đại Thắng Mùa Xuân Năm 1975 Và ý Nghĩa Lịch Sử Của Cuộc Kháng ...
Có thể bạn quan tâm
Võ Thanh Tùng - Khoa Lý luận Cơ sở
1. Quyết định thời điểm giải phóng miền Nam
Vào cuối năm 1974 đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã triển khai hai hội nghị Trung ương đề ra những quyết nghị quan trọng về tình hình, đường lối cách mạng ở chiến trường miền Nam. Qua Hội nghị Bộ Chính trị (từ ngày 30/9 đến 07/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 18/12/1974 đến 08/01/1975), kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam đã được Bộ Chính trị chuẩn bị chu đáo với tinh thần quyết thắng cao nhất. Đặc biệt, trong thời điểm Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành, Bộ Chính trị nhận được tin quân ta giải phóng đường 14 và toàn tỉnh Phước Long (06/01/1975). Từ chiến thắng ấy, Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch 02 năm (1975 – 1976) hoàn toàn giải phóng miền Nam, được đề ra từ Hội nghị Bộ chính trị (từ ngày 30/9 đến 07/10/1974). Bộ Chính trị đề ra kế hoạch 2 năm và đặc biệt tập trung “cả năm 1975 là thời cơ”; đồng thời chỉ rõ: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tranh thủ thời cơ thực hiện “tổng công kích – tổng khởi nghĩa”, phải đánh nhanh, thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa..., giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.
2. Tổng tiến công với tinh thần quyết chiến, quyết thắng
Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng đắn sự phát triển của tình hình, đề ra phương hướng hành động đúng đắn, thể hiện quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam khi thời cơ đến, Đảng ta đã lãnh đạo quân dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành lấy thắng lợi trong khoảng 2 tháng với ba chiến dịch lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn.
Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 04/3 đến 24/3/1975. Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng, nhưng ở đây, quân đội Sài Gòn có nhiều sơ hở, lực lượng của chúng yếu do nhận định sai hướng tiến công của ta. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 về chọn chiến trường Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu, Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh với binh khí kỹ thuật hiện đại để mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên với trận then chốt mở màn là tiến công Buôn Ma Thuột, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, phát triển cuộc tiến công sang các tỉnh ven biển miền Trung, thực hiện chia cắt chiến lược. Đến ngày 24/3/1975, toàn bộ quân địch rút khỏi Tây Nguyên. Tây Nguyên rộng lớn với 60 vạn dân hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược Tây Nguyên phát triển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra từ ngày 21/3 đến 03/4/1975. Ngày 18/3/1975, khi quân ta trên đà thắng lớn đi đến thắng lợi hoàn toàn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, bổ sung quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Ngày 25/4/1975, một ngày sau khi quân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam trước mùa mưa (trước tháng 5/1975). Quyết tâm của Bộ Chính trị được cụ thể trong phương hướng chiến lược: tập trung lực lượng của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trước mắt, tiến hành trận chiến chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tiêu diệt quân đoàn I Ngụy, không cho chúng co rút về Sài Gòn, đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng giải phóng Sài Gòn.
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện cho tuyền tuyến do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, nhằm động viên sự nỗ lực của cả nước vào công cuộc chiến thắng, đồng thời quyết định thành lập thêm Quân đoàn III, trên cơ sở lực lượng quân chủ lực Tây Nguyên, thành một lực lượng cơ động chiến lược của Bộ để cùng với Quân đoàn I, Quân đoàn II, Quân đoàn IV (được thành lập trong 02 năm trước đó) tham gia giải phóng Sài Gòn. Vào lúc 15 giờ, ngày 29/3/1975, Đà Nẵng – một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất của Mỹ - Thiệu bị quân ta tiêu diệt, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Phối hợp với mặt trận Huế - Đà Nẵng, từ chiến trường Tây Nguyên vừa được giải phóng, các binh đoàn chủ lực của ta phát triển cuộc tiến công xuống các tỉnh ven biển miền Trung, cùng với lực lượng tại chỗ đã tiến công và nỗi dậy giải phóng tỉnh Bình Định với thành phố Quy Nhơn (ngày 01/4/1975), giải phóng tỉnh Phú Yên với thành phố Tuy Hòa (ngày 01/4/1975) và giải phóng tỉnh Khánh Hòa với phành phố Nha Trang và quân cảng Cam Ranh (ngày 03/4/1975). Chiến dịch Huế - Đà Nẵng - trận then chốt thứ hai giành đại thắng, đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống phòng ngự chiến lược của Thiệu ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu I, phá tan âm mưu co cụm chiến lược của chúng, không để cho lực lượng đối phương rút về tăng cường phòng thủ quanh Sài Gòn, đẩy chúng vào tình trạng tuyệt vọng, tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn diễn ra từ ngày 26/4 đến 30/4/1975. Sau khi mất hoàn toàn Quân khu I và Quân khu II trong thời gian không đầy một tháng, Nguyễn Văn Thiệu cho rằng phải hai tháng nữa quân ta mới có thể tiếp tục tiến công, nên chúng có thời gian và khả năng để bảo vệ Quân khu III và Quân khu IV. Chúng tập hợp bọn tàn quân, củng cố lực lượng còn lại, tổ chức tuyến phòng thủ từ xa hòng giữ phần đất còn lại từ Phan Rang trở vào và ngăn chặn, làm chậm lại cuộc tiến công của quân ta cho đến mùa mưa, sau đó chúng phản kích chiếm một số vùng để thỏa hiệp với ta trên bàn đàm phán. Về phía Mỹ, để giúp cho bọn tay sai kéo dài cơn hấp hối, chính quyền Mỹ cho lập cầu hàng không khẩn cấp chuyên chở vũ khí để trang bị cho quân đội Sài Gòn.
Trên cơ sở đánh giá thời cơ chiến lược để tiến hành “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” vào sào huyệt của quân Sài Gòn đã chín muồi, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể chậm trễ”. Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị đã quyết định một loạt vấn đề lớn, nhằm đảm bảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng toàn thắng, trong đó có quyết định thành lập Bộ tư lệnh và Đảng ủy mặt trận (03/4/1975), quyết định tên chiến dịch đánh vào Sài Gòn là “Chiến dịch Hồ Chí Minh” (14/4/1975).
Với quyết tâm cao, quân dân ta đã tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh giành lấy thắng lợi. Ngày 30/4/1975, mặc cho Dương Văn Minh kêu gọi “ngừng bắn để điều đình giao chính quyền”, quân dân ta vẫn kiên quyết tiếp tục tiến công theo kế hoạch, với khí thế dũng mãnh, giải phóng và chiếm lĩnh thành phố, tước vũ khí, giải tán chính quyền các cấp của đối phương, đập tan mọi sự chống cự của chúng. Quân ta đã đánh chiếm tất cả các mục tiêu của đối phương trong nội thành Sài Gòn: Sân bay Tân Sơn Nhất, Phủ Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Đài phát thanh, Tổng nha cảnh sát, căn cứ hải quân, cảng Bạch Đằng... Đến 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Phủ Tổng thống chính quyền Ngụy tại Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đến ngày 02/5/1975, lực lượng vũ trang và bộ máy chính quyền của Dương Văn Minh ở Nam Bộ và trên khắp miền Nam nước ta đã tan rã hoàn toàn.
3. Ý nghĩa lịch sử vĩ đại
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Đó là cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tiêu biểu của quân dân ta. Cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn hai thập niên (từ 7/1954 đến 5/1975), dài hơn bất cứ cuộc chiến tranh lịch sử nào trong lịch sử và phải chống lại một đế quốc lớn mạnh nhất là đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như những trang vàng hiển hách, vinh quang nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, ghi đậm đấu ấn vinh quang trong lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Đối với Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã kết thúc 21 năm chống Mỹ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta. Trên cơ sở đó, hoàn thành về cơ bản cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành tựu của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta. Trong đó, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là trận đánh kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử dân tộc ta.
Đối với thế giới, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi đã đập tan cuộc phản kích lớn nhất vào các lực lượng cách mạng sau Chiến tranh thế giới thứ hai của tên đế quốc đầu sỏ, phá vỡ phòng tuyến quan trọng ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á của đế quốc Mỹ, góp phần làm đảo lộn “chiến lược toàn cầu” phản cách mạng của chúng.
Thắng lợi của nhân dân ta và sự thất bại của đế quốc Mỹ đã tác động mạnh mẽ đến nội tình của nước Mỹ và cục diện thế giới, là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, các dân tộc đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc và chủ quyền đất nước./.
Từ khóa » Chiến Lược Chiến Tranh đặc Biệt Của đế Quốc Mỹ Diễn Ra ở Giai đoạn Nào Của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ
-
Một Số Tư Liệu Về Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Xâm Lược (1954 -1975)
-
Nội Dung Chính Sách Thành Tựu
-
Chuyên đề Gv đặng Thị Hiền-chiến Tranh ở Việt Nám 1954-1975
-
Chiến Tranh Việt Nam – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiến Tranh đặc Biệt (1961 - 1965) - Trường THPT Chu Văn An Gia Lai
-
Tầm Nhìn Chiến Lược Và Sự Lãnh đạo, Chỉ đạo Của Đảng đối Với Quân ...
-
[PDF] Đảng Cộng Sản Việt Nam
-
Kỷ Niệm 46 Năm Ngày Giải Phóng Miền Nam, Thống Nhất đất Nước
-
Đại Thắng Mùa Xuân 1975 - Sức Mạnh Khát Vọng Hòa Bình Và Thống ...
-
Thắng Lợi Vĩ đại Của Sự Nghiệp Chống Mỹ, Cứu Nước Là Thắng Lợi Của ...
-
Kỷ Niệm 50 Năm Cuộc Tổng Tiến Công Và Nổi Dậy Xuân Mậu Thân 1968
-
Nhân Dân Tiền Giang Tiến Hành Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu ...
-
Chiến Dịch Nguyễn Huệ Trong Tiến Trình Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ
-
Tìm Hiểu đường Lối Chiến Lược Cách Mạng Giải Phóng Miền Nam ...