Dâm Dương Hoắc Có Công Dụng Gì? Liều Dùng Và Cách Dùng

Dâm dương hoắc

Dâm dương hoắc

Đặt lịch

Vị thuốc Dâm dương hoắc còn có tên gọi khác là Tiên linh tỳ, Cương tiền, Phỏng trượng thảo, Thiên lưỡng kim, Tam chi cửu diệp thảo… Dược liệu chứa nhiều thành phần hóa học có lợi như Sagittatoside, Epimedin A, B, C nên thường được dùng trong điều trị ho, tiểu buốt, phong thấp đau nhức, tay chân tê bại, liệt dương…

Dâm dương hoắc
Thông tin cơ bản về tính vị, quy kinh, kiêng kỵ và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Dâm dương hoắc

Tên gọi, phân nhóm

  • Tên gọi khác: Tiên linh tỳ, Cương tiền, Phỏng trượng thảo, Thiên lưỡng kim, Tam chi cửu diệp thảo, Khí trượng thảo, Can kê cân, Hoàng liên tổ, Hoàng đức tổ, Khí chi thảo, Thác dược tôn sư, Đình thảo, Thiên hùng cân, Dương hoắc, Đồng ty thảo, Ngưu giác hoa, Tam thoa cốt, Quế ngư phong, Tam thoa phong, Phế kinh thảo, Tức ngư phong, Tam giác liên, Dương giác phong, Kê trảo liên.
  • Tên khoa học: Epimedium macranthun Mooren et Decne.
  • Tên tiếng Trung: 仙灵脾 / 淫羊藿
  • Thuộc họ: Hoàng Liên Gai (danh pháp khoa học: Berbridaceae)
  • Phân loại: Dâm dương hoắc lá to (danh pháp khoa học: Epimedium macranthum Morr et Decne), Dâm dương hoắc lá hình tim (danh pháp khoa học: Epimedium brevicornu Maxim) và Dâm dương hoắc lá mác (danh pháp khoa học: Epimedium sagittum (Sieb et Zucc.) Maxim).

Đặc điểm sinh thái

1. Mô tả

Dâm dương hoắc là một loại cây thuốc quý. Dược liệu thuộc dạng cây thảo. Chúng xuất hiện với chiều cao khoảng 0,5 – 0,8m. Hoa dược liệu màu trắng, có cuống dài. Dược liệu này có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều được sử dụng để làm thuốc.

Dâm dương hoắc lá to

Dược liệu có chiều cao khoảng 40cm, thân nhỏ, bên trong thân trống rỗng. Lá dược liệu mọc phía trên ngọn cây. Phần lớn mỗi cây xuất hiện với 3 cành, mỗi cành có 3 lá. Lá dạng trứng, hình tim, có chiều dài khoảng 12cm, có chiều rộng khoảng 10cm. Đầu lá nhọn, lá có gốc hình trái tim, mép lá có hình răng cưa nhỏ và nhọn như gai. Lá nhẵn, mặt trên có màu xanh vàng, mặt dưới có màu xanh xám. Phần gân nhỏ và gân chính của lá đều nổi hằn lên. Mặc dù mỏng như giấy nhưng lá có tính co giãn. Vị đắng và có mùi tanh.

Dâm dương hoắc lá hình tim

Lá dược liệu xuất hiện với hình tim tròn, có chiều dài khoảng 5cm, có chiều rộng khoảng 6cm. Phần đầu lá hơi nhọn. Phần còn lại tương tự như loại lá to.

Dâm dương hoắc lá mác

Lá dược liệu có dạng mũi tên, hình trứng dai, có chiều dài khoảng 14cm, có chiều rộng khoảng 5cm. Phần đầu của lá hơi nhọn như gai. Phần gốc của lá hình tên. Phần còn lại tương tự như loại lá to.

2. Phân bố

Dược liệu Dâm dương hoắc phân bố chủ yếu ở miền rừng núi và mọc hoang ở rất nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, dược liệu xuất hiện ở những vùng núi cao như vùng Tây Bắc. Đặc biệt là ở Sapa và Hòa Bình. Đây là một loại thuốc thích hợp với những vùng có khí hậu ôn đới.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

Bộ phận dùng: Lá và rễ cây Dâm dương hoắc. Lá có màu lục vàng hoặc lục tro, cứng đòn là tốt. Lá đen, ẩm mốc, nát vụn là xấu.

Thu hái: Chọn rễ lá hàng năm vào mùa hè (từ tháng 5) và mùa thu. Sau khi thu hái, cắt lấy phần thân lá, loại bỏ những tạp chất và mang đi phơi khô.

Chế biến:

  • Dùng kéo cắt hết phần gai xung quanh biên lá. Sau đó cắt nhỏ như sợi tơ to, rây sạch lượng mảnh vụng là có thể sử dụng được.
  • Dùng rễ và lá dược liệu. Sau khi cắt hết phần gai chung quanh thì dùng mỡ dê đun với lửa nhỏ cho chảy ra, liên tục gạn sạch cận. Cho dược liệu vào nồi và thực hiện sao cho đến khi mỡ hút hết vào lá. Lấy dược liệu ra ngay và để đến khi nguội là được (Chích Dâm dương hoắc – theo Lôi Công Bào Chế).
  • Sau khi thu hái, rửa sạch dược liệu, thái nhỏ, phơi khô và cho vào chảo sao qua. Nếu được tẩm qua rượu trước khi sao thì càng tốt.

Bảo quản: Đậy kín dược liệu và để ở những nơi khô ráo, tránh ẩm và tránh va chạm làm vụn nát.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản Dâm dương hoắc
Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và cách bảo quản Dâm dương hoắc

Thành phần hóa học

Dược liệu Dâm dương hoắc chứa nhiều thành phần hóa học quan trọng sau:

Theo Trung Dược Học

  • Linoleic acid
  • Oleic acid
  • Vitamin A
  • Icariin
  • Benzene
  • Sterois,
  • Tanin
  • Palmitic acid.

Theo Toàn Quốc Trung Thảo Dược Hối Biên, q Thượng, q 1, Bắc Kinh 1975: 729

  • Oleic acid
  • Linoleic acid,
  • Palmitic acid
  • Ceryl alcohol
  • Triacontane
  • Phytosterol.

Theo Dương Xuân Hân, Trung Thảo Dược 1980, 11 (10): 444

  • Icariin
  • Icarisid.

Theo Dịch Dương Hoa, Y Học Thông Báo 1986, 21 (7): 436

  • Quercetin-3-O-b-D-glucoside
  • Quercetin-3-O-b-D
  • Quercetin.

Theo Mizuno M et al. Phytochemistry 1987, 26 (3): 861

  • Icaritin-3-O-a-rhamnoside
  • Anhydroicaritin-3-O-a-rhamnoside.

Theo Mizuno M et al. Phytochemistry 1988, 27 (11): 3641

  • Sagittatoside
  • Epimedin A, B, C.

Theo Yoshitoru O, et al. Planta Med. 1989, 55 (3): 309

  • Sagittatin A, B.

Theo Hiroyuki M, et al. Phytochemistry 1991,30 (6): 2025

  • Phenethyl glucoside
  • Blumenol C glucoside
  • Syringaresinol-O-b-D-glucopyranoside
  • Symplocosigenin-O-b-D-glucopyranoside
  • Dihydrodehydrodiconiferylalcohoh
  • Olivil.

Tác dụng dược lý

1. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại

  • Tác dụng như kích thích tố nam: Cao Dâm dương hoắc có khả năng kích thích xuất tinh. Lá và rễ dược liệu có tác dụng mạnh hơn thân cây (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng làm hạ đường huyết và Lipid huyết (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng hạ áp: Nước sắc dược liệu có tác dụng làm hạ huyết áp do thận trong thí nghiệm với thỏ và chuột (theo Trung Dược Học).
  • Dược liệu có tác dụng thúc đẩy quá trình tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể. Đồng thời làm tăng tác dụng song phương điều tiết (theo Trung Dược Học).
  • Hóa đờm, giảm ho, bình suyễn và an thần một cách rõ rệt (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, ức chế hoạt động của tụ cầu trắng, phế cầu khuẩn và tụ cầu vàng. Dung dịch 1% có khả năng tác động và ức chế hoạt động của trực khuẩn lao. Trong thí nghiệm với thỏ, cho thỏ uống thuốc với nồng độ 15mg/kg trọng lượng nhận thấy thuốc có tác dụng ngăn ngừa và kháng histamin (theo Trung Dược Học).
  • Thuốc tiêm Dâm dương hoắc in vitro có tác dụng kích thích và làm tăng trưởng xương đùi của phôi gà (theo Trung Dược Học).
  • Tác dụng ức chế hoạt động và kháng các loại virus bại liệt gồm loại I, loại II, loại III và Sabin I (theo Trung Hoa Y Học 1964, 50 (8): 521 – 524).
  • Tác dụng tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, hạ áp, tăng lưu lượng máu cầu chi, giãn mạch ngoại vi, giãn mạch máu não và làm tăng lưu lượng máu ở não (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Khi sử dụng thuốc với liều nhỏ, thuốc có tác dụng lợi tiểu và chống lợi tiểu khi sử dụng thuốc với liều lượng lớn (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

2. Theo y học cổ truyền

Dược liệu Dâm dương hoắc có tác dụng:

  • Kiện gân cốt, tiêu hoa lịch (theo Danh Y Biệt Lục).
  • Ích khí lực, lợi tiểu tiện, cường khí (theo Bản Kinh).
  • Cường tâm lực (làm mạnh tim), bổ yêu tất (bổ gối, bổ lưng) (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
  • Tráng dương, bổ thận hư (theo Y Học Nhập Môn).
  • Tráng dương, bổ thận, trừ thấp, khứ phong (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Tráng Dương, bổ thận, khứ phong hàn thấp, bổ âm dương (theo Trung Dược Học).
Tác dụng dược lý của vị thuốc Dâm dương hoắc
Tác dụng dược lý của vị thuốc Dâm dương hoắc

Chủ trị

  • Trị trong âm hành đau (kinh trung thống), âm nuy tuyệt thương (theo Bản Kinh).
  • Hạ bộ lở loét, loa dịch, xích ung (theo Biệt Lục).
  • Tay chân tê bại, thiên phong (liệt nửa người), tay chân không có cảm giác (theo Y Học Nhập Môn).
  • Lao khí, lãnh phong, nam giới tuyệt dương bất khởi, tay chân tê, nữ tử tuyệt âm vô tử, gân cơ co rút, trung niên hay bị quên, người lớn tuổi bị choáng váng (theo Nhật Hoa Từ Bản Thảo).
  • Liệt dương, gân cơ co rút, tiểu buốt, liệt nửa người, phong thấp đau nhức, lưng gối không có sức, tay chân tê bại (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Tính vị

  • Tính hàn, vị cay (theo Bản Kinh).
  • Tính bình, vị ngọt (theo Dược Tính Luận).
  • Tính hơi ấm, vị hơi cay (Trấn Nam Bản Thảo).
  • Tính ấm, vị cay, ngọt (theo Trung Dược Học).

Qui kinh

  • Qui vào kinh thủ Dương Minh (Đại trường), Tam tiêu, túc Dương Minh (Vị), Mệnh môn (theo Bản Thảo Cương Mục).
  • Qui vào túc Thiếu tâm (Thận), thủ Quyết âm (Tâm bào), túc Quyết âm (Can) (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
  • Qui vào kinh Thận, Can (theo Trấn Nam Bản Thảo).
  • Qui vào kinh Thận, Can (theo Trung Dược Học).
  • Qui vào kinh Thận, Can (theo Trung Dược Đại Từ Điển).

Liều dùng và cách dùng

Liều dùng

Dùng 4 – 12 gram/ngày.

Cách dùng

Dùng tươi, ngâm rượu, tán bột làm thành hoàn, nấu thành cao để uống. Có thể sắc lấy nước thuốc để uống hoặc rửa ngoài ra để chữa bệnh.

Liều lượng và cách dùng dược liệu Dâm dương hoắc
Liều lượng và cách dùng dược liệu Dâm dương hoắc

Bài thuốc

Nhờ thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, vị thuốc Dâm dương hoắc thường góp mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh.

  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị phong đau nhức, đau không nhất định (Tiên Linh Tỳ Tán – Thánh Huệ Phương): Dùng 40 gram dược liệu, 40 gram uy linh tiên, 40 gram xuyên khung, 40 gram quế tâm, 40 gram thương nhĩ tử. Sau khi rửa sạch, mang phơi và tán nhuyễn dược liệu. Khi cần lấy 4 gram thuốc bột uống với rượu ấm.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị đi lại khó khăn, phong gây đau nhức (Tiên Linh Tỳ Tiễn – Thánh Huệ Phương): Dùng 2 cân dược liệu, 2 cân gia tử, 2 thăng đậu đen. Cho tất cả vị thuốc vào nồi, nấu với 3 dấu nước cho đến khi còn 1 dấu, loại bỏ phần bã, sắc còn 5 thăng. Uống ngay khi còn ấm.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị mờ mắt sinh màng (theo Thánh Tế Tổng Lục): Dùng dược liệu, sinh vương qua (loại Qua lâu nhỏ có màu hồng) liều lượng bằng nhau. Tán bột cả hai vị thuốc, trộn đều. Khi cần lấy 4 gram bột thuốc uống cùng với nước tràn. Sử dụng 3 lần/ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị đau răng (Cố Nha Tán – Kỳ Hiệu Lương Phương): Mang dược liệu cho vào nồi và sắc lấy nước ngậm, liều lượng tùy dùng.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị mắt thanh manh, sau khi bệnh chỉ nhìn được gần (theo Bách Nhất Tuyển Phương): Dùng 40 gram dược liệu, 100 hạt đậu xị. Cho cả hai vị thuốc vào nồi cùng với 1 chén rưỡi nước. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi còn lại 1 chén. Chắt lấy phần nước và uống ngay khi còn ấm. Có thể chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị trẻ nhỏ bị quáng gà (theo Phổ Tế Phương): Dùng 20 gram dược liệu, 20 gram văn cương nga, 10 gam xạ can, 10 gram chích cam thảo. Sau khi rửa sạch và phơi khô, mang tất cả dược liệu tán thành bột mịn. Dùng 1 cái gan dê rạch thành nhiều rãnh. Mỗi lần lấy 8 gram thuốc bộ nhét vào rãnh gan, buộc chặt. Lấy 1 chén đậu đen, nấu ra 1 chén nước sau đó sắc và chia làm 2 lần ăn, uống hết cả nước và gan.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị đậu sởi nhập vào mắt (theo Trung Quốc Học Đại Từ Điển): Dùng dược liệu và uy linh tiên với liều lượng bằng nhau. Mang cả hai vị thuốc rửa sạch, phơi khô và tán thành bột. Khi cần lấy 2 gram thuốc bột uống với nước cơm.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị đầy bụng, không ăn được, khí nghịch, ho do tam tiêu (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển): Dùng dược liệu và ngũ vị tử với liều lượng bằng nhau. Sau khi tán cả hai vị thuốc thành bột, trộn thuốc đều với mật và luyện thành viên có kích thước to bằng hạt ngô đồng. Uống 30 viên/lần cùng với nước gừng.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị liệt dương, bán thân bất toại (Dâm Dương Hoắc Tửu – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược thủ Sách): Dùng 1 cân dược liệu và 10 cân rượu ngon. Ngâm dược liệu cùng với rượu trong một bình thủy tinh có nắp đậy 1 tháng. Uống 20ml rượu thuốc/lần. Sử dụng 2 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị liệt dương (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược thủ Sách): Dùng 40 gram dược liệu, 20 gram tiên mao. Sau khi rửa sạch cho dược liệu vào nồi và sắc lấy nước uống. Uống 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị liệt dương tiểu nhiều lần (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược thủ Sách): Dùng 20 gram dược liệu, 40 gram thục địa, 20 gram lộc giác sương, 20 gram cửu thái tử. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch và cho vào nồi cùng với 1 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại một nửa. Chắt lấy phần nước thuốc và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Uống 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị đau nhức xương khớp do hàn thấp hoặc phong thấp, tay chân co quắp, tê dại (Tiên Linh Tỳ Tán – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược thủ Sách): Dùng 20 gram dược liệu, 12 gram uy linh tiên, 8 gram quế chi, 8 gram thương nhĩ tử, 8 gram xuyên khung. Sau khi rửa sạch, cho tất cả vị thuốc vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi còn lại 400ml. Chắt lấy phần nước thuốc, bỏ bã và chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Uống 1 thang/ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị thận hư, dương nuy (di tinh, liệt dương, tảo tiết), phụ nữ vô sinh (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược): Cho 40 gram dược liệu vào bình thủy tinh có nắp đậy cùng với 500ml rượu gạo hoặc rượu nếp. Ngâm thuốc trong 20 ngày là có thể sử dụng. Uống 10 – 20ml/lần x 2 – 3 lần/ngày trước mỗi bữa ăn. Hoặc dùng rượu cồn Dâm dương hoắc 20% (gồm dược liệu ngâm với cồn). Uống 5ml/lần x 3 lần/ngày trước mỗi bữa ăn. Dịch tiêm bắp 1 ống (2ml)/lần x 2 lần/ngày, trẻ em bị bại liệt thời kỳ cấp sẽ đạt được hiệu quả chữa bệnh.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị cao huyết áp (chỉ định chủ yếu đối với thể âm dương đều hư) (Nhị Tiên Khang – Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược): Dùng 16 gram dược liệu, 16 gram tiên mao, 12 gram đương qui, 12 gram hoàng bá, 12 gram ba kích, 12 gram tri mẫu. Cho tất cả vị thuốc vào nồi và thực hiện sắc thuốc cùng với 800ml nước lọc trong 30 phút. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước. Chia thuốc thành 2 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị bệnh động mạch vành (theo báo cáo của Tổ phòng trị bệnh mạch vành do Y viện Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc xuất bản, đăng trong Tân Y Dược Học Tạp Chí 1975, 12: 26): Uống 4 – 6 viên Dâm dương hoắc/lần x 2 lần/ngày. Sử dụng trong 1 tháng là 1 liệu trình.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị viêm phế quản mạn tính (theo Hồ Bắc Vệ Sinh Tạp Chí 1972, 7: 15): Dùng nước sắc dược liệu uống mỗi ngày.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị suy nhược thần kinh (theo Trung Y Tạp Chí 1982, 11: 70): Mang dược liệu tán bột và làm thành hoàn. Uống 4 viên/lần x 3 lần/ngày (mỗi viên tương đương với 2,8 gram thuốc sống). Hoặc uống 3 – 4 viên/lần x 3 lần/ngày (mỗi viên tương đương với 3 gram thuốc sống).
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị viêm cơ tim do virus (theo Trung Tây Y Kết Hợp Tạp Chí 1984, 9: 523): Uống 7 – 10 viên cao Dâm dương hoắc/lần x 3 lần/ngày (mỗi viên tương đương với 2,7 gram thuốc sống). Sử dụng liên tục trong 7 tháng. Bên cạnh đó cần sử dụng đồng thời 3 gram vitamin C cho vào 10% Gluco 500ml để tiêm tĩnh mạch. Hoặc cho 3 gram vitamin C vào 10% Gluco 30ml để tiêm tĩnh mạch chậm. Sử dụng liên tục 3 liệu trình, mỗi liệu trình gồm 15 lần.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị chứng giảm bạch hầu (theo Trung Tây Y Kết Hợp Tạp Chí 1985, 12: 719): Dùng dược liệu chế thành dạng thuốc trà bột pha uống. Mỗi bao trà tương đương với 15 gram thuốc sống. Uống 3 bao/ngày trong tuần đầu tiên. Uống 2 bao/ngày trong tuần thứ 2. Sử dụng liên tục từ 30 – 45 ngày là 1 liệu trình. Lưu ý trong thời gian điều trị, người bệnh không nên sử dụng các loại vitamin và những loại thuốc làm tăng bạch cầu.
  • Bài thuốc từ Dâm dương hoắc điều trị liệt dương (theo Phúc Kiến Dược Vật Lý): Dùng 9 gram dược liệu, 24 gram thổ đinh quế, 30 gram hoàng hoa viễn chí tươi, 60 gram kim anh tử tươi. Cho tất cả vị thuốc vào nồi, sắc thuốc cùng với 1,5 lít nước lọc trong 30 phút. Chắc lấy phần nước thuốc uống trong ngày.
Những bài thuốc chữa bệnh từ Dâm dương hoắc
Nhờ thành phần hóa học và tác dụng dược lý đa dạng, vị thuốc Dâm dương hoắc thường góp mặt trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

Kiêng kỵ

  • Những người có tướng hỏa dễ động, sung huyết não, dương vật dễ cương, tiểu đỏ, di mộng tinh, miệng khô, mất ngủ cấm dùng dược liệu Dâm dương hoắc (theo Trung Dược Học).
  • Tướng hỏa động, âm hư không nên sử dụng dược liệu (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Thự dự làm sứ cho nó (theo Bản Thảo Kinh Tập Chú).
  • Tử chi làm sứ cho nó, được rượu càng tốt (theo Bản Thảo Kinh Sơ).
  • Một số bệnh nhân khi sử dụng được liệu có thể gặp phải tác dụng phụ như: Nôn mửa, váng đầu, chảy máu mũi, miệng khô (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

Thông tin cơ bản về tính vị, quy kinh, kiêng kỵ và những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Dâm dương hoắc trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Để đảm bảo an toàn và tính hiệu quả, người bệnh nên sử dụng những bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền.

Từ khóa » Cây Dăm Hôi