Đặng Tính (1): Vị “Tướng” Mang Quân Hàm Tá - Urban Design Sai Gon
Có thể bạn quan tâm
Đại tá – Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Đặng Tính:
Vị “Tướng” mang quân hàm Tá
Vũ Hân vuhanbc@gmail.com
Trong chuyên trang này của chúng tôi, có lẽ đây là vị tướng đầu tiên chỉ mang hàm Đại tá. Ông đã có hầu như tất cả những phần thưởng cao quí nhất trong cuộc đời chiến đấu của mình: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều tài liệu nói rằng, đáng lẽ ra ông cùng với nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là 3 người cùng được phong hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng một đợt. Nhưng cuối cùng ông lại trở thành người duy nhất được phong thẳng Đại tá mà chưa lên hàm lần nào đã hi sinh. Ông là Đại tá Đặng Tính – nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn, người đã nằm lại với Trường Sơn vào năm 1973 tại cao nguyên Bô lô ven.
Sự hi sinh nhiều điềm báo
Đến tận bây giờ, sự hi sinh của Chính ủy Đặng Tính vẫn để lại nhiều nuối tiếc, nhiều câu hỏi giá như. Đó là một sự hi sinh nhiều điềm báo. Người con gái út của ông là Đặng Mai Phương vẫn còn nhớ bà kể, năm đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nhà còn nói đùa với bà rằng chuẩn bị đón ông về, chuyến này Đại tướng vào sẽ mang ông ra cùng họp Quốc hội rồi ở lại nhận công tác ngoài Bắc luôn. Nhiều tài liệu nói rằng ông sẽ nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thế nhưng, cũng do chuyến đó ra công tác là ra luôn, nên ông nằng nặc “phải để tôi thăm lính của tôi đã”. Lần đó, người mẹ gần 90 tuổi của ông đang ốm. Nếu ông thiên vị chuyện riêng trước, vội ra thăm mẹ thì ông đã không hi sinh.
Đó là một điểm chốt ác liệt, rất nhiều bom mìn còn vương lại. Để đảm bảo an toàn, chuyến đi có 3 xe, đi trước là xe dò mìn, rồi đến một xe khác rồi mới đến xe ông. Hai chiếc xe đầu đi qua an toàn, xe của ông chỉ việc đúng vết bánh xe trước mà đi. Thế nhưng một trục trặc nhỏ nào đó đã xảy ra khiến chiếc xe khựng lại một chút rồi mới tiến lên, do đó đi chệch khỏi vệt bánh xe trước một chút. Một tiếng nổ lớn vang lên. Khi mọi người ở 2 xe trước quay lại, cả 6 người trong chiếc xe đó bị văng cả ra ngoài và hi sinh, trong đó có Chính ủy Đặng Tính. Phan Lai Triều – con trai của nhà thơ Chế Lan Viên sau này có kể lại, chuyến công tác đó về thái độ ông rất lạ, không cười khi các con chạy ra đón, chỉ lặng lẽ nắm tay con trai bước vào nhà, vừa đặt ba lô xuống ông đã bật khóc: “Chú Đặng Tính mất rồi”. Đáng lẽ, Chế Lan Viên cũng ngồi trên chiếc xe đó. Tuy nhiên, một sự sắp xếp ngẫu nhiên của định mệnh đã khiến trước đó một đoạn, nhạc sỹ Trịnh Quý đề nghị đổi chỗ với ông để trao đổi thêm với Chính ủy về bài hát đang sáng tác. Hai người đã vô tình đổi mệnh cho nhau.
Gia đình Đại tá Đặng Tính kể lại rằng có rất nhiều điềm báo xấu về cái chết của ông. Hôm đó là 2-3 âm lịch, ngay trước ngày “giết sâu bọ”, lại là ngày chủ nhật, mấy mẹ con đang làm bánh trôi bánh chay. Bỗng dưng thấy cả Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng Không – Không quân đến nhà, thái độ rất lạ, bảo với bà là “Anh Tính không được khỏe, phải nằm viện. Chị cho các cháu ăn cơm sớm rồi vào viện thăm”. Như có một linh cảm gì đấy, bà thảng thốt bảo: “Ông Tính chết rồi!”. Thực ra lúc gia đình nhận được tin đó, ông đã hi sinh được 4 ngày. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên – Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn lúc đó nghe tin ông hi sinh bèn gọi điện cho các đơn vị gần đó cho xác ông vào một thùng đạn, cho trà xanh vào như một cách ướp xác thủ công rồi cho chuyển theo đường rừng ra sân bay Đồng Hới đưa ông về Hà Nội. Ban đầu, đơn vị cũng định báo tin cho gia đình rồi đưa các con ông ra sân bay Gia Lâm đón bố, nhưng khi đến thấy nhà toàn phụ nữ, không ai đủ can đảm để báo cái tin sét đánh đó, chỉ nói rằng ông bệnh. Tuy nhiên, mặc cho mọi người cố giấu, linh tính cho bà biết rằng ông gặp chuyện chẳng lành. Trước đó vài ngày, bà thấy nóng ruột mất ăn mất ngủ. Một số đồng chí cảnh vệ quân chủng thấy bà không ngủ được còn gọi quân y lấy thuốc an thần cho bà. Chưa kể những cái cây ông trồng trong nhà đều có biểu hiện lạ, lá héo rũ. Riêng cây hoa nhài còn nở hoa có sắc đỏ như màu máu. Trước đợt vào Trường Sơn lần này, ông cũng hành xử khác. Những lần trước ra Hà Nội họp hành, ông chỉ tranh thủ tạt qua nhà một lúc thăm mẹ, thăm vợ. Lần này ông nhắn cả con gái mang cháu về gặp. Lúc đó ông mới có 1 cháu ngoại là Trần Quốc Trung, được gần 2 tuổi, đang đi sơ tán tránh bom ở tận Hà Tây. Do còn bận công tác ở đơn vị, người con gái đầu của ông không thể mang con về được, nên ông cũng chỉ kịp gặp vợ, mẹ và 2 người con út. Mọi khi đi ông không bao giờ thích đưa tiễn rườm rà. Ông ra chiến trường cũng như người ta ra đồng một chốc một nhát rồi về thế thôi, nhưng lần đó ông để bà ra tiễn, còn sang chào cả hàng xóm là bà Nguyệt Anh, vợ của Trung tướng Nguyễn Văn Tiên… Với lại, dù không có những “điềm” ấy thì nhìn thái độ của mọi người, gia đình cũng biết. Vợ chồng Thượng tướng Phùng Thế Tài (lúc đó đang là Đại tá, Phó Tổng tham mưu trưởng) đến nhà, vừa nhìn thấy bà, vợ Thượng tướng đã bật khóc. Tất cả những điều đó nói cho bà biết rằng ông đã ra đi. Mẹ ông lúc đó đang ốm, lại già yếu nên cả gia đình và đơn vị quyết định giấu cụ chuyện ông hi sinh. Đám tang vẫn được cử hành ở nhà trên, trong khi cụ nằm ở nhà dưới, không hề biết trên kia người ta đang đưa tiễn người con yêu quí của mình. Lúc đưa linh cữu ông về, gia đình chỉ được nhìn mặt lần cuối qua lớp kính quan tài. Một điều trăn trở với gia đình là không biết ông trúng mìn như vậy có được toàn vẹn hình hài lúc chôn cất hay không. Nhiều năm sau này, người con út Đặng Mai Phương đã tìm gặp nhiều đồng đội của ông, những người đi cùng ông chuyến ấy, những người lo đám tang cho ông và được yên lòng khi biết rằng ông chỉ bị mảnh bom cứa vào đùi quá nặng, mất máu quá nhiều nên hi sinh.
Mọi người cũng kể lại rằng chuyến đó ông không đi trên chiếc xe quen thuộc của mình, lái xe cũng không phải người vốn lái cho ông. Trước đó vài tháng, ông ra Hà Nội công tác và xe bị hỏng, phải để lại chữa, người lái xe cũng ở lại. Với nhiều lãnh đạo khó tính, thời đó nhiều hiểm nguy, nếu không phải xe quen họ nhất định sẽ không đi. Nhưng ông là Đặng Tính – một Chính ủy bình dân như lính, nên không có xe này thì ông đi xe khác. Người cần vụ thân thiết của ông chuyến đó cũng không đi cùng, vì ông bảo “Chuyến này nhiều người đi rồi, chú vừa mới cưới vợ, cứ ở nhà”. Có rất nhiều giá như được đặt ra, giá như ông đừng thương lính quá mà đi chuyến ấy, giá như ông đi trên chiếc xe quen thuộc với người lái xe quen thuộc, giá như chiếc xe đừng trật bánh chỉ vài li… Chỉ một tích tắc thôi, mọi sự đã khác. Nhưng tất cả đã là sự sắp xếp của số mệnh.
Chính ủy “bình dân”
Nếu có một điều gì đó để hình dung về Đại tá Đặng Tính, thì đó là một ngọn lửa tinh nghịch và ấm áp. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng, người đã từng nhiều lần gặp ông ở chiến trường kể lại. Đó là vào những năm ông đang làm Chính ủy bộ đội Trường Sơn, tại một bãi tập kết xe trước giờ xuất kích, cũng là túi bom của chiến trường. Một người lính trung niên đứng nhìn anh lái xe đầu tóc bù xù, miệng ngáp ngắn ngáp dài đang trèo lên võng vẻ ái ngại: “Này anh bạn, đừng ngủ vội. Đầu tóc tốt quá, để mình cắt cho đã”. Anh lái xe mệt mỏi bảo: “Chiến dịch tổng công kích, quay vòng tăng chuyến mệt bã ra đây. Nhưng mà thôi đằng ấy lia hộ tớ vài nhát cho nhẹ cái đầu, chứ thung lũng bom này làm gì có con gái mà làm duyên”. Nói rồi anh bộ đội ngoan ngoãn ngồi lên chiếc hòm đạn cho đồng đội cắt tóc. Sau khi đước liếc dung nhan qua chiếc gương tròn, anh lái xe ngưỡng mộ bảo: “Ông bạn cũng thiện nghệ đấy chứ. Cắt đẹp không thua gì Chính ủy 602”. Người lính hỏi: “Anh bạn được 602 cắt tóc rồi à?” – “Chưa. Nhưng cánh lái xe chúng mình đã có tay được ông ấy cắt tóc cho. Thấy bảo Chính ủy trước ở Quân chủng Phòng không – Không quân, thường được đi với Bác nên học được tính giản dị, thương lính lắm. Mà ôi dào. Có khi trong chiến tranh, người ta cứ dựng lên cho hay, chứ làm quái gì có người như vậy” – anh lái xe chua thêm. Người lính cười bảo: “Thế nhỡ ông ấy là tớ thì sao? Tớ vừa cắt tóc cho cậu đấy thôi”. Anh lái xe cười ngất: “Nói thật nhá. Xem cái tướng ông bạn, cùng lắm làm đến chức tiểu đội trưởng coi kho là cùng”. Rồi 2 người cùng cười. Như bạn tâm giao, họ ngồi nói chuyện về chiến trường, chuyện thơ của Chính ủy, vì ông có tính thích làm thơ, mà cũng nhiều bài được in báo. “Chính ủy cũng làm thơ về cánh lái xe chúng tớ đấy nhé. Chào những người chiến sỹ/ Lái xe lên Trường Sơn/ Đầu xanh mà tóc bạc. Vì lớp lớp bụi đường. Mấy câu này thì hay, nhưng nhiều câu cũng thừa thãi lắm. Như cậu bảo, đang viết là “Cảm ơn rừng cây xanh/ Vì ta mà đầu bạc/ Cây ơi hãy yên lòng/ Trường Sơn đầy tiếng hát/ Mà lòng ta vẫn xanh/ Xe đi như dòng thác…” mà Chính ủy còn phải thêm 2 câu “Có sợ chi đầu bạc/ Vì miền Nam miền Nam”, có phải là thừa không?” Người lính trầm trồ: “Phải quá. Về cái khoản thơ này, cậu đúng là thầy của ông 602”. Anh lái xe cười thích chí. “Tớ với cậu hợp chuyện quá. Cho tớ biết tên, biết đâu lại có duyên gặp nhau”. Người lính chưa kịp trả lời, đã thấy một người chạy lại bảo: “Xe đã sẵn sàng. Mời Chính ủy lên đường”. Anh lái xe lập tức ngừng bặt, cái miệng đang cười hô hô từ từ khép lại, mặt tái đi. Sau vài giây chết lặng, anh chàng vội vã lóp ngóp chạy theo rối rít thanh minh: “Thưa Chính ủy, em không biết là Chính ủy…”. Người cắt tóc hôm đó chính là Đại tá Đặng Tính – Chính ủy Bộ đội Trường Sơn mà người ta thường gọi là Chính ủy “602”. Bức ảnh ông cắt tóc cho bộ đội Trường Sơn đến giờ vẫn được lưu lại.
Những câu chuyện như vậy về Đại tá Đặng Tính được kể lại rất nhiều. Những năm đó đã gần 50 tuổi, nhưng ông nhỏ bé, gày gò, trẻ trung, lại cái miệng lúc nào cũng cười, nên khó đoán tuổi lắm. Gặp ai cũng là ông bạn được. Nhìn những tấm ảnh đến giờ gia đình còn giữ lại, hồi ông làm Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, đứng giữa đám lính bá vai quàng cổ chụp ảnh, không phân biệt được ai là Chính ủy, ai là lính. Chuyện Chỉ huy Trung đoàn đi họp về, thấy có báo cáo Chính ủy xuống thăm đơn vị, hỏi Chính ủy đâu, lính chỉ ngay lên mái nhà, thấy ông đang mồ hôi nhễ nhại bê rơm lợp nhà là chuyện lính tráng thường mang kể cho nhau nghe. Đại tá Dương Đình Tạ, nguyên Cục phó Cục Công binh Bộ tư lệnh Trường Sơn cũng nhớ mãi hình ảnh Chính ủy Đặng Tính tại ngầm Ba Lòng (Quảng Trị) trung tuần tháng 3-1972: “Khi đợt ném bom B.52 vừa dứt, anh em công binh nhận nhiệm vụ ra sửa ngầm đã thấy Chính ủy cởi quần dài buộc lên cổ, hòa vào đội hình chiến sĩ chuyển các tảng đá xuống lấp hố bom. Bộ đội râm ran truyền tai nhau “Chính ủy đã xuống ngầm”, ai nấy đều hăng hái gấp đôi. Bằng sức dẻo dai hiếm thấy của một người đã qua tuổi 50, chỉ trong vòng 7 tháng vào Trường Sơn, Chính ủy Đặng Tính đã tham gia chỉ huy 3 chiến dịch vận chuyển lớn, đi suốt tuyến tây Trường Sơn sang phía đông Trường Sơn…
Vẫn sống mãi trong lòng đồng đội
Đại tá Đặng Tính bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1944, khi ông 24 tuổi. Sinh ra trong gia đình lao động, nhưng ông may mắn được bố mẹ cho học hành, cộng với sự thông minh tháo vát sẵn có, ông nhanh chóng chứng tỏ được bản lĩnh trong các phong trào, trở thành Bí thư tỉnh Hải Dương, Chính ủy Mặt trận đường số 5 Hà Nội – Hải Phòng, Chính ủy Liên khu III, Tư lệnh khu tả ngạn sông Hồng, Phó Cục trưởng Cục Dân vận, Cục trưởng đầu tiên của Cục Không quân và Cục Hàng không dân dụng, ông cũng là đại biểu của phái đoàn Quân sự tham dự Hội nghị Giơ ne vơ, là Chính ủy rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn… Năm 1958, trong đợt phong hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông được phong thẳng Đại tá. Nhưng cũng vì ông luôn bận rộn với công việc chung như vậy nên bao nhiêu việc gia đình ở trên vai vợ ông cả. Ông bà kết hôn năm ông chừng 20, 21 tuổi; bà hơn ông 2 tuổi. Lúc đó, mẹ ông đã ngắm sẵn bà vì xinh đẹp duyên dáng và cái nết hay làm. Còn ông thì cũng được anh trai bà “nhắm” sẵn vì gan dạ, thông minh. Nhờ sự “ưng bụng” của 2 họ, ông bà đến với nhau nhanh chóng. Chẳng có lãng mạn, thề non hẹn biển như bao cặp đôi khác, bà cứ thế sống giản dị bên ông, gánh cho ông cái gánh nặng gia đình để ông lo việc lớn. Đến bây giờ, cả 3 con ông bà đều chẳng biết chi tiết gì cụ thể về tình yêu của 2 người, kể cả một dòng thư, một câu nói ngọt ngào, một tâm sự… Họ bảo “ngày xưa các cụ chỉ làm cho nhau thôi chứ không nói”. Sự hi sinh lặng thầm của bà suốt bao nhiêu năm là minh chứng hùng hồn nhất của tình yêu. Cũng như bao gia đình thời chiến, quãng thời gian họ ở xa nhau nhiều hơn hẳn lúc được ở gần nhau. Cả gia đình chỉ có một tấm hình chụp chung duy nhất là lúc ông vào nhận công tác ở Trường Sơn. Người con gái cả của ông bà là Đặng Thị Nhu vẫn còn nhớ, năm 1946, toàn quốc kháng chiến, gia đình hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng tiêu hủy hết nhà cửa rồi kéo nhau đi tản cư. Cũng từ năm đó, ông đi chiến đấu, chẳng biết ông ở đâu, làm gì. Bà một nách 2 con, một đứa 4 tuổi, một đứa 1 tuổi và 2 mẹ già chạy loạn. Bà ngoại lúc đó đã già yếu, không tự đi được, phải thuê người võng. Con út một bên thúng, bên kia là xoong nồi, bát đĩa, bà gánh trên vai; một bên là người con cả 4 tuổi dắt tay bà nội. Chị Đặng Thị Nhu nhớ rằng trong suốt mấy năm chạy loạn đó chỉ được gặp ông có 2 lần, một lần ở Thái Bình và một lần ở Bắc Giang. Lúc đó, ông tiện công tác ở tỉnh, nghe tin gia đình tản cư ở đâu thì tranh thủ về thăm. Tất cả chỉ có thế. Mọi gánh nặng gia đình đổ lên vai bà. Cứ chạy đến đâu bà lại tranh thủ đến chợ xa buôn bán hàng hóa về chợ gần để kiếm chút lời nuôi 2 mẹ và các con. Khi ở Bắc Giang, bà cũng đi thuê ruộng của người ta để cấy, trồng đỗ, trồng khoai, rồi đi chợ buôn cam… Bà buôn bán đủ nghề, đến mùa thì làm hàng xáo, mua thóc về giã gạo bán, lấy cám nuôi lợn. Chị Nhu lúc đó mới 7, 8 tuổi phải giã gạo phụ mẹ, nhiều hôm mệt, vừa giã vừa ngủ gật. Những lúc bí bách quá thì có chút của nả nào từ ngày lấy chồng, bà cũng phải mang bán hết, từ nhẫn, hoa tai, đến nồi đồng, mâm đồng… Nhờ sự tháo vát của bà mà gia đình vẫn chèo chống được qua những ngày cực khổ nhất. Những năm ông chiến đấu ở xa, hầu hết là chẳng có tin tức gì. Tình yêu của ông với gia đình chỉ thể hiện ở những chi tiết nhỏ nhặt như năm 1954, ông đang tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thì được tin bà sinh người con út Đặng Mai Phương. Dọc đường hành quân, ông cắt ống chiếc quần dài bộ đội lành lặn hiếm hoi của mình, cẩn trọng may thành 2 cái tã gửi về cho con. Hai mảnh tã đó sau này bà lục ra được trong đống đồ cũ. Nhờ những vật nhỏ bé như vậy đã nâng dậy tinh thần cho cả gia đình, giúp mọi người lúc nào cũng thấy sự hiện diện của ông bên cạnh.
Các con ông vẫn nhớ, ông thể hiện tình yêu với gia đình rất dịu dàng. Ông không bao giờ nặng lời, không trách mắng, lúc nào cũng hiền từ, độ lượng. Thế nhưng ông cũng có cái nguyên tắc của ông, nên kể cả sau này ông đã trở thành Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, vợ và các con ông vẫn sống nếp giản dị như cũ. Ông rất “bôn – sê – vích”, không bao giờ có chuyện tơ hào cái gì của chung mang về nhà cho vợ con. Kể từ những bộ ấm chén, khăn trải bàn “ngoại” được tặng đến gói bánh, trái cây, ông không mang cái gì về nhà bao giờ mà mang cho thương binh hoặc mang vào Quân chủng để tiếp khách. Ông bảo các con mình thế là cũng được rồi, còn anh em thương binh thì thiệt đủ đường, nên có gì cho được là ông cho hết. Người con út Đặng Mai Phương vẫn còn nhớ, năm đó mới chừng hơn mười tuổi, ra đón bố đi công tác về, thấy mùi táo, mùi lê thơm ngát cả xe. Ngày ấy thiếu thốn, được quả táo ăn là khao khát của nhiều đứa trẻ nên Mai Phương thích chí lắm, cứ xoắn xuýt xung quanh chờ bố cho vài quả. Chờ mãi chẳng thấy gì, Mai Phương mới mon men đến hỏi chú lái xe của bố: “Sao không mang táo xuống hả chú?” mới biết táo, lê ấy ông để vào thăm thương binh. Thấy Mai Phương không giấu được vẻ thất vọng, chú lái xe thương quá mới móc trộm cho 1 quả táo, dặn đi dặn lại là phải giấu kẻo ông thấy ông mắng. Biết chuyện, bà cũng trách ông: “Những cái to cái lớn thì ông cứ mang đi, không ai nói gì. Nhưng con nó còn nhỏ, háo hức chút quà bánh bố đi công tác về mà quả táo cũng chẳng cho con thì tội nó”. Đó là lần duy nhất bà phiền trách ông chuyện thiên vị “công” hơn “tư”. Chị Đặng Thị Nhu thì nhớ có lần về Quân chủng họp Hội nghị khoa học kỹ thuật. Vì đơn vị ở tận Hà Tây, đạp xe rất xa nên các chú ở cùng đơn vị của ông bảo “cho nó lên xe để đưa về đơn vị”. Thế nhưng ông kiên quyết không, bảo cứ để nó đạp xe đi. Không may hôm đó chị Nhu vừa dắt xe ra đạp được vài mét thì chiếc xe bị thủng lốp, lúc ấy ông mới cho con lên ô tô về. Không chỉ có các con, đối với bà – người phụ nữ ông rất biết ơn, ông cũng công tư rõ ràng y như vậy. Bà từ quê ra không biết đi xe đạp, ngày ngày phải đi bộ từ nhà đến nhà máy thuốc lá Thăng Long làm việc. Lần nào tiện đường ông qua Ngã tư Sở thì ông cho đi nhờ một đoạn, nhưng nếu lái xe đề nghị đưa bà thẳng đến cơ quan là ông mắng cho ngay. Ông bảo “Xe này là xe của Chính ủy Quân chủng đi công tác, chứ không phải xe của công nhân Đặng Thị Mùi đi làm”. Điện thoại cũng thế, đừng có ai trong gia đình hi vọng bén mảng được đến cái điện thoại của quân chủng để gọi. Ngay cả một vinh dự như được gặp Bác Hồ lần Bác đến chúc Tết binh chủng năm 1969, năm cuối cùng trước khi Bác mất, ông cũng không nỡ “tơ hào” cho vợ con. Đến khi bà có ý trách “Bác đến mà không cho mẹ con tôi đi ngó một cái”, ông bảo “mình là Tư lệnh phải làm gương, còn biết bao thân nhân các đồng chí khác cũng mong gặp Bác”.
Tính ông như vậy, nên kể cả ông có chức vụ, bà vẫn lao động vất vả như thường. Rồi thì ông hi sinh sớm. Kỳ thực thì ông xa gia đình suốt, mọi người rất ít biết ông làm nhiệm vụ gì, quan trọng ra sao. Đến mãi sau này, trong những lần họp mặt truyền thống, các con ông đến dự, đồng đội, cấp dưới của ông mới ra ôn lại chuyện xưa, lúc đó mới biết bố mình đã từng như vậy. Có những chú lái xe của ông kể chuyện Tết năm đó thiếu ăn, ông vét những đồng tiền cuối cùng đưa cho về quê ăn Tết. Hay người kể chuyện vào Trường Sơn công tác cùng ông trên trực thăng, qua quê mình bảo “Quê em đấy”, ông bèn bảo đồng chí lái trực thăng bay thấp xuống để được nhìn mái nhà mình, ném bức thư xuống cho gia đình và còn kịp nhìn thấy 2 con chạy ra xem máy bay… Các con ông phải học về chân dung cha mình từ những câu chuyện người khác kể lại. Còn đối với bà, cho đến tận lúc mất vào năm 1996, vinh dự của ông bà cũng chẳng được hưởng. Từ khi ông mất, gia đình cũng không “đòi” chế độ gì cho ông. Nghe nói lẽ ra ông được phong thẳng Trung tướng, nhưng ông mất rồi chẳng thấy ai đả động gì đến, gia đình cũng im lặng. Tất cả những phần thưởng của ông đều là các đồng đội tự gửi hồ sơ đi, đến lúc được công nhận gia đình mới biết. Đến năm 2010 ông mới được truy phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, sau đó mới được công nhận là Lão thành cách mạng thì bà đã ra người thiên cổ. Dù không khỏi có những lúc chạnh lòng, nhưng đối với gia đình, sự sống của ông trong lòng các đồng đội mới là phần thưởng quí giá nhất, mới là sự sống lâu bền nhất. Có những người còn sống đấy mà như đã chết, trong khi ngược lại ông đã mất gần 40 năm, nhưng đồng đội vẫn nhắc đến đầy thương nhớ. Đó mới là vương miện cao quí nhất cho cuộc đời cống hiến của ông.
Vũ Hân vuhanbc@gmail.com
Share this:
Related
Từ khóa » đội Nét Về Chính ủy đặng Tính
-
Đặng Tính – Wikipedia Tiếng Việt
-
Những Kỷ Vật Của Chính ủy Đặng Tính
-
Chính ủy Đặng Tính Trong Ký ức đồng đội - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Những Kỷ Niệm Về Chính ủy Đặng Tính - Công An Nhân Dân
-
Chính ủy Đặng Tính Với đường Trường Sơn ... - Báo Đại Đoàn Kết
-
Chính ủy Đặng Tính - Thơ Và đồng đội - Hội Trường Sơn
-
Nhớ Chính ủy Đặng Tính - Tạp Chí Lào - Việt
-
Chính ủy Đặng Tính Với Đường Trường Sơn Huyền Thoại
-
Chính ủy Kiêm Tư Lệnh Quân Chủng PK-KQ - Facebook
-
Hồi Ký "Tháp Tùng Cục Trưởng Đặng Tính đi Làm Ngoại Giao" - VATM
-
Đảng ủy Quân Sự Tỉnh: Đảm Bảo Tốt Công Tác Hậu Cần, Tài Chính Cho ...
-
Tin Tức Thời Sự - Báo Bắc Giang
-
Thường Vụ Đảng ủy, Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 Chúc Mừng Báo Quân ...