Đan Lai - Bộ Tộc Chốn "sơn Cùng Thủy Tận" (kỳ 1)
Có thể bạn quan tâm
Phóng to |
Già làng La Văn Quyết đang ngủ ngồi trong đêm khuya |
Cho dù sống mãi tít mù trên những rẻo cao, nơi thâm sơn cùng cốc, với những tập quán kỳ lạ, những cách sống đặc biệt, khác người... nhưng họ vẫn là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng anh em các dân tộc VN. Mời bạn đọc theo chân các phóng viên ngược lên phía đại ngàn để đến với những tộc người nhỏ bé của chúng ta...
Nghe tôi đặt vấn đề muốn vào bản Co Phạt, khe Khặng, anh La Văn Thuận - cán bộ văn hóa xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An - lộ vẻ ngạc nhiên: “Chốn sơn cùng thủy tận rồi đấy! Chỉ có một con đường độc đạo lên đó là ngược hàng trăm ghềnh đá sông Giăng lên biên giới Việt - Lào, nhưng khó đấy, mùa này sông Giăng đang nước xiết, khó lắm, khó lắm…”.
Truyền thuyết về một sự ra đời
Con thuyền độc mộc đuôi cánh én gắn máy 12 sức ngựa như chồm lên dòng sông sủi bọt, lao về hướng núi. Ghềnh sông Giăng quả vô cùng hiểm trở với hàng trăm tảng đá nhô lên giữa dòng. Tôi đã từng đi trên con đường cheo leo ngược lên cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) ở độ cao 1.000m so với mặt biển trong sương mù nhìn xuống thấy sông Ngàn Sâu hun hút, còn trong chuyến đi này tôi phải ngược dòng thác hung hãn để lên độ cao 1.300m!
Đã bao người bỏ mạng vì con sông hung hãn này, mới mấy năm trước đây thôi dòng sông mùa lũ đã từng cuốn trôi một chiến sĩ biên phòng đồn 555, xác trôi về tận đập Phà Lài. Ngược con sông này tôi mới thấm thía vì sao lúc đầu Thuận lại bảo đây là chốn sơn cùng thủy tận!...
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi trong buổi sơ giao với người Đan Lai là những mái nhà tranh, vách nứa lụp xụp của bản Co Phạt cheo leo ẩn khuất trong sương. Cái thế ẩn mình từ bao đời họ đã phải tồn tại vì sự sống còn, như một truyền thuyết bi thương đã kể trong sách Thanh Chương tú khí (của Bùi Dương Lịch, thư tịch Viện Hán Nôm): “…Sự tàn ác của bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ La phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ.
Dưới vòm trời này làm gì có cây nứa bằng vàng, con thuyền liền mái? Thế là trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, mãi mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây…”.
Già làng La Văn Quyết xem tôi như thượng khách vì lâu lắm rồi mới có người Kinh lên với người Đan Lai, ông nói một cách lạnh lùng: “Tổ tiên ta cũng có thể là người Kinh đấy”. Tôi hiểu ý ông, hiểu quá khứ bi thương của dòng họ La. Tôi hỏi ông vì sao tộc người lại có tên là Đan Lai, nằm trong nhóm nhỏ của dân tộc Thổ? Già Quyết giải thích: “Theo như ta biết thì từ “Đan” là do từ Đan Nhiệm, tên làng ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn từ “Lai” là bởi bao thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều cộng đồng các dân tộc khác để che giấu thân phận nên có nhiều nét sống, sinh hoạt bị lai tạp”…
Nhằm ổn định và bảo tồn nòi giống người Đan Lai, năm 2002 tỉnh Nghệ An đã lập dự án định canh, định cư cho người Đan Lai ở hai bản Cửa Rào và Tân Sơn thuộc xã Môn Sơn. Nhưng sau hai năm định cư, di dời, cuộc sống của người Đan Lai vẫn chưa ổn định. Dự án gồm 8ha đất để 16 hộ trồng lúa nước nhưng nước lại thiếu trầm trọng. Tân Sơn đã có một con đập xây dựng vào tháng 2-2004 nhưng lại chưa thể đưa nước tưới vào đồng ruộng. Đã có tình trạng bà con quay lại rừng để mưu sinh. Cán bộ dự án tái định cư (giai đoạn 1) của huyện Con Cuông cũng thừa nhận dự án đã quá vội vàng khi triển khai nên chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để ổn định. Tuy nhiên cũng có nguyên nhân khác là ý thức vươn lên của người Đan Lai còn rất thấp, nhiều hộ nhận giống, nhận phân bón từ dự án đã không dùng mà đem bán lấy tiền uống rượu… |
Là già làng nhưng ông La Văn Quyết lại được xếp vào diện nghèo nhất bản. Trong căn nhà vách nứa không giường, không bàn, không màn, không chiếu, duy chỉ có bếp lửa thức cháy thâu đêm. Ông quả quyết rằng cả bản chỉ có ba nhà là sắm giường để nằm, từ ngàn đời có ai sắm giường nằm đâu!
Gần khuya, tôi lấy màn trong balô định tìm nơi mắc để ngả lưng, già Quyết đưa tay can: “Nhà ta có người chết đâu mà mắc màn!”. Biết ý già kiêng cữ, tôi liền quay lại ngồi bên bếp lửa cho đến khi già Quyết với tay lấy thanh củi đen bóng gác trên chạn bếp đầy bồ hóng gạt đám than hồng ra khỏi bếp, rồi chống hai tay vào phía đầu thanh củi tì sát vào trán để ngồi ngủ.
Trước khi ngược sông Giăng, tôi đã từng nghe về tục ngủ ngồi, sinh đẻ cũng ngồi “độc nhất, vô nhị” của người Đan Lai nhưng vẫn không khỏi tò mò kinh ngạc! Tờ mờ sáng hôm sau, tôi hỏi già Quyết, ông bảo: “Ngủ ngồi cũng là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con khái (hổ) nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh tật ngủ ngồi khi nào cũng chẳng hay, ngủ ngồi là để có thế mà vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu... Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu. Ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán cũng ngủ được. Ngay chỗ ta ngồi đây hồi trước có một con khái đã thò chân lên qua kẽ hở ô bếp để ăn thịt ta nhưng ta đã nhanh tay cho nó một mồi lửa, nếu không thì...”.
Bên bếp lửa nhà sàn già Quyết lại say ngủ. Tôi ngồi hình dung người Đan Lai từng ngủ ngồi như thế tự bao năm, bao tháng, bao đêm giữa rừng sâu, núi thẳm để chống rét và sẵn sàng chống trả thú dữ hay bọn quan quân truy bắt… Một tư thế ngủ cũng có thể quyết định sự tồn vong của cả một bộ tộc…
Đối với người Đan Lai, con sông Giăng không chỉ là “cánh cửa” mở ra cho họ con đường đi về miền xuôi, mà còn là nguồn sống chủ yếu từ bao đời. Lũ trẻ nơi này ngay từ khi mới lọt lòng đã được nhúng xuống nước, đến năm sáu tuổi đã thạo bắt cá đủ kiểu trong khe đá, mà lạ hơn là chúng lại thạo bắt cá vào ban đêm vì con cá mát, lăng, mu, cá pa pị và cá sứt mui đều chui vào hang ngủ không thể dùng đá ném để lùa cá vào hang như ban ngày. Cũng chính dòng sông này đã cứu sống bao người Đan Lai bị bạo bệnh phải nằm bè nứa để dòng sông trôi suốt đêm khuya kịp ra bệnh viện huyện xa xôi…
Trong những ngày ở với bộ tộc Đan Lai, tôi luôn được nghe bà con nhắc nhiều đến già Bốn - họ nhắc với tấm lòng khâm phục bởi ông La Văn Bốn là người Đan Lai duy nhất được gặp Bác Hồ lúc sinh thời. Ông Bốn năm nay đã ngoài 70 tuổi, bước chân đã chậm, tiếng nói không còn vang vang như trước nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh. Năm 1946 có cán bộ Việt Minh đi qua bản khe Chát hoang vu vận động bà con dân tộc thiểu số tham gia phong trào “giết giặc đói, giặc dốt”, La Văn Bốn đi theo ngay và năm 1947 khi mới 13 tuổi La Văn Bốn đã vượt rừng đón thầy về bản xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc, trong đó có người Đan Lai.
Bảy năm sau người thanh niên Đan Lai này trở thành học viên Trường Sư phạm miền núi trung ương ở Tuyên Quang. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trường chuyển về Hà Nội. Tại đây trong lần Bác Hồ đến thăm, trường chọn mỗi dân tộc một học sinh chụp ảnh với Bác Hồ, dân tộc Đan Lai duy nhất chỉ có một mình La Văn Bốn.
Ông nhớ lại: “Sau khi hỏi chuyện ăn có no không, các thầy cô có thương không, có bày vẽ tốt không, Bác khuyên: các cháu như những hạt giống văn hóa. Các thầy cô là người ươm những hạt giống trở thành cây của bản làng các dân tộc. Vì vậy các cháu phải cố gắng để học giỏi”. Ký ức đó như tiếp thêm sức mạnh cho người thanh niên Đan Lai để “nơi nào khó nhất là tôi đi”.
Hồi đó hết ngược lên xã Tà Cả, huyện Kỳ Sơn dạy học ông lại xuôi về Phòng Giáo dục huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông làm công tác quản lý rồi đi học trường chính trị của Bộ Giáo dục để về làm hiệu trưởng Trường Sư phạm miền núi tỉnh Nghệ An (1969-1970). Ông Bốn đã được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú - vốn quí mà người Đan Lai xem như một báu vật…
Kỳ sau: Ơ Đu - bộ tộc 300 người
Từ khóa » đan Lai
-
Dan Lai - Head Of Pricing, APAC - Barry Callebaut Group | LinkedIn
-
Dan Lai - Singapore | Professional Profile - LinkedIn
-
Đan Lai – Wikipedia Tiếng Việt
-
Dan Lai (@dancelai) • Instagram Photos And Videos
-
Cuộc Sống Mới Của Người Đan Lai | Báo Dân Tộc Và Phát Triển
-
Người Đan Lai Trên Bản Mới - Ủy Ban Dân Tộc
-
Truyền Thuyết Về Bộ Tộc Đan Lai - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Giải Cứu Người Đan Lai - Báo Thanh Niên
-
Vẻ đẹp “nguyên Thủy” Của Tộc Người Đan Lai | 54 Dân Tộc Việt Nam
-
Dân Tộc Đan Lai - Cơ Quan Ngôn Luận Của Bộ Y Tế
-
Chuyện Về Thầy Giáo Người Đan Lai ở Nghệ An Vinh Dự được Gặp ...