Đặt ống Thông Tiểu – Quy Trình Thực Hiện Và Những Rủi Ro - Hello Bacsi

Đặt ống thông tiểu là một thủ thuật được sử dụng khá phổ biến ở nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, chưa nhiều người biết rõ về thủ thuật này và cách chăm sóc bệnh nhân sau khi đặt ống.

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Đặt ống thông tiểu là gì?

Ống thông tiểu là một ống mềm được đưa vào bàng quang thông qua ống dẫn nước tiểu (ống thông niệu đạo) hoặc qua một lỗ nhỏ được tạo ra ở vùng bụng dưới (ống dẫn lưu bàng quang). Đặt ống thông tiểu là thủ thuật được thực hiện nhằm mục đích làm rỗng bàng quang và thu gom nước tiểu vào trong một túi thoát nước. Thủ thuật này thường được bác sĩ hoặc y tá thực hiện tại bệnh viện.

Khi nào cần đặt ống thông tiểu?

Đặt ống thông tiểu thường được sử dụng khi người bệnh gặp khó khăn trong việc đi tiểu hoặc nhằm mục đích làm rỗng bàng quang trước hoặc sau khi phẫu thuật, đồng thời giúp điều trị một số bệnh.

Đặt ống thông tiểu có thể được thực hiện trong một số trường hợp sau đây:

  • Bị tắc nghẽn ống dẫn nước tiểu do sẹo hoặc phì đại tuyến tiền liệt…
  • Bàng quang bị suy yếu hoặc tổn thương dây thần kinh gây bí tiểu.
  • Dẫn lưu bàng quang trong khi sinh nếu gây tê ngoài màng cứng.
  • Dẫn lưu bàng quang trước, trong hoặc sau một số loại phẫu thuật.
  • Cung cấp thuốc trực tiếp vào bàng quang, chẳng hạn như khi hóa trị cho bệnh ung thư bàng quang.
  • Điều trị chứng tiểu không kiểm soát nếu như những cách khác không thành công.

Đặt ống thông tiểu có thể được tiến hành tạm thời và sẽ lấy ra khi bàng quang rỗng; hoặc đặt cố định trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.

khi nào cần đặt ống thông tiểu?

Đặt ống thông tiểu có đau không?

Quá trình này có thể khiến bệnh nhân cảm thấy đau và không thoải mái. Vì vậy, bác sĩ có thể sử dụng gel gây tê lên vùng đó để giảm bớt cảm giác đau. Thời gian đầu bệnh nhân cũng có thể cảm thấy khó chịu khi đặt ống thông, nhưng hầu hết những người đặt ống thông lâu năm dần quen với điều này theo thời gian.

Quy trình

Quy trình đặt ống thông tiểu

Cách đặt ống thông tiểu nữ và cách đặt ống thông tiểu nam là hoàn toàn khác nhau. Quy trình đặt ống thông tiểu cũng còn tùy thuộc vào hình thức thông tiểu được lựa chọn. Quy trình này ban đầu thường được bác sĩ hoặc y tá thực hiện tại bệnh viện, sau đó, hướng dẫn cho người chăm sóc để có thể tiến hành ngay tại nhà.

quy trình đặt ống thông tiểu

Cụ thể như sau:

Ống thông tiểu ngắt quãng

Loại ống thông này được đưa tạm thời vào bàng quang và rút ra khi bàng quang rỗng. Vì vậy, quy trình đặt ống thông tiểu có thể được thực hiện nhiều lần trong ngày.

Ống thông tiểu ngắt quãng sẽ được khử trùng và bôi trơn trước khi đưa vào bàng quang thông qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể). Đầu dưới của ống thông được để hở để thoát nước tiểu vào bồn cầu, hoặc được gắn vào một túi để thu gom nước tiểu. Đầu kia được dẫn qua niệu đạo cho đến khi nó đi vào bàng quang.

Khi nước tiểu đã chảy ra hết, ống thông tiểu được rút ra. Mỗi lần sử dụng một ống thông mới. Người chăm sóc có thể được bác sĩ hoặc y tá chỉ dẫn cách tự luồn ống thông và thay ống thông tại nhà.

Ống thông tiểu liên tục

Quy trình đặt ống thông tiểu liên tục tương tự như khi đặt ống thông ngắt quãng, tuy nhiên, loại ống thông này không cần thay mỗi ngày. Thông thường, các ống thông tiểu liên tục sẽ được thay ít nhất 3 tháng một lần.

Một đầu của ống thông vẫn nằm bên trong bàng quang. Tại đầu này có một quả bóng nhỏ được bơm căng để giữ cho đầu ống thông không bị tuột ra ngoài. Một đầu còn lại của ống sẽ nối với túi đựng nước tiểu.

Nếu bệnh nhân không nằm liệt giường, túi nước tiểu có thể được buộc vào chân. Nếu bệnh nhân nằm liệt giường, túi thường được gắn vào phần dưới của giường bệnh (gần sàn nhà). Vị trí này giúp nước tiểu thoát ra ngoài và vào túi một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, có thể gắn thêm một van đóng mở ở đáy túi để chủ động hơn trong việc thoát nước tiểu vào bồn cầu.

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu

Đây là một loại ống thông được đặt tại chỗ. Thay vì được đưa qua niệu đạo, loại ống thông này sẽ được đưa qua một lỗ trên bụng và vào đến bàng quang. Quy trình đặt ống thông tiểu này có thể được thực hiện dưới dạng gây mê toàn thân, gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê cục bộ.

Dẫn lưu bàng quang trên xương mu được sử dụng khi niệu đạo bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, hoặc nếu bệnh nhân không thể sử dụng ống thông liên tục.

Loại ống thông này thường được thay sau mỗi 4 đến 12 tuần.

Điều gì xảy ra sau khi đặt ống thông tiểu?

Sau khi đặt ống thông tiểu, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm an toàn để bệnh nhân có thể đi làm, tập thể dục, đi bơi, tham gia các hoạt động hàng ngày và quan hệ tình dục bình thường.

Trong một số trường hợp, nếu cần phải đặt ống thông tiểu trong thời gian dài thì trước khi xuất viện, người chăm sóc cần được dạy cách tháo lắp, thay thế và chăm sóc ống thông tại nhà một cách chi tiết nhất.

Thận trọng

Cách chăm sóc ống thông tiểu tại nhà

Khi cần phải đặt ống thông tiểu trong thời gian dài, bệnh nhân và cả người chăm sóc cần có thời gian để làm quen. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc y tá để nhận thêm lời khuyên về việc chăm sóc ống thông tiểu tại nhà.

Một số lưu ý khi chăm sóc ống thông tiểu tại nhà như sau:

  • Hãy làm rỗng túi nước tiểu trước khi nó đầy và nên sử dụng van đóng mở để thoát nước tiểu đều đặn trong ngày nhằm ngăn nước tiểu tích tụ quá nhiều trong bàng quang.
  • Túi nước tiểu và van đóng mở nên được thay 7 ngày một lần.
  • Vào ban đêm, bạn nên dùng chiếc túi thu gom nước tiểu có kích thước to hơn. Túi nên được đặt trên giá đỡ bên cạnh giường hoặc gần sàn để lấy nước tiểu khi bệnh nhân ngủ.
  • Ống thông sẽ cần được rút ra và thay thế ít nhất 3 tháng một lần.

Quy trình đặt ống thông tiểu cần phải được thực hiện đúng cách, các thiết bị cần được bảo quản đúng chuẩn và chỉ được sử dụng trong thời gian nhất định theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nhằm giảm thiểu rủi ro, tại nhà bệnh nhân và người thân nên:

  • Rửa vùng da nơi luồn ống thông vào cơ thể bằng xà phòng nhẹ và nước hằng ngày
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước và sau khi chạm tay vào thiết bị đặt ống thông tiểu
  • Uống đủ nước sao cho nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong suốt
  • Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, gồm có trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt
  • Tránh để ống thông bị gấp khúc hoặc uốn cong.

Bác sĩ sẽ thông báo cho bạn về thời điểm an toàn để đi làm, đi tập thể dục, đi bơi hay quan hệ tình dục.

Những rủi ro và biến chứng

những rủi ro sau khi đặt ống thông tiểu

Đặt ống thông tiểu càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao bởi sử dụng ống thông có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể gây nhiễm trùng niệu đạo, nhiễm trùng bàng quang hoặc ít phổ biến hơn là nhiễm trùng thận. Những loại nhiễm trùng này được gọi chung là nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu liên quan đến ống thông bao gồm:

  • Đau vùng bụng dưới hoặc xung quanh háng
  • Sốt, ớn lạnh
  • Mệt mỏi

Đặt ống thông tiểu đôi khi cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như co thắt bàng quang, rò rỉ xung quanh ống thông, tắc nghẽn ống thông và tổn thương niệu đạo.

Các rủi ro tiềm ẩn khác ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Chấn thương niệu đạo khi ống thông được đưa vào
  • Hẹp niệu đạo vì mô sẹo do sử dụng ống thông nhiều lần
  • Chấn thương bàng quang do đặt ống thông không đúng cách
  • Sỏi bàng quang có thể phát triển sau nhiều năm sử dụng ống thông tiểu.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Hãy đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt hoặc gọi cấp cứu nếu:

  • Bệnh nhân bị co thắt bàng quang nghiêm trọng hoặc liên tục.
  • Ống thông bị tắc hoặc nước tiểu bị rò rỉ xung quanh các mép.
  • Đi tiểu có máu hoặc nước tiểu có đốm máu.
  • Đi ngoài ra máu đỏ tươi.
  • Xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, chẳng hạn như đau bụng dưới, sốt, ớn lạnh.
  • Ống thông bị rơi ra ngoài hoặc bạn gặp khó khăn trong việc lắp đặt và thay ống.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Tắc ống Thông Tiểu