Đại Cương Về Gãy Xương - Bài Giảng ĐHYD TPHCM

PHẦN 1: CƠ CHẾ GÃY XƯƠNG

Contents

  • PHẦN 1: CƠ CHẾ GÃY XƯƠNG
  • PHẦN 2: TÁC ĐỘNG CỦA GÃY XƯƠNG
  • PHẦN 3: CÁC LOẠI GÃY XƯƠNG
  • PHẦN 4: CHẨN ĐOÁN GÃY XƯƠNG
  • PHẦN 5: TIẾN TRIỂN LIỀN XƯƠNG
  • PHẦN 6: RỐI LOẠN LIỀN XƯƠNG
  • PHẦN 7: ĐIỀU TRỊ GÃY XƯƠNG

1. ĐỊNH NGHĨA

Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương do nguyên nhân cơ học.

Cấc cấu trúc bao gồm:

a. Các cấu trúc chính của xương:

– Màng xương và hệ thống các mạch máu của màng xương.

– Xương (xương cứng và xương xốp).

– Ống tủy (tủy xương, hệ thống mạch máu trong ống tủy).

b. Các mô mềm bao quanh xương: Chủ yếu là các cơ là nguồn cung cấp mạch máu màng xương.

Từ định nghĩa đầy đủ trên chúng ta có thể giải thích được:

– Các tổn thương giải phẫu các thành phần kể trên có ảnh hưởng đến tiến triển liền xương.

– Các biến chứng do gãy xương gây ra.

2. NGUYÊN NHÂN

Tuyệt đại đa số các gãy xương thường ngày là gãy xương chấn thương. Nguyên nhân là lực bên ngoài tác động lên xương lành mạnh bình thường. Lực gây chấn thương (gọi là tác nhân gây chấn thương) có thể tạo ra:

– Gãy xương trực tiếp nếu nơi gãy ở chính ngay nơi điểm đặt của tác nhân gây chấn thương. Thí dụ: xe cán qua đùi gây gãy xương đùi, ngã chống gót chân xuống đất gây gãy xương gót.

– Gãy xương gián tiếp nếu nơi gãy xương ở xa điểm đặt của tác nhân gây chấn thương. Thí dụ: gãy xương do tác nhân gây uốn bẻ kiểu đòn bẩy, gãy xương do bị vặn xoắn. Cũng có khi nguyên nhân làm gãy xương là lực giằng kéo gây ra mẻ xương. Có hai kiểu gây ra giằng kéo:

+ Tác nhân gây chấn thương bên ngoài tác động làm cho cơ căng thẳng ra và co kéo mạnh làm mẻ xương nơi bám tận của gân. Đó là trường hợp mẻ xương mỏm khuỷu nơi bám tận của cơ ba đầu cánh tay.

+ Tác nhân gây chấn thương bên ngoài làm căng quá mức dây chằng và chính dây chằng căng thẳng đã giằng mẻ xương ở nơi bám tận của dây chằng. Đó là trường hợp mẻ xương nơi bám của dây chằng bên chày của khớp gối.

3. CƠ CHẾ VÀ CÁC LOẠI ĐƯỜNG GÃY

Cơ chế chấn thương liên quan đến dạng đường gãy

H.1-1: Cơ chế chấn thương liên quan đến dạng đường gãy

Tác nhân gây gãy xương và phản ứng của cơ vùng chi gãy xương tạo nên cơ chế gãy xương, về qui tắc chung mỗi loại cơ chế đều tạo ra một loại đường gãy điển hình:

– Cơ chế trực tiếp gây tác động uốn bẻ thường tạo ra đường gãy ngang (nghĩa là thẳng góc với trục dọc của thân xương).

– Cơ chế ưỡn bẻ gián tiếp (kiểu đòn bẩy) thường gây ra đường gãy chéo.

– Cơ chế vặn xoắn, tạo ra đường gãy xoắn.

– Cơ chế ép, đồn nén có thể gây gãy nát hoặc làm lún xương.

– Vừa cơ chế uốn bẻ, vặn xoắn và đồn nén sẽ gây ra gãy xoắn có mảnh gãy thứ ba hình chêm (hình 1.1).

4. ẢNH HƯỞNG CỦA GIỚI TÍNH VÀ TUỔI TÁC ĐẾN LOẠI GÃY XƯƠNG

Nói chung cả hai giới nam và nữ và mọi lứa tuổi đều bị gãy xương chấn thương như nhau. Song do sự phát triển của bộ xương có một vài khác biệt theo lứa tuổi, nên có một số loại gãy xương đặc thù:

4.1. Ở trẻ em

Ở trẻ em, bộ xương đang tăng trưởng, màng xương dầy nên có thể gặp các loại gãy xương sau đây ở thân xương:

– Gãy xương cành tươi (fracture en bois vert).

– Gãy xương cong tạo hình (traumatic bowing, fracture plastique).

Ở đầu xương còn sụn tiếp hợp nên cũng chỉ ở trẻ em mới thấy loại “bong sụn tiếp hợp” (xem bài gãy xương ở trẻ em).

4.2. Ở người già

Ở người già, có trạng thái loãng xương, nên một số các xương xốp yếu dễ bị gãy xương dù chấn thương rất nhẹ:

– Lún đốt sống (còng lưng ở người già)

– Gãy cổ xương đùi, cổ phẫu thuật xương cánh tay, gãy đầu dưới xương quay,…

4.3. Ở giới nữ

Ở giới nữ, từ sau tuổi mãn kinh: sự loãng xương xuất hiện sớm hơn (so với nam giới cùng lứa tuổi) do đó gặp gãy xương nhiều hơn.

5. CÁC HÌNH THỨC GÃY XƯƠNG

5.1. Gãy không hoàn toàn (gãy thân xương hầu hết ở trẻ em)

a. Gãy cong tạo hình

b. Gãy phình vỏ xương cứng

c. Gãy cành tươi

5.2. Gãy hoàn toàn

a. Gãy xương giản đơn (làm 2 đoạn)

b. Gãy xương hai tầng

c. Gãy nhiều mảnh (có mảnh thứ ba, gãy nát).

5.3. Các kiểu gãy đặc biệt

a. Gãy có gài

b. Gãy lún mất xương (depression)

c. Gãy nén ép (compression)

d. Gãy vùng sụn tiếp hợp ở trẻ em

6. CÁC THỂ DI LỆCH ĐIỂN HÌNH CỦA GÃY XƯƠNG

Các đoạn xương gãy có thể nằm yên ở vị trí cũ, ta gọi là gãy xương không có di lệch. Song không ít các trường họp gãy xương sẽ bị di chuyển, ta gọi là gãy xương có di lệch. Có thể phân biệt 5 thể di lệch sau đây:

6.1. Di lệch sang bên

Đoạn gãy di lệch thẳng góc với trục dọc của xương.

6.2. Di lệch dọc trục chồng ngắn

Các đoạn gãy di lệch dọc theo trục xương tiến sát lại nhau. Gọi tắt là di lệch chồng.

6.3. Di lệch dọc trục xa nhau

Các đoạn gãy di lệch dọc trục rời xa nhau. Gọi tắt là di lệch xa.

6.4. Di lệch gấp góc

Trục hai đoạn gãy tạo nên một góc (thường tính bằng góc nhọn).

6.5. Di lệch xoay

Đoạn gãy xa di lệch xoay quanh trục dọc của xương.

Một gãy xương có thể có một hoặc nhiều thể di lệch (nhiều nhất là 4). Khi mô tả di lệch thì qui ước nói sự di lệch của đoạn gãy xa.

Continue: PHẦN 2: TÁC ĐỘNG CỦA GÃY XƯƠNG

Từ khóa » Di Lệch Chồng