Đái Tháo đường Thai Kỳ- Bệnh Của Thời đại Mới - Benh Vien 108

09:50 AM 08/10/2021 Ngày nay, cùng với sự phát triển của lối sống hiện đại, các bệnh về rối loạn chuyển hóa có xu hướng tăng lên cả về tỷ lệ và xu hướng trẻ hóa. Đái tháo đường hay dân gian hay gọi là tiểu đường cũng là một trong những vấn đề đó. Đặc biệt, hiện nay, đái tháo đường ở phụ nữ mang thai chiếm tỷ lệ từ 2-10% các thai phụ, nếu không được phát hiện sớm, hướng dẫn điều trị đúng thì có thể để lại hậu quả cho cả người mẹ và thai nhi.

Đái tháo đường thai kì là gì?

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu ở thai phụ cao hơn mức cho phép và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ngưỡng đường máu để chẩn đoán đái thái đường thai kì (Đái tháo đường trong khi mang thai) là thấp hơn rất nhiều so với người không mang thai. Điều này không phải bất cứ bác sĩ nào cũng biết. Cụ thể, theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, với nghiệm pháp uống nước đường như sau:

+ Glucose đói >= 5,1 mmol/l. + Glucose sau 1h >= 10 mmol/l. + Glucose sau 2h >=8,5 mmol/l. Nếu 1/3 tiêu chuẩn được gọi là (+) và chẩn đoán đái tháo đường thai kì.

Hậu quả của Đái tháo đường thai kì? Khi lượng insulin sản sinh không đủ sẽ dẫn đến đường trong máu tăng cao, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

1. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với mẹ

Các biến chứng thai kỳ thường gặp như tiền sản giật, sản giật cao gấp 4 lần so với người bình thường, nhiễm trùng, băng huyết sau sinh ...

Khó sinh: Đường trong máu của mẹ sẽ truyền sang bé, làm tuyến tụy của bé hoạt động nhiều hơn bình thường để sản xuất thêm insulin. Điều này dẫn đến phân thân trên của bé – vai phát triển nhanh trong thai kỳ. Một số trường hợp có thể gây gãy xương do vai rộng hoặc tổn thương não trong quá trình sinh nở.

Sinh non, thai chết lưu, đa ối, vỡ ối gây nguy hiểm đến mẹ và bé.

2. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ đối với thai nhi

Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Sau sinh, tuyến tụy của bé vẫn tiếp tục sản xuất tiếp insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa trước đây. Do đó, lượng đường trong máu của bé sẽ xuống thấp gây nên tình trạng hạ đường huyết. Một số trường hợp gây ra tình trạng co giật dẫn đến hôn mê và tổn thương não nếu bé không được kiểm tra và phát hiện kịp thời.

Thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc tử vong, chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi

Béo phì: Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với những bé khác.

Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: hội chúng suy hô hấp xảy ra vì em bé có thể bị sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ.

Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch...

Bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.

Vậy đối tượng nào cần sang lọc bệnh đái tháo đường thai kì

Nếu bạn có các dấu hiệu sau thì cần thăm khám bác sĩ nội tiết để được tư vấn sang lọc bệnh đái tháo đường thai kì sớm như: Béo phì, tiền sử gia đình (bố, mẹ bị tiểu đường), sinh con to trước đó (>3700gram), hiện có đường trong nước tiểu, sẩy thai, thai lưu, đa ối, thai to…

Điều trị bệnh như thế nào?

Điều trị đái tháo đường hiện nay chủ yếu điều chỉnh chế độ ăn, một số trường hợp nếu không kiểm soát được bằng chế độ ăn mới cần tiêm Insulin. Hiện nay, chưa có một loại thuốc hạ đường máu nào được phép sử dụng trên phụ nữ có thai. Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kì cần được hướng dẫn, theo dõi đường máu chặt chẽ của bác sĩ nội tiết và bác sĩ sản khoa để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

BS Lê Thị Cúc

Khoa A1A- Viện ĐT cán bộ cao cấp

Từ khóa » Chẩn đoán Và điều Trị đái Tháo đường Thai Kỳ