Đặc Sản An Giang – Mắm Ruột Châu Đốc - Viet Fun Travel

Thành phố Châu Đốc không chỉ được du khách biết đến với nhiều di tích nổi tiếng như miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An… mà còn là nơi nổi tiếng với nhiều đặc sản An Giang. Trong đó, đặc sản “mắm ruột” được nhiều khách du lịch ưa chuộng, chọn mua làm quà mỗi dịp về Châu Đốc – An Giang. Hãy cùng Viet Fun Travel tìm hiểu về món mắm ruột Châu Đốc qua bài viết dưới đây.

Mắm là hình thức muối cá để ăn dần, có thể bảo quản trong thời gian lâu dài. Châu Đốc có rất nhiều loại mắm như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá rô, mắm phi lê, dưa mắm… Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món mắm ruột. Đây là loại mắm được làm bằng ruột cá tươi, trộn với thính gạo lức để chừng ba tháng. Có dịp đi tour miền Tây về Châu Đốc, du khách nhớ dành thời gian nếm thử hương vị mắm ruột.

Châu Đốc nổi tiếng là vùng đất của mắm

Món mắm ruột thường được chế biến từ ruột cá lóc hoặc cá lóc bông. Cách làm mắm tưởng như đơn giản nhưng cũng cần lắm công sức của người chế biến. Đầu tiên là khâu chọn ruột cá để làm mắm. Ruột cá phải được chọn từ con cá to, mập và nhất định phải có bọc trứng căng tròn màu nghệ già (vàng ươm). Có khi phải mổ đến chục con cá mới có được một chiếc ruột chất lượng để làm mắm. Sau khi chọn được ruột cá, người ta bắt đầu lột bỏ bớt lớp mỡ bao quanh ruột. Cách lột lớp mỡ bao quanh phải thật khéo, sao cho thứ chất béo này vừa đủ làm tươm bóng miếng mắm nhưng lại không gây mùi. Công đoạn lốt lớp mỡ xung quanh ruột khá quan trọng, quyết định đến chất lượng của một mẻ mắm ngon.

Sau khi lấy mỡ ruột cá tiếp tục dùng dao tách bỏ bớt ruột già rồi chần bao tử, ruột non cho thật sạch rồi mang rửa kỹ bằng nước sông cho vào rổ. Khi bao tử và ruột non đã ráo nước thì mang ra ngâm dung dịch nước muối pha chế theo công thức gia truyền. Khoảng 2 – 3 ngày sau khi ruột cá đã ngấm muối, vớt ra rổ lại đợi ráo nước rồi đem trộn với thính gạo lức (bột gạo lức rang vàng, xay mịn) đổ vào hũ và gài vỉ tre khít chặt. Sau đó đổ nước mắm ngon vào xăm xắp. Chờ khoảng một tháng, thắng đường thốt nốt lên để chao mắm, đậy kín để chừng ba tháng là đã có hũ mắm ruột ngon tuyệt.

Cá được chọn để lấy ruột làm mắm phải to, mập và có chùm trứng vàng ươm

Mắm ruột khi ủ xong có thể chế biến theo nhiều cách, được ưa chuộng nhất là dùng ăn sống, kho, nấu lẩu hoặc chưng. Mắm ruột thường được ăn sống kèm với rau thơm, ớt sừng, tạo vị cay the thé giúp ngon miệng hơn. Nhiều người không quen ăn mắm ruột sống có thể kho mắm cùng thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng để tạo hương vị đậm đà. Vào những ngày mưa rả rích, chưng nồi mắm ruột, bới chén cơm nóng ăn cùng thì quả là tuyệt. Trong hành trình đi Tour du lịch miền Tây về An Giang, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử mùi vị món mắm ruột Châu Đốc.

Mắm thường được ăn cùng thịt luộc, dưa leo, rau thơm…

Một món ăn được “biến tấu” dựa trên món mắm ruột, đó là món mắm thái. Nhiều du khách thường nhầm lẫn giữa mắm ruột và mắm thái. Để rõ hơn về điều này, Viet Fun Travel đã cố công tìm hiểu để mang đến cho du khách những thông tin chính xác. Được biết, món mắm thái được làm từ thịt mắm cá lóc thái nhỏ trộn với đu đủ mỏ vịt (tức loại đu đủ chín vừa) bào sợi, ướp thêm đường, thính và một vài gia vị khác. Mắm thái thường được chế biến bằng đường thốt nốt để có màu sắc bắt mắt. Phần đu đủ thường được muối trước cả tháng rồi đem ép ướp, phơi khô thái sợi mới trộn cùng đường và mắm. Cũng giống như mắm ruột, người ta thường ăn mắm thái cùng thịt ba rọi luộc và rau thơm. Ngày nay, mắm ruột, mắm thái… được bày bán nhiều và nổi tiếng thơm ngon là ở Châu Đốc. Du khách có thể mua mắm ruột - đặc sản An Giang về làm quà, rất thiết thực và ý nghĩa.

Viet Fun Travel

Từ khóa » đặc Sản An Giang Mắm Châu đốc