Nhớ Về Người Viết Báo đầu Tiên ở Tây Nguyên

Đồng chí KSor Ní, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Gia Lai và Phu nhân (Ảnh tư liệu từ đồng chí Ksor Ní cung cấp cho tác giả lúc sinh thời).

Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách, song điều quý nhất là ông đã để lại những sản phẩm tinh thần, về ý chí và tấm lòng thủy chung, son sắt theo Đảng. Ông cũng vinh dự vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vào ngày 17/12/2016.

Được tin có khách ở Kon Tum đến chơi, từ nhà dưới đi lên phòng khách, ở tuổi ngoài 93 nhưng những bước đi của ông vẫn chắc khỏe với vóc dáng của một người Tây Nguyên đã trọn đời đi theo cách mạng.

- Bác còn khỏe chứ ạ ? - Tôi hỏi.

- Tôi phải sống để chứng kiến công cuộc đổi mới của đất nước, cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chứ.

Ông mời chúng tôi ngồi rồi hỏi "lý lịch" của tôi và nhà báo Lê Văn Thiềng, nguyên Trưởng Ban công tác Hội của Hội Nhà báo Việt Nam cùng đi. Biết chúng tôi làm báo, ông kể chuyện ông đã từng viết báo cách mạng từ năm 1946 (và chúng tôi đã kiểm chứng thì ông là người Tây Nguyên đầu tiên viết báo).

Chuyện ông kể là thế này: Năm 1946, ông đang làm việc thì có nghe đài phát thanh của Pháp nói đại ý là: Người dân Tây Kỳ (Tây Nguyên) niềm nở đón tiếp quân Pháp xâm chiếm Tây Kỳ. Ông bảo là mình nghe đài Pháp nói thế tức lắm vì sự thật không đúng như vậy. Người dân Tây Nguyên luôn một lòng theo cách mạng, đoàn kết đánh đuổi giặc Pháp, thế mà đài của chúng lại nói ngược lại. Thế là sẵn biết tiếng Pháp, nói và nghe được tiếng Pháp, Ksor Ní, chàng trai Tây Nguyên đang sống giữa lòng Hà Nội lúc ấy đã viết ngay một bài báo bằng tiếng Pháp và ông gửi cho báo Lơ-Pớp (tiếng Pháp có nghĩa là Nhân dân) phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của đài phát thanh Pháp; cổ vũ, động viên đồng bào Tây Nguyên đánh giặc giữ buôn làng. Khi bài viết của ông được báo Lơ Pớp đăng, Bác Hồ đã cho gọi ông vào Bắc Bộ Phủ gặp Bác. Ông nói rằng, đó là một buổi chiều lịch sử và mãi mãi theo ông cả cuộc đời đi làm cách mạng của mình.

Ông kể rằng, hôm ấy là một buổi chiều cuối thu năm 1946, đồng chí Y Ngông Niê Kdăm (Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) gặp ông và nói: Em được vào Bắc Bộ Phủ để gặp Hồ Chí Minh. Thế là ông đi theo Y Ngông Niê Kdăm vào Bắc Bộ Phủ. Vừa vào tới nơi, Bác Hồ nhìn thấy đã hỏi trước: "Chào hai cháu" rồi Bác hỏi thăm sức khỏe của mọi người ở Nha dân tộc. Đồng chí Y Ngông Niê Kdăm báo cáo rằng: "Thưa Bác, giặc Pháp đã chiếm mất Tây Kỳ rồi ạ". Bác nói: "Bác biết rồi" và thấy nét mặt của Bác thoáng buồn. Lúc ấy, Ksor Ní xen vào: "Thưa Bác, ta có đánh Pháp để giải phóng Tây Kỳ không ạ". Bác đứng dậy đến cầm tay hai chúng tôi rồi nói: "Phải đánh" rồi Bác đưa bàn tay lên ý nói là bàn tay có 5 ngón nếu thiếu một ngón thì không còn là một bàn tay.

Từ ngày được gặp Bác Hồ, ông luôn tâm niệm phải sống để xứng đáng với niềm tin của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên. Khi trở về quê hương tỉnh Gia Lai, điều đầu tiên ông nói cho bà con biết đó là Bác Hồ và Đảng. Sau đó ông đã viết bài thơ bằng tiếng Jơ Rai để tuyên truyền và ông đã đọc cho chúng tôi nghe: "Hồ Chí Minh anh dũng phi thường! Hồ Chí Minh có chủ trương, đường lối đúng đắn/ Chúng ta tuyên truyền cho mọi người biết, tên người như Vàng/ Hồ Chí Minh là người điều khiển chế độ chúng ta/ Người Jơ Rai, người Tây Nguyên quyết một lòng đánh Pháp". Đọc xong những câu thơ trên, ông đứng dậy đưa bàn tay phải đặt vào bên ngực trái rồi nói: "Đảng, Bác Hồ luôn ở trong trái tim tôi".

Cuộc đời của ông đã kinh qua nhiều trọng trách ở tỉnh Gia Lai, song điều quý nhất là ông đã để lại những sản phẩm tinh thần, về ý chí và lòng quyết tâm theo Đảng, theo cách mạng và gieo những hạt mầm xanh trên đất Tây Nguyên mà đồng bào Jơ Rai trên quê hương ông mãi mãi bước theo. Các con của ông đều nối gót truyền thống cách mạng của gia đình. Trong số đó có đồng chí Ksor Phước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đồng chí KsorNham, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai hiện nay là Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kỹ thuật - Hậu cần Bộ Công an.

Tôi hỏi bác Ksor Ní:

- Thế vừa rồi anh Ksor Nham về nhà có tặng quà gì cho bác không?

Ông cười:

- Nó đi công tác kết hợp về thăm nhà không có quà gì cả. Nó bảo bố mẹ khỏe là chúng con mừng lắm rồi, ở nhà đã có các em, con ở tận Hà Nội, bố mẹ cũng chia sẻ với con cái chứ. Tôi nói là các con cứ lo tròn việc Nhà nước là bố mẹ vui rồi.

Chuyện với ông trong một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Phan Đình Phùng của thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, ông Ksor Ní đón đứa cháu ngoại từ tay người con gái út, nét mặt ông rạng ngời nhìn lên tấm ảnh Bác Hồ treo trang trọng ở giữa nhà. Tôi nhìn sang bên kia đường là bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum - những nhánh mai vàng vẫn rực rỡ giữa đất trời Tây Nguyên nắng gió.

Ra đi từ buôn Thăm, trên đường theo cách mạng, với những điều được trải nghiệm, ông KSor Ní càng thấy rõ hạnh phúc của mỗi gia đình, mỗi dân tộc đều không thể tách rời hạnh phúc chung của cả đất nước.

Ông Kso Ní đã mất ngày 15-2-2019, thọ 95 tuổi./.

Từ khóa » Hình ảnh ông Ksor Phước