Dân Và Đảng Trong Thơ Tố Hữu - Báo Tây Ninh Online

Anh chị em ơi!

Ba mươi năm đời ta có Đảng

Hôm nay ôn lại quãng đường dài...

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm...

Nhà thơ Tố Hữu

Đây là những câu thơ đầu tiên trong bài thơ dài của Tố Hữu: “Ba mươi năm đời ta có Đảng” ông viết năm 1960 trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng.

Mặc dù thơ Tố Hữu rất đa dạng, phong phú với nhiều loại đề tài về Đảng, về Bác Hồ, về nhân dân với tình yêu nước, yêu người thấm đẫm; song khi nhắc đến thơ ông, bài thơ này vẫn cứ sáng lên bởi vẻ đẹp chân phương mộc mạc; bởi sự gần gũi với hồn thơ dân tộc. Bài thơ như một pho sử viết về sự ra đời và đấu tranh cách mạng của Đảng. Do yếu tố lịch sử, bài thơ cũng chỉ mới khái quát từ khi Đảng khai sinh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Pho sử ấy đã khái quát cả một thời đoạn dài nước mất trong tay các thế lực phong kiến, đế quốc. Đấy là: “Thuở nô lệ dân ta mất nước/ Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao!”. Ở một thời đoạn gần hơn, dưới ách thực dân Pháp, những hình ảnh đau thương hiện lên thật rõ ràng và xa xót: “Xóm làng ta xơ xác héo hon/ Nửa đêm thuế thúc trống dồn/ Sân đình máu chảy đường thôn lính đầy/ Cha trốn ra Hòn Gai cuốc mỏ/ Anh chạy vào đất đỏ làm phu... Kiếp người cơm vãi cơm rơi/ Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi…”.

Có lẽ vì thế mà tác giả đã không kìm nén nổi khi viết về sự kiện Đảng ra đời bằng một tiếng reo vui: “Lần đêm bước đến khi hừng sáng/ Mặt trời lên cờ Đảng giương cao!”. Từ đây, tác giả cũng đã khái quát bằng các hình ảnh rất đẹp, lớn lao và chính xác về quá trình 30 năm đấu tranh và lãnh đạo nhân dân: “Đảng ta đó, trăm tay nghìn mắt/ Đảng ta đây xương sắt da đồng/ Đảng ta muôn vạn công nông/ Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin/ Đảng ta Mác-Lênin vĩ đại/ Đã hồi sinh trả lại cho ta/ Trời cao đất rộng bao la/ Bát cơm tấm áo, hương hoa hồn người…”.

Dung lượng lớn của bài thơ sau đoạn trích trên đây, chính là lịch sử đấu tranh 30 năm của Đảng. Kể từ “Trống Xô Viết Nghệ An vang động” rồi “Chống phát xít cường quyền hiếu chiến” để tiến tới ngày 2.9.1945: “Mùa thu cách mạng thành công/ Mùa thu đây, hỡi cờ hồng vàng sao”. Chẳng bao lâu sau, đất nước lại bước vào kháng chiến 9 năm: “Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn”. Viết về giai đoạn này, có đoạn tác giả như bồi hồi suy tưởng: “Chín năm nắng núi mưa ngàn/ Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau”.

Sau chiến thắng Điện Biên “Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!” đất nước đã có hoà bình trên miền Bắc. Nhưng còn một nửa- miền Nam: “Nửa mình còn trong lửa nước sôi/ Một thân không thể chia đôi/ Lửa gươm không thể cắt rời núi sông”. Chính ở đoạn thơ rất “tâm tư” này, nhiều câu thơ đã được các thế hệ cách mạng thuộc lòng và xem như chân lý. Đấy là: “Máu kêu trả máu đầu van trả đầu!/ Miền Nam đi trước về sau/ Con đường Cách mạng dài lâu đã từng/ Đuốc đã mọc thành rừng gỗ cứng/ Gió càng lay càng dựng thành đồng/ Trăm sông về một biển Đông/ Bắc Nam lại sẽ về trong một nhà!”.

Như một bản trường ca về Đảng, Tố Hữu không quên để có được chiến thắng vĩ đại này, không thể không nhắc tới những tấm gương quả cảm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Nhớ những anh chị mất trên đường/ Tù lao máy chém, chiến trường/ Dẫu tan nát thịt còn vương vấn hồn/ Chết nằm xuống còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn quên đau/ Chết còn cởi áo trao nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng….”. Ông cũng không quên công lao của nhân dân vĩ đại, những “bà má Hậu Giang, mẹ Suốt, mẹ Tơm, bà Bủ, bà Bầm…” ở mọi miền Tổ quốc: “Ta nhớ người đau khổ nuôi ta/ Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con/ Nghèo rau cháo từng lon gạo bữa/ Dành cho ta chút sữa cầm hơi/ Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta...”. Phần kết bài thơ, những tâm tình yêu quý trân trọng nhất của nhà thơ là dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng sự nghiệp của Đảng: “Ba mươi năm bước đường qua/ Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân nước Việt Nam ta/ Bạc phơ mái tóc người cha/ Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”. Cũng là dễ hiểu rằng sau này khi Bác mất, chính Tố Hữu là nhà thơ viết về Bác đặc biệt hay và xúc động trong các bài: Bác ơiTheo chân Bác.

Chính là nhờ vào “Lòng dân yêu Đảng như là yêu con” như Tố Hữu nhận thức và viết trong bài “Ba mươi năm đời ta có Đảng” mà chúng ta phát hiện ra một đặc điểm lớn trong thơ Tố Hữu. Đấy là lòng biết ơn sâu sắc với nhân dân. Tiếng thơ không còn một giọng cảm thông, bi luỵ như trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi ông viết đến những phận đời nghèo khổ như chị vú em, cô gái sông Hương hoặc em bé bán bánh bột lọc… nữa. Nhân dân trong thơ Tố Hữu sau này đã có các chân dung cao đẹp như những tượng đài. Như mẹ Tơm “Buồng Mẹ, buồng tim giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa làng bên động/ Bóng Mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn”. Ngay cả khi mẹ đã mất rồi, thì mẹ vẫn “Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời…”. Như mẹ Suốt: “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bên sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày/ Sợ chi sóng gió tàu bay/ Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua…”.

Chiếc ba lô còn lại của nhà thơ

Vô vàn hình ảnh cao đẹp của nhân dân có trong thơ Tố Hữu. Những bà Bủ, bà Bầm, bà má hay cô gái Bắc Giang phá đường cản địch, cô dân quân bắt sống phi công Mỹ... Nhưng trên những nẻo đường công tác, có cả những người không biết mặt biết tên trong thơ Tố Hữu vẫn cứ sáng ngời lên. Để ông lại tiếp tục suy nghĩ về những tình cảm cao đẹp mà Đảng đã dày công hun đúc. Trong bài Những ngọn đèn, đoạn cuối là: “Ôi biết bao tình, bạn nhớ không?/ Ngọn đèn đồng chí giữa cơn dông/ Tôi không rõ mặt người em ấy/ Chỉ thấy trong đêm một bóng hồng…”.

Thật khó tìm được một hình tượng nghệ thuật nào lại tuyệt vời như thế; khi viết về tình đồng chí, tình người trong một đêm chiến tranh (22.10.1965). Đây là cả một hồn thơ núi sông tích tụ trong tâm hồn một nhà thơ Cộng sản.

N.Q.V

Từ khóa » Phấn Tích Bài Thơ 30 Năm đời Ta Có đảng