Đàm Phán Paris Và Bản Lĩnh Nền Ngoại Giao Hồ Chí Minh

Ngày 27-1-1973, tại Trung tâm các Hội nghị Quốc tế ở Thủ đô Pa-ri (Pháp), Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Pa-ri. (Ảnh tư liệu)

Năm 2021, chúng ta kỷ niệm 53 năm ngày Đàm phán Pa-ri mở ra (13/5/1968), cũng là 48 năm ngày Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/01/1973).

Hội nghị Pa-ri về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX - một cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai với một bên là nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đứng lên chống xâm lược. Đó còn là cuộc đối thoại giữa hai nền ngoại giao - nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường và nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Ở Hội nghị Pa-ri, đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Hội nghị Pa-ri là thất bại của Mỹ trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta đã giáng một đòn nặng nề vào cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Mỹ hiểu rằng không thể thắng ta bằng chiến tranh. Nếu muốn rút ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng. Vì vậy mà đã phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri.

Còn ta, chấp nhận đàm phán là để mở ra một mặt trận mới về ngoại giao. Ta hiểu rõ, tại bàn đàm phán ta không thể giành lấy cái mà trên chiến trường ta không giành được. Kết quả đàm phán tùy thuộc trước hết vào so sánh lực lượng trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay thực lực. Mặt trận ngoại giao không phải là mặt trận quyết định nhất nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở chỗ phối hợp chặt chẽ với hai mặt trận quân sự và chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.

Đàm phán Pa-ri bao gồm hai giai đoạn:

- Giai đoạn 1: là đàm phán hai bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, kéo dài trong sáu tháng từ 13/5 đến hết tháng 10/1968.

- Giai đoạn 2: là đàm phán bốn bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, kéo dài bốn năm, từ tháng 01/1969 đến tháng 01/1973.

Hội nghị Pa-ri và Hiệp định Pa-ri là một minh chứng đầy thuyết phục về bản lĩnh và phong cách của ngoại giao Việt Nam, của các nhà đàm phán hàng đầu của nước ta hồi đó. Ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ ta: “Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, “chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương””. Tại bàn đàm phán, ngoại giao của ta luôn biết hướng tới thắng lợi lớn toàn cục nhưng cũng biết giành từng thắng lợi nhỏ trong mỗi trận đấu, mỗi phiên họp. Biết tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước, chắc chắn, thận trọng nhưng không để rơi vào thế bị động. Kiên quyết phê phán những sai trái, khai thác chỗ yếu của đối phương nhưng có thái độ tôn trọng, lịch sự với người đối thoại.

Tại Hội nghị Pa-ri, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ được nhìn nhận như một nhà lãnh đạo chính trị quyền uy, đầy mưu lược, nghiêm nghị mà mở lòng, biết cương, nhu đúng lúc.

Bộ trưởng Xuân Thủy được biết đến vừa như một nhà ngoại giao tài ba, nụ cười luôn nở trên môi, vừa là một nhà văn hóa, một thi nhân, đàm phán rất căng thẳng nhưng “Nắm vững phương châm giành thắng lợi/ Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ” (lời của nhà thơ Sóng Hồng, tức Trường Chinh, họa lại một bài thơ của Xuân Thủy vào những tháng đầu của Hội nghị).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ngay từ buổi đầu đặt chân đến Pa-ri, đã được vinh danh là Bà hoàng Việt Cộng, người nữ chiến sĩ duyên dáng, khiêm nhường và kiên quyết, vị trưởng đoàn thường đưa ra trước bàn đàm phán nhiều giải pháp lay động, cũng là người với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký vào văn bản Hiệp định ngang hàng với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rô-giơ.

Nhà đàm phán kỳ cựu Ha-ri-man (A.Harriman), Trưởng đoàn Mỹ tại Hội nghị hai bên, có lúc nói đại ý: “Tôi đã làm ngoại giao 40 năm, đã từng là nhân vật số 2 tại Hội nghị Yalta đàm phán với Xta-lin, Xta-lin rất cứng rắn nhưng vẫn “có đi có lại”. Các ông còn cứng rắn hơn Xta-lin vì trước sau các ông chỉ một mực đòi chấm dứt ném bom không điều kiện sau đó sẽ bàn các việc có liên quan. Tuy nhiên các ông là những người có thể nói chuyện được, vì các ông có phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, không như Khơ-rút-sốp, rút giày đập trên diễn đàn Liên hợp quốc hay như ở Bàn Môn Điếm, người ta cưa chân ghế đoàn Mỹ cho thấp xuống”.

Cố vấn Nhà trắng Kit-xinh-giơ ngay trong buổi đầu tiếp xúc đã nhận xét về Lê Đức Thọ: “Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách trân trọng và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của một con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một sự lễ phép gần như hạ cố”.

Sau này, qua những cuộc đàm phán mật sóng gió với Lê Đức Thọ và Xuân Thủy tại Pa-ri, Kit-xinh-giơ lại nói: “Chúng tôi không may mà gặp phải một đối phương như các ông chứ nếu được lựa chọn thì chúng tôi sẽ chọn một đối phương khác”. Vậy mà sau Hiệp định Pa-ri, vào lúc ở miền Nam, quân đội Mỹ đã bắt đầu những đợt rút quân lớn; Ngày 08-2-1973, khi vào Hà Nội, thăm Bảo tàng Lịch sử, được giới thiệu bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, ông lại thốt lên: “Đây chính là Điều I của Hiệp định Pa-ri”.

Và đúng ngày 29/3/1973, 60 ngày sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, những đơn vị cuối cùng của quân đội viễn chinh Mỹ cùng với vị chỉ huy cao nhất của nó đã cuốn cờ về nước, chấm dứt những ngày đen tối của họ sau hàng chục năm làm chiến tranh ở Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên từ hơn 100 năm, sự chiếm đóng của quân đội nước ngoài đã chấm dứt trên đất nước ta.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY

(Trần Ngọc Thảo - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Quận ủy tổng hợp)

Từ khóa » Hòa đàm Paris