Quảng Ninh Bảo Tồn Và Phát Huy Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc.
Tỉnh Quảng Ninh xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS là một vấn đề cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa, bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách, chênh lệch mức sống giữa vùng DTTS với các vùng miền khác của tỉnh. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa các dân tộc thiểu số, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành văn hóa và các địa phương tích cực triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị một số Làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng miền, cộng đồng, dân tộc (Ảnh: baoquangninh.com.vn) |
Tại Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã xác định nghiên cứu để phát huy các giá trị đặc sắc về văn hóa các dân tộc, văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân mỏ, sự giao thoa văn hóa của nền văn minh sông Hồng hình thành văn hóa và con người Quảng Ninh; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tiếp tục nhấn mạnh phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... là một trong số bốn nhiệm vụ trọng tâm và một trong ba khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương tích cực thực hiện khảo cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian đến phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống... Đến nay, trong số trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê có nhiều di sản của đồng bào DTTS. Đặc biệt, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc, nhiều môn như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng cơ chế, chính sách về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc.
Không chỉ các lễ hội quy mô như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Bạch Đằng, nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang ngày càng được tổ chức hướng đến là một sản phẩm du lịch như các ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ. Mấy năm gần đây, các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên), ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở Bình Liêu, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được duy trì tổ chức, chú trọng nhiều đến khai thác du lịch. Những trận đá bóng của các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu đã trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch độc đáo không đâu có ở Việt Nam.
Đối với hệ thống di sản văn hóa vật thể ở vùng DTTS, tỉnh tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh; bảo tồn bản, làng truyền thống thông qua việc xây dựng làng/bản văn hóa của dân tộc Tày, Sán Chỉ (Bình Liêu), dân tộc Dao (Hạ Long, Tiên Yên, Móng Cái)... Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất truyền thống; nhạc cụ, khí cụ... đang còn lưu giữ, sử dụng trong sinh hoạt thường ngày.
Công tác bảo tồn văn hoá các DTTS không chỉ phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống mà còn tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các DTTS. Đến nay, 100% các thôn vùng DTTS có nhà văn hóa, 50% các xã có Nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao.
Ngoài ra, việc khai thác hiệu quả các giá trị bản sắc văn hóa vùng DTTS đã và đang trở thành yếu tố quan trọng phục vụ phát triển du lịch được các địa phương tích cực đẩy mạnh. Việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo gắn với trải nghiệm văn hóa tại các lễ hội truyền thống, các bản làng văn hóa DTTS đã thu hút ngày càng nhiều du khách. Từ đây, đã từng bước mang lại thu nhập, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiêu biểu là thực hiện thành công Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 196) trước 1 năm so với kế hoạch.
Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nguồn kinh phí dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng, cùng nhiều chính sách đặc thù khác dành cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...
Những nghị quyết, chính sách phù hợp đã và đang mở ra những bước phát triển mới, nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo điều kiện người dân tích cực tham gia cùng các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống.
Thực hiện đột phá của nhiệm kỳ 2020- 2025 theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh,” Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số giải pháp, đó là:
Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng. Giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Tỉnh chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một.
Tỉnh xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình cụ thể và phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch.
Quảng Ninh xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án về phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh, giai đoạn 2020-2025.
Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng, đảm bảo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.
Từ khóa » Dân Tộc Sán Chỉ ở Quảng Ninh
-
Nét đẹp Văn Hoá Truyền Thống Dân Tộc Sán Chỉ - Báo Quảng Ninh
-
Phụ Nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu - Báo Quảng Ninh điện Tử
-
Người Sán Chỉ Bảo Tồn Văn Hóa Dân Tộc
-
Nét đẹp Văn Hóa Dân Tộc Sán Chỉ | QTV - YouTube
-
Về Quảng Ninh Xem Các Cô Gái Dân Tộc Sán Chỉ Mặc Váy, Vấn Khăn ...
-
Vài Nét Về Dân Tộc Sán Chỉ
-
Nét đẹp Văn Hoá Truyền Thống Dân Tộc Sán Chỉ
-
Dân Tộc Thiểu Số ở Quảng Ninh
-
Người Sán Chay – Wikipedia Tiếng Việt
-
Người Sán Dìu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Công Tác Bảo Toàn Và Phát Triển Văn Hóa Của Dân Tộc Thiểu Số Trên ...
-
“Kho Báu Sống” Của Dân Tộc Sán Chỉ - Báo Biên Phòng
-
Quảng Ninh: Nâng Cao đời Sống Văn Hóa Vùng Dân Tộc Thiểu Số