Đám Giỗ Miền Tây - Nét đẹp Văn Hóa Người Miền Tây

Đám giỗ miền Tây

Dân miền Tây tin rằng Ông bà có thể phù hộ con cháu họ là một trong những lý do khiến mọi người coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và việc làm giỗ. Ngoài ra, ngày giỗ còn thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ công lao của tổ tiên – một đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng. Rồi theo thời gian, từ xưa đến nay ngày giỗ tổ tiên ông bà rất được người miền Tây chú trọng, thu xếp chỉn chu, khách khứa đong đầy. Người ta hay nói vui rằng, người miền Tây làm đám giỗ lớn lắm. 

Những nét đặc trưng của đám giỗ miền Tây

Ngày xưa ở quê, đám giỗ là dịp để bà con chòm xóm vui chơi. Đặc trưng đám giỗ miền Tây là luôn có ngày tiên thường. 

Đi ngày trước giỗ gọi là ngày tiên thường, đến nơi chủ nhà mời nước, ăn bánh nói chuyện khào đến khi nào mệt thì nằm võng hay bộ ván nghỉ. Nằm nghe tiếng dao thớt sau bếp, bên hè và tiếng cười nói rất vui tai. Chiều nhìn ra con rạch trước nhà, xuồng máy từ từ cặp bến nước.

Phụ nữ ngày xưa ít có ai học nấu ăn có bài bản. Con gái nhà giàu được đi học chữ nghĩa là tốt lắm rồi, còn tay nấu ăn giỏi là nhờ đi đám nhiều trong xóm ấp.

Ban đầu, con gái ra sau bếp để rửa chén, nhặt rau, phụ gọt rau củ, sẵn dịp đó để mắt tới các “đầu bếp nhân dân” lành nghề làm gì để học lóm. Sau đó, các bà đầu bếp chỉ dẫn cách nêm nếm để rồi một ngày nọ thợ chính vắng mặt thì thợ phụ lên thay, đương nhiên thành đầu bếp lúc nào không hay biết.

Trong đám giỗ miền Tây đặc biệt luôn có rất nhiều món ăn trước cúng sau đãi bà con họ hàng đến tham dự ngày dỗ. Có món ăn đầy bàn, có rượu đế, có đủ mặt anh em họ hàng hội tụ, cùng ngồi vừa ăn uống sum họp vừa kể chuyện xưa, nhắc nhớ kỷ niệm đẹp đã qua của người quá cố. Để rồi hết năm này qua năm nọ con cháu vẫn nhớ mãi về công ơn, kỷ niệm đẹp của tổ tiên đã khuất. Giúp ngày đám giỗ trở thành ngày lễ ý nghĩa trong gia đình, dòng họ. 

Những tục lệ cúng kiếng trong đám giỗ miền Tây

Theo tục lệ người miền Tây, ngày giỗ là “chung thân chi tang” có nghĩa là ngày tang trong suốt cả đời người. Mỗi năm vào đúng vào ngày người đã mất là một lần giỗ, cho nên người miền Tây thường quan trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ. Và cũng theo tục lệ này, bữa cúng phải có chén cơm xới đầy cùng những thức ăn thông thường mà khi người còn sống vẫn thích. Vì thế người miền Tây mới gọi tên cúng giỗ là “cúng cơm”. Những khách khứa cùng bà con thân thích, hợp mặt lại gợi lại những gì tốt đẹp của người qua đời, trước khi ngồi vào bàn ăn giỗ phải làm lễ dâng cúng với những lễ vật mình đem tới và chắp lạy trước bàn thờ .

Trên bàn thờ đèn nhang đã được thắp từ trước, khi các thức ăn được bày lên. Gia trưởng trang phục chỉnh tề, xem xét kỹ các lễ vật có đầy đủ rồi mới bước vào chiếc chiếu được trải trước bàn thờ, quỳ xuống, hai tay chắp lại vòng ngang trán và vá bốn lạy. Một trong hai người chắp tay lạy thường là em hay con cháu gia trưởng, đứng hai bên bàn thờ, thấp ba nén hương, đưa cho gia trưởng váy một váy lui rồi trao lại đem cắm lên bát hương. Người chấp lạy thứ hai mở nút bình rượu, rót rượu và nước lên ba chén để trên đài, xong đâu vào đó rồi gia trưởng làm lễ khấn.

Cách thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên cũng được người miền Tây quan niệm phải xây được ngôi mộ khang trang. Ngôi mộ mà gia đình xây dựng cho ông bà đã khuất còn chứng tỏ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khấm khá, giúp con cháu vừa tự hào vừa an tâm rằng đã lo được mồ êm mả đẹp cho người thân an nghỉ.

Tuy nhiên, giá trị thực sự của một ngôi mộ chính là ở sự thành tâm của đạo làm con. Vẻ đẹp của ngôi mộ không chỉ chứng tỏ sự thành công về mặt tài chính mà còn thể hiện sự tận tụy và nhân tính của một gia đình có nền tảng đạo đức tốt đẹp.

 Phan Thùy Linh 

  • Thông tin bài viết:  từ tổng hợp kiến thức cá nhân + tài liệu từ bài luận: Tìm hiểu về Văn Hóa miền Tây của tác giả Nguyễn Hồng Phúc)
  • Nguồn ảnh: Đỗ Tình 

Mời bạn theo dõi Fanpage: Hương Sắc Miền Tây

XEM THÊM:

  • Chuyên mục: Văn hóa Miền Tây
  • Chuyên mục: Ẩm thực Miền Tây
  • Chuyên mục: Du lịch Miền Tây

Từ khóa » đám Giỗ ở Miền Tây