Đàn ông Khóc Là Uỷ Mị, Yếu đuối? - Báo Phụ Nữ

Trong buổi ra mắt phim Bố già hôm 5/3 vừa qua, Trấn Thành bật khóc. Những hình ảnh ấy nhanh chóng được lan truyền. Có rất nhiều người bình luận tiêu cực về hành động này của anh. “Ông này không lên sóng thì thôi, cứ lên là khóc với lóc”, “Khóc hoài vậy”, “Khóc từ nơi này sang nơi khác, hãy chân thành”..., nhiều người chỉ trích. 

Không lâu sau, câu chuyện một người đàn ông rơi nước mắt lại tiếp tục được chú ý. Đó là một chàng trai có lẽ chỉ vừa qua tuổi đôi mươi, chạy xe ôm công nghệ. Anh bật khóc bởi vì, trong buổi sáng chỉ chạy được 2 cuốc, mà mỗi cuốc phải chờ khách đến 30 phút dưới cái nắng gắt đến cháy da của Sài Gòn. Một số người tỏ ra đồng cảm với chàng trai, nhưng cũng không ít người chỉ trích: “Đàn ông con trai sao phải khóc”, “Chuyện vậy cũng khóc”...

Khóc là phản xạ tự nhiên của con người khi cảm xúc bị đẩy lên tột độ. Nhưng chẳng biết tự bao giờ, chuyện đàn ông khóc lại trở nên kinh khủng như thế. Cũng chẳng rõ từ khi nào, người ta lại mặc định rằng "đàn ông thì không được khóc". Phải chăng, khóc là ủy mị, yếu đuối? 

Trấn Thành khóc khi ra mắt phim khiến một bộ phận công chúng chỉ trích
Trấn Thành khóc khi ra mắt phim khiến một bộ phận công chúng chỉ trích

Với Trấn Thành, anh rơi nước mắt hẳn là có lý do. Bộ phim lỗi hẹn ra mắt khán giả vì dịch bệnh. Hình mẫu trong tác phẩm được Trấn Thành lấy cảm hứng từ chính cha anh. Bộ phim đánh dấu bước chuyển mình của Trấn Thành từ vai trò diễn viên sang đạo diễn điện ảnh. Chưa kể, trong bộ phim, anh còn đảm nhận nhiều vai trò như diễn viên, biên kịch...

Với Trấn Thành, có lẽ có quá nhiều điều khiến cảm xúc được đẩy lên cao làm nước mắt chực trào. Và vì bất kỳ lý do gì trong những điều kể trên, nam diễn viên cũng không đáng phải nhận sự chỉ trích hay chê bai. 

Đàn ông khóc
Đàn ông khóc là điều bất thường?

Theo Trấn Thành, ba anh ít khi khóc. Nhưng mỗi lần ông rơi nước mắt đều gắn với một sự kiện đặc biệt. Đó là khi Trấn Thành chào đời, khi anh phạm lỗi năm cấp 2, khi anh nhận giải 3 MC, khi anh cưới vợ và lần ra mắt phim này. Câu chuyện khiến người nghe cảm thấy vui vẻ, vì những giọt nước mắt như một chất xúc tác để mối tình thâm trở nên chặt chẽ hơn. Bởi mối quan hệ giữa cha và con trai thường có nhiều khoảng trống khó có thể kéo gần.

Nam đang học lớp 7 tại một trường quốc tế nổi tiếng ở TPHCM. Trong tiết học kịch nghệ, cậu rón rén bước lên giữa lớp trước ánh mắt chăm chú của bạn bè và kể về cha mình. Nam bảo em từng ghét cha mình vì ông lúc nào cũng nghiêm khắc, hay la rầy. Khoảng cách giữa em và cha rất lớn, lớn đến nỗi em không muốn ăn cơm cùng cha. Sự căng thẳng đó cứ kéo dài dai dẳng trong gia đình. Mẹ Nam cố tìm cách hòa giải nhưng vẫn không có kết quả.

Một ngày nọ, Nam té xe, gãy chân. Lúc đó, cha Nam là người đầu tiên có mặt để đưa em đến bệnh viện. Trong cơn hoảng loạn, Nam vẫn nhớ rõ đôi mắt đỏ hoe của cha, những giọt nước mắt chực trào ra. Bởi đó là lần đầu tiên em thấy cha mình gần gũi như thế. Em hiểu cha thương, chưa từng ghét bỏ mình. 

Nói xong, Nam cũng khóc. Rõ ràng, nước mắt đâu chỉ có buồn đau hay ủy mị mà đám đông vẫn thường "dán nhãn". Chính những giọt nước mắt đã hóa giải khúc mắc, kéo con người gần lại với nhau. 

Đàn ông được mệnh danh là phái mạnh, là người mạnh mẽ. Hình ảnh người đàn ông còn được ví như cây tùng cây bách, đem lại cho người khác cảm giác yên tâm vì được che chở. Vô tình, mọi người luôn cho rằng, đàn ông thì không được rơi nước mắt.

Một cuộc khảo sát cho biết 80% con người cảm thấy dễ chịu, vui hơn sau khi khóc. Vậy thì, tại sao phải khước từ một đặc quyền mà ai cũng có quyền sử dụng.

Tại sao nước mắt của phụ nữ được xem là bình thường, thậm chí là “vũ khí”, trong khi đó nước mắt đàn ông lại không?

Trung Sơn

Từ khóa » đàn ông Khóc Vì Người Yêu