Khi đàn ông Khóc! - Tuổi Trẻ Online

nXhZDece.jpgPhóng to
Đã có không ít thơ, văn hay nhạc viết về những giọt nước mắt thật hay. Và cũng đã có những giọt nước mắt trở thành “chứng nhân của hòa bình”, trở thành tài liệu quý của một đời người, của cộng đồng trước một biến cố nào đó… Trong số đó, có những giọt nước mắt của đàn ông - những người “không bao giờ muốn khóc”.

Đàn ông khác phụ nữ trong chuyện “khóc” như thế nào? Đối với đàn ông, khóc có phải là điều không nên có? Khóc có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối hay là một trạng thái tâm lý ủy mỵ, bất thường ở nam giới?

Trong cuộc đời, có lẽ ai cũng đã từng khóc ít nhất một lần. Khóc vì lý do nào đó không quan trọng, nhưng khóc như thế nào mới là điều được nhiều người quan tâm, tìm hiểu và chia sẻ.

Khóc là một hình thức bộc lộ cảm xúc thông thường khi con người tiếp nhận một kích thích nào đó có liên quan đến việc thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của mình. Mỗi người sẽ có “cách khóc” khác nhau tùy vào tình huống, vào tính chất của kích thích, vào môi trường xung quanh hoặc tùy vào tính… “dễ khóc” của họ nữa.

Khóc không phải là hình thức “độc quyền” của bất kỳ ai, càng không phải là “hàng hiệu” của nữ giới khi mọi người ai cũng có tuyến lệ và những giọt nước mắt nằm sẵn trong đó! Đàn ông hay phụ nữ đều sẽ khóc bất cứ lúc nào có thể, nhưng đàn ông thường khóc khi nào không thể… không khóc.

Có nhiều người đàn ông rất ít khi rơi nước mắt. Nhưng trong những lúc đặc biệt, họ sẽ bật ra tiếng khóc não nề, buồn tủi hoặc tiếng khóc tự hào, sung sướng. Họ khóc “như trẻ con”, họ khóc một cách tự nhiên mà không thể biện minh cho sự bất thường đó.

Nhiều người đàn ông tiếp nhận nỗi đau đớn tột cùng một cách bình thản như không có điều gì xảy ra. Người ta nghĩ rằng họ có trái tim sắt đá, họ có một sức chịu đựng phi thường. Phải chăng họ là người vô cảm, chẳng hề có chút cảm xúc gì trước sự cố buồn phiền hay đau đớn nào đó? Phải chăng họ sợ đánh mất “danh hiệu” đàn ông cứng rắn của mình?

Trong nhiều trường hợp, sự bất thường đó được thể hiện thông qua việc “nuốt nước mắt” của họ để nhấn chìm sự bất an, để chống chọi với sóng dữ đang chực trào lên trong họ, để “giữ mình” cứng cỏi trước giá trị và trách nhiệm, trước hình ảnh của bản thân trong từng thang bậc quan hệ để rồi trong lúc một mình, họ lại lặng thầm nhỏ lệ cho vơi bớt buồn đau. Lúc đó, họ đã khóc thật sự, khóc một cách “ngon lành” như một cơ chế làm quân bình trạng thái tinh thần của chính họ.

Như vậy, nhiều người đàn ông dường như không khóc nhưng thật ra họ đã khóc, sẽ khóc với chính họ một cách bình thường như bao người bình thường khác đấy thôi. Trong trường hợp này, khóc sẽ là một liệu pháp mang đến sự bình tâm, nước mắt sẽ “gột rửa” sự lo lắng, phiền muộn, đau khổ trong con người. Khóc là một quy luật, là một phản ứng thích nghi đáng lưu ý của bất kỳ một ai trong cuộc đời.

Người đàn ông thường không dùng tiếng khóc để mưu tìm sự thông cảm, để chứng minh cho một tình cảm đặc biệt nào đó, vì nó có thể gây nên tác dụng ngược khi người khác nhìn mình bằng một ánh mắt ái ngại thay cho sự nể phục.

Có nhiều người đàn ông rất ít khi rơi nước mắt. Nhưng trong những lúc đặc biệt, họ sẽ bật ra tiếng khóc não nề, buồn tủi hoặc tiếng khóc tự hào, sung sướng.

Có nhiều người đàn ông khóc một cách công khai trong sự mừng vui, khóc vì quá sung sướng hoặc khóc vì nỗi thất vọng hay sự tiếc nuối, ân hận. Họ không giấu niềm xúc động khi vui tột đỉnh với tiếng khóc vỡ òa, mãn nguyện tưởng chừng như là trút bỏ sự dồn nén đợi chờ từ lâu. Trong trường hợp này, nước mắt sẽ làm tâm hồn họ trẻ trung thêm, tinh thần họ lạc quan hơn và trí tuệ dường như nhạy bén hơn.

Trong thực tế, cũng đã có nhiều đấng nam nhi, nhiều vị anh hùng bật khóc, khóc thật sự, không cường điệu màu mè hay giả dối khi chứng kiến hoặc trải nghiệm một thất bại đắng cay, hụt hẫng khi niềm hy vọng chợt biến tan trong phút chốc để trở thành một sự thật quá đỗi phũ phàng.

Người hâm mộ đã nhiều lần chứng kiến cảnh các thiên thần bóng đá rớt những giọt nước mắt rất dễ thương khi thua trận. Đó là những giọt nước mắt đặc thù của nam giới, những giọt nước mắt được trân trọng và chia sẻ như những giọt nước mắt đầy tính đàn ông.

Khi khóc, người đàn ông có thể ngẩng cao đầu để “biến đau thương thành sức mạnh”, để hâm nóng một tinh thần quả cảm hướng về phía trước với mong ước lớn hơn, với kỳ vọng nhiều hơn. Lúc đó, nước mắt như là điều kiện kích thích cho một ý chí kiên cường, một khởi đầu mới quyết tâm và thực tiễn.

Đàn ông không phải là người không biết khóc. Khóc để vơi bớt nặng nề, khóc để tìm được sự thăng bằng trong cuộc sống khi phải chịu đựng điều gì đó. Nhưng khi nước mắt cứ quá dễ dàng chảy trong những tình huống không có gì đáng khóc, trong những trường hợp lẽ ra phải bình tĩnh để vượt qua thì lúc đó, khóc không phải là cơ chế phù hợp với người đàn ông khi bên cạnh mình, nhiều người đang tìm kiếm, trông đợi hình ảnh của người đàn ông “bản lĩnh”.

Người đàn ông bản lĩnh sẽ tiết kiệm nước mắt và sử dụng nó trong những trường hợp có thể tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh từ chính bản thân để mang lại sự thanh thản cho mình và cho người khác.

Khóc là biểu hiện của một cảm xúc. Nhưng người đàn ông thường không dùng tiếng khóc để mưu tìm sự thông cảm, để chứng minh cho một tình cảm đặc biệt nào đó, vì nó có thể gây nên tác dụng ngược khi người khác nhìn mình bằng một ánh mắt ái ngại thay cho sự nể phục.

Nước mắt sẽ thực sự quý giá khi nó có tác dụng làm con người giải tỏa tâm lý cho cả bản thân và cho nhiều người chung quanh mình. Bạn là đàn ông, hãy khóc nếu điều đó giúp bạn cảm thấy thanh thản và quan trọng hơn, bạn cảm thấy chính bạn là như thế.

Từ khóa » đàn ông Khóc Vì Người Yêu