳ dễ phát tán, cây hợp thổ nhưỡng, phát triển nhanh nên loài hoa này dần đã chiếm lĩnh các khu vực bỏ hoang.

Vì sao dã quỳ được người Pháp xem là một nguồn phân bón hữu cơ cực kỳ tốt cho các loại cây trồng. Bởi, trong thân lá của nó có chứa tới 3,92% kali, 1,76% đạm, 0,82% photpho, 3,00% canxi và một số các chất dinh dưỡng khác.

Dinh dưỡng trong cây dã quỳ
Hàm lượng dinh dưỡng trong cây dã quỳ

Có thể thay thế nguồn kali vô cơ

Chúng ta đều biết kali có vai trò quan trọng như thế nào đối với cây ăn trái. Đặc biệt là cây có múi lại càng quan trọng. Nhưng khi canh tác theo hướng hữu cơ tự nhiên, không sử dụng các loại phân bón vô cơ thì làm sao để cung cấp đầy đủ loại dinh dưỡng này? Và phân bón từ cây dã quỳ chính là câu trả lời.

Trong đất trồng tự nhiên có chứa một lượng kali rất lớn. Tuy nhiên nó lại ở dạng khó tiêu, cây trồng không thể hấp thụ được. Chỉ có thể nhờ hoạt động phân giải của một số chủng vi sinh vật ở một số loại cây đặc hữu riêng có khả năng tiết ra acid hữu cơ để phân giải lượng kali này cho cây hấp thụ.

Và dã quỳ là một loại cây đặc biệt, nó hấp thụ được kali khó tiêu, chuyển hóa thành thành kali dễ tiêu và giữ trong thân, cành lá. Nên khi sử dụng phân bón ủ từ nó, cây trồng có thể hấp thụ nguồn kali này một cách dễ dàng.

dã quỳ là loại cây trồng rất giàu kali
Nguồn kali tự nhiên trong một loài cây dại

Cải tạo đất, tăng năng suất

Dã quỳ được ứng dụng như một loại phân xanh, phân ủ cải tạo đất hữu hiệu. Có thể cắt phủ trực tiếp lên mặt hoặc vùi vào đất. Hoặc băm nhỏ hay xay mịn thân lá để ủ với phân chuồng. Sau 5-7 ngày có thể đưa ra sử dụng.

Một số vùng nông nghiệp lớn ở châu Phi như tại Kenya đã sử dụng phân ủ từ dã quỳ. Giúp tăng năng suất ngô lên gấp đôi, và nó cao hơn 20% so với sử dụng phân hóa học. Tuyệt vời hơn là năm sau người ta chỉ cần 40% lượng năm trước để giữ năng suất.

2.2 Trừ sâu, tuyến trùng

Theo các nghiên cứu khoa học, trong lá của cây dã quỳ có các chất Sesquiterpene, Diterpenoids, Pyremethrin,… là những chất độc đối với sâu bọ và côn trùng.

Để sử dụng như một loại thuốc trừ sâu sinh học, dùng thân lá của cây giã với nước sạch sau đó lọc lấy dung dịch rồi phun lên cây trồng để xử lý sâu hại.

Lưu ý: Chỉ sử dụng khi sâu hại bùng phát, bởi các chất trong dã quỳ có ảnh hưởng đến một số loài thiên địch.

2.3 Rào cản chắn gió

Dã quỳ có thể được trồng thành từng băng ngang quanh vườn trồng để chắn gió cho các cây trồng nhỏ. Bởi cây có thể cao từ 2,5 – 3m.

cách trồng cây dã quỳ

3. Cách trồng dã quỳ

Dã quỳ là một cây trồng phát triển nhanh nên cho lượng sinh khối rất lớn. Lại rất dễ trồng, có thể phát triển ở nhiều vùng.

Với cây trồng này, chúng ta có thể nhân giống dễ dàng bằng cách giâm cành và gieo hạt.

Trồng thành các hàng rào ở các vùng đất trống hoặc vùng đất ranh giới. Cây có sức sống tốt, phát triển nhanh và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên đây là một loài cây ưa sáng, nên trồng ở những nơi không bị các cây trồng lớn che khuất.

>> Đọc thêm: Một số loại cây họ đậu cố định đạm phổ biến (phần 1)

Từ khóa » Cây Lá Quỳ Chua