Đại Học Quốc Gia TP.HCM (UIT): Ngôi Trường đại Học “đáng Mơ ước”

Đại học Công nghệ Thông tin không còn là cái tên xa lạ đối với các bậc phụ huynh và học sinh Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Đây là một trong những ngôi trường danh giá, xứng đáng đứng top đầu trong danh sách lựa chọn của các bạn yêu thích ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích giúp các bạn có cái nhìn tổng quát hơn về trường. Bạn hãy tham khảo ngay nhé!

Toàn cảnh Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG TP.HCM (UIT)

Xem thêm: Điểm chuẩn Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM (UIT)

Mục lục

  • 1. Giới thiệu
  • 2. Khám phá cơ sở vật chất “đẹp như mơ” tại UIT
  • 3. Các ngành đào tạo
  • 4. Cơ hội việc làm của sinh viên UIT sau khi ra trường
  • 5. Học phí
  • 6. Điểm danh những cựu sinh viên “siêu khủng” của UIT
    • 1. Lê Hồng Hải Nhân
    • 2. Lê Kim Hùng
    • 3. Nguyễn Mạnh Thảo
    • 4. Nguyễn Văn Kiệt

1. Giới thiệu

Trường Đại học Công nghệ Thông tin có tên tiếng Anh là University of Information Technology (viết tắt là UIT) là thành viên của Đại học Quốc Gia TP.HCM. Trường hiện đang có vị trí nằm tại Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức, TP.HCM.

Website: https://www.uit.edu.vn/ 

Facebook: https://www.facebook.com/UIT.Fanpage 

Email tuyển sinh: tuyensinh@uit.edu.vn 

Mã trường: QSC

Hotline tuyển sinh: 090.883.1246

Trường Đại học Công nghệ Thông tin là ngôi trường đại học công lập đầu tiên tại Việt Nam chuyên đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Trường được thành lập theo quyết định số 134/2006/QĐ-TTg ngày 08 tháng 06 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trung tâm Phát triển Công nghệ Thông tin.

Đến nay, trải qua hơn 15 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Công nghệ Thông tin đã sở hữu cơ sở vật chất khang trang, hiện đại gồm khu học tập, khu nghiên cứu và khu làm việc được đầu tư xây dựng với tổng diện tích hơn 14 hecta. Trường luôn tự hào có 100% sinh viên sau khi ra trường có việc làm, trong đó có hơn 90% có việc làm đúng chuyên ngành. Trong tương lai, trường hứa hẹn sẽ ngày càng củng cố cơ sở vật chất, đồng thời phát triển năng lực đội ngũ giảng viên và sinh viên, xây dựng một môi trường đào tạo lý tưởng cho đất nước.

2. Khám phá cơ sở vật chất “đẹp như mơ” tại UIT

Hiện nay, UIT sở hữu cơ sở vật chất vô cùng khang trang, hiện đại được xây dựng trên khuôn viên đất với tổng diện tích hơn 14 hecta thuộc khu quy hoạch của ĐHQG TPHCM tại Quận Thủ Đức. Với diện tích sàn xây dựng hơn 93.000 m2 và kinh phí là 412 tỷ đồng – một khoảng kinh phí không hề nhỏ đủ để hiểu được cơ sở vật chất của trường “đáng mơ ước” như thế nào rồi phải không?

Tổng thể khuôn viên rộng rãi của Đại học Công nghệ Thông tin

Thư viện của UIT có tổng diện tích là 1.266m2, với hơn 34.000 số lượng các loại tài liệu khác nhau, từ giáo trình, sách tham khảo, luận văn, luận án đến tài liệu ngoại văn của Quỹ Châu Á, khóa luận tốt nghiệp, được liên kết trực tiếp với hệ thống thư viện trong toàn ĐHQG TPHCM. 

Với phương châm coi người học là trọng điểm, Thư viện của Trường luôn nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người học, chẳng hạn như việc mở rộng nhiều dịch vụ Thư viện: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Thư viện, tìm hiểu về Luật Thư viện, đào tạo Kỹ năng thông tin, tổ chức hoạt động quyên góp sách,… Để từ đó nâng cao nhận thức của các bạn sinh viên trong việc khai thác nguồn tài liệu có sẵn tại Thư viện cũng như các nguồn tài liệu trực tuyến, nguồn thông tin truy cập mở,… 

Bên cạnh đó, không gian học tập tại Thư viện cũng rất được Trường coi trọng vì đây là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ đắc lực cho các bạn sinh viên trong việc học tập và nghiên cứu tài liệu tại trường đạt được hiệu quả. Phòng đọc của Thư viện có không gian vô cùng hoáng mát với hệ thông máy lạnh hiện đại, wifi miễn phí phủ sóng toàn không gian Thư viện.

Một số hình ảnh về Thư viện của UIT:

Không gian tự học tại Thư viện của UIT

Các bạn sinh viên học tập và thảo luận nhóm tại Phòng đọc Thư viện của UIT

Kho sách của Thư viện tại UEL

Với sứ mạng là một trung tâm đào tạo chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông, UIT đã đầu tư hệ thống Internet không dây và trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin để đảm bảo việc kết nối và truy cập khai thác thông tin tốc độ cao. Ngoài ra, UIT còn đưa vào sử dụng hệ thống điện toán đám mây UIT-Cloud để đáp ứng nhu cầu tính toán hiệu năng cao trong công tác giảng dạy và nghiên cứu. Trường cũng xây dựng một phòng Data Center gồm nhiều thiết bị máy chủ, workstation, các server…. Các thiết bị này cùng với hệ thống điện toán đám mây UIT-Cloud tạo nên nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu các cơ sở dữ liệu lớn yêu cầu nhiều tài nguyên.

UIT cũng đã đầu tư thành công hai phòng thí nghiệm trọng điểm là phòng thí nghiệm Truyền thông Đa phương tiện và phòng thí nghiệm Hệ thống Thông tin. Trong thời gian sắp tới, UIT sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm phòng thí nghiệm An ninh Thông tin để đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Tất cả các phòng thí nghiệm này đều được trang bị hệ thống trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, cập nhật thường xuyên trình độ của các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế; đồng thời có tính liên ngành cao và tạo được các dịch vụ chất lượng cao về nghiên cứu khoa học, đào tạo và triển khai công nghệ.

Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, UIT cũng đã xây dựng một mảng xanh xung quanh khuôn viên Trường để tạo không gian xanh trong giảng dạy và học tập. Mảng xanh này được rất nhiều sinh viên đánh giá là một trong những mảng xanh đẹp nhất trong khu đô thị ĐHQG-HCM.

Khuôn viên xanh xung quanh UIT

3. Các ngành đào tạo

Các chương trình đào tạo của trường Đại học Công nghệ Thông tin được thiết kế để đáp ứng tốt nhu cầu học tập và nghiên cứu đa dạng của người học và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông theo yêu cầu của xã hội ở các cấp độ từ bậc đại học đến sau đại học (bao gồm thạc sĩ và tiến sĩ).

Ở bậc đào tạo đại học, UIT có 9 ngành đào tạo sau: Công nghệ thông tin; Hệ thống thông tin; Khoa học máy tính; Kỹ thuật phần mềm; Kỹ thuật máy tính; Mạng máy tính và truyền thông; An toàn thông tin; Thương mại điện tử; Khoa học dữ liệu. 

Ở bậc đào tạo sau đại học, Trường có 4 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ (ngành Khoa học Máy tính, ngành Công nghệ Thông tin, ngành An toàn Thông tin và ngành Hệ thống Thông tin) và 2 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ (ngành Khoa học Máy tính và ngành Công nghệ Thông tin). 

Ngoài chương trình đào tạo chính quy đại trà, Trường còn có các chương trình đào tạo đặc biệt sau:

*Chương trình cử nhân tài năng

Đây là chương trình đào tạo dành cho các sinh viên giỏi, với mức học phí ngang bằng với hệ chính quy đại trà. Tuy nhiên, toàn bộ sinh viên theo học chương trình cử nhân tài năng đều sẽ được nhận học bổng tài năng mỗi tháng, với mức học bổng là 500.000 VNĐ/ sinh viên/ tháng. Bằng cấp Cử nhân Tài năng Khoa học Máy tính, Kỹ sư Tài năng An toàn Thông tin do Đại học Công nghệ Thông tin cấp.

Hiện tại đang có 2 ngành có đào tạo chương trình cử nhân tài năng, đó là ngành Khoa học Máy tính và ngành An toàn Thông tin.

Mỗi ngành có chỉ tiêu là 30 sinh viên, xét tuyển dựa trên điểm thi THPT Quốc gia. Sinh viên có thể đăng ký xét tuyển vào chương trình cử nhân tài năng sau khi đã trúng tuyển và nhập học vào trường.

*Chương trình tiên tiến

Đây là chương trình đào tạo hoàn toàn bằng Tiếng Anh theo khung chương trình đào tạo của Trường Đại học Oklahoma (Hoa Kỳ). Học phí của từng khóa sẽ không thay đổi suốt khóa học và sẽ được công bố cụ thể. Bằng cấp Kỹ sư chương trình tiên tiến do Đại học Công nghệ Thông tin cấp.

Điều kiện học tập của chương trình tiên tiến cực kỳ tốt. Quy mô lớp khá nhỏ (chỉ khoảng 20-40 sinh viên/ lớp) để đảm bảo chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất hiện đại, các phòng học đều được trang bị đầy đủ điều hòa, phòng thực hành máy tính cấu hình cao. Toàn bộ giảng viên đều là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy. Trong quá trình học, nếu sinh viên có nhu cầu du học thì điểm của các học phần đã học tại trường vẫn sẽ được chấp nhận ở trường đại học nước ngoài.

Hiện tại chỉ có duy nhất một ngành có đào tạo chương trình tiên tiến, đó là ngành Hệ thống Thông tin.

*Chương trình chất lượng cao (CLCA)

Đây là chương trình đào tạo theo khung chương trình hệ đào tạo chính qui đại trà. Học phí của từng khóa sẽ không thay đổi suốt khóa học và sẽ được công ḅố cụ thể. Bằng cấp đại học chính qui do Trường Đại học Công nghệ Thông tin cấp.

Chương trình sẽ được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Việt. Môn học ngoại ngữ của chương trình là môn Tiếng Anh. Sinh viên cũng sẽ được tăng cường đào tạo môn Tiếng Anh ở các lớp Tiếng Anh tăng cường.

Trong một giai đoạn chuyên ngành của chương trình sẽ có một số môn học được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Anh, (riêng chương trình định hướng Nhật Bản được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Nhật).

Điều kiện học tập chương trình chất lượng cao tốt nhất: qui mô lớp học khá nhỏ (chỉ từ 20-40 sinh viên/ lớp), cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các phòng học đều được trang bị điều hòa, phòng thực hành máy tính cấu hình cao. Các giảng viên giảng dạy đều là các Tiến sĩ, Thạc sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy của Đại học Quốc gia.

Các ngành đào tạo có chương trình chất lượng cao: Kỹ thuật Máy tính, Kỹ thuật Phần mềm, Khoa học Máy tính, Hệ thống Thông tin, An toàn Thông tin, Thương mại Điện tử, Mạng máy tính và Truyền thông Dữ liệu. 

*Chương trình chất lượng cao Định hướng Nhật  Bản (CLCN)

Đây là chương trình đào tạo theo khung chương trình hệ đào tạo chính qui đại trà. Học phí của từng khóa sẽ không thay đổi suốt khóa học và sẽ được công ḅố cụ thể. Bằng cấp đại học chính qui do Trường Đại học Công nghệ Thông tin cấp.

Chương trình sẽ được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Việt. Môn học ngoại ngữ của chương trình là môn Tiếng Nhật. Sinh viên để có thể tốt nghiệp phải có đầu ra ngoại ngữ Tiếng Nhật JLPT đạt trình độ N3.

Trong một giai đoạn chuyên ngành của chương trình sẽ có một số môn học được giảng dạy bằng ngôn ngữ Tiếng Nhật. Sinh viên còn được tăng cường giảng dạy về qui trình và văn hóa làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, sinh viên còn được giới thiệu thực tập tại chi nhánh các công ty Nhật Bản tại Việt Nam hoặc tại Nhật Bản.

Điều kiện học tập tốt nhất: qui mô lớp học khá nhỏ (chỉ từ 20-40 sinh viên/ lớp), cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các phòng học đều được trang bị điều hòa, phòng thực hành máy tính cấu hình cao. Các giảng viên giảng dạy đều là các Tiến sĩ, Thạc sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy của Đại học Quốc gia.

Dưới đây là review chi tiết các 9 ngành đào tạo cử nhân hệ chính quy của UIT:

STT Các ngành đào tạo
1 Công nghệ thông tin (InformationTechnology)
2 Hệ thống thông tin (Information Systems)
3 Khoa học máy tính (Computer Science)
4 Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering)
5 Kỹ thuật máy tính (Computer Engineering)
6 Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu (Computer Networks and Communications)
7 An toàn thông tin (Information Security)
8 Thương mại điện tử (E-Commerce)
9 Khoa học dữ liệu (Data Science)

4. Cơ hội việc làm của sinh viên UIT sau khi ra trường

Thương hiệu của Trường Đại học Công nghệ Thông tin chính là “Sinh viên ra trường có VIỆC LÀM TỐT, THU NHẬP CAO và THÀNH ĐẠT”. Cho đến nay, UIT luôn tự hào có 100% sinh viên sau khi ra trường có việc làm, trong đó có hơn 90% là có việc làm đúng chuyên ngành. 

Hơn nữa, UIT đang là đối tác lớn của nhiều công ty trong lĩnh vực điện tử, truyền thông và phần mềm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao như FPT Software, Global CyberSoft Vietnam, TMA Solutions, VNG, IBM,\… nên sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều có cơ hội việc làm ngay rất cao.

5. Học phí

Các mức học phí sẽ là khác nhau tùy theo chương trình đào tạo. Bạn có thể tham khảo mức học phí dự kiến mới nhất với sinh viên chính quy trong bảng dưới đây: 

6. Điểm danh những cựu sinh viên “siêu khủng” của UIT

Nhiều gương mặt cựu sinh viên của Trường Đại học Công nghệ Thông tin đã trở thành CEO, Founder… của nhiều công ty start-up có tiếng trong thị trường công nghệ tại Việt Nam. Mặt khác, nhiều cựu sinh viên UIT cũng đang công tác tại các vị trí quản lý cấp cao ở các đơn vị, công ty trong nước. Hãy cùng điểm qua một số gương mặt đặc biệt nhé!

1. Lê Hồng Hải Nhân

Lê Hồng Hải Nhân – Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành của công ty GEEK Up

Lê Hồng Hải Nhân là cái tên không còn xa lạ trong giới start-up Việt Nam. Hải Nhân là nhà Sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành của GEEK Up – một công ty về công nghệ phần mềm, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cho các công ty, doanh nghiệp và tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi mà công ty, doanh nghiệp đang đối mặt. 

Đến nay, GEEK Up cũng đã phát triển hơn ba trăm dự án phần mềm và tạo ra hơn một trăm sản phẩm phần mềm mang lại giá trị cao về kinh doanh cho các khách hàng lớn trên thế giới như Nikkei (Nhật), Heineken, SMRT (Singapore), D2O (Mỹ), Viettel (Việt Nam), FPT.

2. Lê Kim Hùng

Tiến sĩ Lê Kim Hùng – Cựu sinh viên khoa Mạng Máy tính và Truyền thông UIT

Tiến sĩ Lê Kim Hùng là cựu sinh viên khoa Mạng Máy tính và Truyền thông của trường Đại học Công Nghệ Thông tin. Sau khi tốt nghiệp, thầy được nhà trường giữ lại làm trợ giảng tại khoa Mạng Máy tính và Truyền thông khoảng một năm. Sau đó, thầy theo học chương trình thạc sĩ tại trường Télécom Paris tại Pháp và tốt nghiệp với điểm số tuyệt đối GPA 4/4.  Sau đó, Thầy tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại trường Sorbonne University tại Pháp và hoàn thành tiến sĩ ở tuổi 29. Hiện nay, thầy đang đảm nhiệm vị trí phụ trách Bộ môn Truyền Thông của khoa Mạng máy tính và truyền thông của UIT.

3. Nguyễn Mạnh Thảo

Nguyễn Mạnh Thảo – Thủ khoa đầu ra khoa Kỹ thuật Máy tính năm 2019 của UIT

Nguyễn Mạnh Thảo từng là thủ khoa đầu ra khoa Kỹ thuật Máy tính năm 2019 và hiện tại đang là trợ giảng của khoa Kỹ thuật Máy tính tại UIT. Trong quá trình làm trợ giảng, Nguyễn Mạnh Thảo đã nỗ lực và xuất sắc đạt được học bổng dành cho các học viên theo đuổi bằng Tiến sĩ của quỹ học bổng DS4H (Digital System for Human). DS4H là một ngôi trường thuộc Université Côte d’Azur, thuộc Top 10 trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu của nước Pháp.

4. Nguyễn Văn Kiệt

Thầy Nguyễn Văn Kiệt – Tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ tại UIT

Nguyễn Văn Kiệt từng tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ tại UIT và hiện đang giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin. Với những đóng góp trong quá trình làm việc và giảng dạy tại UIT, thầy Nguyễn Văn Kiệt từng vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc Gia. 

Trong suốt quá trình giảng dạy tại UIT tới nay, thầy Kiệt đã dẫn dắt rất nhiều thế hệ sinh viên đạt thành tích cao trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong đó có 2 thủ khoa Nguyễn Xuân Vĩnh Phú (thủ khoa ngành Công nghệ thông tin Khóa 9) và Đỗ Thị Thuý Hằng (thủ khoa ngành Công nghệ thông tin khóa 11).

Trong thời gian tới, thầy Kiệt cùng nhóm nghiên cứu NLP@UIT còn theo đuổi mục tiêu hiện thực hóa khả năng hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của máy tính.

Tóm lại, trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM là một ngôi trường có khá nhiều “ưu điểm” và rất đáng để theo học nếu bạn có đam mê trở thành một lập trình viên hay kỹ sư mạng. Bài viết “Review Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia TP.HCM (UIT): Ngôi trường đại học “đáng mơ ước” đã tiết lộ đôi nét về trường Đại học Công nghệ thông tin. Hy vọng những thông trên sẽ là sự gợi ý và hỗ trợ lớn trong việc lựa chọn ngôi trường đại học trong tương lai của các bạn trẻ. Nếu bạn còn có thắc mắc gì, hãy để lại bình luận bên dưới để nhận được giải đáp nhé!

Tags
Chọn trường review UIT

Từ khóa » Bảng điểm Uit