Dân Tộc Hoa - Cổng Thông Tin điện Tử Tỉnh Yên Bái
Có thể bạn quan tâm
Người Hoa ở Yên Bái chủ yếu là người gốc Hán, có một số ít thuộc các dân tộc thiểu số của Trung Quốc, hầu hết nói tiếng Quảng Đông, Quảng Tây, thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (dòng ngôn ngữ Hán - Tạng).
Đồng bào thờ cúng tổ tiên bằng tiếng Hán và sử dụng chữ Hán trong tế lễ và trên bài vị ở nơi thờ tự. Tuy vậy, do thời gian sinh sống trong cộng đồng Việt Nam khá lâu, đại đa số người Hoa hiện đại ở tỉnh Yên Bái sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhiều người đã xây dựng gia đình với người Việt Nam, do đó trong sinh hoạt họ không còn giữ được toàn bộ tập quán, phong tục Trung Quốc. Trong ngôn ngữ, nhiều gia đình người Hoa cũng sử dụng tiếng Kinh hoặc tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam. Hiện tại chỉ còn một số người già vẫn giữ được ngôn ngữ, chữ viết và nếp sống phong tục tập quán của người Trung Quốc.
Người Hoa di cư về Yên Bái theo từng đợt khác nhau, song hầu hết vào đầu thế kỷ XIX. Một bộ phận theo Lưu Vĩnh Phúc mới vào nước ta từ nửa cuối thế kỷ XIX. Quê hương của người Hoa chủ yếu ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến (Trung Quốc). Trong quá trình di cư, người Hoa thường dừng chân ở các huyện biên giới: Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa (tỉnh Lào Cai), một số người Hoa từ biên giới Tây Bắc đến huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) sau đó chuyển về sinh sống ở Yên Bái.
Người Hoa ở Yên Bái một phần nhỏ dựa vào trồng lúa nước, chăn nuôi, còn phần lớn sống ở các đô thị làm nghề tiểu thương, chế biến bánh kẹo, làm hàng ăn uống. Người Hoa họ có tài nấu ăn, làm hàng tiêu dùng, chế biến khâu nhục, bánh hấp, các món ăn cách thủy, xôi… Thức ăn đa phần được chế biến bằng rau, thảo dược, sau mỗi bữa ăn họ thường ăn thêm một bát cháo hoa để tiêu cơm.
Nhà ở của người Hoa Yên Bái không có bản sắc kiến trúc riêng, đồng bào làm nhà đất hoặc nhà sàn, nhà xây tùy theo môi trường sống nơi sở tại nhà họ định cư.
Trang y phục người Hoa rất đơn giản, không thêu hoa lá nhiều trên vải nhưng lại rất thích may từ những mảnh vải có hoa, như hoa mẫu đơn, hoa nhài… và nhiều hoa sặc sỡ ghép ở ry - đô, địu và yếm trẻ em. Trước đây đàn ông người Hoa mặc quần áo giống như người Tày, Nùng nhưng ngày nay đã mặc theo lối mới với áo sơ mi cộc, dài tay. Y phục của phụ nữ thấp thoáng còn giữ được nét dân tộc với chiếc áo năm thân dài quá mông không có túi, cài khuy tết bằng vải ở nách phải, ngày nay rất ít khi họ mặc để đi ra ngoài, đa phần phụ nữ Hoa mặc áo cánh và áo sơ mi. Áo thầy cúng thường có chiếc áo cà sa - giống áo năm thân dài quá gối, ống tay dài rộng nhưng cũng chỉ dùng khi hành lễ. Với bàn tay khéo léo, người Hoa tự làm được nón, mũ cọ để sử dụng. Phụ nữ thường thích tết tóc trong ngày hội lễ tết, buộc vải hồng, đi dép nhựa hoặc guốc.
Hôn nhân của người Hoa cơ bản duy trì trong nội tộc, nghiêm cấm hôn nhân cùng dòng họ. Tập quán trong quan hệ hôn nhân nguyên thủy còn tồn tại như tục lại mặt, tục ở rể, vai trò ông cậu đặc biệt quan trọng trong việc gả chồng cho con gái.
Tục tang ma ở người Hoa được tổ chức rất nghiêm túc với các bước như báo tang, phát tang, lễ dẫn đường, lễ chôn cất, lễ đưa hồn người chết về “Phật quốc - Tây thiên”, lễ đoạn tang. Người chết được chôn theo một số vật tùy táng với ý nghĩa để người chết có của đem về thế giới bên kia. Những ngôi mộ của người già thọ trên 100 tuổi được kè đá rất kiên cố, không cải táng và đặt tấm bia có chữ Hán trước mộ.
Cũng như các dân tộc khác, người Hoa ở Yên Bái thờ cúng tổ tiên và các loại ma nhà, chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc của Đạo giáo, nhất là Khổng Giáo. Trong vùng cư trú, đặc biệt là ở vùng nông thôn, người Hoa tham gia vào đền, miếu có sẵn hoặc tự lập miếu để thờ các vị thần núi, thần sông, thần đá và những người có công khai phá đất đai như việc lắp đền bằng thành đất (trình tường) như đền Tam Thánh ở xã Văn Phú, thành phố Yên Bái.
Văn hóa nghệ thuật cổ truyền của người Hoa trước năm 1960 khá phong phú, đặc biệt là dân ca truyền miệng, hát trữ tình được thanh niên nam nữ rất ưa thích trong dám cưới. Soen ca (sản cố) được các chàng trai cô gái hát thâu đêm, còn nội dung ca ngợi tình yêu chung thủy bằng hình tượng các loài hoa cây mận, đào, mẫu đơn, hoa hồng, chè, quế… thu hút lòng người hướng tới tương lai tốt đẹp.
Những nhạc cụ như đàn, sáo, nhị hồ, thanh la não bạt, trống được dùng phổ biến trong các dịp tết, các trò chơi dân gian như đánh cờ, đu quay, múa lân, sư tử và múa rồng phổ biến ở người Hoa.
(Tài liệu được tham khảo từ cuốn “Một số đặc trưng các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái", do Ban Dân vận Tỉnh ủy xuất bản)
191359 lượt xem Ban Biên tậpTừ khóa » Dân Số Dân Tộc Hoa ở Việt Nam
-
Người Hoa (Việt Nam) – Wikipedia Tiếng Việt
-
NGƯỜI HOA - Ủy Ban Dân Tộc
-
Đại Gia đình 54 Dân Tộc Việt Nam: Dân Tộc Hoa - VietNamNet
-
Đôi Nét Về Người Dân Tộc Hoa Tại Việt Nam
-
Dân Tộc Thiểu Số ở Việt Nam | Open Development Vietnam
-
Lịch Sử Di Cư, Văn Hóa, Tính Cách Người Hoa ở Việt Nam
-
DÂN TỘC HOA - Chi Tiết Tin Tức - Ban Dân Tộc
-
Các Thành Phần Dân Tộc Vùng đất Vị Thanh - Báo Hậu Giang
-
Cổng Thông Tin điện Tử Tỉnh Bắc Giang
-
Dân Tộc Hoa | 54 Dân Tộc Việt Nam
-
[PDF] Dân Tộc Tày - Tổng Cục Thống Kê
-
Khái Quát Về Các Dân Tộc Thiểu Số ở Việt Nam