Đăk Hà: Đồng Ruộng Nứt Nẻ, Cây Lúa Héo Khô Vì Nắng Hạn
Có thể bạn quan tâm
Xã Ngọc Wang là địa phương có diện tích lúa bị hạn nhiều nhất trên địa bàn huyện Đăk Hà. Toàn xã hiện có 28ha lúa của 181 hộ gia đình bị khô hạn, hoàn toàn mất trắng.
Cả tháng nay, cứ vài ngày bà Y Bôi (thôn Kon Jơ Ri, xã Ngọc Wang) lại ra thăm 2 sào ruộng lúa của gia đình. Mỗi lần nhìn những đám lúa cứ dần khô héo dưới nắng, bà Y Bôi không khỏi bần thần; bởi vừa tiếc công, tiếc của, lại vừa lo cho cái “nồi cơm” của gia đình gồm 6 miệng ăn trong thời gian tới.
Nhổ vài bụi lúa đang khô trắng lên, bà Y Bôi xót xa: Lẽ ra vào tầm này, cây lúa chuẩn bị trổ bông, mọi năm thu hoạch phải được 10 bao lúa. Thế nhưng, năm nay vì không có nước tưới nên cây lúa không lên được, giờ thì cháy khô cả. Không nỡ nhìn công sức của mình uổng phí, nhà tôi cũng cố gắng khơi dòng chảy, nhưng khe suối đều không có nước, nên cũng chẳng có cách nào cứu vãn nổi.
Các mảnh ruộng khác ở xung quanh ruộng lúa của nhà bà Y Bôi cũng chung cảnh thiếu nước tưới, dần khô héo. Mảnh ruộng nào cao hơn thì khô sớm, đất nứt nẻ, cây lúa cháy khô, còn chân ruộng ở dưới thấp thì đỡ, nhưng đến thời điểm này cây lúa cũng đã vàng úa, không phát triển được nên không thể làm đòng, trổ bông. Lác đác, ở một số đám ruộng, người dân đã cắt lúa cho bò ăn, thậm chí có nhà còn thả luôn bò vào ruộng.
“Đợt trước, người ta còn ra thăm đồng, vì vẫn hy vọng tìm được nguồn nước để cứu lúa. Nhưng giờ thì gần như chẳng ai còn muốn ra đồng nữa, bởi ra đồng càng nhìn thì lòng dạ càng xót mà không thể làm gì được” - bà Y Bôi buồn rầu kể.
|
Ông Ngô Tấn Khoa - Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang cho biết: Toàn bộ diện tích lúa bị hạn đều được là người dân canh tác ổn định từ nhiều năm nay. Mọi năm, nguồn nước của các dòng chảy, khe suối đảm bảo đủ nước tưới cho đến khi thu hoạch, nhưng năm nay bị hạn từ rất sớm. Nguyên nhân là do năm 2019, mùa mưa kết thúc sớm nên lượng nước đầu nguồn ít. Mặt khác, vài năm lại đây, người dân mở rộng diện tích cây công nghiệp dẫn đến việc tranh chấp nguồn nước tưới. Chính quyền xã Ngọc Wang đã tiến hành khảo sát và tìm phương án cứu lúa, song sau khi tính toán, các phương án đều không khả thi vì không mang lại hiệu quả kinh tế nên đành chấp nhận để đồng lúa chịu khô hạn, mất trắng.
Theo thống kê của Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, toàn huyện có 71,57ha lúa bị hạn tập trung ở 6 xã gồm Ngọc Wang (28ha), Đăk Hring (5,64ha), Đăk Long (16,58ha), Đăk Psi (1,66ha), Đăk Ngọc (6,35ha), Ngọc Réo (13,34ha). Đây đều là diện tích canh tác lúa nằm trong quy hoạch; trong đó có cả những diện tích thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi do huyện quản lý.
Anh Lê Thế Cương - Phó trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà dẫn chúng tôi đi một vòng qua một số vùng trồng lúa đang bị hạn. Có nơi, lúa đã cháy khô; có nơi vàng úa, báo hiệu về một vụ mùa thất thu rất rõ; có chỗ cây lúa đã trổ bông, nhưng không thể ngậm sữa, những bông lúa lép xẹp cứ đứng trơ trơ dưới cái nắng gay gắt, nhìn mà nẫu cả ruột. Là một cán bộ luôn sát sao với ruộng đồng, anh Lê Thế Cương không khỏi ngậm ngùi khi nhìn đồng lúa khô héo dưới nắng hạn, kéo theo bao công sức của người nông dân tiêu tan.
Anh Lê Thế Cương cho biết: Năm nay, lượng mưa ít khiến cho lượng nước của các hồ đập, hệ thống khe, suối trên địa bàn đều thấp hơn trung bình các năm rất nhiều. Ngay từ đầu vụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khơi thông dòng chảy, tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế hao hụt, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi quản lý chặt, điều tiết, phân phối nguồn nước cho phù hợp; tuy nhiên các biện pháp trên cũng “không ăn thua”, vẫn không đủ nước tưới cho tất cả diện tích cây trồng trên địa bàn. Thêm vào đó, thời gian gần đây, nhiều diện tích trồng mì, trồng lúa cạn trước đây được người dân chuyển sang trồng cây công nghiệp nên diện tích cây trồng cần nước tưới tăng lên. Trước thực tế trên, để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra, ngành Nông nghiệp và các địa phương đành phải cân nhắc và đưa ra phương án là hy sinh cây ngắn ngày, tận dụng nguồn nước để tưới cho cây công nghiệp.
Hiện tại, tỉnh ta vẫn đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô với những diễn biến khó lường của thời tiết, hạn hán vẫn còn khốc liệt. Ngoài diện tích lúa đã bị mất trắng, không còn khả năng cứu vãn, toàn huyện Đăk Hà còn khoảng 93ha lúa đang trong tình trạng thiếu nước tưới, đứng trước nguy cơ thất thu.
Theo anh Lê Thế Cương, riêng về vụ lúa Đông - Xuân, chưa có năm nào người dân huyện Đăk Hà lại bị thiệt hại nhiều như năm nay. Vì thế, về lâu dài, để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp huyện Đăk Hà sẽ cùng với các địa phương cơ sở trên địa bàn huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi những chân ruộng có nguy cơ thiếu nước, sang trồng loại cây lương thực hoặc cây rau màu khác có nhu cầu nước ít hơn.
Thực tế, trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đăk Hà đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước. Đây là hướng đi đúng; giúp người nông dân “né” được hạn.
Thùy Hương
Từ khóa » Cây Lùa Heo
-
Cây Lùa Heo - Thiết Bị Chăn Nuôi
-
Gậy đuổi Heo Loại Dài Chính Hãng (roi Lùa Heo) | Shopee Việt Nam
-
Roi Lùa Heo Bằng điện - Gậy Chích điện Gia Súc
-
Roi đuổi Heo - Cây Lùa Heo Tạo Ra âm Thanh
-
Roi Đuổi Heo Còn Gọi Là Thanh Lùa Heo
-
Quảng Trị: Đồng Ruộng Nứt Nẻ, Cây Lúa Héo Khô
-
Quảng Nam: Ruộng đồng Nứt Nẻ, Cây Lúa Héo Khô Vì Thiếu Nước
-
Gặp Lại Lúa Hẻo, Lúa Chiên - Báo Thừa Thiên Huế Online
-
Hướng Dẫn Phòng Trừ Bệnh Chết Héo Cây Lúa Vụ Hè Thu 2019
-
Mạc Ngôn - Nắng Ngoài đồng Làm Cây Lúa Héo Khô Trời Tháng Sáu ...
-
Thông Báo Một Số Biện Pháp Phòng Trừ Bệnh đạo ôn Trên Lúa Và ...
-
Nắng Nóng Hoành Hành: Lúa Chết Mòn, Người Héo Hắt 'chắc Phải Du ...
-
[DOC] KỸ THUẬT CHĂN NUÔI HEO NÁI SINH SẢN