Đặc Tính Thú Vị Về Móng Tay, Móng Chân - Điều Kỳ Diệu

Móng tay, móng chân, tóc đều là những sản phẩm phụ của da. Móng tay và tóc không giống nhau. Sự phát triển của tóc lúc nhanh, lúc chậm, có lúc dừng lại, còn móng tay thì phát triển liên tục không hề dừng.

Móng mọc trực tiếp từ biểu bì (epidermis) và được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm cứng như sừng gọi là keratin. Keratin cũng là thành phần căn bản của tóc và lớp ngoài cùng của da. Các chất sừng mới không ngừng được sinh ra. Do vậy móng tay (móng chân) không ngừng mọc.

Móng không có tế bào sống và mọc ra từ một nhóm tế bào đặc biệt gọi là gian bào (matrix) có nhiều mạch máu, nằm dưới quầng móng (lunular). Quầng móng hình bán nguyệt, mầu trắng nhìn rất rõ ở ngón tay cái. Khi lớp gian bào bị hư hao thì móng không mọc ra được.

Người ta nói móng tay, móng chân cắt không bao giờ hết liệu có đúng?

Sự phát triển của móng tay, chậm hơn so với tóc, chỉ bằng một phần ba của tóc. Mỗi ngày dài ra gần 0,1mm (còn mảnh hơn cả một sợi tóc). Với tốc độ ấy thì một móng tay bị nhổ mất hoàn toàn phải sau 3 tháng mới mọc đủ lại được.

Khác với xương, calcium không có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của móng.

Vào tháng thứ tư của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu có móng trên đầu ngón chân ngón tay. Móng tăng trưởng liên tục suốt đời người chứ không giống như tóc, mọc ít năm, tạm ngưng một thời gian rồi mọc tiếp.

Đặc tính của sự mọc móng:

- Móng mọc hướng ra đầu ngón tay, ngón chân, chứ không mọc thẳng đứng như tóc. Nguyên do là có một lớp da bao quanh chân móng, khiến cho sự tăng trưởng giới hạn hướng về phía trước.

- Mỗi ngày móng tay dài ra khoảng 0,1mm tức là từ 3 đến 5 mm mỗi tháng. Móng tay mọc nhanh hơn móng chân tới 2 hoặc 3 lần.

- Trẻ em vừa mới ra đời, móng tay rất chậm phát triển. Sau đó tốc độ phát triển tăng dần, đặc biệt vào thời kỳ thanh niên. Người khỏe mạnh thì phát triển nhanh. Vào tuổi 40 tốc độ phát triển chậm dần, cho đến tuổi già càng chậm hơn nhiều.

- Khi được bồi dưỡng tốt, khả năng các tế bào mặt ngoài da tạo thành các chất sừng cũng mạnh mẽ hơn. Những người có bệnh, bất kể là bệnh trên toàn bộ cơ thể hay chỉ cục bộ một chỗ nào đó (chẳng hạn như chỉ trên cánh tay hoặc chân) cũng sẽ ảnh hưởng làm chậm lại sự phát triển móng tay.

- Móng ở ngón tay dài mọc nhanh hơn là ngón ngắn, có thể vì dễ bị chấn thương. Do đó móng ngón tay giữa mọc nhanh, trong khi đó móng ngón tay cái mọc chậm.

- Móng mọc nhanh ở bàn tay thuận, hay dùng, vì máu huyết dồn tới nhiều.

- Vào mùa hạ, móng mọc nhanh hơn so với mùa đông, vì mùa hạ tay chân cử động nhiều, máu tới nhiều Vào mùa hạ, mùa thu, quá trình trao đổi chất của các cơ quan trong cơ thể con người diễn ra nhanh. Lúc này móng tay cũng phát triển mạnh. Ngược lại mùa đông chậm hơn.

- Các chấn thương nhỏ vào móng, như cắn móng, kích thích móng mau lành, nên móng mọc dài ra nhanh hơn, tương tự như khi liên tục bị cọ xát, da sẽ tạo ra lớp tế bào chai rắn.

- Suy dinh dưỡng, nóng sốt, bệnh trầm trọng trì hoãn sự tăng trưởng của móng.

- Móng mọc nhanh ở người bị bệnh cường tuyến giáp.

- Ban ngày, móng mọc mau hơn ban đêm vì tay chân luôn cử động, máu tới nhiều

- Ngón tay gõ trên bàn phím máy vi tính, máy chữ, phím đàn dương cầm đều kích thích móng mọc nhanh.

Trái với điều mà một số người tin tưởng, khi chết móng không còn mọc. Thực ra, lớp da ở chân móng co lại nên móng nom có vẻ hơi dài ra.

Suckhoecuocsong.com.vn

Từ khóa » Tốc độ Dài Của Móng Tay