Như chúng ta đã biết, các môn khoa học Lý luận Chính trị gồm Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, ba môn khoa học đầu là ba bộ phận của chủ nghĩa Mác - Lênin, là khối kiến thức cơ bản tạo nên thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn; hai môn khoa học sau là những môn học ứng dụng; vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn Việt Nam ở từng thời kỳ. Với nhận thức như vậy, khi giảng dạy môn Triết học Mác - Lênin, chúng tôi có được sự định hướng về kiến thức, kỹ năng, lý tưởng và sự vận dụng mà môn học sẽ tạo ra cho người học. Khi áp dụng những yếu tố tích cực của hình thức tín chỉ vào giảng dạy môn Triết học Mác- Lênin trong đào tạo bậc đại học chính quy (và một lớp tại chức) cho sinh viên các ngành Công nghệ Thông tin, Kinh tế, Luật và học viên cao học (ngành Luật) khoá học QH-2007, chúng tôi đã thu nhận được một số kinh nghiệm và thấy nên trao đổi với các đồng nghiệp trong ĐHQGHN. Kinh nghiệm thứ nhất, ngay cả trước khi thực hiện hình thức tín chỉ, chúng tôi đã coi người học là trung tâm; kiến thức môn học và kỹ năng của nó có thể tạo tư duy (lý tưởng) phù hợp với năng lực, người học có thể đưa ra những kết luận (vận dụng) phù hợp với năng lực đó của mình. Kinh nghiệm thứ hai, chúng tôi thực hiện Đề cương Môn học do Ban Đào tạo, ĐHQGHN ban hành không máy móc, giáo điều, mà tuỳ thuộc vào từng đối tượng người học cụ thể (với đặc thù về ngành học xã hội hay tự nhiên chẳng hạn) để phần nào xê dịch nội dung và thời lượng đề cương môn học phù hợp. Do vậy, từ giáo trình, tài liệu tham khảo (học liệu) của Đề cương Môn học, chúng tôi biên soạn thành những khối kiến thức (môđun) để hướng dẫn sinh viên chọn được những kiến thức vừa phổ quát, vừa đặc thù theo chuyên ngành đang theo học. Sau từng bài giảng, từng tín chỉ, những môđun đó được chỉnh sửa, bổ sung và dần hoàn thiện. Đây là việc làm tốn kém thời gian, công sức của chúng tôi, nhưng chúng tôi cho rằng đó là việc làm thiết thực, cấp bách để tạo thế giới quan và phương pháp luận phục vụ các môn học chuyên ngành. Tài liệu tham khảo là yếu tố quan trọng trong giảng dạy tín chỉ. Để sinh viên chuẩn bị bài theo hướng dẫn của giảng viên, nguồn tài liệu tham khảo thứ nhất vẫn chủ yếu là các tài liệu của các trường, khoa, trung tâm đào tạo thuộc ĐHQGHN đã xuất bản trước đây. Đồng thời, chúng tôi tạo nên nguồn tài liệu tham khảo thứ hai theo sát tập bài giảng của mình là giới thiệu những chuyên đề trong các sách, tạp chí khoa học đã được phát hành, các tập bài giảng của các học viện, viện, trường đại học ngoài ĐHQGHN, các bài phát biểu của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những vấn đề thời sự của Việt Nam hiện nay (như WTO, tăng trưởng GDP, chỉ số GNP, CPI... với sự phát triển của đất nước, về chủ trương áp dụng những yếu tố tích cực của tín chỉ trong đào tạo đại học và sau đại học ở ĐHQGHN); các websites chuyên ngành bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài gần với chuyên ngành của sinh viên trong đó các Giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo là học liệu chính. Câu hỏi (nhánh kiến thức) là vấn đề cốt lõi để hướng dẫn sinh viên tự học. Tự học là việc sinh viên tự thực hiện phần tín chỉ không thực hiện trên lớp. Do vậy, chúng tôi không dàn trải, mà nêu ra những câu hỏi trọng tâm của vấn đề lớn của chương. Hiện nay, trong Giáo trình môn Triết học Mác - Lênin có 51 câu hỏi ôn tập. Nhưng đó là những câu hỏi chung, khái quát, nên chúng tôi soạn thêm những nhánh nhỏ, sâu; nhiều khi câu trả lời chỉ một vài dòng cho sinh viên tự học. Sau đó, hướng dẫn sinh viên tìm tài liệu tham khảo để trả lời các câu hỏi trên; thường những tài liệu này là Tập Bài giảng, là bài giảng trên lớp của giảng viên và các tài liệu được giảng viên chỉ dẫn lựa chọn và sự lựa chọn này nêu tên sách, nhà xuất bản, năm xuất bản và nêu trang của từng tài liệu. Kinh nghiệm thứ ba. Hình thức đánh giá việc thực hiện môn học của người học hiện nay gồm ba đầu điểm. Điểm chuyên cần (tỷ trọng 30%), điểm kiểm tra giữa kỳ (tỷ trọng 20%) và điểm thi hết môn học (tỷ trọng 50%). Về hai đầu điểm sau thì chưa có gì đáng bàn; riêng điểm chuyên cần được chia thành ba đầu điểm nhỏ là đi học đầy đủ, đúng giờ, hay hái phát biểu trên lớp và làm bài tập đầy đủ là bài toán khó tìm thấy lời giải. Chúng tôi đã thống nhất trong Bộ môn Triết học Mác - Lênin là do đi học đầy đủ, đúng giờ, phát biểu trên lớp và làm bài tập đầy đủ khó thực hiện vì lớp đông, mất rất nhiều thời gian vì sỹ số nên chúng tôi chỉ điểm danh xác suất, các bài tập chỉ dừng lại ở dạng đề cương (dàn bài) và cho điểm tương ứng. Có lẽ đây là khâu khó thực hiện nhất trong việc đào tạo theo hình thức tín chỉ ở khoá học này. Thực trạng việc đào tạo theo hình thức tín chỉ hiện nay cho phép ta kết luận rằng nó vẫn chưa phát huy hết tác dụng và chúng tôi vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cơ bản của vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mạnh dạn nêu một số thực trạng: Trước hết, người học chưa thể bỏ thói quen thầy giảng, người học chép; khi thi hết môn chép lại những câu thầy giảng là đạt điểm cao. Vấn đề tiếp theo là đề cương môn học có thể nói là thiếu tính khả thi ngay từ việc xác định mục tiêu môn học cho đến việc thực hiện nó. Chỉ tính riêng việc giảng viên điểm danh, kiểm tra bài tập về nhà của sinh viên (lớp 70 > 100 sinh viên) và đánh giá ở đầu mỗi buổi lên lớp đã chiếm trên dưới 2 tiết/4 tiết/tuần/40tiết của môn học. Các môn học trước và sau môn Triết học Mác - Lênin còn cứng. Bên cạnh đó, học liệu của đề cương môn học quá phong phú. Người học khó có khả năng, điều kiện tìm và đọc các học liệu đó và tự họ thấy không cần phải đọc những tài liệu đó. Ngoài ra việc đánh giá môn học, nhất là ở đầu điểm chuyên cần thiếu tính khả thi. Tỷ trọng hiện nay cho phép người học có thể đạt điểm môn học cao cho dù điểm thi hết môn dưới điểm 5/10. Kết quả thi hết môn Triết học Mác - Lênin thấp hơn so với mọi năm. Chúng tôi cho rằng đó là do nguyên nhân là đề thi mở (được sử dụng tài liệu khi làm bài thi) nên người thi chủ quan. Để việc các môn lý luận chính trị không trừu tượng mà gắn bó với thực tiễn cuộc sống; là cái định hướng hoạt động của con người, chúng tôi xin nêu một số kiến nghị như: Làm thế nào để người học bỏ thói quen niên chế ở bậc phổ thông; Biên soạn lại đề cương môn học, nếu được cho từng ngành; Học liệu của Đề cương Môn học nên có học liệu bắt buộc và học liệu tham khảo cụ thể đến từng vấn đề, từng trang; Việc đánh giá môn học theo tỷ trọng nên theo 40/60, thay cho 50/50 như hiện nay; Thảo luận và tự học nên có sự hướng dẫn của trợ giảng với các nhóm nhỏ, nếu được khoảng 20 - 30 sinh viên; Lịch học cần xếp môn Triết học Mác - Lênin ngay từ học kỳ I để trang bị cho người học thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật (phần cứng)... Sau khối kiến thức này là khối kiến thức phần mềm được gối đầu hoặc song song trong suốt khoá học. Theo chúng tôi, nếu được như vậy (ngay cả khi các môn khoa học Lý luận Chính trị được gộp lại và rút ngắn thời lượng xuống còn 10 tín chỉ), thì việc giảng dạy và học tập sẽ không khô cứng, giáo điều; góp phần làm người học hiểu tại sao chúng lại là nền tảng của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; luôn đáp ứng được những vấn đề lý luận do thực tiễn thời đại đặt ra nhờ tính sáng tạo của mình. TS. Nguyễn Thái Sơn Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, ĐHQGHN |