Tầm Nhìn Chiến Lược Và Sự Lãnh đạo, Chỉ đạo Của Đảng đối Với Quân ...

TCQPTD Tòa soạn: 38A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (0243)8.457.044; (069)552.364 Fax: (0243)7.473.956 ISSN 2815-6277
  • tcqp
  • tcqp
  • Những chủ trương công tác lớn
    • Tin tức - Thời sự
    • |
    • Chuyên luận chỉ đạo
  • tcqptd
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
    • Quán triệt, thực hiện nghị quyết
    • |
    • Bảo vệ Tổ quốc
    • |
    • Theo gương Bác
  • tcqptd
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
    • Thực tiễn và kinh nghiệm
    • |
    • Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
  • tcqptd
  • Bình luận - Phê phán
    • Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
    • |
    • Quốc phòng, quân sự nước ngoài
    • |
    • Sinh hoạt tư tưởng
  • tcqptd
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
    • Nghiên cứu - Trao đổi
    • |
    • Lịch sử Quân sự Việt Nam
  • tcqptd
  • Biển đảo Việt Nam
    • Bảo hiểm xã hội
    • |
    • Bảo hiểm y tế
    • |
    • Văn bản, chính sách mới
    • |
    • Chính sách Quân đội
    • |
    • Tư liệu
  • tcqptd
  • Tạp chí và Tòa soạn
    • Tạp chí
    • |
    • Tòa soạn
    • |
    • Cấu trúc Website

Thứ Tư, 18/12/2024, 15:40 (GMT+7)

Sự kiện lịch sử

QPTD -Thứ Sáu, 08/01/2021, 07:01 (GMT+7)Tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (01/1959) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (9/1960), cách mạng miền Nam đã chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh vũ trang là quyết định. Theo đó, các lực lượng cách mạng chủ động tiến công địch trên nhiều mặt trận, với nhiều quy mô, hình thức. Từ thực tiễn cách mạng miền Nam, lực lượng vũ trang chính quy của ta đã tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954); Trung ương Đảng chủ trương: “Đi đôi với xây dựng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị, phải ra sức xây dựng lực lượng vũ trang bao gồm dân quân, du kích ở thôn, xã, bộ đội địa phương tỉnh, huyện đến bộ đội chủ lực khu, miền, đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh quân sự của ba thứ quân để giúp sức đắc lực cho đấu tranh chính trị”1; trong đó, chú trọng xây dựng các đơn vị vũ trang tập trung.

Thực hiện chủ trương đó, tháng 01/1961, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Quân giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng sáng lập và xây dựng, giáo dục và lãnh đạo,... Quân giải phóng miền Nam Việt Nam kế tục truyền thống anh dũng, tinh thần quật khởi và đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam anh hùng, kế tục truyền thống vẻ vang phục vụ nhân dân của Quân đội nhân dân Việt Nam”2. Cùng với đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam; củng cố, kiện toàn các tổ chức: Quân ủy Miền, Bộ Tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh các khu; tổ chức lại các chiến trường theo yêu cầu của cuộc kháng chiến; nghiên cứu, phát triển nghệ thuật đánh địch; vừa xây dựng Quân giải phóng, vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất, v.v.. Đồng thời, tích cực củng cố, mở rộng các căn cứ địa cách mạng từ khu Dương Minh Châu ra địa bàn miền Đông Nam Bộ, xây dựng hậu phương tại chỗ; mở rộng hành lang vận chuyển Bắc - Nam cả trên bộ và trên biển; tăng cường cán bộ chỉ huy, chính trị, hậu cần và một số đơn vị chiến đấu cấp đại đội, tiểu đoàn, nâng dần quy mô, khối lượng tiếp tế, vận chuyển vũ khí, phương tiện kỹ thuật, cung cấp tài chính từ miền Bắc vào miền Nam.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chỉ huy Miền, Quân giải phóng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tiến hành thắng lợi hàng loạt trận đánh, chiến dịch ở các quy mô, hình thức, như: Ấp Bắc, Núi Thành; các chiến dịch: Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, Mậu Thân 1968, Xuân - Hè 1972, Đường 14 - Phước Long, Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiêu hao, tiêu diệt, phá hủy nhiều lực lượng, phương tiện chiến đấu của địch, giải phóng nhiều địa bàn, tập trung vào khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Nam Tây Nguyên, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, hiệu quả của Đảng đối với cách mạng miền Nam nói chung, Quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói riêng để lại nhiều bài học quý, mang tầm chiến lược; nổi bật là:

Một là, nhận định, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, diễn biến chiến tranh làm cơ sở chỉ đạo chuyển hướng chiến lược cách mạng trong từng giai đoạn và cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Để đối phó với chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, trên cơ sở thế và lực mới do cao trào đồng khởi tạo ra, Bộ Chính trị nhận định: “Trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc đang lên, nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ latinh, khiến cho Mỹ phải phân tán lực lượng đối phó nhiều nơi; phe xã hội chủ nghĩa lớn mạnh về mọi mặt nhất là Liên Xô, Trung Quốc”3. Điều đó, tạo động lực mạnh mẽ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới: “Lương tri loài người đã thức tỉnh trước họa xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”4. Đối với nước ta, “Thời kỳ tạm ổn của chế độ Mỹ - Diệm đã qua, thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng bắt đầu, các hình thái du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện mở đầu cho cao trào cách mạng ngày càng lớn”5. Xét về mặt chiến lược, tuy ta đang ở thế chủ động, Mỹ và tay sai đang ở thế bị động, nhưng Đảng ta nhận định: “Chiến tranh sẽ mở rộng; cuộc chiến đấu sẽ ác liệt, phức tạp; đấu tranh chính trị và vũ trang sẽ diễn ra đồng thời, nhưng từ đây đấu tranh vũ trang đóng vai trò ngày càng quyết định”6. Trên cơ sở đó, Đảng chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, lấy đấu tranh vũ trang là quyết định.

Thực tế cho thấy, khi Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam thực hiện hai cuộc tiến công chiến lược mùa khô (1965 - 1966) và (1966 - 1967), ta đánh giá lực lượng địch tuy lớn, nhưng về tư tưởng, tổ chức có vấn đề vì chiến lược “chiến tranh đặc biệt” vừa thất bại, từ đó ta phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đánh đòn bất ngờ, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng lớn quân địch, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, thay đổi chiến lược. Năm 1971, với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ, quân ngụy tiến đánh Đường 9 - Nam Lào và biên giới Campuchia. Quân ngụy đông, lực lượng dự bị chiến lược lớn, nhưng tinh thần hoang mang do sức ép của ta và việc quân Mỹ đang từng bước rút khỏi Việt Nam theo chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước tình hình đó, ta đã hạ quyết tâm tiến hành cuộc phản công chiến lược, đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” và cuộc hành quân “Toàn Thắng 1-71 NB”.

Trên cơ sở nắm chắc “quy luật leo thang chiến tranh” của đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Bộ đội Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…”7. Thực hiện lời dạy của Bác, ta chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đánh địch bảo vệ Hà Nội và các vùng phụ cận. Khi Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không bằng máy bay ném bom chiến lược B-52 (chiến dịch Linebacker II) thì Hà Nội đã sẵn sàng đánh trả, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) vang dội, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (01/1973), rút quân về nước. Đặc biệt, trước khi quyết định thực hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Trung ương Đảng đã phân tích, đánh giá tình hình thế giới, khu vực, chú trọng mối quan hệ chủ - tớ (Mỹ - ngụy) và thống nhất nhận định: Mỹ không có khả năng can thiệp trở lại để cứu nguy cho quân ngụy, nên ta quyết tâm thực hiện ba đòn tiến công chiến lược: Đập tan ngụy quân, đánh sập ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cùng với nhận định, đánh giá chính xác những hoạt động tác chiến chiến lược có tính quy luật của địch, dự báo được tiến trình chiến tranh, Trung ương còn phân tích, nắm chắc thế và lực của ta, tình hình địa hình, thời tiết,... trên cơ sở đó chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh cách mạng, hạ quyết tâm, điều chỉnh ý định tác chiến chiến lược nhằm hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, cách đánh sở trường của lực lượng vũ trang và ưu thế vũ khí, trang bị kỹ thuật, giành thắng lợi quyết định trên từng chiến trường, kết thúc chiến tranh.

Hai là, chủ động, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang; mở rộng căn cứ địa cách mạng, hậu phương kháng chiến, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng.

Đầu năm 1961, trong thư gửi Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn viết: “Phải gắn liền đấu tranh với xây dựng lực lượng chính trị, quân sự của ta. Đi sâu củng cố các tổ chức đảng, đoàn, các đội ngũ quần chúng cách mạng, tăng cường giáo dục chính trị, nâng cao ý chí chiến đấu và lòng tin vào thắng lợi cuối cùng”8. Đảng ta chỉ đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tích cực, chủ động tập hợp lực lượng, phát triển đảng viên, đoàn viên; đẩy mạnh củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể; khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ), lực lượng thanh niên xung phong, biệt động Thành,… nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng, tầng lớp nhân dân đấu tranh toàn diện trên các lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, chống sự can thiệp, viện trợ của Mỹ và đồng minh đối với ngụy quyền Sài Gòn. Mặt trận chú trọng tổ chức vận động, giác ngộ nhân dân, lực lượng chính trị quần chúng tham gia lực lượng vũ trang ba thứ quân, trọng tâm vào các đội vũ trang tự vệ, dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu đánh địch mọi lúc, mọi nơi..v.v.. Khi đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vũ trang vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với thủ đoạn “dùng người Việt đánh người Việt”; thực hiện gom dân, lập “ấp chiến lược” hòng tách rời, cô lập nhân dân với Mặt trận, Ủy ban Trung ương lâm thời kêu gọi nhân dân miền Nam tập trung mọi nỗ lực, kiên quyết đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Cùng với đó, Đảng ta chủ trương mở rộng căn cứ địa cách mạng - xây dựng hậu phương tại chỗ vững chắc phục vụ kháng chiến: “Vấn đề xây dựng căn cứ địa, xây dựng thực lực của ta, tiêu diệt lực lượng địch có tầm quan trọng đặc biệt làm thay đổi tương quan lực lượng, bảo đảm cho cách mạng thành công”9. Ngoài việc huy động sự ủng hộ, viện trợ lực lượng, phương tiện của các nước xã hội chủ nghĩa và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, Đảng ta tập trung chỉ đạo xây dựng các cơ sở chính trị, căn cứ địa cách mạng, hậu phương tại chỗ ở các địa bàn vững mạnh. Các cơ sở chính trị được xây dựng ở khắp nơi không những tạo bàn đạp để đấu tranh chính trị, củng cố căn cứ ở rừng núi, tạo chỗ đứng ở đồng bằng và đô thị, mà còn đáp ứng yêu cầu tiến công và nổi dậy, giành và giữ quyền làm chủ ở địa phương, nhất là trong Tết Mậu Thân 1968, Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Việc hình thành các “Trại bí mật”, “Túi tản cư”, “Làng rừng”, “Lõm căn cứ” trong vùng địch tạm chiếm hay việc sáng tạo ra các “Vành đai diệt Mỹ”,… là những hình thức tổ chức căn cứ, xây dựng hậu phương tại chỗ hết sức độc đáo nhằm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hoạt động tác chiến chiến lược. Tiêu biểu trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã xây dựng nhiều “lõm chính trị”, “lõm du kích” ở vùng ven, vùng sâu và nhiều “cơ sở mật” ngay trong trung tâm các thành phố, thị xã10 tạo tiền đề để cùng một lúc đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã của địch trên toàn miền Nam. Với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng và nỗ lực cao của nhân dân các địa phương, chúng ta đã tổ chức được hệ thống cơ sở chính trị và căn cứ địa cách mạng vững mạnh toàn diện, huy động khối lượng lớn sức người, sức của phục vụ kịp thời cho hoạt động tác chiến trên các địa bàn11, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo Quân giải phóng tiến hành các đòn tiến công quân sự giành thắng lợi quyết định trên toàn chiến trường miền Nam

Sau khi Quân giải phóng được thành lập, lực lượng vũ trang miền Nam nhanh chóng phát triển từ các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích, lên các tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn chủ lực; từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến lớn bằng các đơn vị chính quy, từng bước nâng lên tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; từ những trận đánh nhỏ có tính chất thăm dò, tiến tới đánh thắng những trận đánh, chiến dịch then chốt, then chốt quyết định, đập tan các chiến lược quân sự của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng, Quân giải phóng đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các tầng lớp nhân dân miền Nam tiến hành nhiều hình thức đấu tranh bằng “hai chân”, “ba mũi”, “ba vùng”, kết hợp đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao; kết hợp tiến công với nổi dậy, tổng khởi nghĩa, tổng tiến công,... tạo sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc đánh bại các chiến lược: “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, Quân giải phóng vừa xây dựng, phát triển lực lượng tại chỗ, vừa tiếp nhận lực lượng, vật chất, hậu cần, kỹ thuật từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện, đồng thời phát huy vai trò nòng cốt, xung kích tham gia chiến đấu trên toàn miền Nam. Tổ chức các trận đánh, chiến dịch quan trọng, tiêu hao, tiêu diệt, làm thiệt hại lớn lực lượng, phương tiện của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Trong đó, nhiều trận do bộ đội địa phương tiến hành thắng lợi, có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước trưởng thành nhiều mặt của lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam, chứng tỏ khả năng đánh thắng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và khẳng định tinh thần dám đánh và dám thắng quân Mỹ của Quân giải phóng. Cùng với đó, ta tiến hành đợt hoạt động Đông Xuân 1964 - 1965 với thắng lợi của các chiến dịch: Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, An Lão đã thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam lên cao, đưa quân ngụy đến bờ vực tan rã.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Plây Me (1965), ta tổ chức vây ép đồn Plây Me, diệt đồn Chư Ho, buộc địch phải ứng cứu, giải tỏa bằng đường không xuống thung lũng Ia Đrăng - địa bàn ta đã chuẩn bị sẵn thế trận, tổ chức đánh trận then chốt quyết định, tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại tiểu đoàn khác, buộc Sư đoàn Kỵ binh không vận Mỹ lần đầu ra quân đã phải rút chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Ta càng đánh càng mạnh, chủ lực Quân giải phóng liên tục phát triển với đầy đủ các quân, binh chủng, cho phép tổ chức các chiến dịch quy mô lớn, các hoạt động tác chiến chiến lược, như: cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế, Chiến dịch Đà Nẵng và Chiến dịch quyết chiến chiến lược Hồ Chí Minh (1975). Những trận đánh, chiến dịch tiến công, phản công quân sự và hoạt động tác chiến chiến lược trên toàn chiến trường của Quân giải phóng cùng các hoạt động đấu tranh ngoại giao, chính trị của Trung ương và Mặt trận, đoàn thể địa phương, góp phần quyết định thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược: đánh cho “Mỹ cút”, đánh cho “ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bốn là, với tầm nhìn vượt trước, Đảng ta đã nắm, tận dụng thời cơ, lãnh đạo, chỉ đạo Quân giải phóng tổng tiến công chiến lược, kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi nhất

Phát huy truyền thống quân sự của ông cha trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) - chiến dịch quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; nghiên cứu, nắm chắc tình hình và diễn biến cuộc chiến tranh, Đảng ta nhận thấy thời cơ kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chín muồi. Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, các cơ quan chiến lược tập trung xây dựng Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm: 1975 và 1976. Bước 1 (1975), tranh thủ yếu tố bất ngờ, tập trung lực lượng, phương tiện, vũ khí đánh địch trên phạm vi lớn toàn miền Nam. Bước 2 (1976), thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tại Hội nghị của Bộ Chính trị (30/9 - 08/10/1974) bàn về miền Nam, Đảng ta nhận định: Theo Hiệp định Pari (01/1973) quân Mỹ đang rút về nước, ta đã hoàn thành mục tiêu đánh cho “Mỹ cút”; mặc dù Mỹ còn ý định ủng hộ ngụy về quân sự, tài chính, nhưng khó thực hiện được mục tiêu đề ra, trong điều kiện Tổng thống Mỹ Nixon từ chức, làm cho Nguyễn Văn Thiệu và ngụy quyền Sài Gòn khủng hoảng về chính trị, tinh thần, sa sút về ý chí; Mỹ khó có khả năng quay lại Việt Nam và nếu có quay lại thì cũng không làm xoay chuyển được tình hình. Trên cơ sở đó, Đảng ta khẳng định chủ trương kết thúc chiến tranh là đúng đắn, nhiều thuận lợi và có tính khả thi cao.

Trong nước, quân ngụy đang suy yếu, lo chống đỡ các đòn tiến công của chủ lực Quân giải phóng, thế và lực của cách mạng đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đây là thời cơ để kết thúc chiến tranh: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này”12, cần phải kịp thời nắm lấy để “hoàn toàn giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn cho cách mạng dân tộc, dân chủ... ngoài thời cơ này không có thời cơ nào khác. Nếu để chậm mươi, mười lăm năm nữa, bọn ngụy gượng dậy được, các thế lực xâm lược được phục hồi,... thì tình hình sẽ phức tạp vô cùng”13. Vì vậy, chúng ta phải tranh thủ, tận dụng thời cơ tổng tiến công và nổi dậy để đánh cho “ngụy nhào”. Sau khi ta giành thắng lợi nhanh chóng, áp đảo quân địch trong các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế và Chiến dịch Đà Nẵng, Trung ương Đảng quyết định tận dụng thời cơ này, đẩy thời gian giải phóng miền Nam vào năm 1975, sớm hơn so với quyết tâm ban đầu. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ lực miền Bắc khẩn trương tăng cường cho chiến trường miền Nam theo phương châm vừa hành quân, vừa chiến đấu, với tinh thần “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng” và khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo: “Một ngày bằng 20 năm, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”14.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4/1975, ta đã hội tụ đầy đủ các yếu tố về ý chí quyết tâm, lực lượng (chính trị, quân sự, quần chúng nhân dân), phương tiện, công tác chỉ huy, bảo đảm,… để tiến lên giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đã thông qua Kế hoạch giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch quyết chiến chiến lược cuối cùng diễn ra trong thời gian ngắn và đi đến toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Kết quả này khẳng định mưu lược, tài nghệ chính trị - quân sự của Đảng ta trong nắm và tận dụng thời cơ kết thúc chiến tranh.

Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cách mạng miền Nam nói chung và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam nói riêng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về tiến hành chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam; nổi bật là bài học về tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với Quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát triển trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng LƯƠNG CƯỜNG, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ________________

1 - Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 43.

2 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 – 1975, Nxb CTQG, H. 1997, tr. 32-33.

3 - Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 42.

4 - Sđd, tr. 42.

5 - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, Tập 3, Nxb CTQG, H. 1997, tr. 27.

6 - Sđd, tr. 31, 32.

7 - Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb QĐND, H. 1990, tr. 203.

8- Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, H. 1985, tr. 49.

9 - Sđd, tr. 34.

10 - Đến cuối năm 1967, ở Sài Gòn, ta đã xây dựng được 19 tổ chức cơ sở chính trị tại các mục tiêu trọng yếu, gồm 325 gia đình, tạo được 400 điểm ém lực lượng, cất giấu vũ khí, đạn dược bảo đảm an toàn (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975), Nxb Chính trị quốc gia, H. 1997, tr. 577).

11 - Trong 15 năm kháng chiến chống Mỹ (1960 - 1975), hậu phương tại chỗ trên các chiến trường miền Nam đã bảo đảm 22,5% nhu cầu vật chất cho lực lượng vũ trang (Sđd, tr. 577).

12 - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1974, tr. 177.

13 - Sđd, tr. 179.

14 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2005, tr. 952.

TAG

Tầm nhìn chiến lược,Quân Giải phóng miền Nam

In bài Ý kiến bạn đọc (0) Các tin, bài đã đưa

Tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024 17/12/2024

Bộ đội Cụ Hồ - Hình tượng vinh quang, danh hiệu cao quý và tinh thần bất diệt - Bài 1: Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trao truyền tình yêu nước, sự dấn thân cho thế hệ trẻ 17/12/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc 16/12/2024

Công tác đảng, công tác chính trị luôn là “linh hồn và mạch sống” của Quân đội nhân dân Việt Nam 16/12/2024

Xây dựng tỉnh Cao Bằng vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng 16/12/2024

Đại đoàn kết toàn dân tộc - cội nguồn của ý chí, niềm tin và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc 16/12/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh 14/12/2024

Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 14/12/2024

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ báo công dâng Bác nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 14/12/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành dưới lá cờ vinh quang của Đảng 13/12/2024

ENGLISH 中文 Đọc tạp chí in Tiêu điểm Phát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt NamPhát biểu của Chủ tịch nước Lương Cường tại Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt NamNgày 22 tháng 12 năm 1944, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (nay thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự ra đời của một Quân đội cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân,... Tin, bài xem nhiều

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới

Diễn văn của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Công tác phối hợp giữa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Hội đồng Lý luận Trung ương trong nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chúc mừng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội

Những bài học hay, kinh nghiệm quý nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị

mucluc 12/2024
  • tcqp
  • |
  • Những chủ trương công tác lớn
  • |
  • Sự kiện lịch sử
  • |
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
  • |
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
  • |
  • Bình luận - Phê phán
  • |
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
  • |
  • Biển đảo Việt Nam
  • |
  • Tạp chí và Tòa soạn
Giấy phép số 478/GP-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 27/7/2021. Tổng Biên tập: Thiếu tướng, ThS. TẠ QUANG CHUYÊN Phó Tổng Biên tập: Đại tá, ThS. HOÀNG VĂN TRƯỜNG; Đại tá, PGS, TS. NHÂM CAO THÀNH; Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH TUẤN © 2013 Bản quyền thuộc về Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Bảo lưu mọi quyền Địa chỉ: 38A - Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội; ĐT: (024)38.457.044; (069)552.364 Fax: (024)37.473.956 - Email: thukytoasoan.qptd@gmail.com Đại diện phía Nam: 161-163, Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Fax: (028) 62.905.671; ĐT: (069) 667.446

Từ khóa » Chiến Lược Chiến Tranh đặc Biệt Của đế Quốc Mỹ Diễn Ra ở Giai đoạn Nào Của Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ