Đại Biểu Nêu Ba Bất Cập Từ Việc 'siết' Giấy đi đường - VnExpress

Ông Lê Thanh Vân (thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách) cho rằng, những biện pháp chống dịch của Hà Nội thời gian qua khá hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Tuy nhiên, theo ông "nếu thành công tuyệt đối thì thời gian giãn cách xã hội không phải kéo dài thêm, nghĩa là người dân phải hiểu rõ nguy cơ lây lan dịch bệnh còn rất cao". Các thủ tục có tính chất hành chính mà chính quyền thủ đô ban hành là xuất phát từ nguy cơ này và với mục đích chống dịch.

Dù vậy, ông Vân nhìn nhận quy định mới với giấy đi đường có xác nhận của cơ quan và chính quyền cơ sở, kèm lịch trực, lịch làm việc của đơn vị, bên cạnh căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân đang tạo ra ba bất cập.

Người dân xếp hàng ở UBND phường Dịch Vọng Hậu để xin xác nhận giấy đi đường, chiều 9/8. Ảnh:Viết Tuân.

Người dân xếp hàng ở UBND phường Dịch Vọng Hậu để xin xác nhận giấy đi đường, chiều 9/8. Ảnh:Viết Tuân.

Thứ nhất, quy định mới ban hành tối hôm qua (chủ nhật), người dân cần có thời gian để chuẩn bị, nắm bắt quy định và thực hiện. Thành phố nên hướng dẫn cụ thể hơn, tránh cách hiểu khác nhau về cùng một văn bản và có độ trễ hiệu lực thi hành hai đến ba ngày. "Cuối tuần ra quy định, đầu tuần có hiệu lực ngay sẽ khiến người dân không kịp xoay xở, họ phải có thời gian chuẩn bị giấy tờ, xin xác nhận, những việc mà có khi một, hai ngày làm chưa xong", ông Vân nói.

Thứ hai, việc soát xét giấy tờ ở một số chốt khiến những nơi này trở thành điểm tụ tập đông người, mâu thuẫn với quy định về giãn cách xã hội. Người cách ly với người là nội dung quan trọng nhất trong Chỉ thị 16, thì ở các chốt kiểm soát lại diễn ra cảnh ùn ứ. "Sáng nay tôi đi trên đường nhìn thấy nhiều chốt xảy ra tình trạng như vậy", ông Vân phản ánh.

Thứ ba, theo quy định thì các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ (được phép hoạt động trên địa bàn thành phố) phải phối hợp với UBND cấp xã nơi đơn vị hoạt động để được kiểm tra, xác nhận giấy đi đường; hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo. Như vậy, quy định mới đòi hỏi xác nhận của cả đơn vị và chính quyền cơ sở nên có thể dẫn đến tình trạng là trụ sở phường, xã cũng thành nơi tập trung đông người khi người dân đến xin xác nhận.

Ông Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ông Lê Thanh Vân, thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Quốc hội khóa XIII đoàn Hà Nội, bà Bùi Thị An khẳng định sự cần thiết phải kiểm soát chặt người dân ra đường, "lúc này ai ở đâu ngồi yên chỗ đó thì mới cắt đứt được chuỗi lây nhiễm", bà nói. Tuy nhiên, bà An đồng ý với ông Vân về việc thành phố nên nghiên cứu thêm cách kiểm soát người tham gia giao thông, tránh trường hợp ùn ứ, không đảm bảo giãn cách tại các chốt kiểm soát.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng sở dĩ Hà Nội phải lập chốt và "siết" kiểm tra giấy đi đường vì một số người dân không tự giác thực hiện quy định. "Vấn đề ở đây là tình trạng ùn ứ sẽ rất nguy hiểm, nếu có F0 là một trong số những người tham gia giao thông hoặc là người giữ chốt", ông Nhung nói.

"Cơ quan tôi có bạn đi làm mang theo giấy đi đường của bệnh viện, về làng bảo phải có giấy hồng của làng. Bạn vào gặp, xuất trình giấy tờ cho người cấp giấy hồng xem xét, hai ngày sau nhận được thông tin ông ấy là F0. 12h đêm qua xe của bệnh viện phải tức tốc đến lấy mẫu và may là kết quả âm tính", PGS Nhung kể.

Về giải pháp, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong giai đoạn chống dịch căng thẳng hiện nay, khi tuân thủ quy địnhh, người dân nên chuẩn bị sẵn sàng các giấy tờ, khi bị kiểm tra thì đứng xa người giữ chốt 2 m, không cho người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình.

Với lực lượng chức năng ở chốt, phải nhận thấy việc đứng sát và sờ vào giấy tờ của người dân có thể dẫn đến rủi ro lây nhiễm cho cả hai bên, do vậy cần giữ khoảng cách cần thiết khi thực thi nhiệm vụ.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TTXVN

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Lê Thanh Vân góp ý thành phố có thể tăng cường kiểm soát việc người dân ra khỏi nhà ngay từ điểm xuất phát, thông qua các tổ Covid cộng đồng.

"Giải pháp này được tổ chức theo hướng đề cao sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của công dân. Đồng thời, chính quyền cơ sở phối hợp với tổ dân phố, các đoàn thể xã hội, khu dân cư tổ chức giám sát, sao cho ai không đủ điều kiện ra đường thì được kiểm soát ngay từ cộng đồng nơi cư trú", ông Vân nói và nhấn mạnh đây là giải pháp tạm thời chỉ trong thời gian giãn cách.

Bên cạnh giải pháp trên, bà Bùi Thị An đề nghị lực lượng chức năng tại các chốt chỉ nên kiểm tra ngẫu nhiên, phạt hành chính thật nghiêm những người vi phạm. Cùng với đó, người đứng đầu cơ quan, ban ngành có người ra ngoài trái với quy định cũng phải chịu kỷ luật.

"Hà Nội nên tăng cường thông tin chính xác về sự nguy hiểm của dịch bệnh, bằng hình ảnh, đoạn phim, số liệu cụ thể, qua đó để người dân thấy sự cần thiết của 5K", ông Vân nói và cho rằng các chốt kiểm soát không nên bố trí người lớn tuổi tham gia.

"Thay vì những đôi tay trần và đeo khẩu trang y tế đơn giản, cần trang bị găng tay y tế, mũ chống giọt bắn cho những người làm nhiệm vụ ở đây", ông nói thêm.

Khoảng hai tuần gần đây, số ca mắc mới của Hà Nội dao động 50-70, ngày cao nhất hơn 100, nâng tổng số ca trong đợt dịch thứ tư là 1.783. Do số ca mới liên tục ở mức cao, nhiều ca lây nhiễm cộng đồng và ở khu vực nguy cơ cao, thành phố tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến 23/8.

  • Nhiều tuyến phố ùn ứ ở chốt kiểm soát
  • Người đi đường phải có lịch trực, lịch làm việc của cơ quan
  • Hà Nội ban hành mẫu giấy đi lại
  • Người Hà Nội xếp hàng xin xác nhận giấy đi đường

Hoàng Thùy

Từ khóa » Siết Giấy đi đường