Đặc điểm Của Cách Mạng Tháng Tám (Phần I)

Liền sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914­-1918), "khi đại bác đã chán ngấy thịt da vàng, da đen rồi", thì các cường quốc thắng trận họp ở cung điện Vécxây, lạnh lùng chia nhau lại địa cầu, giữ chắc và mở rộng thêm các hệ thống thuộc địa, trước hết là hệ thống thuộc địa của Pháp, Anh. Họ lập nên một bức tường thành chủ nghĩa thực dân thế giới nhằm chống lại các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chắc chắn sẽ nổi lên. Lúc ấy, đa số các dân tộc trên địa cầu đều là thuộc địa hay nửa thuộc địa của năm, ba nước đế quốc thực dân. Mới đó Anh, Pháp, Hà Lan,... luôn mồm kêu gọi các dân tộc thuộc địa hãy đứng cạnh "mẫu quốc" văn minh để đánh bại "Đức tặc" dã man, hãy hy sinh tính mạng, tài sản để sau khi chiến thắng sẽ được hưởng dân chủ, tự trị...

cach mang 1 1

Ngày 19-8-1945, nhân dân giành chính quyền tại Bắc Bộ phủ (Hà Nội).

Nay thì Hội nghị Vécxây chấm dứt, mọi lời hứa của Pari, Luân Đôn, La Hay bị chôn vùi trong quên lãng, trong im lặng, nếu từng lúc không có những cuộc khởi nghĩa nổ ra nhắc nhở bọn chủ nô hiện đại, như khởi nghĩa ở núi Rif (Marốc), khởi nghĩa ở Java (Inđônêxia), ở Bắc Kỳ (Việt Nam) và những cuộc đấu tranh cực kỳ lớn như phong trào "bất hợp tác" ở Ấn Độ, phong trào quân giải phóng ở Trung Quốc.

Thế giới thuộc địa như một núi lửa đang sôi sục, những điều kiện của cách mạng ở thuộc địa đang hình thành trong hoàn cảnh thế giới đã có Liên bang Xôviết và Quốc tế thứ ba phất cao ngọn cờ "giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!".

Tiếp đó, nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945). Một lần nữa, các đế quốc lại cần xương thịt da vàng, da đen và cả da trắng để làm mồi đại bác. Nhưng lần này, các dân tộc bị nô dịch bị lừa gạt ở các châu, chủ yếu là châu Á, châu Phi không trông chờ "lượng cả" nữa. Họ thức tỉnh, họ vùng lên, tất cả đều nhất trí với Hồ Chí Minh là "Phải đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Phong trào giải phóng dân tộc trở thành cơn vũ bão ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa chấm dứt. Trong cơn vũ bão đó, mục đích chính trị của tất cả các dân tộc thuộc địa, nửa thuộc địa đều giống nhau: độc lập, tự do. Nhưng các bước đường đi tới độc lập, tự do của mỗi dân tộc thì không nơi nào giống hẳn nơi nào; mỗi cuộc giải phóng dân tộc đều có đặc điểm riêng của mình.

Câu hỏi đặt ra là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam mang những đặc điểm gì khiến nó được nhiều nhà sử học xem là một "đột phá khẩu" vào bức tường thành chủ nghĩa thực dân thế giới? Nhiều người nhận định: các hệ thống chủ nghĩa thực dân thế giới sụp đổ hoàn toàn, chủ yếu bắt đầu từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 của Việt Nam thành công và của nhiều dân tộc thuộc địa ở Đông Nam Á.

Hình ảnh ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Ngày 28-8-1945, Đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn.

Đặc điểm thứ nhất: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ thành công triệt để.

Các nhà sử học Việt Nam dùng từ "cách mạng" để xác định tính chất của phong trào đấu tranh nhằm đánh đuổi quân Pháp, giành lại chủ quyền, đại khái bắt đầu từ đầu thế kỷ XX. Còn từ cuộc nổi dậy của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định đến cuộc khởi nghĩa Hương Sơn của Phan Đình Phùng, cuộc kháng chiên kéo dài của Hoàng Hoa Thám, đều chưa thuộc vào thời kỳ cách mạng. Có thể hiểu vì sao; vì trong giai đoạn lịch sử đó, các lãnh tụ kháng chiến và đồng bào nổi dậy đều chỉ nhằm mục đích đại nghĩa là tiêu diệt quân xâm lăng, "khôi phục nước Việt Nam y cựu".

Ra sức giữ cho được cái cũ quen thuộc, chưa một ai tính thay đổi gì mới trong chế độ xã hội đương tàn.

Phải đến đầu thế kỷ XX thì khái niệm "cách mạng" mới đến Việt Nam từ "tân thư", "tân báo" của Trung Quốc, Nhật Bản. Vào Việt Nam trước tiên là tư tưởng cách mạng tư sản dân chủ đã cũ ở phương Tây, nhưng còn mới cho phương Đông. Phong trào yêu nước Việt Nam cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất nói chung là ở trong khuôn tư tưởng ấy tuy những tư tưởng quân chủ, thần bí ở dạng này hay dạng khác còn sống khá mạnh, như các cuộc nổi dậy của Nguyễn Hữu Trí ở Nam Kỳ, ở Sài Gòn những năm 1911 và 1916 được gọi là nổi dậy Thiên địa hội. Mãi đến gần giữa những năm 20, phong trào yêu nước ở Việt Nam mới hoạt động với một chất lượng mới với phương hướng cách mạng, kết hợp nhiệm vụ dân Lộc với nhiệm vụ loại trừ mọi tàn tích phong kiến, đem lại độc lập và dân chủ cho đất nước.

Bắt đầu xuất hiện những tổ chức đưa đến Việt Nam Thanh niên Cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Không còn có đảng nào chủ trương "độc lập và quân chủ", trừ ra một cánh đạo Cao Đài thân Nhật muôn tôn phù Kỳ ngoại hầu Cường Để, mà rốt cuộc thì đến cuối chiến tranh, cả Kỷ ngoại hầu và phe quân chủ đều bị Nhật bỏ rơi. Và, trong phong trào dân tộc thuộc địa đấu tranh giải phóng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong sự sụp đổ toàn bộ các hệ thống đế quốc thực dân, có thể thấy kết quả ở mỗi nước mới giành được độc lập có nhiều mức độ khác nhau tuỳ theo hình thức và sức mạnh đấu tranh của mỗi dân tộc. Có dân tộc giành độc lập bằng khởi nghĩa cách mạng, có dân tộc giành tự chủ vừa bằng khởi nghĩa, vừa bằng thương thuyết, hay chỉ có nhượng ước thôi trong một bối cảnh chính trị được gọi là "phi thực dân hoá". Có dân tộc giành độc lập mà giữ quân chủ làm hình thức của chính quyền. Cũng có dân tộc giành được độc lập với hình thức dân chủ tư sản, gần như kiểu phương Tây. Lại có dân tộc mang cái vỏ "độc lập" do đế quốc ban cho mà thực chất là chính quyền ở trong tay của những công ty thực dân và những nhân vật được đế quốc thuần dưỡng từ lâu.

Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tương đối muộn (1930), chủ trương làm cách mạng có tính chất dân chủ tư sản lấy hai nhiệm vụ phản đế và phản phong làm cơ bản với giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm động lực chính của cách mạng. Giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân nổi lên một ngày nào đó giành độc lập dân tộc, lập chính phủ công nông. Nhưng khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Đảng Cộng sản thấy tình thế mới cho phép và đòi hỏi một chuyển hướng chiến lược nhằm tạo ra đầy đủ khả năng đoàn kết tất cả dân tộc không chừa một giai cấp nào, dù là địa chủ hay tư sản, đoàn kết xung quanh công nông liên minh đã bắt đầu được xây dựng có hiệu quả ngay từ giai đoạn lịch sử 1930 - 1931 và được thử thách suốt mười mấy năm.

Trong đường lối chuyển hướng chiến lược đó, Đảng rút bớt khẩu hiệu cách mạng phản phong; cách mạng Việt Nam từ nay là cách mạng giải phóng dân tộc, chủ yếu nhằm đạt mục đích độc lập, tự do, lập chính quyền dân chủ cộng hoà trên cơ sở đại đoàn kết toàn dân trong đấu tranh chính trị và vũ trang chống Pháp, chống Nhật.

Hồ Chí Minh kêu gọi:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công.

Nhìn lại Cách mạng Tháng Tám 1945, chúng ta thấy trong hàng ngũ cách mạng chẳng những có công nhân, nông dân mà còn có đại địa chủ, nhiều quan lớn của triều đình, đương chức hoặc đã về hưu; đáng chú ý là sự có mặt của nhiều vị tiêu biểu cho các tôn giáo. Các dân tộc miền núi có mặt ngay từ những ngày khởi nghĩa tại Hà Nội, Sài Gòn. Sức mạnh của Cách mạng Tháng Tám là sức mạnh của toàn dân Việt Nam có tổ chức, có lãnh đạo. Chính vì vậy mà Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng thành công triệt để nhất trong các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong thực tế lịch sử, Cách mạng Tháng Tám hoàn thành cả hai nhiệm vụ lớn của cách mạng dân chủ tư sản, cách mạng phản đế và cách mạng phản phong. Có điều là triều đình Huế sụp đổ rồi, nhưng chưa phải là tàn dư phong kiến trong các mặt xã hội khác đều tự nó tiêu tan. Công bằng xã hội ở nông thôn tuần tự được giải quyết như đã công bố trong Chương trình Việt Minh.

Thực ra, chế độ quân chủ không tự nó tan biến, cái "hay" của Pháp là thâu tóm tất cả quyền hành, còn cái dở lớn của nó là do thâu tóm hết quyền hành khiến cho đồng minh của đế quốc là phong kiến thấy quá rõ thân phận tôi đòi, cho nên mới có câu nói khôn ngoan duy nhất của Vĩnh Thụy: làm dân của một nước tự do hơn là làm vua một nước nô lệ. Vĩnh Thuỵ nhớ hay quên lời nói ấy là một vấn đề khác.

Ở Việt Nam, chính khởi nghĩa toàn dân đã đưa lên một chính quyền của nhân dân, một chính quyền vì nhân dân; chính quyền ấy hoàn toàn độc lập với bất cứ một đế quốc thực dân nào. Hãy nghe Cụ Hồ trả lòi khi Pháp đòi đổi cái giá "tự do" bằng sự đồng ý cho Pháp tách Nam Bộ thành xứ "tự trị" riêng. Cụ Hồ nói: "Nam Bộ là thịt của thịt Việt Nam, là máu của máu Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Nếu cần, sẽ kháng chiến 9 năm, 30 năm chứ không bao giờ chịu khuất phục trước thực dân, đế quốc. Lời nói đanh thép đó chỉ có thể thốt ra từ một chính quyền hoàn toàn độc lập.

Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào trong vùng giải phóng đã bầu ra Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tiền thân của chính quyền dân chủ. Mới thành công từ tháng 8 thì đến tháng giêng 1946, Chính phủ lâm thời đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc. Lần thứ nhất trong lịch sử, Quốc hội đầu tiên bằng đầu phiếu phổ thông bầu chính thức Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Những khó khăn cực kỳ lớn không ngăn cản được sự thực hiện dân chủ dưới các hình thức rộng rãi và có nguyên tắc nhất. Chính các chế độ dân chủ mới mẻ và mạnh dạn này đã góp phần đặc biệt quan trọng cho cuộc kháng chiến thành công. Điều cần nhấn mạnh là chính quyền dân chủ do Cách mạng Tháng Tám dựng lên là một chính quyền có đầy đủ tính chất dân chủ, song lại cao hơn, hay nói một cách khác, có tính chất nhân dân đậm, ít thấy ở các xứ khác, bởi vì cơ sở của chính quyền mối là các Ủy ban khởi nghĩa được thành lập đã tập hợp nhân dân, đưa nhân dân lên đưòng tranh đấu giành độc lập, tự do. Hoàn toàn không phải là một chính quyền dân chủ hình thức được áp đặt trên nhân dân.       -

Rất đúng là một chính quyền từ nhân dân mà ra, đại diện trung thực nhất cho lòng dân cả nước. Nền dân chủ được dựng lên như vậy đang được gọi là một nền dân chủ nhân dân; dân chủ nhân dân hẳn chưa phải là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng về bản chất đã vượt qua dân chủ tư sản thường thấy ở nhiều nước vừa thoát khỏi ách thực dân, ở đó thế lực của bọn phong kiến thân đế quốc còn rất lớn. Còn ở Việt Nam, cách mạng thành công triệt để sinh ra chính quyển dân chủ nhân dân; chính quyền dân chủ nhân dân mở ra nhiều khả năng chính trị mới, trong đó trước hết là khả năng đương đầu lâu dài và thắng lợi chông đế quốc thực dân đang thực hiện kế hoạch xâm lăng Việt Nam một lần nữa.

Hình ảnh ngày Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuốc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công. Ảnh tư liệu.

Đặc điểm thứ hai: Từ một quá trình chuẩn bị lâu dài, liên tục, gian nan tột bậc, Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công nhanh, gọn, phi thường trên toàn quốc Việt Nam.

Trước kết, tôi xin phép nói rõ quan niệm của mình về khoảng thời gian "Lịch sử Cách mạng Tháng Tám" so với thời gian "lịch sử cách mạng Việt Nam". Cách mạng Tháng Tám là một giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Nếu phải viết về lịch sử cách mạng Việt Nam thì tôi sẽ bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, từ khi xuất hiện ngôi sao Nguyễn Ái Quốc trên bầu trời, nghĩa là từ khi dân tộc Việt Nam bắt đầu có đường lối cách mạng.

Còn lịch sử Cách mạng Tháng Tám thì bắt đầu từ cuộc Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào thuộc Khu giải phóng Việt Bắc cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Thủ đô Hà Nội. Thời gian lịch sử Cách mạng Tháng Tám là ba, bốn tuần còn thòi gian lịch sử cách mạng Việt Nam dài hơn rất nhiều. Nói rõ hơn, thời gian lịch sử Cách mạng Tháng Tám chủ yếu là thời gian tổng khởi nghĩa.

Ngày 13-8, Tổng bộ Việt Minh, Thường vụ Trung ương Đảng được tin Nhật đầu hàng. Mười một giờ đêm hôm ấy, từ Tân Trào phát ra Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa: "... đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù".

Rạng ngày 14, Tổng bộ Việt Minh ra hiệu triệu:

"Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo Quân giải phóng, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân"1.

Làm một cuộc tổng khởi nghĩa trên cả một nước gồm hàng chục vạn, hàng trăm vạn nhân dân, khác xa với phát lệnh tổng tiến công cho hàng chục, hàng trăm đơn vị quân đội sẵn sàng chiến đấu. Ở quân đội, tổ chức đã xong trước khi chiến đấu. Ở nhân dân, mọi việc đều còn phải hoàn thành khi nhận được lệnh khởi nghĩa. Bắc Nam xa cách hàng ngàn kilômét, điện đài thiếu hoặc không có, tất cả cầu phà trên đường thiên lý đều bị máy bay Mỹ phá. Ngay cả liên lạc giữa Tân Trào và Hà Nội cũng cực kỳ khó khán, vì lúc ấy đê Vĩnh Yên đã vỡ, giữa sông Hồng và Tam Đảo là một vùng lũ lụt mênh mông.

Hãy tưởng tượng tâm trạng lo âu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phát lời kêu gọi "toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta" nếu Hà Nội, Huế, Sài Gòn không kịp hưởng ứng trước khi Đồng minh đưa quân vào, tình thế chính trị sẽ ra sao? Tình thế lịch sử lúc này đặt ra trước mọi người một cuộc "chạy đua" nước rút giữa cách mạng Việt Nam quyết tâm giành độc lập, tự do với quân Đồng minh nhập Việt, quân Tưởng ở miền Bắc, quân Anh ở miền Nam.

Tưởng thì chưa bao giờ có chút cảm tình nào với Việt Nam, còn Anh thì cấu kết với Pháp. Quân Đồng minh thì hoặc ở sát biên giới ta, bước một bước đã tới như quân Tưởng, hoặc như quân Anh có thừa máy bay, tàu chiến để nhanh chóng vào Sài Gòn. Họ có thể có ít nhiều mâu thuẫn với nhau, nhưng thống nhất với nhau ở chỗ ngăn cản Việt Minh giành chính quyền.

Ai thắng trong cuộc chạy đua? Làm sao có thể tưởng tượng người "chân đất" thắng? Phải thắng, thắng nhanh thì mới có độc lập, tự do. Nếu ta tới trễ, quân họ đông, vũ khí họ tốt, nếu họ làm chủ Hà Nội, Huế, Sài Gòn trước ta chỉ một tuần, một ngày, vài giờ thôi thì làm gì còn khởi nghĩa cách mạng nữa, làm gì có Việt Nam dân chủ cộng hoà? Năm mươi năm sau 1945, nhìn lại cuộc chạy đua nửa thế kỷ trước, càng thấy cuộc đấu tranh với thời gian là quyết liệt chừng nào và dân tộc Việt Nam đã giành chiến thắng một cách thần tốc, oanh liệt như thế nào?

Đúng giữa tháng tám, pháo lệnh tổng khởi nghĩa đã nổ. Việt Nam Giải phóng quân xuất phát đánh quân Nhật ở hai cửa ngõ đông, tây của Tân Trào là Thái Nguyên và Tuyên Quang. Chiến cuộc đang tiếp diễn thì ngày 19, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội thành công gọn. Đó là tiếng súng lệnh cho tất cả các đơn vị trên toàn chiến trường sẵn sàng tiếp ứng. Ngày 23, chỉ bốn ngày sau Hà Nội, Huế khởi nghĩa thắng lợi. Nhân dân Sài Gòn, tới phiên mình, hoàn thành khởi nghĩa đêm 24, rạng ngày 25.

Chưa đầy một tuần lễ, tổng khởi nghĩa thành công trên một đất nước dài hơn 2 ngàn kilômét.

Tất cả đồng bào các tỉnh, huyện, xã nối tiếp nhau, từ Bắc chí Nam, từ miền biển đến miền núi đều nhất tề đứng dậy và đều thành công trọn vẹn.

Có thể đoán được tâm trạng của tướng Trương Phát Khuê ở Hoa Nam và Grâyxi ở Ấn Độ đang gấp rút lo việc điều quân "nhập Việt", khi họ biết tin khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nhất là ngày 2-9, khi họ biết tin ở Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản Tuyên ngôn độc lập:

"... Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hoà.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam...

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chông ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chông phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do. Dân tộc đó phải được độc lập!

Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyển tự do, độc lập ấy"2.

Từ nay, nước ta tự trình diện trước thế giới như một nước độc lập. Các nước Đồng minh trước và trong khi đến Hà Nội, Sài Gòn, đã tận mắt trông thấy một nước độc lập, có chủ quyển, có chính phủ hợp pháp được toàn dân tín nhiệm.

Nói cho đúng, trong cuộc "chạy đua", nếu quân Tưởng và quân Anh đã có mặt ở Hà Nội, ở Sài Gòn trước thì họ đã làm hết sức để khởi nghĩa không nổ ra, hoặc nếu có nổ ra thì cũng không thành công. Nhưng lúc đó, mối chỉ có vài nhóm tiền tiêu của họ được chứng kiến ngày 2-9, nhất là chứng kiến tinh thần của hàng triệu nhân dân kiên quyết bảo vệ độc lập, tự do mối giành lại được. Ít hôm sau, khi họ chính thức vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật thì Việt Nam đã có chủ, chủ là người Việt Nam hoạt động trong trật tự nghiêm túc. Nếu họ muốn quay lại chế độ cũ thì sẽ vấp phải sự kháng cự mãnh liệt nhất của một nhân dân đang hừng hực tinh thần chiến thắng.

Sự thật, những người lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã tính trước cuộc "chạy đua" này. Nếu không tính trước, không thắng nổi. Đã tính trước trường hợp "Hoa quân nhập Việt", ta phải làm gì? Đã tính trước trường hợp quân Mỹ đổ bộ ở Trung Kỳ sau khi chiếm lại Philíppin. Nhưng phải nói thật là khi ấy, không ai đoán trước Hồng quân Liên Xô vào giải phóng Đông Bắc Trung Quốc, và hai quả bom nguyên tử buộc quân Nhật đầu hàng sớm hơn ta dự tính. Do đó, cuộc "chạy đua" xảy ra căng thẳng hơn và cũng vì đó mà thành tích cuộc chạy đua càng vẻ vang hơn, ly kỳ hơn, mang ít nhiều tính huyền thoại. Nhưng đừng nên quên Việt Nam là xứ của huyền thoại Ông Gióng. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công nhanh gọn, xét cho cùng chính là vì nó đã được chuẩn bị lâu dài, liên tục và cực kỳ gian khổ.

Có người hoặc thiếu hiểu biết lịch sử, hoặc có dụng ý xuyên tạc lịch sử, cho rằng năm 1945, Việt Minh gặp một cái may hiếm có là Pháp thì bị Nhật lật đổ, rồi Nhật thì lại bị Đồng minh đánh bại, tình hình chính trị giống như một trái chín cây đang rơi, Việt Minh mau tay, lẹ chân chìa ra hứng trái đang rơi chớ chẳng có tài ba, công trạng gì. Trái lại, người hiểu biết một chút lịch sử cận hiện đại Việt Nam biết rằng ở xứ ta, trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, chỉ có hai đảng cách mạng, Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản chủ trương giành độc lập bằng khởi nghĩa vũ trang. Nhưng, Quốc dân Đảng chết sớm từ năm 1930 sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Sau Yên Bái, ngoài Đảng Cộng sản không còn đảng nào chủ trương cách mạng. Từ năm đầu thành lập (1930) Đảng Cộng sản đã ghi công khai chương trình hành động của mình là sẽ nhân thời cơ chiến tranh đế quốc làm cách mạng giải phóng dân tộc. Đến năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ thì Đảng xem đây là "thời cơ ngàn năm có một" để làm khởi nghĩa thành công và từ đó Đảng dốc sức vào công việc chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám là kết quả của cuộc chuẩn bị đó. Hơn ai hết, đế quốc Pháp biết rõ hoạt động của Đảng Cộng sản, cho nên trong mọi lúc và nhất là khi chiến tranh thế giới đã nổ ra, Pháp tập trung sức mạnh để tiêu diệt Đảng Cộng sản, mà không diệt nổi. Trái lại, Đảng lập lại được hệ thống sau mỗi lần bị phá và càng mạnh hơn. Đảng Cộng sản là đảng cách mạng duy nhất có cơ sở trên cả nước từ Bắc chí Nam; nói rằng mỗi xã, quận đều có thì không phải, nhưng tỉnh nào, thành nào, quận nào dầu hẻo lánh mấy cũng đều có mặt người chiến sĩ cộng sản và xung quanh họ là nhiều hội viên hội cứu quốc. Họ có thể ít lý luận, nhưng họ đều biết rõ rằng muốn giải phóng dân tộc và nhân dân thì có ngày phải làm khởi nghĩa vũ trang và ngày khởi nghĩa đó vào cuối cuộc chiến tranh thế giới khi thực dân quân phiệt kiệt sức. Nghĩa là họ, đảng viên và hội viên, đã được chuẩn bị tinh thần từ trước. Nhật thua trận không phải là việc bất ngờ với dân Việt Nam. Hiệu lệnh tổng khởi nghĩa từ Tân Trào, hay từ Hà Nội tất nhiên được hưởng ứng tức khắc và khắp nơi trên cả nước là vì vậy. Nhất hô bá ứng là kỳ lạ đối với những ai không ở trong phong trào, còn nhất hô bá thiên vạn ứng là chuyện dễ hiểu đổi với những ai biết rằng Đảng Cộng sản từ năm 1930 đã liên tục chuẩn bị không mỏi mệt cho ngày tháng tổng khởi nghĩa.

Vậy không khó khăn gì để giải thích hiện tượng "thần kỳ" là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 nổ ra thần tốc trên toàn quốc trong vòng chỉ có mấy ngày.

Khởi nghĩa chỉ có mấy ngày mà hoàn thành thì phải chuẩn bị 15 năm mới được như vậy. Trong 15 năm liên tục, Đảng Cộng sản và Mặt trận (Phản đế, Dân chủ, Việt Minh) đã hy sinh hàng vạn chiến sĩ trong tù, trên máy chém, trong hàng ngàn cuộc bãi công, biểu tình, bãi thị, khởi nghĩa địa phương; nhưng kết quả lớn nhất của phong trào là, qua đấu tranh kinh tế, chính trị và tư tưởng, Đảng và Mặt trận đã gây được một điều rất cơ bản là làm cho quần chúng nhân dân không còn rời rạc, không còn thờ ơ với chính trị, mà trái lại hàng triệu người dân từ nay có ý thức về sức mạnh của mình, có ý thức về vai trò lịch sử của mình. Đó là việc rất lớn không phải đảng nào cũng biết đặt ra, không phải đảng nào cũng làm nổi. Đó là việc rất lâu dài, phải trải qua đấu tranh cách mạng gian khổ mới được. Nhờ vậy mà, khi thời cơ thuận lợi cho khởi nghĩa sắp đến, Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh đã tạo nên một lực lượng cách mạng cực kỳ hùng hậu mà trong thuật ngữ bấy giờ gọi là "đạo quân chính trị": cứ xem số nhân dân ngày 19-8 ở Hà Nội trước Nhà hát thành phố", ngày 23-8 ở Ngọ Môn, Huế, ngày 25-8 ở tất cả các đại lộ Sài Gòn, thì rõ. Riêng ở Sài Gòn và riêng trong công nhân lao động thành phố, "đạo quân chính trị" ấy gồm đến 200.000 ngưòi có tổ chức, hôm ấy (25-8) gần trăm vạn nông dân các tỉnh quanh Sài Gòn đúng hẹn vào thành phố với vũ khí trong tay, dù phần lớn là vũ khí thô sơ. Như thế cũng đủ thấy tầm quan trọng trong khởi nghĩa của "đạo quân chính trị" được dày công tạo thành từ những phong trào cách mạng trước tới đó.

Kết quả lớn của cuộc chuẩn bị lâu dài còn có một điều nữa mà ai viết lịch sử Cách mạng Tháng Tám cũng phải đề cao rất cao; đó là Khu giải phóng gồm Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà, sáu tỉnh, khi ấy gọi là "nước Việt Nam mới". Khu giải phóng Việt Bắc là kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang từ năm 1940, từ khởi nghĩa Bắc Sơn. Sáu tỉnh được giải phóng, là chỗ dựa mạnh của cách mạng, mà cách mạng khi ấy; thật ra không phải chỉ có Cao - Bắc- Lạng - Thái - Tuyên - Hà; còn nhiều vùng khác, nhỏ hơn, sau hơn mà có lẽ một ngày nào đó, nhà viết sử không thể không kể đến, như vùng du kích Ba Tơ ở Quảng Ngãi, như nhiều quận huyện ở Nam Kỳ lúc bấy giờ gọi là vùng "lưỡng quyền tương tranh" ở đó, về hình thức thì có bộ máy quan làng của Nhật nguỵ rệu rã, mà về thực tế thì quyền hành lại ở trong tay của toàn thể nhân dân, của Việt Minh đang phát triển hết sức mạnh.

Trong sự chuẩn bị lâu dài cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau hết cần phải kể đến sự thành lập và phát triển của lực lượng vũ trang.

Có nhiều tài liệu lịch sử nói về công nông tự vệ đội ở thời kỳ phong trào cách mạng 1930 - 1931. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, bắt đầu từ đầu Chiến tranh thế giói thứ hai, các đơn vị vũ trang của nhân dân sớm được thành lập, đến cuối năm 1944 thì Quân giải phóng ra đòi. Quân giải phóng ra đời trong cuộc "đánh Pháp, đuổi Nhật". Pháp bị lật đổ, cuộc kháng Nhật của Quân giải phóng càng mạnh hơn. Bên cạnh Quân giải phóng ở Chiến khu Việt Bắc, các chiến khu ở Bắc và Trung đều có nhiều hay ít lực lượng vũ trang, các lực lượng vũ trang đó lớn mạnh dần theo sự phát triển của phong trào phá kho thóc của Pháp, Nhật để cứu đói, phong trào chống trưng thu lương thực, phong trào chống nhổ lúa, trồng đay... Cuộc tự vệ của nhân dân trong các phong trào này chuẩn bị tinh thần và vật chất cho khởi nghĩa vũ trang.

Quân giải phóng không trực tiếp tham gia khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, nhưng uy thế chính trị của Việt Minh, của Quân giải phóng trợ lực rất nhiều cho cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước.

Nói tóm lại, Cách mạng Tháng Tám được chuẩn bị liên tục trong suốt 15 năm và kết quả lớn nhất của sự chuẩn bị đó là: Thứ nhất, xây dựng được một đảng tiên phong trường sinh bất tử có cơ sở và hệ thống trong cả nước. Thứ nhì là đem lại cho nhân dân cái ý thức về sức mạnh của mình, về vai trò lịch sử của mình; Thứ ba là tập hợp được một "đạo quân chính trị" rất lớn bao gồm hàng chục vạn, hàng triệu người sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền; Thứ tư là, trước ngày khởi nghĩa, Đảng và Mặt trận đã lập được một căn cứ địa rộng lớn - vùng giải phóng sáu tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Tuyên - Hà. Ở đây đã tổ chức được một đội Quân giải phóng được rèn luyện trong khói lửa của mấy năm "đánh Pháp, đuổi Nhật", đồng thời ở khắp nước cũng đã thành lập nhiều đội tự vệ vũ trang của quần chúng. Tháng Tám năm 1945, Việt Nam có lực lượng, chưa gọi là đầy đủ mà thật sự đã là hùng hậu rồi. Chuẩn bị lực lượng hùng hậu để khi thời cơ chín muồi, nghĩa là khi đối tượng của cách mạng đã đến lúc suy yếu nhất thì kịp thời nổi lên khởi nghĩa giành chính quyền. Giữa tháng tám là lúc thòi cơ chín muồi. Ta liền giáng cho địch một đòn nhanh như sét đánh. Ta đã hoàn toàn thành công trên cả nước.

GS. TRẦN VĂN GIÀU

(Bài trích trong sách "Cách mạng Tháng Tám trong tiến trình lịch sử dân tộc",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005)

 

 

*****

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 558.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 3, tr. 557.

Từ khóa » đặc điểm Cmt8