Đặc Trưng Của Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ...
Có thể bạn quan tâm
ĐẶC TRƯNG CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG HIẾN PHÁP NĂM 2013
Thiếu tá, Thạc sĩ Bùi Đình Tiến
Tạp chí Khoa học và giáo dục An ninh số đặc biệt (12/2014), trang 38 - 43
1. Đặt vấn đề
Xây dựng nhà nước pháp quyền đang trở thành một xu thế khách quan tất yếu đối với các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại trong đó có Việt Nam. Những tư tưởng về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đã xuất hiện từ những năm đầu của thế kỉ XX gắn liền với khát vọng của nhân dân ta có một nhà nước độc lập, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân bằng pháp luật; nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên quy định của pháp luật. Bản yêu sách được Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Versailles ngày 18/6/1919 là một minh chứng rõ ràng về khát vọng của nhân dân cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Trong tám điều của bản yêu sách thì Điều thứ bảy ghi rõ:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành.
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1].
Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, những tư tưởng về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được hoàn thiện và ghi nhận trong các văn kiện, văn bản của Đảng và nhà nước. Trong đó, Hiến pháp năm 2013, Đạo luật cơ bản của Nhà nước và của nhân dân là văn bản ghi nhận khoa học và đầy đủ nhất các đặc trưng của nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một là chủ quyền nhân dân
Khoản 1, khoản 2, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã chỉ rõ:
“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”
Với quy định trên, Hiến pháp năm 2013 đã chỉ rõ một đặc trưng rất quan trọng của Nhà nước pháp quyền Việt Nam đó là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thể hiện rất rõ nguyên tắc cơ bản - nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Chủ quyền nhân dân cũng là nội dung xuyên suốt được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp đều chỉ rõ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế để chứng tỏ nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước thể hiện trong các bản Hiến pháp trước đây còn nhiều điểm không phù hợp. Cụ thể Điều 6 Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân”. Theo đó, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng lại tập trung vào Quốc hội vì nhân dân không thực hiện được quyền lực nhà nước một cách trực tiếp nên đã trao toàn bộ quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội. Quốc hội được Hiến pháp năm 1980 xác định là cơ quan có toàn quyền. Vì, ngoài 15 nhiệm vụ và quyền hạn được quy định từ khoản 1 đến 1 Điều 83, Hiến pháp 1980 còn quy định Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết[2]. Hiến pháp năm 1992, Điều 84 quy định QH chỉ có 14 nhiệm vụ quyền hạn (không còn là một QH toàn quyền như Hiến pháp năm 1980). Hiến pháp năm 2013, kế thừa nội dung của Hiến pháp năm 1980 và 1992 đồng thời có bổ sung “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằngdân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông quacác cơ quan khác của Nhà nước. Với quy định của Hiến pháp năm 2013, nhân dân với nghĩa là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước có thể thực hiện quyền lực bằng nhiều hình thức dân chủ trực tiếp hoặc đại diện, có thể thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và thông qua các cơ quan nhà nước khác. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, quy định tại Điều 2, Hiến pháp năm 2013 “là một quy định nền tảng, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích và sức mạnh của quyền lực nhà nước ở nước ta là ở nhân dân”[3]
Hai là, hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp so với các thiết chế khác trong xã hội
Khoản 1 Điều 119 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.
Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.
Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”
Việc ghi nhận Hiến pháp là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất không phải là gượng ép mà xuất phát từ cơ sở chính trị pháp lý vững chắc. Ngay lời mở đầu của Hiến pháp đã chỉ rõ “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, Hiến pháp do nhân dân chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước xây dựng. Nhân dân tham gia xây dựng Hiến pháp bằng cách góp ý[4] và xây dựng Hiến pháp thông qua hoạt động lập hiến của Quốc hội (cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra). Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không một cơ quan nào, một thiết chế nào đứng trên Hiến pháp, đứng ngoài Hiến pháp. “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”[5]. Hiệu lực pháp lý cao nhất của Hiến pháp còn thể hiện trình tự, thủ tục thông qua Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp chỉ được thông qua nếu có ít nhất 2/3 số đại biểu biểu quyết tán thành[6].
Ba là, Nhà nước quyền XHCN Việt Nam kế thừa chọn lọc học thuyết phân quyền. Trước hết, cần nhận thức rằng quyền lực nhà nước là thống nhất, thống nhất ở nhân dân và không thể phân chia. Nhưng để đảm bảo tính thống nhất đó thì có sự phân công trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ứng với ba cơ quan là cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp. Ba cơ quan này hoạt động theo cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sátlẫn nhau tạo thành hệ thống đồng bộ đảm bảo sự thống nhất quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực nhân dân. Có hai khía cạnh trong cấu trúc phân quyền đó là thực chất là sự phân chia quản lý nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, không có cơ quan nào trong ba cơ quan thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay. Không cho phép lấn át chức năng giữa các cơ quan trong nhà nước pháp quyền. Không tồn tại thứ quyền lực nào mà không bị quy định bởi Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, sự phân chia không phải là biệt lập, tuyệt đối mà là phân công, phối hợp thống nhất tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước chuyên sâu trong thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền lực nhân dân. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học pháp lý ở trong và ngoài nước, qua quá trình nghiên cứu đều khẳng định rằng “sự phân chia quyền lực không những không làm ảnh hưởng đến thống nhất quyền lực mà còn là điều kiện đảm cho sự thống nhất quyền lực”[7]. Nghiên cứu các quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy việc phân công quyền lực nhà nước đã có sự rạch ròi. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Quốc hội không còn là duy nhất có quyền lập hiến như Hiến pháp năm 1992)[8]. Chính phủ được quy định không chỉ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội, mà còn là cơ quan thực hiện quyền hành pháp[9]. Tòa án nhân dân được bổ sung là cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”[10], ngoài quy định là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như Hiến pháp năm 1992. Những quy định nêu trên thể hiện tính thống nhất với nguyên tắc tổ chức quyền lực của Nhà nước ta được ghi nhận ở Điều 2 của Hiến pháp năm 2013, không chỉ thể hiện sự phân công quyền lực nhà nước một cách mạch lạc mà còn nhằm đề cao trách nhiệm của tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp.
Bốn là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi nhận, tôn trọng quyền con người, quyền công dân. Trong Hiến pháp năm 1992, quyền nghĩa vụ của công dân được quy định tại chương V. Hiến pháp năm 2013 đã chuyển thành Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc chuyển vị trí của chương “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ vị trí thứ năm lên vị trí thứ hai cho thấy Hiến pháp đã đề cao vai trò của các quyền con người, quyền của công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, lần đầu tiên, quyền con người được ghi nhận theo nghĩa là độc lập với quyền công dân trong Hiến pháp. Quyền công dân gắn liền với một nhà nước còn quyền con người gắn vượt qua phạm vi của một nhà nước và mang tính phổ biến toàn cầu. Vì thế, việc ghi nhận quyền con người thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận vào bảo vệ quyền của con người, quyền công dân. Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền công dân mà còn bảo vệ quyền con người. Sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân còn được thể hiện ở khía cạnh nguồn gốc của quyền con người, quyền công dân là tự nhiên có. Theo đó, Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ mà không phải là quy định mới có. Đây là điểm đột phá trong Hiến pháp năm 2013 so với các Hiến pháp trước đây. Cụ thể, Điều 50, Hiến pháp năm 1992 quy định “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Trong Hiến pháp năm 2013, Điều 14 ghi nhận“Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật…”. Lần đầu tiên giới hạn của các quyền được quy định thành nguyên tắc trong Hiến pháp, Điều 14 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền con người, quyền công dân, ngoại trừ các trường hợp cần thiết do luật định. Quyền con người, quyền công dân là những quyền mà con người, công dân có toàn quyền định đoạt. Các quyền đó chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp đặc biệt, chứ không phải chung chung như “theo quy định của pháp luật” của Hiến pháp năm 1992.
Năm là, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đề cao quyền tư pháp độc lập. Đề cao vị trí độc lập của Tòa án, Hiến pháp khẳng địnhcông bằng và công lý của quốc gia được thể hiện tập trung nhất bằng quyền xét xử của tòa án; nhân dân sẽ có địa chỉ cụ thể để tham gia xây dựng và giám sát việc thực thi quyền tư pháp. Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp năm 2013 đã đưa lên hàng đầu vai trò và nhiệm vụ “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, sau đó mới quy định “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đề cao vai trò tư pháp độc lập cũng là sự thể hiện xuyên suốt nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và giám sát lẫn nhau giữa ba cơ quan và đảm chuyên sâu trong việc thực hiện quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân.
Trên đây là một số đặc điểm đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013. Từ những quy định của Hiến pháp cũng đặt ra cho các cơ quan nhà nước những nhiệm vụ trọng quan trọng để hiện thực hóa các quy định nêu trên.
3. Một số kiến nghị để hiện thực hóa quy định của Hiến pháp, tiếp tục hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Một là, cần hiện thực hóa nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước thì phải quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà những vấn đề đó không có một cơ quan nào trong ba nhánh quyền lực nhà nước có thể thực hiện. Nhân phải là chủ thể trực tiếp lập ra các thiết chế có vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, văn bản luật tối cao. Cụ thể nhân dân phải trực tiếp là chủ thể xây dựng bản Hiến pháp, trực tiếp bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội, Người đứng đầu chính phủ. Như vậy, cần sớm xây dựng các văn bản luật đã được Hiến pháp ghi nhận như Luật trưng cầu ý dân, Luật tiếp cận thông tin... Riêng Luật trưng cầu ý dân cần phải được ưu tiên trước hết. Luật trưng cầu ý dân cần quy định rõ những vấn đề quan trọng phải được quyết định thông qua trưng cầu ý dân. Chẳng hạn việc thông qua Hiến pháp nên được thực hiện bằng trưng cầu ý dân. Chỉ khi đó Hiến pháp mới thực sự là đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất bởi vì Hiến pháp do chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước trực tiếp thông qua. Các thiết chế trong Bộ máy nhà nước được lập ra từ Hiến pháp là sản phẩm của Hiến pháp sẽ mặc nhiên tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp. Hiện tại, Hiến pháp vẫn là sản phẩm do Quốc hội lập ra thì dù Hiến pháp có tự ghi nhận là Đạo luật có hiệu lực pháp lý cao nhất nhưng suy cho cùng vẫn là sản phẩm của Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội.
Hai là, cần hoàn thiện Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức tòa án để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ba cơ quan đại diện cho việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ trên cơ sở các đạo luật như vậy mới có thể nói đến vị trí độc lập của ba cơ quan thực hiện ba nhánh quyền lực nhân dân.
Ba là, cần hoàn thiện Luật tổ chức tòa án và Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân để đảm cho tư pháp độc lập.
Luật Tổ chức tòa án cần được hoàn thiện theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nghị quyết 49-NQ/TW đã chỉ rõ “Hệ thống Tòa án nhân dân cần được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm: Toà án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Toà án phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Toà thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Chỉ khi thiết kế mô hình Tòa án độc lập với cơ cấu, tổ chức của cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước mới có thể đảm bảo sự độc lập của Cơ quan pháp.
Về Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, cần hoàn thiện quy định về cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Cần mở rộng thêm diện tuyển chọn thẩm phán là luật sư, giảng viên luật của các trường đại học đáp ứng được yêu cầu của thẩm phán sẽ giúp bổ sung được sự thiếu hụt về số lượng, hạn chế về trình độ của đội ngũ thẩm phán và khắc phục được khâu đào tạo thẩm phán. Thay đổi thành phần tuyển chọn thẩm phán tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Thành phần Hội đồng tuyển chọn thẩm phán phải do Chánh án tòa án các cấp tỉnh làm chủ tịch[11]. Quy định Hội đồng tuyển chọn thẩm phán như hiện tại vô hình tạo sự chi phối, can thiệp của Hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động xét xử của thẩm phán. Thành phần tuyển chọn thẩm phán hiện nay đa số là những người không chuyên trong lĩnh vực xét xử nên không đủ khả năng để lựa chọn được những thẩm phán đáp ứng được yêu cầu xét xử. Hơn nữa nhiệm kỳ của thẩm phán hiện tại là 5 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng làm giảm tính độc lập của thẩm phán nói riêng và Tòa án nói chung. Do vậy, cần thay đổi nhiệm kỳ hiện nay bằng quy định thời hạn công tác của thẩm phán đến hết tuổi lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Quy định như vậy sẽ giúp thẩm phán yên tâm thực hiện công việc chuyên môn, khắc phục được tư duy nhiệm kỳ. Đồng thời, để tránh tình trạng thẩm phán sẽ ỷ lại nếu kéo dài thời hạn công tác đến hết tuổi lao động như trên thì cần hoàn thiện bộ quy tắc về chuẩn mực của thẩm phán. Nếu thẩm phán không còn đáp ứng được chuẩn mực thì Chánh án tòa án nhân dân tối cao có thể miễn nhiệm. Việc mở rộng diện tuyển chọn và cơ chế bổ nhiệm thẩm phán như trên đã được áp dụng phổ biến ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Do vậy, Việt Nam có thể nghiên cứu tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia và vận dung phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2007), Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, NXB CAND, trang 74
[2] Điều 83, Hiến pháp năm 1980
3http://tapchitaichinh.vn/Trien-khai-thi-hanh-Hien-phap-nam-2013/Tiep-tuc-xay-dung-va-hoan-thien-Nha-nuoc-phap-quyen-XHCN-theo-tinh-than-va-noi-dung-cua-Hien-phap-moi/48666.tctc
[4] Theo báo cáo của GS.TS. Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Có hơn 26 triệu lượt ý kiến của nhân dân góp ý xây dựng Hiến pháp năm 2013
[5] Điều 8, Hiến pháp năm 2013
[6] Khoản 4, Điều 120 Hiến pháp năm 2013
[7] PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng (2008), Nhà nước và pháp luật tư sản đương đại, NXB Tư pháp, tr.63
[8] Điều 69, Hiến pháp năm 2013
[9] Điều 94, Hiến pháp năm 2013
[10] Điều 102, Hiến pháp năm 2013
[11] Theo quy định của Điều 27, Pháp lệnh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011): “1. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban tổ chức chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh là uỷ viên.
Danh sách uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”
Từ khóa » Các đặc Trưng Của Nhà Nước
-
05 đặc Trưng Cơ Bản Của Nhà Nước - HILAW.VN
-
Bản Chất, đặc Trưng, Vai Trò Của Nhà Nước - Pháp Trị
-
Nhà Nước – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những đặc Trưng Của Nhà Nước Và Pháp Luật Việt Nam Theo Tư ...
-
Nhà Nước Là Gì ? Dấu Hiệu đặc Trưng Của Nhà Nước Là Gì ?
-
Những đặc Trưng Của Nhà Nước Pháp Quyền Xã Hội Chủ Nghĩa ?
-
Bài 1: Khái Niệm Và đặc Trưng Của Nhà Nước
-
Nhà Nước Là Gì? Bản Chất Và đặc Trưng Của Nhà Nước
-
Trình Bày Những đặc Trưng Cơ Bản Của Nhà Nước - 123doc
-
Bản Chất Của Nhà Nước Là Gì? Đặc Trưng Và Các Mối Quan Hệ
-
Nguồn Gốc Của Nhà Nước Là Gì? Bản Chất Và đặc Trưng Của Nhà ...
-
Phân Tích Khái Niệm Và đặc Trưng Của Nhà Nước - Luật Sư Online
-
[PDF] 1 Chuyên đề 1 NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT ...