Đại Biểu ở Mọi Nơi, Khi Xảy Ra Chuyện Không Ai Lên Tiếng?

Ông Ksor Phước - Ảnh: Việt Dũng

“Cử tri hỏi rằng đại biểu chẳng lẽ chỉ giám sát tại kỳ họp thôi sao, ngoài ra các ông bà không chất vấn ở đâu nữa à? Tôi lấy ví dụ ông đại biểu đang đi giữa đường, gặp vấn đề gì đó mà người dân đặt ra và bản thân đại biểu thấy bức xúc, vậy ông đại biểu ấy có quyền giơ cái thẻ đại biểu ra để chất vấn người có thẩm quyền liên quan đến sự việc đó không?” - ông Phước đặt vấn đề.

Dẫn lời cử tri, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho biết: “Dân nói rằng ở đâu cũng có đại biểu, từ trung ương đến tỉnh, huyện, xã mà khi có việc xảy ra lại không thấy ai giám sát, lên tiếng”.

Rồi ông khẳng định: “Chất vấn không chỉ diễn ra trong kỳ họp, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Tất nhiên không phải là đại biểu chất vấn ở bất cứ chỗ nào, chính vì thế chúng ta mới cần đặt ra quy trình để tuân thủ, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của người chất vấn và người được chất vấn”.

Là người phụ trách công tác giám sát của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc sửa đổi, bổ sung luật lần này là cơ hội tốt để tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

Ông Sơn đề nghị quy định trong luật cả những nội dung như khi chất vấn đại biểu có quyền đưa ra bằng chứng, vật chứng, hình ảnh, đoạn phim… để tăng tính thuyết phục cho nội dung chất vấn. “Trên thực tế HĐND một số tỉnh, TP đã áp dụng rồi”, ông nói.

Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ là “người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, tự mình ký văn bản trả lời chất vấn, không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời hoặc ký”.

“Thủ tướng, phó thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội không nên trình bày văn bản dài dòng trước khi các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn trực tiếp, vì thực tế cho thấy các bản báo cáo này không khác gì bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được trình bày trước đó”, ông Sơn đề nghị.

Từ khóa » Hình ảnh ông Ksor Phước