Dẫn Lưu Nước Tiểu Bàng Quang Qua Xương Mu - FAMILY HOSPITAL

1. Dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua xương mu là gì? Là phẫu thuật dùng 1 ống thông đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài qua xương mu, được tiến hành khi bệnh nhân có tình trạng bí đái, không đi tiểu được, mà các can thiệp đặt ống thông theo đường tự nhiên không thể thực hiện được.

2. Phẫu thuật dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua xương mu được thực hiện khi nào?

– Bí đái do hẹp niệu đạo. – Bí đái do chấn thương niệu đạo mà chưa thể mổ tạo hình. – Bí đái do u phì đại tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến. – Bí đái do xơ hẹp cổ bàng quang. – Bí đái, đái rỉ do bàng quang thần kinh bẩm sinh hay sau chấn thương cột sống. – Dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua xương mu có thể để vĩnh viễn đối với người lớn tuổi hoặc tạm thời đối với bệnh nhân có chấn thương niệu đạo cần thời gian hồi phục niệu đạo.

3. Biến chứng có thể xảy ra nếu không thực hiện thủ thuật để giải quyết bí tiểu? – Nhiễm trùng đường tiểu. – Trào ngược niệu quản, bể thận gây viêm thận, bể thận. – Suy thận do thận ứ nước.

4. Quy trình kỹ thuật đặt dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua xương mu được thực hiện như thế nào? – Bước 1: Bệnh nhân được gây tê tủy sống hoặc gây tê tại chỗ trên xương mu tùy thuộc vào từng trường hợp BN cụ thể để mất cảm giác đau trong quá trình thực hiện. – Bước 2: Bác sỹ sẽ rạch da vùng xương mu, bóc tách các cơ bộc lộ bàng quang. – Bước 3: Mở 1 lỗ trên bàng quang để đưa ống sonde tiểu qua xương mu vào bàng quang dẫn lưu nước tiểu ra ngoài. – Bước 4: Khâu cố định ống dẫn lưu và đóng vết mổ.

5. Những nguy cơ chiếm tỷ lệ thấp có thể xảy ra trong khi điều trị và cách xử trí? – Tai biến của gây tê gây mê như suy hô hấp, suy tim: Sẽ xử trí cấp cứu được tùy từng trường hợp và mức độ cụ thể. – Trong mổ có thể rách phúc mạc hay thủng ruột khi bộc lộ BQ: Nếu rách phúc mạc đơn thuần thì khâu đóng phúc mạc, nếu thương tổn ruột thì khâu ruột bằng chỉ tiêu chậm, trường hợp khó thì mời bác sỹ chuyên khoa tiêu hóa phối hợp. – Chảy nước tiểu qua vết mổ: Kiểm tra tránh gập tắc dẫn lưu bàng quang, thay băng tránh nhiễm trùng vết mổ. – Chảy máu tắc sonde: Bơm rửa qua dẫn lưu bàng quang lấy hết máu cục, cho rửa bàng quang liên tục nếu còn chảy máu, dùng kháng sinh toàn thân. – Tác dụng phụ của thuốc điều trị tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân như: mẩn ngứa, nổi mề đay, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở. Khi có những biểu hiện trên cần báo ngay để được bác sỹ xử trí.

6. Vấn đề có thể gặp phải khi đặt ống dẫn lưu bàng quang qua xương mu? – Nhiễm trùng hệ tiết niệu do đặt ống thông dẫn lưu bàng quang trong thời gian dài, hoặc do gập tắc ống dẫn lưu dẫn tới nhiễm trùng ngược dòng. – Viêm, nhiễm trùng tại chân ống dẫn lưu trên xương mu. – Sỏi bàng quang do cặn nước tiểu lắng đọng ở phần đáy bàng quang. – Viêm teo bàng quang do quàng quang luôn ở trạng thái rỗng nước tiểu và dần dần teo nhỏ lại.

7. Thời gian thực hiện phẫu thuật – Bệnh nhân được nhập viện và thực hiện phẫu thuật ngay trong ngày (nếu tình trạng bệnh ổn định). – Thời gian phẫu thuật mất khoảng 1-2 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân nằm hậu phẫu tối đa 4 giờ. – Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nằm lại điều trị thuốc, chăm sóc vết thương và theo dõi thêm 3-5 ngày sẽ được xuất viện (nếu tình trạng ổn định).

8. Cách chăm sóc bệnh nhân mang dẫn lưu bàng quang tại nhà tránh các biến chứng 8.1. Những điều người bệnh và người chăm sóc cần lưu ý – Túi nước tiểu phải luôn đảm bảo vô trùng, nước tiểu phải được xả khi đã đầy 2/3 bịch nước tiểu. – Trước và sau khi xả nước tiểu người nhà hoặc người bệnh phải vệ sinh tay sạch sẽ. Sau khi xả nước tiểu cần phải đóng van chống tràn nước tiểu. – Bịch nước tiểu cần phải để thấp hơn vị trí chân ống thông tiểu khoảng 30 cm ở tư thế bệnh nhân nằm hoặc ngồi. – Luôn để ống thông tiểu lưu thông tốt, không kẹp ống thông, không làm gập ống thông. Không tự ý rút ống thông. – Cần uống nhiều nước để đạt khoảng 2 lít nước tiểu/ngày nhằm tránh tình trạng ứ đọng cặn nước tiểu gây nhiễm trùng đường niệu.

Bệnh nhân uống đủ lượng nước mỗi ngày tránh tình trạng ứ đọng cặn gây nhiễm trùng

– Cần giữ vệ sinh hàng ngày tránh biến chứng nhiễm trùng vết mổ. – Cần thay băng, sát khuẩn hàng ngày. Cố định ống thông tiểu vào thành bụng bằng băng dính. – Cần phải thay ống thông mỗi tháng 1 lần bởi nhân viên y tế.

8.2. Những triệu chứng cần tái khám ngay – Nếu nhiễm trùng nước tiểu, bệnh nhân có thể có triệu chứng như sốt, đau bụng dưới, rét run, nước tiểu đục. – Vết mổ đau nhiều, sưng đỏ, có dịch mủ chảy ra. – Khi ống thông bị tắc, bệnh nhân sẽ bị đau tức vùng bụng dưới và có hiện tượng nước tiểu rỉ quanh ống thông. – Ít hoặc không có nước tiểu trong túi chứa: Có nhiều lý do, có thể do ống thông bị tắc do máu cục, có thể do ống thông lạc chỗ, cũng có thể do bệnh nhân uống ít nước. – Nước tiểu có máu đỏ tươi lượng nhiều. – Ống thông bị tuột ra ngoài. Từ khóa tìm kiếm: Bệnh viện Gia Đình, bệnh viện tại Đà Nẵng, Dẫn lưu nước tiểu bàng quang, Dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua xương mu.

Từ khóa » Tắc ống Thông Tiểu