DẪN NHẬP CÁC SÁCH LỊCH SỬ - Tin Mừng. TV
Có thể bạn quan tâm
DẪN NHẬP CHUNG
VỀ CÁC SÁCH LỊCH SỬ
Theo cách chia bộ Thánh Kinh thường thấy nơi các nhà chú giải, thì Cựu Ước hay Tân Ước đều được phân thành 3 cột:
– Các sách lịch sử.
– Các sách tiên tri.
– Các sách giáo huấn.
Theo cách chia này, thì bộ Ngũ Kinh cũng được xếp trong cột các sách lịch sử, có 21 cuốn: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật, Giôsuê, Thủ Lãnh, Rút, 1&2 Samuel, 1&2 Vua, 1&2 Sử Biên Niên, Ét-ra, Nơkhemia, Tôbia, Giútđita, Ét-te, 1&2 Macabê.
Bộ Ngũ Kinh đã được tìm hiểu trong quyển I, chúng ta tiếp tục với các sách lịch sử còn lại.
Tuy gọi là “lịch sử”, nhưng không phải theo nghĩa chúng ta quen hiểu. Đây là một nỗ lực đọc lại lịch sử Ít-ra-en dưới ánh sáng Giao Ước. Từ khi vào Đất Hứa cho đến khi cả hai vương quốc bị lưu đày. Những thăng trầm đều là hậu quả của việc trung thành hay phản bội đối với Giao Ước của Thiên Chúa (x. Tl 2,11-19).
Khác với quan niệm “lịch sử” Âu Tây và cả chúng ta ngày nay, là muốn quá khứ phải trình bày theo thứ tự thời gian diễn ra các biến cố và cần mức độ chính xác nhất, rồi các trình thuật phải được xếp theo mức thang giá trị từ quan trọng đến phụ thuộc… Thì đối với các ký lục thời xưa “lịch sử” lại bao gồm tất cả mọi thể loại: thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết, sử biên niên, giai thoại, tục ngữ ca dao, truyền thống dân gian, kỷ niệm gia đình… Các thể loại khác nhau này được trình bày nguyên dạng, mộc mạc, được xếp lại với nhau, đặt các biến cố hay sự kiện bên cạnh nhau cách vô tư, trong đó mối bận tâm về giáo lý đôi khi chi phối tính khách quan của thuật truyện.
Trong qui điển Thánh kinh Hipri, các sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel, và Các Vua được đặt trong phần “Các tiên tri” và được gọi là các tiên tri “tiền” đối chiếu với các tiên tri “hậu” (Isaia, Giêrêmaia, Êzêkiel và mười hai tiên tri nhỏ). Gọi là các sách tiên tri vì có truyền thống cho rằng các sách này do chính các tiên tri biên soạn: Giôsuê, Samuel, sách Thủ Lãnh và sách Samuel; Giêrêmia, sách Các Vua. Mặt khác, các sách này cũng trình bày dung mạo của một số tiên tri (Samuel, Gát, Natan, Elia, Elisa, Isaia, Giêrêmaia…) hoạt động giữa dân được chọn. Các ngài nói với dân Lời của Thiên Chúa và đồng thời vạch ra những việc bất trung, thất tín của Israel trong liên lạc với Giavê, Đấng đã lập giao ước với dân.
Nhưng xét về nội dung thì cũng có thể nói được rằng các sách này nối tiếp các sách Ngũ Kinh: nhân vật chính của sách Giôsuê đã xuất hiện trong Ngũ Kinh và được chỉ định nối tiếp sứ mạng của Môsê, trong phần cuối sách Đệ Nhị Luật. Và cho rằng các sách này, cùng với Kinh Đệ Nhị Luật, làm thành một khối diễn lại một giai đoạn lớn của lịch sử tôn giáo của Israel kéo dài tới tận cuối thời các vua: Israel là dân được tuyển chọn và được Thiên Chúa ban cho một lề luật (Đệ Nhị Luật). Dân được tuyển chọn ấy tới định cử tại Đất được hứa ban (Giôsuê). Nhưng cuộc sống của dân được chọn tại đây là một chuỗi những bội giáo rồi trở lại (Thủ Lãnh). Lý tưởng về Thần quyền bị lung lay sau cuộc khủng hoảng đưa tới việc thành lập vương quyền, đã được thực hiện dưới triều đại Đa-vít (Samuel). nhưng sự suy đồi đã khởi đầu từ triều đại Sa-lô-mon và sau một chuỗi những bất trung của dân, Thiên Chúa đã ra án phạt (Các Vua). Sách Đệ Nhị Luật có thể đã được tách ra khỏi khối này khi người ta muốn thu tập tất cả những gì liên quan đến con người và sự nghiệp của Môsê.
Về mặt văn chương người ta cũng nhận thấy có một sự thống nhất nào đó giữa hai khối, tuy rằng khó mà phân biệt các nguồn văn khác nhau trong các sách Giôsuê, Thủ Lãnh, Samuel và Các Vua như đã làm trong Ngũ Kinh. Ảnh hưởng của tinh thần và đạo lý Đệ Nhị Luật trên các sách này phải nhận là rõ rệt.
Giả thuyết về sự “nhất khối” trên đây có thể chấp nhận được. Nhưng cần phải để ý điểm này là việc soạn thảo trong khuynh hướng Đệ Nhị Luật đã dựa trên các văn kiện, tài liệu khác nhau về thời buổi và tính chất. Do đó có sự kiện này là các sách, hoặc các phần trong một quyển sách vẫn giữ nguyên tính cách cá biệt của nó. Mặt khác việc soạn thảo trong khuynh hướng Đệ Nhị Luật này đã không được thực hiện một lúc và mỗi sách còn mang những dấu chứng của nhiều đợt ấn hành. Nguyên về sách các Vua, – dấu chứng rõ ràng nhất – người ta nhận ra có ít là hai đợt soạn thảo. Một đợt sau cuộc cải cách tôn giáo của Giosigia và một đợt sau cuộc lưu đày.
Trong hình thức cuối cùng, các sách này là một công trình của một trường phái gồm những người có lòng đạo, thấm nhuần tư tưởng Đệ Nhị Luật, đã suy nghĩ về quá khứ của dân và đã rút ra một bài học tôn giáo. Nhưng họ cũng còn giữ lại được những truyền thống, hay những văn bản lên tới thời đánh chiếm Đất Hứa và những trình luật về những biến cố nổi bật của lịch sử Israel. Như thế, lịch sử Israel trong các sách này đã được trình bày như một “lịch sử thánh”, một lịch sử nhìn dưới nhãn giới tôn giáo. Và sử gia cũng như các tín hữu vẫn có thể tìm thấy ở đây những giá trị. Người tín hữu sẽ không chỉ nhìn ra bàn tay của Thiên Chúa trong tất cả mọi biến cố, mà còn nhận ra trong chính mối ưu ái kèm theo những đòi hỏi của Thiên Chúa đối với dân Người chọn, một sự chuẩn bị dần dần cho một Israel mới, cộng đồng các tín hữu.
Lịch sử Israel là bài học sống động về ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Với cái nhìn nhân loại, xem ra lịch sử đó thất bại, vì không thực hiện nổi nơi Israel. Tuy nhiên, xuyên qua sự thất bại bên ngoài ấy, chúng ta khám phá ra tính ưu việt của ơn gọi Israel và lòng thương của Thiên Chúa thật lớn lao. Nếu Israel là hình ảnh của Giáo Hội Chúa Kitô, thì những gì xảy ra cho dân tộc ấy, bảo đảm và tiên báo những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện trong Giáo Hội.
Từ khóa » Các Sách Lịch Sử Trong Cựu ước
-
Cựu Ước - Các Sách Lịch Sử | Kế Hoạch đọc Tĩnh Nguyện
-
Các Sách Lịch Sử - DÒNG ĐỨC MARIA NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
-
Những Điều Cần Ghi Nhớ: Các Sách Lịch Sử Trong Kinh Cựu Ước
-
Các Sách Cựu Ước | CôngGiá
-
Khảo Lược Các Sách Lịch Sử Trong Thánh Kinh | Học Viện Đa Minh
-
Kinh Thánh Cựu Ước Công Giáo - Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
-
5 TÌM HIỂU KINH THÁNH CÁC SÁCH SỬ: GIÔSUA - LƯU ĐẦY
-
Lưu Trữ Các Sách Lịch Sử
-
Các Sách Của Kinh Thánh Là Gì? Nó Có Nghĩa Gì ...
-
BÀI 4 : Các Sách Cựu Ước - SimonHoaDalat
-
Sách Lịch Sử Của Kinh Thánh Và Có Bao Nhiêu Cuốn - Postposmo
-
Tìm Hiểu Kinh Thánh, Bài 04: Các Sách Ngũ Thư Và Lịch Sử
-
Lịch Sử Dân Thiên Chúa Trong Cựu ước - Nhà Sách Đức Bà Hòa Bình
-
Cựu Ước Lược Khảo - Học Kinh Thánh