Tiền âm Phủ Thời Polymer | Giác Ngộ Online

Ngày mai là giỗ đầu bố chồng, chị Nguyễn Thị Liên, ngụ tại Cầu Giấy, Hà Nội, là con dâu trưởng nên đương nhiên phải lo toan mọi việc. Ngoài chuyện bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, chị không quên ra chợ tìm mua cho đủ các loại tiền vàng, hàng mã để "hóa" cho bố chồng.

"Bà bán cho cháu mấy trăm giấy tiền loại đẹp nhất nhé", chị Liên hối hả gọi người bán hàng. Bà bán hàng nhanh tay chọn lựa rồi dúi vào tay chị một xấp tiền âm phủ với đầy đủ các loại khác nhau.

Chị giật mình nhìn xấp tiền âm phủ trên tay mình, từ họa tiết, màu sắc đến kiểu dáng đều giống tiền thật đến mức nếu ai đó mắt kém có thể đinh ninh đó là tiền thật.

Thấy thái độ ngơ ngác của chị Liên, bà bán hàng cười bảo: "Người ta mới dùng tiền này đó cô ơi. Trần sao âm vậy, mình dùng tiền polymer lâu rồi, các cụ dưới đó cũng phải tiêu loại này chứ".

Chị Liên nhìn sang dãy hàng bên cạnh, những xấp tiền âm phủ nhái tiền thật nằm la liệt trên các kệ hàng, trong tủ kính và cả ở những cái mẹt dưới đất.

Giật mình với tiền âm phủ đời mới

"Tất nhiên, trần sao âm vậy!", đó là câu trả lời "cửa miệng" của hầu hết những chủ hàng vàng mã lớn hay dân buôn bán vàng mã nhỏ lẻ từ chợ Thành Công, chợ Đồng Xuân đến chợ Xanh khi được hỏi.

"Ngày xưa, các cụ mình dùng tiền xu, tiền hào, mình đốt loại đó. Bây giờ dùng tiền polymer cả rồi, vẫn đốt tiền xu các cụ dưới đó tiêu làm sao được, đốt loại này không phải đổi chác gì nhiều", bà Lễ, một tiểu thương bán vàng mã ở chợ Hào Nam, Q. Đống Đa, lý giải.

Theo bà, loại tiền này bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu năm 2009, nhưng chỉ lác đác tại một vài cửa hàng trên phố Hàng Mã.

Tiền âm phủ thời polymer ảnh 1

Bà Lễ kể: "Đợt ấy, tôi lên đó nhập hàng về bán lễ, thấy mấy xấp tiền này nằm vạ vật trên sạp. Tôi giật mình nghĩ sao người ta có thể bất cẩn vứt hàng đống tiền một cách hớ hênh đến vậy. Tôi chạy vào nhắc chủ hàng cẩn thận và ngượng chín mặt khi biết đó là tiền âm phủ".

Cách đây khoảng một năm, thỉnh thoảng người ta lại thấy cảnh thương lái biên giới đem về bán loại tiền âm phủ nhái tiền nhân dân tệ của Trung Quốc.

Tiền được in rất đẹp, chất lượng tốt nên ai cũng trầm trồ khen khi trông thấy. Cũng đã có nhiều người Việt Nam sử dụng loại tiền này. Về sau, nhiều người bảo: "Đốt cho các cụ tiền Trung Quốc, dưới đó tiêu sao được".

Thế là người ta nghĩ đến chuyện làm tiền Việt Nam. Thời buổi công nghệ cao, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, mọi người đã thấy tiền âm phủ polymer Việt Nam ra đời, tràn ngập ở các chợ lớn nhỏ.

Từ khoảng tháng 7-2009, phong trào dùng tiền polymer đốt vàng mã bắt đầu rộ lên. Không lâu sau, nó trở thành một mặt hàng được ưa chuộng nhất trong những đám giỗ chạp, cúng tế, ma chay...

Loại tiền này được in màu rất đẹp, giấy in dày, tốt hơn loại tiền âm phủ thông thường. Nó gồm tất cả sáu loại mệnh giá khác nhau từ 10 nghìn đến 500 nghìn đồng. Những hoạ tiết in trên loại tiền này giống hệt tiền thật từ màu sắc đến kích cỡ, cũng có những hình ảnh như Văn Miếu Quốc Tử Giám, bến Nhà Rồng, giàn khoan... chỉ khác là "cơ quan phát hành" được ghi rõ ràng: ngân hàng địa phủ và có in thêm hình một ông Diêm Vương đội mũ cánh chuồn.

Thế nhưng, nếu để lẫn lộn đâu đó, chắc chắn sẽ có nhiều người giật mình khi nhác trông thấy loại tiền này bởi vì nó giống tiền thật đến 80%.

Nhộn nhịp chuẩn bị hàng Tết

Để tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của loại tiền này, chúng tôi tìm xuống làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề làm vàng mã giấy tiền truyền thống.

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến cho những người làm nghề thủ công này co cụm lại, chỉ còn lác đác vài hộ.

Chúng tôi tìm đến "xưởng in tiền" của chị Đặng Thị Vân ở đầu làng Cót. Xưởng đang hoạt động khẩn trương để kịp đủ hàng cho đợt bán Tết.

Trong khuôn viện rộng chừng 200m2, chiếc máy in cỡ lớn xình xịch chạy suốt ngày đêm. Những cuộn giấy khổng lồ, cao ngất liên tục được dỡ xuống, đưa vào khuôn in. Những tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng nối đuôi nhau ra đời, chưa kịp ráo mực đã được đưa xuống máy cắt.

Quan sát, chúng tôi trông thấy có khoảng mười công nhân thay nhau phụ trách máy in, cắt bản in và bốc dỡ giấy.

Tiền âm phủ thời polymer ảnh 2

Thời điểm cuối năm, những mối buôn nhỏ lẻ cũng tranh thủ ém hàng nên có làm ngày làm đêm cũng không kịp. Cuộc trò chuyện giữa tôi và bà chủ xưởng in liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại gọi hàng. Chị hồ hởi khoe: "Loại tiền âm phủ nhái tiền polymer mới xuất hiện nhưng bán chạy lắm".

Được biết, bản in những tờ tiền xu nhỏ hoặc loại tiền đô-la âm phủ cũ có họa tiết đơn giản nên chị Vân có thể tự làm. Với mẫu tiền âm phủ nhái tiền polymer có nhiều họa tiết phức tạp, giống như thật, chị Vân phải sang Bắc Ninh để đặt làm với chi phí không nhỏ.

Một ngày, trung bình, cơ sở của chị cũng xuất ra thị trường được khoảng 5-6 tạ tiền, tương đương khoảng 10.200.000 tờ tiền.

Chỉ vào chồng tiền âm phủ cao ngất phía trước mặt, tôi tỏ ý thán phục: "Tiền âm phủ mà giống hệt tiền thật, người mắt kém có khi nhầm lẫn cũng nên".

Một thanh niên đứng gần đó đột nhiên quay ngoắt lại, giảng giải: "Giống sao được, tiền này ghi rõ ràng là ngân hàng địa phủ phát hành, nhà sàn Bác Hồ trên tiền thật có hai gian, nhà sàn ở đây có đến ba gian".

Chưa hết, cậu này còn hùng hồn tuyên bố: "Mẫu tiền âm phủ này đã được đăng ký bản quyền rồi anh ơi".

Khó loại bỏ hình thức kinh doanh này

Theo chúng tôi tìm hiểu, hàng chủ yếu xuất ra chợ đầu mối Long Biên. Từ chợ đầu mối này, dân buôn lẻ sẽ đến "ăn" hàng rồi phân phối đi khắp các nơi.

Trước xu hướng dùng tiền âm phủ mới này, anh Công, một nhân viên của công ty bất động sản, cho biết: "Phàm là người Việt, nhà ai cũng có bàn thờ để thờ cúng tổ tiên. Trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp, có ai lại không đốt giấy vàng tiền cho các cụ. Thế nhưng, đốt loại tiền này tôi cứ thấy áy náy thế nào ấy. Vì thế, gia đình tôi vẫn dùng loại tiền âm phủ truyền thống từ ngày xưa".

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao chúng ta không đưa ra một mẫu tiền âm phủ cụ thể và quy định những cơ sở in ấn chỉ được phép in ra những mẫu này? Như thế sẽ không có tình trạng tạp nham như hiện nay.

Tiền âm phủ thời polymer ảnh 3

Thế nhưng, đây là một vấn đề liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, sẽ rất khó để đưa ra một chuẩn mực cụ thể bởi tín ngưỡng của từng người khác nhau. Bản thân người đốt tiền vàng mã nhái tiền thật cũng không vi phạm pháp luật, không thể bắt họ từ bỏ tập tục này được.

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó chủ tịch phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Nghề làm vàng mã giấy tiền đã tồn tại ở địa phương khoảng gần hai trăm năm nay, giải quyết rất nhiều lao động dư thừa trên địa bàn. Thế nhưng, vào những năm bao cấp, kinh tế còn khó khăn, việc đốt vàng mã gây lãng phí rất lớn và nhằm ngăn ngừa những hoạt động mê tín dị đoan nên chính quyền đã tiến hành thu hủy, ngăn cấm hành nghề này.

"Thời gian gần đây, do nhu cầu của thị trường, nghề làm vàng mã giấy tiền phát triển trở lại nhưng không rầm rộ như trước nữa do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, mặt bằng sản xuất bị thu hẹp và hạn chế nhân công. Những cơ sở sản xuất còn tồn tại trên địa bàn thường co cụm thành cơ sở lớn, được trang bị máy in hiện đại, hàng sản xuất ra chủ yếu bán buôn cho địa phương khác".

Nói về những thủ tục cần thiết để hành nghề, ông Quang cho biết: "Những cơ sở hoạt động sản xuất buôn bán này đều đã đăng ký kinh doanh đầy đủ. Tuy nhiên, giấy đăng ký kinh doanh chỉ là đăng ký nghề sản xuất giấy chứ không phải nghề làm giấy tiền vàng mã".

Có sự bất cập trong vấn đề này là do nghề vàng mã giấy tiền vẫn chưa được chính quyền cấp cơ sở và các cơ quan chức năng cấp nhà nước nhìn nhận thỏa đáng. Bằng chứng là nó không được ghi rõ ràng trên giấy phép kinh doanh của các cơ sở sản xuất.

Cho dù loại tiền âm phủ nhái lại tiền polymer Việt Nam đồng với đầy đủ các mệnh giá khác nhau, gây những ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, hoạt động in ấn này vẫn nghiễm nhiên tồn tại.

Chị Vân cho biết: "Chúng tôi chưa thấy ai cấm hay có ý kiến gì cả nên đương nhiên vẫn tiếp tục sản xuất".

Thực tế, ủy ban Nhân dân phường Yên Hòa chưa hề nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo nào từ cơ quan quản lý về hoạt động này. Vì thế, đến nay, việc duy nhất chính quyền sở tại có thể làm là tiến hành công tác phòng chống cháy nổ tại các nhà xưởng, thu thuế theo đầu hóa đơn và quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, lực lượng công nhân từ nơi khác đến làm thuê.

Quan trọng cũng là tấm lòng

Suy cho cùng, đốt tiền vàng mã là một tập tục đền đáp công ơn với người đã khuất. Đã là tập tục chắc chắn sẽ rất khó bỏ, trừ khi có sự đồng thuận của mọi người trong xã hội.

Điều cần thiết là mọi người trước khi đốt vàng mã hãy suy nghĩ thật kỹ xem tác dụng thực của việc đốt vàng mã đến đâu, đốt như thế nào đủ để tỏ lòng thành kính tổ tiên. Chúng ta cũng lưu ý rằng không nhất thiết là tiền nhiều hay ít, đẹp hay tiền xấu, giống thật hay không giống, quan trọng nhất là tấm lòng với người đã khuất.

Từ khóa » Hình ảnh đốt Tiền âm Phủ