Dân Tộc Thiểu Số ở Quảng Ninh

Tên tự nhận: San Déo nhín (山瑶人), theo âm Hán Việt: San (山) là sơn; Déo (瑶) là Dao; nhín (人) là nhân. “San Déo nhín” = “Sơn Dao nhân”, có nghĩa là “Người Dao ở núi”. Trong đồng bào người Sán Dìu cũng được gọi bằng cái tên tương tự: Người lớn tuổi được gọi là “San Déo láo” (山瑶老 - Sơn Dao lão); người trẻ tuổi lại gọi là “San Déo chế” (山瑶子 - Sơn Dao tử).

Phụ nữ Sán Dìu

Tên gọi khác: Sán Dẻo, Mán Váy Xẻ, Mán Quần Cộc, Trại, Trại Đất, Trại Ruộng, Trại Cộc…

Ngôn ngữ:Thuộc ngữ hệ Hán - Tạng, nói tiếng thổ ngữ Quảng Đông (土語廣東), đã tiếp thu bộ chữHán để tạo ra chữ Nôm - Sán Dìu (喃-山瑶) đặc trưng cho tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.

Dân số và phân bố dân cư

- Cả nước, người Sán Dìu có tổng dân số theo các năm như sau: Năm 1989 có 94.630 người; năm 1999 có 126,237 người; năm 2009 có 146.821 người. Địa vực cư trú chủ yếu ở miền núi và trung du phía Bắc thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc…

- Ở Quảng Ninh, người Sán Dìu có dân số theo các năm như sau: Năm 1979 có 10.477 người; năm 1989 có 14.691 người; năm 2009 có 20.899 người. Người Sán Dìu cư trú trên toàn tỉnh trong đó có 04 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện.

Bảng phân bố người Sán Dìu ở tỉnh Quảng Ninh

 

TT

Địa phương

Dân số (người)

Tỷ lệ     (%)

1

Thành phố Cẩm Phả

5.632

26.94

2

Huyện Vân Đồn

6.049

28.94

3

Huyện Hoành Bồ

3.957

18.93

4

Huyện Tiên Yên

1.832

8.76

5

Thành phố Hạ Long

774

3.56

6

Huyện Đông Triều

991

4.74

7

Huyện Đầm Hà

1.143

4.47

8

Thành phố Móng Cái

103

0.49

9

Huyện Hải Hà

148

0.71

10

Huyện Ba Chẽ

213

1.02

11

Thành phố Uông Bí

17

0.08

12

Huyện Cô Tô

22

0.10

13

Thị xã Quảng Yên

11

0.05

14

Huyện Bình Liêu

7

0.03

TỔNG

20.899

100

(Nguồn: Biểu số liệu số dân thành phần các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;Theo số liệu tổng điều tra ngày 01/04/2009; Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh)

 

Nguồn gốc tộc người

Về nguồn gốc tộc người Sán Dìu, nhà bác học Lê Quý Đôn (1723-1782) trong tác phẩm Kiến văn tiểu lục có nhắc tới tộc người Sơn Man, có thể hiểu Sơn Man là Sơn Dao tức là Sán Dìu. Người Sán Dìu xưa vốn ở vùng Lĩnh Bắc, thuộc Bách Việt, di cư về Lĩnh Nam (Việt Nam ngày nay) và định cư hơn 300 năm nay.

Hoạt động kinh tế

- Về kinh tế tự nhiên

Người Sán Dìu cư trú trên một dải bán sơn địa rộng lớn có rừng, có núi đồi, có đồng bằng và biển hồ. Việc thai thác lâm thổ sản, săn bắn, đánh bắt, lấy măng, lấy củi, hái các loại quả, nấm và các loại cây thuốc dược liệu quý... đã cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của đồng bào.

- Về kinh tế sản xuất

Trồng trọt: Trong sản xuất nông nghiệp đồng bào cũng có nhiều loại ruộng như: Ruộng cao (cao thén) trồng lúa nương, ngô, sắn...; Ruộng đất pha cát (láy pha sa) trồng khoai lang, lạc, khoai sọ, củ từ...; Ruộng thấp (láy thén) cấy lúa nước, và các loại hoa màu; Ruộng nương (láy xé) trồng lúa nương, ngô, kê, sắn và mía...; Ruộng lầy thụt (sim phang thén) chỉ cấy được một vụ lúa trong năm, còn các vụ khác như: mùa hè cấy rau muống, mùa đông cấy rau cải soong, rau cần…

Để chăm bón cây trồng tốt cho năng suất cao, đồng bào đã biết tận dụng các loại phân từ vật nuôi và cây phân xanh trên rừng. Các nông cụ trong sản xuất như chiếc cày (láy), bừa (phá), chiếc cào bàn (thui phá), chiếc vằng gặt lúa (vố lém)...

 Chăn nuôi: Các loại gia súc như: nuôi lợn, nuôi trâu, bò, nuôi các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng... Chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình, phương pháp chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên. Đồng bào còn biết tận dụng mặt nước ở ao, hồ, biển để nuôi các loài thuỷ hải sản như: Ao hồ nuôi các loại cá nước ngọt... thức ăn được đồng bào tận thu bằng cách cắt cỏ tự nhiên, vớt bèo, lá mía... Ở biển, đồng bào nuôi cá lồng, ngọc trai, tôm... Những nơi ở đồi núi đồng bào nuôi ong để lấy mật.

Các nghề thủ công, phổ biến nhất là nghề đan lát. Ngoài ra, đồng bào còn một số nghề thủ công khác như: nghề rèn, nghề dệt sợi, nghề mộc. Những nghề này ít người biết làm, nên các sản phẩm làm ra chỉ để cung cấp trong cộng đồng.

Văn hoá tổ chức cộng đồng

- Tổ chức xã hội

Trước Cách mạng tháng 8-1945, người Sán Dìu cũng bị chi phối bởi hệ thống chính trị - xã hội thực dân nửa phong kiến. Các khu cư trú của người Sán Dìu được tổ chức từ trên xuống dưới với các cấp phủ, châu, tổng, xã, làng, thôn. Cai quản phủ, châu là người Kinh, cai quản từ cấp tổng trở xuống là người Sán Dìu.

Bên cạnh tổ chức hành chính và quân sự của giai cấp thống trị, người Sán Dìu còn có một tổ chức khác do chính đồng bào sáng lập ra gọi là tổ chức “Phường”. Phường là một tổ chức tương thân, tương ái, trợ giúp nhau, các thành viên trong một xóm làng, quy tụ thành một Phường. Thông qua cách bầu cử dân chủ để chọn ra một người có uy tín, được mọi người kính trọng giữ chức vụ Trưởng phường. Trưởng phường có nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo các thành viên trong phường làm các công việc cộng đồng như: xây dựng đường xá, cầu cống, đình miếu hay giúp đỡ gia chủ (trong phường) trong những việc cưới hỏi, tang ma, dựng nhà, giải quyết các mâu thuẫn xích mích trong gia đình và cộng đồng, duy trì các phong tục tập quán, văn hoá truyền thống của dân tộc.

- Tổ chức gia tộc, gia đình

Trước Cách mạng tháng Tám (1945), không còn nhiều kiểu đại gia đình tứ - ngũ đại đồng đường (bốn-năm thế hệ cùng ở một nhà) cùng sống, cùng sản xuất và cùng hưởng thụ như trước mà đã chuyển sang gia đình nhỏ phụ quyền với hai hoặc ba thế hệ (ông bà - cha mẹ - con cái). Các con trưởng thành (con trai thứ và út) sau khi lấy vợ đều được gia đình, gia tộc và cộng đồng giúp dựng nhà mới ra ở riêng, người con trai trưởng sau khi lấy vợ thì phải ở hẳn với bố mẹ để phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, tinh thần đại gia đình, gia tộc luôn được đề cao.

Văn hoá vật chất   

- Làng bản, nhà cửa

Làng bản của người Sán Dìu chủ yếu tọa lạc ở những sườn đồi hay chân đồi, mỗi làng có khoảng vài chục nóc nhà, nhiều có thể lên tới hàng trăm hộ. Nơi ở lý tưởng là vùng bán sơn địa, nơi đó trước là cánh đồng, sau lưng là đồi rừng, sông suối để tiện cho việc cấy lúa và trồng hoa màu ở những đồng bằng thung lũng nhỏ hẹp.

Người Sán Dìu gọi nhà là “ộc”, nhà ba gian hai chái, với bộ sườn kết cấu đơn giản. Vì kèo thường là năm cột, kèo đơn bằng gỗ nguyên cây, xà và kèo gác lên ngoãm đầu cột, rồi buộc lại với nhau bằng dây lạt hay dây rừng. Mái nhà được lợp bằng rơm rạ, cỏ tranh... xung quanh nhà được dựng nan tre rồi vắt rơm trộn bùn thành tường vách nhà. Làm xong nhà, gia chủ tổ chức ăn mừng nhà mới (Dịp sin ộc). Trong ngày này gia chủ làm lễ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ở nhà mới, đồng thời thiết đãi họ hàng nội, ngoại, bạn bè và làng xóm đã giúp sức trong quá trình dựng nhà. Một người lớn tuổi mang lửa, hạt giống... vào nhà và trong ba ngày không được để lửa tắt. Đây cũng là dịp để trai gái trong làng hát Soọng cô mừng tân gia.

 - Ẩm thực

Lương thực hằng ngày của đồng bào là gạo tẻ, chủ yếu được nấu thành cơm và cháo loãng. Ngoài ra, gạo tẻ được giã thành bột dùng để làm bánh cuốn, bánh đúc... Gạo nếp thường được dùng trong những dịp lễ tết, nếp dùng để thổi xôi và cũng được giã thành bột để làm bánh Bạc đầu, bánh Tà loòng ệt, bánh Trôi...

Thức ăn hằng ngày của người Sán Dìu rất đơn giản, cơm + rau là thành phần chủ đạo trong cơ cấu bữa ăn, các loại thịt, cá được thay đổi từng ngày xong không thường xuyên. Thức ăn được chế biến rất phong phú từ luộc (sap), xào (xáo), hấp (hip) cho đến nướng (chác), rán (hoc)... tạo ra sự tinh tế trong cách chế biến và thưởng thức món ăn của đồng bào. 

Văn hoá ẩm thực còn thể hiện sâu sắc hơn trong các ngày lễ tết của đồng bào, với những món ăn đậm bản sắc dân tộc như: Khau nhôộc, thịt thính (nhôộc trụ chạo), thịt ướp chua (diẹp nhôộc), bánh là ngải (ngòi bảnh), xôi nhuộm màu (ngủ sệch phan), bánh chưng gù, bành tà loòng ệt...

Về thức uống, đồng bào có nhiều loại thức uống khác nhau. Đầu tiên phải kể đến là rượu, rượu cũng có rượu cất (chuý chíu) và rượu nếp cái (phan chíu). Các thức uống hằng ngày được đồng bào ưa dùng là nước cháo loãng (chốc ím), nước chè xanh, nước lá vối…

Về hút thuốc và ăn trầu. Đàn ông Sán Dìu hút thuốc lào (Sôc en), phụ nữ ăn trầu như một thói quen, họ ăn trầu cũng là để nhuộm răng.

- Trang phục

Trước đây, nam giới thường mặc hai chiếc áo, áo trong màu trắng, áo ngoài có màu nâu hoặc đen. Hai áo này chỉ khác nhau về màu sắc và khích thước, áo trong ngắn hơn áo ngoài, còn kiểu dáng giống nhau. Áo năm thân, cổ cao, có cài khuy bên phải, tay áo hẹp, áo chỉ dài quá đầu gối một chút. Quần màu nâu hay đen, cắt theo kiểu chân què, cạp lá tọa, thắt lưng màu chàm. Thường ngày, trong lao động thì đi chân trần, khi đi xa, đi chơi mới đi dép quai ngang hay đi giày.

Bộ nữ trang phục của đồng bào gồm có khăn đội đầu, áo trong, áo ngoài, dây lưng, váy, dây lưng, và xà cạp. Phụ nữ Sán Dìu vấn tóc, đội khăn hình mỏ quạ giống người miền xuôi. Áo trong ngắn hơn áo ngoài, áo trong màu trắng, áo ngoài màu chàm nhưng cùng một kiểu dáng đó là loại áo tứ thân, cổ cao, nẹp trơn không có khuy, bên trong nẹp đáp thêm vải màu trắng để khi mặc lộ ra ngoài. Cách mặc cũng có sự phân biệt giữa tuổi tác, người trẻ mặc áo vạt bên phải vắt phủ lên vạt áo bên trái, sau khi mặc chiếc nẹp bên trong được lộn ra, tạo thành đường chéo nhau từ cổ xuống ngực. Người già mặc áo vạt trái vắt phủ lên vạt bên phải rồi dùng thắt lưng hoa lý, tím hay đỏ thắt lại. Chiếc váy của phụ nữ Sán Dìu rất độc đáo, váy chỉ là 2, 3, 4, hay 5, 6 mảnh vải được đính trên một xà cạp, tạo cho mảnh nọ chờm trên mảnh kia khoảng 10 đến 15 cm. Do vậy, váy nhiều mảnh này có cái tên rất thú vị mang tên váy lá (xệch khun). Xà cạp (kiọc sen) bằng vải màu đen hoặc màu chàm.

Đồ trang sức của đồng bào gồm vòng kiềng, khuyên tai, nhẫn được làm bằng bạc. Đặc biệt phụ nữ Sán Dìu có chiếc túi trầu (loi thoi), hình múi bưởi, được may và thêu thùa rất công phu.

 

Trang phục thường ngày

- Phương tiện giao thông

Người Sán Dìu chủ yếu là đi bộ, bên cạnh đó đồng bào có chiếc xe quệt. Có thể nói đây là chiếc xe vạn năng, nó đã giải phóng khá lớn sức lao động, đặc biệt là gồng gánh. Chiếc xe quệt do trâu kéo, có thể đi trên mọi địa hình trên rừng, xuống đồng... Kết cấu của xe rất đơn giản, cũng giống như chiếc “xe bò”, có càng, có thùng, nhưng điều đặc biệt ở xe quệt là không có bánh, mà chỉ có hai cái càng nâng một cái khung lết trên mặt đất, xe quệt gần giống xe trượt tuyết ở phương Tây. Cùng với xe quệt đồng bào còn sử dụng trâu, bò để chuyên trở các nông sản và các lâm thổ sản về nhà.

Văn hoá tinh thần

- Tín ngưỡng

Tín ngưỡng của đồng bào Sán Dìu rất phong phú. Với thế giới quan đầy sinh động, đồng bào tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, tam giáo đồng nguyên (Nho - Phật - Đạo)... Đồng bào quan niệm rằng: Con người có hai phần đó là linh hồn và thể xác. Thể xác là cái tạm thời, khi chết thể xác mất đi, chỉ có linh hồn tồn tại vĩnh cửu. Do vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được đồng bào coi trọng hàng đầu.

Ngoài thờ cúng tổ tiên ra, người Sán Dìu còn thờ thần cửa, thổ công, vua bếp. Đây là những vị thần bảo hộ, không cho các ma quỷ vào trong nhà, phù trợ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ. Những gia đình có con nhỏ hay người trong thời kỳ sinh nở đều có bàn thờ mụ (Pha công, pha mủ).

Đồng bào Sán Dìu có khái niệm “cúi” (ma). Khái niệm này dùng để chỉ chung các thần, thánh, tổ tiên và ma quỷ dữ, nhưng cũng có sự phân biệt rõ ma lành (hén cúi) là thần thánh, Phật, tổ tiên... và ma dữ (thoọc cúi) là cô hồn, người chết không nơi thờ phụng.

Những người làm thầy cúng thờ Phật Quán Thế Âm, thờ Tam Thanh và thờ tổ sư. Bàn thờ Phật và bàn thờ Tam Thanh được đặt một nơi riêng nhưng phải cao hơn bàn thờ tổ tiên, còn bàn thờ tổ sư được đặt ngang hàng với bàn thờ tổ tiên.

Ở người Sán Dìu có sự dung hợp của Tam giáo (Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo). Đồng bào tin vào thuyết luôn hồi, thuyết nhân - quả, thuyết định mệnh... của giáo lý nhà Phật. Những người làm thầy cúng theo phái Mật tông, sử dụng những phép thuật huyền bí để cúng bái, làm phép, chữa bệnh...

Lễ tạ nhà

  - Lễ tết - lễ hội

Các ngày lễ tết được phân bố theo thời gian trong năm. Do vậy, hầu như tháng nào đồng bào cũng có tết như: Tết Nguyên Đán (Sin nén chẹt phoi); Tết Thanh minh (Sênh mếnh chẹt phoi); Tết mùng 5 tháng 5 (Lống són chẹt phoi); Tết rằm tháng 7 (Mộc nén ka chẹt); Tết cơm mới (Sệch sin phan); Tết Đông chí (Đông chi chẹt phoi); Tết Tất niên (Khiu nén chẹt phoi).

Lễ hội lớn nhất của người Sán Dìu là lễ hội Đại phan (Thai phan). Đây là hệ thống các nghi lễ như: Lễ dựng vương đàn, ngũ nhạc lầu, lễ nhập phướn, lễ chém thảo chiều, ngũ đại thiên vương chạy đàn, lễ leo gươm, lễ cấp sắc, lễ giải oan hồn, hát soọng cô... Lễ hội được tổ chức từ 5 đến 7 ngày với sự hiện diện của các vị thầy cúng cao tay cùng sự tham gia của hàng nghìn người dân. Ngoài lễ Đại phan còn có nhiều lễ hội khác như: lễ thượng điền, lễ hạ điền, các lễ ở đình làng, hội xuân...

 

Lễ Đại phan

- Văn nghệ dân gian

Người Sán Dìu có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú, được thể hiện ở các lĩnh vực:

Về diễn xướng: có hát đối đáp giao duyên Soọng cô, các bài cúng tế của các thầy cúng, nhạc khí có tù và (ngói cọc), sáo, thanh la, trống da...

Về vũ: Chỉ dùng trong các bài cúng tế dùng trong lễ Đại phan, ma chay, cúng giải hạn...

Về hội họa: Có một số người biết chủ yếu để sao chép tranh thờ, tranh cúng, khắc những con dấu, ấn tín của thầy.      

Về văn học: Lĩnh vực này khá phát triển trong nhân dân lao động, với loại hình văn học dân gian chủ yếu là thơ ca ứng tác và truyền khẩu. Bên cạnh thơ ca còn có ca dao, tục ngữ, câu đố cũng rất phong phú được đồng bào đúc rút từ kinh nghiệm trong đời sống. Đồng bào cũng có nhiều truyện thơ đặc sắc phải kể đến như: Dựng đất mở trời (Hoi then dịp thi), Vua cóc ở Man Cay Coóc, Slún nghi, Món lóng...

Trò chơi dân gian đánh cầu lông (tả khìu), đánh khăng, đánh quay, đuổi gà vào chuồng, đuổi chó vào cũi, kéo co, cà kheo... 

 

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật

-  Tri thức bản địa

Trong cuộc sống, người Sán Dìu tích lũy được nhiều tri thức bản địa vô cùng quý giá và đặc sắc như:Tri thức bản địa về nông nghiệp dự báo thời tiết (Măng mọc tháng chín âm lịch, nếu nó mọc tới suốt đỉnh ngọn thì sẽ có mưa to gió lớn. Rừng cây bồ đề bị gió đổ, lá trắng phau sắp có cơn dông lớn...);tri thức bản địa về y học (Tết Đoan ngọ lấy các cây thảo dược làm thuốc, khi bị mụn mủ lấy búp táo non giã nhuyễn đắp lên mụn, cảm béo xề lấy củ ráy đánh, trẻ bị mở khoá đầu hay người lớn bị đau đầu dùng lá ngải đốt vào các huyệt, bị viêm tai đốt viên ngải thổi vào tai là khỏi…) và các lĩnh vực tri thức khác.

 

( Đón đọc phần III. Dân tộc Tày ở Quảng Ninh)

 

CTV Trần Quốc Hùng (Thạc sỹ Dân tộc học)

Từ khóa » Dân Tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh