Dân Trí Việt Nam Cao Hay Thấp? - VietNamNet

Chúng ta đang nói nhiều đến “dân trí”, và “dân trí thấp” được cho là nguyên nhân của nhiều vấn đề trong đời sống hiện nay của đất nước.

Israel được xếp hạng thứ tư thế giới về trình độ dân trí Cách tốt nhất để đối xử với trí thức

"Dân trí" là gì?

Nếu định nghĩa thuần túy về ngữ nghĩa thì "trí" vốn là một từ gốc Hán, có nghĩa chỉ khả năng nhận thức, suy đoán, ghi nhớ... thuộc phần trí tuệ gắn liền với mỗi người. Theo đó, "dân trí" là khái niệm chỉ chung về trình độ nhận thức hay mặt bằng văn hóa chung của một cộng đồng hay nhóm dân cư ở một phạm vi nhất định.

Theo quan niệm truyền thống, “dân trí” là trình độ văn hóa chung của xã hội, hoặc đơn giản hơn là trình độ học vấn trung bình của người dân…

Xét về mặt “chất” thì “dân trí” là sự hiểu biết và là ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân và từ đó là lợi ích có thể mong đợi được khi thực thi quyền và trách nhiệm đó.

Và giá trị của dân trí còn nằm ở mức độ quan tâm của người dân trước các vấn đề xã hội, mức độ dấn thân (muốn làm, dám làm) và khả năng hành xử trách nhiệm dân chủ của mình một cách có hiệu quả.

Cao hay thấp?

Có thể đưa ra những thống kê sau:

Tháng 9/2013, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, tỉ lệ đi học đúng độ tuổi ở THCS là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT hoặc tương đương. Tỉ lệ sinh viên/ 10.000 dân vào khoảng 256.

Trước đó, vào năm 2003, cả nước mới có khoảng 768.000 sinh viên, đạt tỉ lệ 118 sinh viên/10.000 dân, chiếm tỉ lệ 4% trong độ tuổi thanh niên, tăng 25% so với năm 1998. Như vậy, từ năm 2003 đến 2013 và nhìn đến 2020, đã có một sự phát triển vượt bậc về tỉ lệ sinh viên trên số dân.

Xét về tiêu chí giáo dục, Việt Nam đã phổ cập bậc tiểu học và đang tiến hành phổ cập trung học cơ sở. Tính đến năm 2014, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 98,25%, trong đó: Số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 35 chiếm tỷ lệ 99,12%; số người biết chữ trong độ tuổi từ 36 - 60 chiếm tỷ lệ 97,34%.

Từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm có 1.628 GS và 9.469 PGS (trong số đó nhiều người đã mất và về hưu).

Việt Nam có hơn 100 nghìn thạc sĩ, hơn 24 nghìn tiến sĩ.

Theo số liệu thống kê năm học 2013 - 2014, Việt Nam có 214 trường cao đẳng, 214 trường đại học, với gần 600 nghìn sinh viên cao đẳng và hơn 1,46 triệu sinh viên đại học. Số giảng viên ĐH là gần 92 nghìn người,, trong đó có 4.155 GS, PGS. Hằng năm có hơn 400.000 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng trong nước.

Về chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI): Năm 2014 Việt Nam đứng thứ 121/187 quốc gia.

Đây là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI của Việt Nam đã tăng 41% trong vòng hai thập kỷ qua. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 127/187 quốc gia.

HDI được đánh giá qua 3 tiêu chí: Sức khỏe (đo bằng tuổi thọ trung bình); tri thức (đo bằng tỉ lệ số người lớn biết chữ và tỉ lệ nhập học các cấp giáo dục) và thu nhập (mức sống đo bằng GDP bình quân đầu người). Từ năm 2008, HDI được tính lại theo phương pháp mới (thay các chỉ số về tri thức bằng số năm đi học bình quân và kỳ vọng số năm đi học; thay đổi về chỉ số thu nhập GDP bằng GNI (tổng thu nhập quốc gia).

Trong đó, chỉ số tri thức (giáo dục), được biểu hiện qua 2 chỉ số chi tiết, đó là số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình. Số năm đi học kỳ vọng của Việt Nam đã tăng từ 7,8 năm vào năm 1990 lên 10,4 năm vào năm 2011 (vẫn thấp hơn mức 11,7 năm bình quân ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương).

Còn số năm đi học trung bình của Việt Nam đã tăng từ 4 năm (năm 1990) lên 5,5 năm năm 2011 (vẫn thấp hơn mức 7,2 năm của Đông Á Thái Bình Dương)...

Những dữ liệu trên đây cho thấy, xét về lượng, dân trí Việt Nam khá tốt.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, “”Dân trí” bao gồm trình độ học vấn nhưng yếu tố quan trọng nhất lại là ý thức công dân. Dân trí không chỉ giới hạn trong đội ngũ trí thức mà bao gồm tất cả các giới trong xã hội như công nhân, thợ thuyền, nông dân. Chúng ta chuyển từ xã hội thần dân - là những người tuân phục - đến xã hội công dân - là những người biết, có ý thức và trách nhiệm của mình trước đất nước”.

Vậy thì, trọng tâm của vấn đề dân trí hiện nay chính là ý thức về quyền và trách nhiệm của người dân. Nâng cao nhận thức về tự do dân chủ, hiểu biết về quyền công dân, quyền con người, nâng cao mức độ quan tâm của người dân trước các vấn đề xã hội, động viên, thu hút được sự dấn thân đông đảo của trí thức, doanh nhân, là những yếu tố cốt lõi để nâng cao dân trí.

Ngân Anh (tổng hợp)

Từ khóa » Trình độ Học Vấn Của Người Việt Nam Hiện Nay