Đằng Sau Những đồng Tiền âm Phủ - Báo Sức Khỏe & Đời Sống
Có thể bạn quan tâm
Thực ra trong đời sống dân sinh, ai cũng nhìn ra sự tốn kém và vô ích của việc đốt quá nhiều vàng mã, nhưng ở góc khuất của ý thức lại nhắc nhở rằng chớ có coi thường cõi âm. Thế là nhiều người lại tặc lưỡi thôi thì có thờ có thiêng và lại mua vàng mã về đốt cho yên tâm.
Phố - làng vàng mã
Phải nói chưa bao giờ tục mê tín dị đoan lại bừng lên như ngọn núi lửa hiện nay. Cội nguồn của câu chuyện chính là sự bế tắc về tâm lý, phần nào nữa là sự ham muốn và mơ những điều không có thực, thể hiện tham vọng cá nhân. Có người nói thẳng thừng rằng, từ xa xưa, đời sống tâm linh đã luôn gắn với cuộc sống thường nhật. Tựa như đêm đến là sống trong mộng, cùng những giấc mơ về những điều không thành hiện thực trong ngày. Đó là sự bù đắp về tinh thần và sự cân bằng trong cuộc sống. Và họ dẫn tới chuyện cần phải hy vọng và cầu xin các bậc Thánh, Chúa, Phật những điều mình ước vọng. Để chứng tỏ tấm lòng thành họ sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua vàng mã cúng mang ý nghĩa trao đổi cái giả thành cái thật trong cuộc sống của mình. Nghe tưởng chừng có lý. Một bà đồng nổi tiếng ở làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội khẳng định, chính vì thế đâu đâu cũng có người làm vàng mã. Bà còn nói, phố Hàng Mã được hình thành với 36 phố phường Hà Thành xưa như một yêu cầu quan trọng nhất, ngoài miếng cơm manh áo. Bởi đó chính cái chợ âm phủ và được coi là điểm tựa tâm linh cho bàn dân thiên hạ tại chốn kinh kỳ này.
Làm vàng mã ở Phúc Am (Thường Tín - Hà Nội).
Điều kỳ lạ, đời sống mỗi ngày một khá giả về vật chất, thì người ta lại càng thêm tin những điều hoang tưởng. Họ cầu xin thần thánh cho họ được vinh hoa phú quý hơn nữa, trong khi đã thừa mứa sự
hoang phí và đầy ắp những âm mưu thủ đoạn, ăn cắp và tham nhũng. Nguyễn Văn Bình, chủ một doanh nghiệp sản xuất vàng mã ở làng Hồ, xã Song Hồ (Bắc Ninh) nói, có các đại gia nhà đất, chứng khoán đặt hàng đủ mọi thể loại đem đốt gửi xuống âm phủ để cầu tài cầu lộc. Nhiều đơn hàng lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Gia đình anh Ngọc làm vàng mã ở làng Phúc Am, xã Duyên Thái cho biết, mới đây một doanh nghiệp ở Hải Dương đặt 120 triệu đồng để làm vàng mã cúng đầu năm. Họ phải thuê 10 chuyến ôtô mới chở hết số hàng mang về đốt ở một phủ nọ. Anh còn nói, giờ có doanh nghiệp bỏ tiền tỷ vào chuyện cúng lễ là chuyện thường. Rồi anh kể mình đang làm chiếc “Đèn Cầu” cho một công ty, với giá 18 triệu đồng, phải bàn giao trước Tết. Nghe nói đó là lễ tế cho một nơi họ cầu cạnh trong làm ăn. Đó chính là không khí cuối năm hay vào những ngày lễ Tết, nhiều doanh nghiệp, công ty phải cúng lễ, giải hạn hay vay Thánh, trả Chúa để cầu mong làm ăn phát đạt, giàu có hơn.
Cùng với đó, trong sinh hoạt đời sống, không ít người như bị bùa mê thuốc lú trong sính lễ cho người ở cõi âm. Họ coi đó là phép thuật sẽ biến những điều ước trở thành hiện thực. Lòng tham càng lớn bao giờ cũng thể hiện ở độ dâng lễ càng cồng kềnh, càng có giá trị. Người người đổ về các trung tâm vàng mã đặt hàng và mua sắm đủ thứ với quan niệm “trần sao âm vậy”. Phải có lòng thành mới có lộc và được người chết phù hộ. Anh Bình ở Song Hồ tâm sự, trước kia làng chỉ làm các mẫu như giấy tiền, giấy đinh, nón lá, guốc mộc, khăn đóng, áo dài... nhưng hiện nay họ phải chiều theo yêu cầu của khách làm những đơn hàng rất “phê” và khó. Đó là các loại xe hơi, nhà cao tầng, xe máy, Iphon, Ipad...Anh kể, có một quan chức đến đặt làm 2 chiếc xe BMW, 5 chiếc Iphone 7, 5 nhà cao tầng, bên cạnh đó còn tiền vàng, quần áo có giá trị vài chục triệu đồng. Làm xong nhà hàng phải bí mật đưa đến nơi họ lễ, sau đó đốt để thể hiện lòng thành và cầu xin phúc lộc quanh năm. Có người còn mê tín đến ngớ ngẩn rằng, cứ làm việc bất chính đi cũng không sao, miễn đốt nhiều vàng mã, chăm chút người cõi âm thật tốt thì sẽ được cứu thoát.
Theo thống kê, có từ 90 - 100% người dân các làng như Song Hồ (Bắc Ninh), Phúc Am, Duyên Trường, Văn Hội (Hà Nội) tham gia sản xuất vàng mã. Đây là những nơi cung cấp vàng mã cho hầu hết các tỉnh miền Bắc, miền Nam. Thậm chí có hộ hàng năm còn sản xuất đơn hàng đưa đi Đài Loan. Nếu ai có dịp vào làng Song Hồ, sẽ thấy choáng ngợp, các cửa hàng lớn, các công ty sản xuất vàng mã mọc lên như phố. Thậm chí xã còn dành vài vạn mét vuông đất quy hoạch cho dân sản xuất hàng vàng mã. Một khu đại công trường vàng mã hình thành. Người sản xuất có lý lẽ rằng, họ làm theo yêu cầu của khách hàng, đặt gì làm nấy. Có người hài hước rằng, càng làm nhiều nhà cao tầng hay ôtô bằng giấy cho người ta, thì họ lại càng xây được nhiều nhà thật cho chính mình và có ôtô thật để đi dạo chơi trong làng. Đó là sự thật hiển nhiên, vì lãi suất trong sản xuất vàng mã khá cao. Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm Tết đến, mùa lễ hội, rằm tháng 7...các hộ sản xuất vàng mã phải thức trắng đêm làm không hết việc. Phố làng rầm rập đoàn xe xếp hàng nối đuôi nhau khuân hàng.
Tất cả chỉ là tro bụi
Đúng như vậy, khi tất cả những đồ vàng mã đắt tiền được đem đốt, người ở cõi âm đâu được nhận. Con người tự huyễn hoặc và hỉ hả với đống hắc khí của mình. Họ ngồi chờ tài lộc sẽ đến. Tất cả đều nhầm lẫn và mê tín. Lời của Phật răn dạy từ ngàn năm nay mà mấy ai thấu hiểu. Đến chùa với lòng thành của sự sám hối, mong giải thoát tham, sân, si trong con người mình. Nhà chùa không thể ban phát gì cho ai. Càng không có tài lộc gì cho con người, mà chỉ hướng con người tới những điều thiện, tránh những mê muội. Nhà chùa chỉ có mục đích giúp người tỉnh ngộ, khi có sự sám hối tự thân, loại trừ dần những tham, sân, si nảy sinh hàng ngày. Tu là vậy. Tam độc (tham, sân, si) là cội nguồn đau khổ của chúng sinh, hãy tống khứ chúng đi, đó chính là căn bản của tu hành. Vậy nên việc đốt vàng mã không hề có giá trị gì trong cõi tâm linh.
Đốt quá nhiều vàng mã gây tốn kém và ô nhiễm môi trường.
Về câu chuyện này, Thượng tọa Thích Đức Thiện,Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh trong ngày Lễ Vu lan rằng, “Ngày Lễ Vu lan nhắc nhở mỗi người nên ghi nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đó chính là dịp giúp chúng ta tiếp cận ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của triết lý Phật giáo, đó là “Từ-Bi-Hỉ-Xả”, “Uống nước nhớ nguồn”... Vậy nên con người muốn báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì phải phát tâm từ thiện, có lòng vị tha, biết chăm lo những người xung quanh. Ông còn nhấn mạnh, tục đốt vàng mã quá nhiều trong ngày rằm tháng Bảy làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của Lễ Vu lan. Thầy Minh, trụ trì chùa Hiếu ở Đan Phượng, cũng cho biết, Phật giáo không khuyên mọi người phải đốt vàng mã để báo hiếu, vì khi đốt những thứ này thành tro, người âm sẽ không nhận được. Hơn nữa, việc đốt vàng mã còn gây độc hại cho môi trường và lãng phí. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm người dân chi phí cho tục đốt vàng mã lên tới 400 tỷ đồng. Đó là những đống tro tàn của sự mê tín cùng với nguồn độc hại trong cõi tâm linh.
Ngay cả những phủ, điện, đền... thờ các bậc thánh hiền cũng đâu có việc dẫn dắt các con nhang đệ tử phải đốt hàng núi vàng mã như hiện nay. Các ngài luôn răn dạy con người phải giúp đỡ, thương yêu nhau, cùng làm những việc nhân đức. Hầu hết trong những giá đồng đều khích lệ con người lao động yêu cuộc sống, đoàn kết chống lại ma quỷ, giặc giã và chia sẻ cộng đồng tích đức cho con cháu. Không ai không nhớ đến những câu ca trong giá đồng “Ông Hoàng Mười”, mỗi khi đến đền, phủ rằng: “Hờ... hơ chứ đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt. Tiếng ông Mười còn lẫm liệt ngàn xưa. Hoàng vung gươm lên ngựa đề cờ, ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam... cùng đền ngọc đêm ngày khói hương. Hờ... hơ chứ Hoàng về dâng tiễn tuần hương. Mà khấu đầu vọng bái mười phương... mười phương xin độ trì...”. Trong tất cả những bài tế lễ của các giá đồng bao giờ cũng rõ ràng chứ không mù mờ, viển vông đưa con người đến chốn u mê. Chính con người tự mình dẫn đến những mê tín và hoang tưởng. Tín ngưỡng bị lợi dụng, tha hóa sa lầy vào tệ nạn của con người.
Sự thành tâm
Ai cũng biết trong Di Giáo Phật dạy: “... Xem tướng lành dữ, trong xem sao hạn, xem xét thịnh suy, coi ngày đoán số đều không được làm...”. Những người đồng cốt lạm dụng các danh hiệu thánh, những bậc vĩ nhân của thuở xưa để lừa bịp. Những người mê tín thường bị gạt bằng những danh hão hoặc bùa phép tà ma. Họ quỳ mọp để được phong chức, hoặc nhận phép thuật mà không hề hay biết mình đang bị u mê. Các cụ đã dạy trong dân gian: “Tay cầm tiến quý bo bo. Đem cho thầy bói mang lo vào mình”. Phật dạy cốt ở cái Tâm rằng: “Có tâm tốt không tướng tốt. Tướng tốt theo tâm tốt sanh. Có tướng tốt không tâm tốt. Tướng tốt theo tâm xấu mất”. Vậy nên cần phát tâm tốt làm việc tốt thì điều tốt sẽ đến.
Chính vì thế cần phải ý thức được tục đốt giấy tiền vàng mã là việc vô lý, thể hiện sự bế tắc, mù quáng trong tư tưởng con người. Đại sư Thích Nhất Hạnh có câu nói nổi tiếng “Khi đang đi đúng hướng là ta có hạnh phúc”, chỉ có sự chân thành mới tìm ra con đường ấy. Đại sư còn nhấn mạnh: “Ta không cần phải trở thành người khác. Ta đã là một mầu nhiệm của sự sống rồi. Hạnh phúc chỉ có được khi ta có khả năng dừng lại, trân quý giây phút hiện tại và trân quý bản thân mình”. Không có bất cứ hình nhân giấy lộn hay những đồng bạc giả làm nên con người phi thường.
Từ khóa » Hình ảnh đốt Tiền âm Phủ
-
Văn Hóa Sử Dụng Vàng Mã, Tiền âm Phủ
-
# Tiền âm Phủ| Thiên đường Tiền địa Phủ – Tiền Âm Phủ Quyết Vượng
-
Tục đốt Tiền âm Phủ Việt Nam Trên Báo Nước Ngoài - Zing
-
In Tiền âm Phủ Như Tiền Thật, Xử Lý Sao? - Báo Người Lao động
-
Tiền âm Phủ - Tin Tức, Hình ảnh, Video, Bình Luận
-
Tiền âm Phủ - CafeBiz
-
Tiền âm Phủ Thời Polymer | Giác Ngộ Online
-
Đốt Tiền âm Phủ, Vàng Mã Trong Khu Chung Cư Có Bị Xử Phạt Hay ...
-
Lư Hóa Vàng Đại Phát Và Cách Hóa Vàng Vào Lúc Nào, Cách đốt ...
-
Đồ Mã – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đốt Vàng Mã Không Phải Cách Duy Nhất để Thể Hiện Hiếu đạo
-
đốt Tiền âm Phủ - SIU
-
Tiền âm Phủ Cũng "lên đời" Polymer - CAND