Đãi Cát Tìm Vàng - Tuổi Trẻ Online

Không ít bạn viết đều “nhất trí” áo trắng không chỉ là tuổi mộng mơ, mà còn xứng danh là tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Không nghịch không phải học trò. Nhưng khi làm thơ, thường các nhà thơ sẽ rạch ròi “xử lý” hai tính cách mơ mộng và tinh nghịch. Bạn T.L. dù ở tận Hoa Kỳ nhưng vẫn nhớ về thời áo trắng, trong bài thơ Ngày xưa cổ tích kể về những kỷ niệm khó quên:

Con đường ngày xưa giữa trời rực nắngGiữa những nhọc nhằn gánh nặng mẹ chaTuổi thơ đi qua trong câu hát ơi àTrong lời cô giảng ê a đứt nhịp...

Những tâm tình sâu lắng vừa đi qua bốn câu thơ trên thì bạn đột ngột “chuyển tông”:

Bọn mình lớp quậy lì ai cũng khiếpĐứa tóc dài, đứa học chẳng kịp với aiĐứa chuyên môn bị ghi sổ đầu bàiĐứa gây chuyện chọc cho thầy nổi giận...

Tôi phải buột miệng kêu rằng: cổ tích mà khiếp thật. Ở đây chắc đã có sự lệch nhịp khi bạn muốn phối “điệu bolero” nhịp nhàng với “rock nặng”!

Cũng gần với đề tài cổ tích, bài thơ Nàng công chúa của bạn N.T.T.A. (ĐH KHXH&NV TP.HCM) viết về cô công chúa chưa chịu trưởng thành:

Em hai mươi tuổiNhững giấc mơ công chúa vẫn đeo đuổi hoài giữa thực và hưĐể mỗi sáng thức giấcMỉm cười ngát hương cho đời...

Tôi rất thích nụ cười ngát hương mỗi sáng của bạn, bạn cứ cười nhưng chắc rằng thơ chưa... cười với bạn. Vì sao? Vì bạn đã hưởng trọn giấc mơ mà không chịu chia sẻ, nên thơ của bạn chưa động đến trái tim người đọc!

Hầu như rất nhiều bạn viết tuổi áo trắng bị lọt vào “ổ voi” khi làm thơ, đó là sự diễn đạt sáo mòn, những cảm xúc cũ và ngôn ngữ cũng rất “bảo tàng viện”...:

Mùa mưa đến với từng cơn gió thốcGió giật mình trêu áo trắng tung bayGiật lá vàng khẽ gọi hồn aiKý ức về một khoảng trời tím nhớ...

Hay những ý tứ, hình ảnh, ngôn từ rời rạc bị tác giả xếp đứng cạnh nhau để ra... “thơ”. Cái thiếu ở đây là “chất keo cảm xúc” kết dính các “món” kia lại:

Thương một đời của lá Mong manh như khói cayLen vào sâu trong mắtLong lanh sắc úa vàng...

Lá ví với khói, tạm chấp nhận; khói có thể len vào mắt, chấp nhận được; nhưng câu thơ cuối (Long lanh sắc úa vàng) đi “trớt huớt” ra ngoài mạch của ba câu trước, hoặc cảm xúc của tác giả bị “đốt giai đoạn” khiến người đọc không hiểu nổi câu thơ “từ trên trời rơi xuống” này!

Chắc bạn từng đạp xe trên một con đường đang thi công, đang trải đá xanh, chưa được cán bằng phẳng. Cảm giác ra sao nhỉ? Chắc không khác mấy khi ta đọc bài thơ “lục bát không vần” dưới đây:

Trải bao cay đắng buồn vuiGiờ đi xa quá con đường bằng lăngMàu hoa tím đến thắt lòngĐặt vào ký ức vệt đau dịu dàngEm xa xa tận phương nàoLối xưa còn thả tím chiều bằng lăng...

Cứ thế tác giả “dẫn dắt” người đọc khổ sở đi suốt bài “lục bát không vần” của mình... Đang đi trên con đường cà tưng, lật sang bài thơ khác chợt tôi bị “kẹt xe” bởi cái tựa rất “đèn xanh đèn đỏ” là Nghẽn lối tình yêu:

Em đã khép cửa chôn chặt trái timTình yêu của ta đã nghẽn lối vào...

Kiểu làm thơ “nghe sao nói vậy, thấy sao viết vậy” có vẻ được nhiều bạn khai thác khiến bài thơ chất chứa nhiều... ý thô (chứ không phải ý thơ):

Với tôi chút đời choBao khuyên nhủ, câu hòLời hát ru bất diệtChan chứa để thành kho...

Câu hò, hát ru mà chất thành kho thì quả là “quý hóa quá” phải không bạn?

Nói đi phải nói lại, các bạn cũng có những bài thơ mà... rải rác đây đó vài câu đoạn hay, chỉ tiếc ngay cạnh đó lại là những ý, hình ảnh rất “kinh điển” khiến bài thơ vừa cất cánh định bay vào lòng người đọc thì... rớt “cái oạch” ngay trước cửa trái tim. Đó là trường hợp bài thơ Ngày không em của V.T.C. (ĐH KHXH&NV TP.HCM), giữa bài có đoạn thơ khá tốt:

Ngày không em những tưởng thảnh thơi

Không vất vả với dỗi hờn, làm nũng

Nhưng anh đôn đáo với cánh buồn rơi rụng

Nhặt hết làm sao, xếp kín ở ngăn nào?

Câu thơ tiếp theo bạn lập tức rơi vào sự cũ kỹ: “Ngày không em sách vở cũng chiêm bao...”.

Bài thơ Mưa đêm qua của bạn H.N. (ĐH Công nghiệp TP.HCM) lại khá tròn trịa nhưng là tròn trịa một cách an toàn bằng nhiều tứ thơ... không mới:

Giọt cà phê rơi từng giọt

Chưa kịp uống

Đã đắng môi...

Thử đọc bài Vội vã xuân thì của N.Q.T. (An Giang), một bài khá hay, chặt chẽ, hầu như không “lọt” các “ổ gà” trên:

Ta còn nợ một chiều xưa rát buốt

Bài thơ cho em nhòe qua ổ cửa sổ

Mưa cứ về bất chợt qua đây

...

Mai em đi rồi xa con phố nhỏ

Lớp học buồn tênh

Thềm cũng vừa rêu...

Nếu là tác giả, tôi sẽ lấy câu thơ “Thềm cũng vừa rêu” làm tựa bài, vừa mới lạ vừa không bị sáo như cái tựa “Vội vã xuân thì”. Tựa bài cũng như khuôn mặt, nét thanh tú sẽ giúp người ta thích gần bạn hơn!

Đọc vài bài, nhặt vài cái hay hoặc chưa hay để cùng trao đổi. Trên đây cũng là những “ổ gà”, “ổ voi” mà các tác giả mới cầm bút thường gặp. Có gì xấu hổ đâu, vài chục năm trước có một tác giả trẻ cũng liên tục “lọt ổ gà” như các bạn vậy, người đó chính là tôi!

oXOdIjES.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18(số 104 bộ mới) ra ngày 01/10/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Bài Thơ đãi Cát Tìm Vàng đọc Hiểu