Đại Cáo Bình Ngô (Bình Ngô đại Cáo) - Củng Cố Kiến Thức

Phần một: Tác giả

I. Cuộc đời

- Nguyễn Trãi (1380 - 1442) hiệu Ức Trai, quê ở làng Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương) là con của Nguyễn Ứng Long (sau đổi thành Nguyễn Phi Khanh) và bà Trần Thị Thái (con của Trần Nguyên Đán).

- Ông mồ côi mẹ từ năm 5 tuổi, đến năm 1400, hai cha con ông cùng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) và làm quan dưới Triều Hồ.

- Năm 1407, giặc Minh sang cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị đưa sang Trung Quốc. Nghe theo lời dặn dò của cha, Nguyễn Trãi vào Lam Sơn theo Lê Lợi tham gia khởi nghĩa. Ông đã góp phần to lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

- Ông giúp Lê Lợi tiến hành cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi (1428) và thừa lệnh Lê Lợi viết Đại cáo bình Ngô. Ông hăm hở tham gia công cuộc xây dựng đất nước nhưng bị bọn gian thần dèm pha, bị nghi oan và không được tin dùng.

- Năm 1439, ông xin về ở ẩn tại Côn Sơn. Năm 1440, Lê Thái Tông vời ông ra giúp nước lần nữa. Năm 1442 vụ án Lệ Chi Viên xảy ra, đến năm 1464 ông mới được vua Lê Thánh Tông minh oan.

- Nguyễn Trãi là một vị anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng lớn. Năm 1980, ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

II. Sự nghiệp

1. Những tác phẩm chính:

- Nguyễn Trãi tác giả xuất sắc ở nhiều thể loại văn học như văn chính luận, thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm.

- Những tác phẩm chính bằng chữ Hán: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Chí Linh sơn phú…

- Tác phẩm bằng chữ Nôm: Quốc âm thi tập, Dư địa chí.

2. Nhà văn chính luận kiệt xuất.

- Những tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, chiếu biểu viết dưới triều Lê… mang tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân.

- Đại cáo bình Ngô là áng văn yêu nước của thời đại; là bản tuyên ngôn về chủ quyền độc lập dân tộc; bản cáo trạng tội ác kẻ thù; bản hùng ca về khởi nghĩa Lam Sơn.

- Văn chính luận của Nguyễn Trãi đạt tới trình độ nghệ thuật mẫu mực với kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén.

3. Nhà thơ trữ tình sâu sắc.

- Hai tập thơ Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập ghi lại hình ảnh Nguyễn Trãi vừa là người anh hùng vĩ đại vừa là con người trần thế. Phẩm chất, ý chí anh hùng luôn ngời sáng trong chiến đấu chống ngoại xâm và trong đấu tranh chống cường quyền, bạo ngược. Thơ ông cũng mang nỗi đau khi chứng kiến nghịch cảnh éo le của xã hội cũ và mơ ước một xã hội thái bình, thịnh trị.

- Tình yêu của ông dành nhiều cho thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc sống, tình cha con, quân thần, bạn bè... Ông gắn bó tha thiết với quê hương với nỗi nhớ nhung cụ thể, sâu sắc.

III. Khái quát

1. Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử vĩ đại?

- Nguyễn Trãi sống trong thời đại có nhiều biến động dữ dội: Nhà Trần suy vi, Hồ Quý Ly lên thay, quân Minh xâm lược nước ta, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị bắt đem về Trung Quốc cùng cha con Hồ Quý Ly và các triều thần. Nguyễn Trãi muốn theo cha làm tròn đạo hiếu nhưng nghe lời cha dặn quay về “rửa nhục cho nước, trả thù cho cha”.

- Nguyễn Trãi tìm đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, dâng Lê Lợi Bình Ngô sách và trở thành quân sư bên cạnh Lê Lợi, đưa cuộc khởi nghĩa đến ngày toàn thắng. Đây là thời kì Nguyễn Trãi bộc lộ rõ nhất tài năng quân sự, chính trị, ngoại giao...

- Bước sang thời kì hòa bình, Nguyễn Trãi chưa kịp thực hiện hoài bão xây dựng đất nước thái bình thịnh trị thì bị bọn lộng thần ghen ghét, bị vua nghi ngờ, bị bắt và không được trọng dụng, phải tìm về cuộc sống ẩn dật. Nguyễn Trãi tìm đến thiên nhiên nhưng vẫn giữ tấm lòng trung quân, ái quốc.

2. Anh (chị) đã đọc những tác phẩm nào của Nguyễn Trãi? Hãy giới thiệu sơ lược một vài tác phẩm tiêu biểu.

a. Những tác phẩm tiêu biểu:

- Nguyễn Trãi có những đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc. Sáng tác của ông thuộc nhiều lĩnh vực: Văn học, lịch sử, địa lí, quân sự...

- Các thể loại gồm: Lịch sử (Lam Sơn thực lục), địa lí (Dư địa chí); văn chính luận (Quán trung từ mệnh tập); thơ chữ Hán (Ức Trai thi tập), thơ chữ Nôm (Quốc âm thi tập)...

- Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị văn chương to lớn, được đánh giá như một bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc.

- Ức Trai thi tập là tập thơ chữ Hán điêu luyện, tình tứ, tao nhã của Nguyễn Trãi.

- Quốc âm thi tập là tập thơ chữ Nôm sớm nhất còn lại đến ngày nay, tập thơ thể ý thức tự tôn dân tộc trên lĩnh vực văn hóa, văn học.

b. Đặc điểm thơ văn Nguyễn Trãi:

- Tư tưởng “lấy dân làm gốc” (dân vi bản) hòa quyện với tinh thần yêu dân, yêu nước.

- Xây dựng nhân cách con người mang tinh thần nhân văn cao đẹp (hiếu học, trọng đức, trọng tài, đem tài, đức cống hiến cho dân cho nước, cho đời).

- Triết lí giản dị mà sâu sắc, giàu trải nghiệm về cuộc đời, thể hiện nhân cách cứng cỏi, trong sáng, thích làm điều thiện, không tham danh lợi.

- Tình yêu thiên nhiên, coi thiên nhiên là bầu bạn.

- Tâm hồn tình tứ, phong lưu, lãng mạn.

- Những tác phẩm thơ ca bằng chữ Nôm của Nguyễn Trãi đã khai mở cho nền thơ ca nước nhà. Ông dùng nhiều hình ảnh đẹp mang tính dân tộc (bên cạnh những hình ảnh ước lệ trong văn học Hán). Nguyễn Trãi đưa nhiều từ thuần Việt vào thơ, đặc biệt là ca dao, tục ngữ, từ láy...

3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua một số câu thơ.

Nguyễn Trãi không chỉ là một con người vĩ đại với những tư tưởng lớn lao phi thường mà còn mang một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, đa tình:

“Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem”.

(Cây chuối)

“Khách đến chim mừng hoa xẩy rụng,

Chè tiên nước ghín nguyệt đeo về”.

(Thuật hứng, 3)

“Láng giềng một áng mây bạc,

Khách khứa hai ngàn núi xanh.

Có thuở biếng thăm bạn cũ,

Lòng thơ nghìn dặm nguyệt ba canh”.

(Bảo kính cảnh giới, 42)

4. Giá trị cơ bản về nội dung và nghệ thuật của thơ văn Nguyễn Trãi.

- Giá trị nội dung:

+ Tư tưởng “lấy dân làm gốc” hòa quyện với tinh thần yêu dân, yêu nước, lí tưởng nhân nghĩa đã trở thành cảm hứng chủ đạo xuyên suốt trong thơ văn Nguyễn Trãi.

+ Xuất phát từ tư tưởng trên mà thơ văn Nguyễn Trãi mang tinh thần chiến đấu vì dân, vì nước, vì chính nghĩa.

+ Thơ văn Nguyễn Trãi thể hiện rõ ý thức xây dựng nhân cách con người đồng thời mang những triết lí giản dị, sâu sắc, giàu trải nghiệm. Tình yêu thiên nhiên, tâm hồn tình tứ, phong lưu, lãng mạn cũng là một trong những nội dung đặc sắc của thơ văn Nguyễn Trãi.

- Giá trị nghệ thuật:

Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho thơ ca tiếng Việt. Thơ Nguyễn Trãi dùng từ ngữ, hình ảnh mang tính dân tộc. Nguyễn Trãi đã sáng tạo thể thơ thất ngôn xen lục ngôn và được coi như một thể đặc trưng của thơ tiếng Việt phổ biến trong thế kỉ XV, XVI.

Phần hai: Tác phẩm

I. Tiểu dẫn

- Mùa xuân năm 1428, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi soạn thảo Bình Ngô đại cáo, bố cáo với toàn dân về thắng lợi của mười năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược.

- Bình Ngô đại cáo là bản anh hùng ca, bản tuyên ngôn độc lập vừa có giá trị lịch sử to lớn vừa có giá trị văn chương đặc sắc.

- Bài cáo được viết theo lối văn biền ngẫu, kết cấu chia làm 4 đoạn: Nêu luận đề chính nghĩa, vạch tội ác kẻ thù; kể lại quá trình kháng chiến đi đến thắng lợi; tuyên bố hoà bình; khẳng định sự nghiệp chính nghĩa. Bài cáo nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc. Đó là những yếu tố quyết định thắng lợi vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

- Tác giả đã vận dụng sáng tạo lối kết cấu chung của thể cáo, lấy tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc làm cơ sở chân lí để triển khai lập luận.

II. Văn bản (SGK)

1. Tóm lược nội dung của từng đoạn. Nội dung của từng đoạn hướng vào chủ đề chung của bài cáo là nêu cao tư tưởng nhân nghĩa và tư tưởng độc lập dân tộc như thế nào?

+ Đoạn 1 : Khẳng định tư tưởng nhân nghĩa và chân lí độc lập dân tộc của nước Đại Việt.

+ Đoạn 2: Nêu cao lòng căm thù, tố cáo và lên án gay gắt tội ác của giặc Minh.

+ Đoạn 3: Kể lại diễn biến của cuộc kháng chiến từ khi mở đầu hết sức khó khăn đến lúc thắng lợi hoàn toàn, nêu cao sức mạnh tư tưởng nhân nghĩa và sức mạnh của lòng yêu nước kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

+ Đoạn 4: Lời tuyên bố hòa bình, khẳng định ý nghĩa của cuộc kháng chiến.

2. Tìm hiểu đoạn mở đầu từ “Từng nghe... chứng cớ còn ghi”:

a. Có chân lí nào được khẳng định để làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng cho việc triển khai toàn bộ nội dung bài cáo?

Nguyễn Trãi nêu nguyên lí chính nghĩa làm chỗ dựa, làm căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Nguyên lí này có hai nội dung: Tư tưởng nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt.

b. Vì sao đoạn mở đầu có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập?

Đoạn mở đầu có ý nghĩa như lời tuyên ngôn độc lập, bởi vì sau khi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, tác giả nói về sự tồn tại độc lập, chủ quyền của nước Đại Việt như một chân lí khách quan hiển nhiên, vốn có lâu đời.

c. Tác giả đã có cách viết như thế nào để làm nổi bật niềm tự hào dân tộc?

- Để làm nổi bật niềm tự hào dân tộc. Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định độc lập, chủ quyền: Cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời và đặc biệt các triều đại phong kiến Việt Nam song song với các triều đại phong kiến Trung Quốc.

“‘Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương”.

3. Tìm hiểu đoạn 2, từ “Vừa rồi… Ai bảo thần dân chịu được”:

a. Tác giả đã tố cáo những âm mưu, những hành động tội ác nào của giặc Minh? Âm mưu nào là thâm độc nhất? Tội ác nào là man rợ nhất?

Nguyễn Trãi đã vạch rõ âm mưu của giặc Minh và tố cáo chủ trương cai trị thâm độc cùng tội ác của giặc. Đó là âm mưu cướp nước, là luận điệu “phù Trần diệt Hồ” bịp bợm. Đó là tội “nướng dân đen “vùi cơn đỏ”, “nặng thuế khóa”, “tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ” đó là những âm mưu hiểm độc và những tội ác man rợ.

b. Nghệ thuật của đoạn cáo trạng tội ác kẻ thù có gì đặc sắc?

- Nguyễn Trãi là cây bút viết cáo trạng xuất sắc. Tác giả dùng hình tượng có sức khái quát cao:

“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.

- Nguyễn Trãi khắc vào trời đất và khắc vào lòng người lòng căm thù muôn đời, muôn kiếp. Cuối cùng, để kết thúc bản cáo trạng, tác giả viết một câu văn đầy hình tượng:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”.

- Đây là nghệ thuật dùng “cái vô cùng” để nói về “cái vô cùng”.

4. Tìm hiểu đoạn 3, từ “Ta đây… cũng là chưa thấy xưa nay”:

a. Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tác giả tái hiện như thế nào?

- Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa được tác giả tập trung khắc hoạ hình tượng Lê Lợi. Chân dung vị tướng hiện lên qua cách xưng danh khẳng khái (Ta đây: Núi Lam Sơn dấy nghĩa...), qua lòng căm thù giặc sâu sắc (Ngẫm thù lớn... Căm giặc nước...) qua ý thức tự giác và nhiệt huyết cứu nước trở thành thường trực (Đau lòng nhức óc..., Nếm mật nằm gai..., Quên ăn vì giận... Ngẫm trước đến nay..., Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi....), qua đó thái độ cầu hiền (Tấm lòng cứu nước... còn dành phía tả), qua tinh thần khắc phục khó khăn (Khi Linh Sơn... khắc phục gian nan), qua khả năng thu phục lòng người tạo ra nên sức mạnh đoàn kết quân dân (Nhân dân bốn cõi... chén rượu ngọt ngào), đặc biệt là mưu chức tài giỏi (Thế trận xuất kì... lấy ít địch nhiều).

- Tác giả đã sử dụng những từ ngữ, điển cố, hình ảnh có sức biểu đạt lớn để dựng lên chân dung đầy đủ của người anh hùng Lê Lợi khiến cho người đọc tự hào, ngưỡng mộ, cảm phục.

- Sức mạnh giúp quân ta chiến thắng chính là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Nguyễn Trãi trong bản Tuyên ngôn Độc lập này đã đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân.

b. Khi tái hiện giai đoạn phản công thắng lợi, bài cáo miêu tả bức tranh toàn cảnh cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

- Với giọng văn tung hoành, cuồn cuộn khí thế như một bản anh hùng ca chiến thắng; với những hìnhảnh so sánh tương phản độc đáo, tác giả đã miêu tả thành công khí thế chiến thắng của quân ta và sự thất bại thảm hại của giặc Minh.

* Nghĩa quân Lam Sơn:

+ Sấm vang chớp giật, trúc chẻ tro bay; thừa thắng ruổi dài...

+ Đưa lưỡi dao tung phá; bốn mặt vây thành; người hùng hổ; kẻ vuốt nanh, gươm mài đá, voi uống nước, sạch không kình ngạc, tan tác chim muông…

* Quân Minh:

+ Nghe hơi mà mất vía; nín thở cầu thoát thân, máu chảy thành sông; thây chất đầy nội.

+ Lê gối dâng tờ tạ tội; trói tay tự xin hàng: thây chất đầy đường; máu trôi đỏ nước; máu chảy trôi chày; thây chất thành núi; cỏ nội đầm đìa máu đen.

- Bên cạnh những hình ảnh ẩn dụ, so sánh, tương phản, tác giả còn sử dụng nghệ thuật liệt kê, trùng điệp, câu văn, nhịp điệu dài ngắn đan xen, biến hóa linh hoạt, tài tình tạo nên âm hưởng vừa hào hùng vừa mạnh mẽ, vừa khắc họa khí thế rung trời, chuyển đất của nghĩa quân, vừa khắc họa sự tan tác tơi bời của quân giặc.

- Từ hình tượng đến ngôn từ, từ màu sắc đến âm thanh, nhịp điệu, tất cả đều mang tính chất anh hùng ca. Những hình tượng phong phú, đa dạng được đo bằng sự rộng lớn, kì vĩ của thiên nhiên. Câu văn khi ngắn, khi dài biến hóa linh hoạt, nhịp điệu dồn dập, sảng khoái, bay bổng. Đó là nhịp của triều dâng, sóng dậy, hết lớp này đến lớp khác.

5. Tìm hiểu đoạn kết từ “Xã tắc từ đây... ai nấy đều hay":

a. Giọng văn có gì khác với những đoạn trên? Do đâu có sự khác nhau đó?

- Giọng văn trịnh trọng phù hợp với lời tuyên bố độc lập, chủ quyền của đất nước nay đã được lặp lại. Tương lai tốt đẹp đang chờ đón.

- Nhắc đến sức mạnh truyền thống, công lao của tổ tiên và quy luật thịnh - suy, bĩ - thái mang đậm triết lí phương Đông.

b. Theo anh (chị) có những bài học lịch sử nào? Ý nghĩa lịch sử đối với chúng ta ngày nay?

- Bài học lịch sử: Có được chiến công, có nền độc lập là bởi “Nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ"... cách nói đề cao truyền thống, khẳng định sức mạnh bền bỉ, ý thức tự tôn của cả dân tộc.

- Bài học lịch sử này có ý nghĩa rất lớn đối với mọi người và mọi thời, nhất là người được sống trong hòa bình, độc lập.

6. Giá trị về nội dung và nghệ thuật.

- Giá trị nội dung: Bình Ngô đại cáo nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, lòng yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc.

- Giá trị nghệ thuật: Tác giả vận dụng sáng tạo lối kết cấu chung của thể cáo, lấy tư tưởng nhân nghĩa và độc lập dân tộc làm cơ sở chân lí để triển khai lập luận. Tác giả đã kết hợp tài tình sức mạnh của lí lẽ và giá trị biểu cảm của hình tượng nghệ thuật tạo nên một áng văn bất hủ.

Từ khóa » Giới Thiệu Tác Giả Bình Ngô đại Cáo