Hồi Ký "Tháp Tùng Cục Trưởng Đặng Tính đi Làm Ngoại Giao" - VATM

Ngành Hàng không Việt Nam là ngành kinh tế mũi nhọn đại diện cho phương thức vận tải tiên tiến và hiện đại, ngày càng đóng vai trò to lớn và có ảnh hưởng quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế – văn hoá - xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước.

Ra đời năm 1956, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước chuyển biến không ngừng, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, góp phần đưa nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới. Để có được những thành  tựu như ngày hôm nay, đó là sự cống hiến, đóng góp công sức của biết bao thế hệ cán bộ công nhân viên công tác trong Ngành, và càng không thể quên những người đã đặt nền móng đầu tiên, trong đó có đồng chí Đặng Tính – Cục trưởng  đầu tiên của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cố Đại tá Đặng Tính tên thật Đặng Văn Ti (1920-1973), Liệt sĩ, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân (1963-1969) Kiêm Tư lệnh (1967-1969); nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương năm 1946, Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa III, IV. Ông là Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1963.Tháng 4 năm 1973, ông hy sinh trong lần kiểm tra cuối cùng trước khi ra Bắc nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Ban biên tập xin giới thiệt tác phẩm Hồi ký viết về Liệt sĩ, Cố Đại tá Đặng Tính của Đại tá Đinh Khắc Phách. Đại tá Đinh Khắc Phách là một trong 4 kiểm soát viên không lưu trong ca trực lịch sử: lần đầu tiênViệt Nam điều hành máy bay B-307 của Hàng không Pháp bay từ sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm vào ngày 2/1/1955.

Hồi ký “Tháp tùng Cục trưởng Đặng Tính đi làm ngoại giao” không dài, văn phong kể chuyện nhẹ nhàng, người đọc dễ dàng cảm nhận được tình cảm của tác giả dành cho hình mẫu nhân vật. Qua từng câu chữ, hình ảnh Cố Đại tá Đặng Tính hiện lên  đúng với nhận định của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên ở phần cuối của tác phẩm “là một cán bộ quân sự, chính trị song toàn, xuất sắc… là con người tiêu biểu về đạo đức, liêm khiết, chí công vô tư, tiêu biểu cho đoàn kết quân dân, sống trong sạch, giản dị, thương yêu gần gũi quần chúng”.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu tác phẩm Hồi ký “Tháp tùng Cục trưởng Đặng Tính đi làm ngoại giao” của đồng chí Đinh Khắc Phách, nguyên điều phái viên (kiểm soát viên không lưu ngày nay) các sân bay Gia Lâm, Cát Bi, Đồng Hới, nguyên trợ lý tác chiến Ban Tham mưu Trung đoàn không quan vận tải 919 Cục Không quân.

Tác giả Đinh Khắc Phách

Đại tá Đinh Khắc Phách - Nguyên điều phái viên các sân bay Gia Lâm, Cát Bi, Đồng Hới,  nguyên trợ lý tác chiến Ban Tham mưu Trung đoàn không quan vận tải 919 Cục Không quân

THÁP TÙNG CỤC TRƯỞNG ĐẶNG TÍNH ĐI LÀM NGOẠI GIAO

Hồi ký của đồng chí Đinh Khắc Phách, nguyên điều phái viên các sân bay Gia Lâm, Cát Bi, Đồng Hới, nguyên trợ lý tác chiến Ban Tham mưu Trung đoàn không quan vận tải 919 Cục Không quân

Tôi đã làm việc ở Cục Không quân kiêm Cục Hàng không dân dụng từ tháng 1-1955 đến tháng 3-1962. Trong bảy năm dưới quyền của Cục trưởng Đặng Tính, tôi biết nhiều chuyện về anh, nhưng toàn là nghe người khác kể, chưa được thấy trực tiếp. Bất ngờ có một lần – lần đầu tiên và cũng là duy nhất, tôi được làm việc cùng anh.

Một buổi chiều thứ bảy trung tuần tháng 10-1959, sang thu rồi mà thời tiết vẫn còn nóng, tôi đang giảng tiết đầu tại lớp đào tạo điều phái viên trường Hàng không số 2 thì  được lệnh sáng mai đi dịch tiếng Pháp cho Cục trưởng tiếp khách. Ngỡ ngàng cùng một chút e ngại, tôi muốn biết cụ thể hơn, nhưng đang đứng lớp nên tạm gác lại. Một ý nghĩ cứ lởn vởn trong óc: trình độ tiếng Pháp loại “èng, èng” như mình thì thiếu gì ở Cục này, cỡ “siêu” hơn cũng chẳng hiếm, sao lại được trọng dụng?

Nhưng rồi tôi cũng được rõ sự tình.

Từ năm trước, tại sân bay Cát Bi, hải phòng ta đã mở lớp đào tạo thợ máy và phi công cho máy bay Trenner (thường gọi tắt là lớp Trenner). Đó là một loại máy bay thể thao nổi tiếng của Tiệp Khắc. Mở được lớp, đành là do ta cố gắng, nhưng sự giúp đỡ của nước bạn hết sức quan trọng: đào tạo tại Tiệp Khắc cho ta một bộ khung giáo viên, 5 phi công, 2 thợ máy; viện trợ máy bay, phụ tùng, thiết bị kèm theo; Khi học đến phần thực hành bay cử một đoàn chuyên gia giỏi sang giúp.

Vì vậy, theo lời mời của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, ngày mai, ông Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Tiệp Khắc cùng phu nhân sẽ xuống thăm cán bộ, giáo viên, chuyên gia và học viên lớp Trenner. Cục trưởng Đặng Tính thân hành xuống tiếp và vì ông Đại sứ thạo tiếng Pháp nên tôi được làm phiên dịch, vì đã có mấy tháng dịch cho lớp Trenner, quen các chuyên gia. Biết được như vậy, tôi vừa đỡ e ngại vừa vui vì được gặp lại mọi người ở lớp học, sau mấy tháng xa cách, đặc biệt là anh Khiếu Anh Lân hiện là Giám đốc sân bay Cát Bi kiêm lãnh đạo lớp học, tôi đã biết khi làm điều phái viên ở sân bay Đồng Hới, và Tomas Runge phiên dịch tiếng Pháp của đoàn chuyên gia

Năm giờ, sáng Chủ nhật, chiếc Vác-xa-va, xe du lịch sang nhất và hình như cũng là duy nhất lúc đó của Cục, chuyển bánh. Bốn người trên xe đều mặc thường phục. Nhưng Cung – phiên dịch viên chuyên nghiệp tiếng Trung Quốc, có nhiều kinh nghiệm tiếp tân, Khánh – lái xe và tôi đều diện sơ mi pô-pơ-lin, còn Cục trưởng thì mặc “áo ngoại giao”. Là kẻ bộc trực, tôi buột miệng:

- Đi tiếp khách mà anh mặc áo này sao?

Anh Tính cười, vỗ vào chiếc cặp đem theo:

- Ứ, có cái khác chứ, đến Cát Bi mới thay để đỡ mất nếp

Tên cái áo đó có sự tích của nó. Số là ngày ấy quân trang mùa hè có thêm chiếc áo lót cổ vuông may bằng vải rường bâu màu cỏ úa. Anh em chúng tôi làm việc ở sân bay, hay tiếp xúc với người nước ngoài, phải mặc thường phục. Vì vậy, mọi người đề nghị được phát sơ mi cộc tay thay cho áo cổ vuông và được chấp nhận. Khi cấp phát thì đúng là sơ mi cộc tay thật, nhưng cũng may bằng vải rường bâu để mộc, không nhuộm chứ không phải là pô-pơ-lin như hằng mơ tưởng. Cụt hứng nhưng đành phá ra mà cười với nhau vậy! Đề nghị sao được vậy, còn kêu ca nỗi gì! Thế rồi không biết từ đâu cái tên “áo ngoại giao” xuất hiện. Lính không quân hồi đó khối chàng xuất thân học sinh tiểu tư sản mà!

Trên đường đi anh Tính cho biết thêm:

- Ông bà Đại sứ Tiệp Khắc đều là đảng viên cộng sản, chiến sĩ chống phát xít, bà vợ đã bị thương trong chiến đấu. Vì thế họ đồng cảm và quý Việt Nam, kính phục Bác Hồ và anh Văn. Mình tiếp đón tất nhiên phải lịch sự, đàng hoàng, nhưng thân mật trên tình đồng chí, trách khách khí, hình thức.

Tôi thú thật:

- Đây là lần đầu tiên tôi được dự một cuộc tiếp khách quan trọng thế này, cứ ngài ngại…

- Đừng quan trọng hóa quá! Dân ngoại giao họ tinh lắm: nước mình nghèo, họ còn lạ gì. Anh em là bộ đội, đa số xuất thân từ nông dân, không quen tiếp khách, nhất là khách Châu Âu, họ cũng biết và thông cảm. Nên cái chính là thật sự quý trọng họ, họ sẽ quý mình thôi. Các cậu nên nhớ họ cũng là cộng sản, là chiến sĩ như ta. Còn về cách tiếp khách, cậu Cung có nhiều kinh nghiệm, không lo.

Qua Hải Dương khá xa thì gặp một đoạn đường đang sửa mới rải đá lổn nhổn chưa lèn xuống, xe chạy chậm lại, lồm cồm lăn bánh.

Anh Tính bảo lái xe dừng lại.

- Tớ thương cái xe quá! Cậu Khánh tắt máy rồi cầm lái, để chúng tớ xuống đẩy

Tất nhiên là chúng tôi nhanh nhẹn chấp hành ngay. Cũng may chỉ phải đẩy khoảng một trăm mét. Tôi thầy mình có một phát hiện mới, thầm nghĩ:

- Một tính cách Đặng Tính!

Tới Cát Bi còn sớm. Sau bữa xôi sáng được chủ nhà chiêu đãi, chúng tôi rửa mặt, chải đầu, chỉnh đốn quần áo, chuẩn bị đón khách. Anh Tính mở cặp lấy áo ra thay. Lại vẫn “áo ngoại giao” trứ danh! Có điều mới hơn, được là phẳng phiu hơn! Lần này, tôi không thể thốt ra lấy một lời. Một cảm giác rưng rưng, nghèn nghẹn khó tả cứ dâng lên. Đúng lắm, “nước mình còn nghèo”, tôi nhớ lại lời anh ban nãy, thế thì được trang bị thế nào, mình hưởng như thế và sử dụng sao cho tốt nhất : Một tính cách Đặng Tính nữa!

Cuộc đón tiếp hóa ra giản dị hơn tôi tưởng, nửa theo lối dân sự, nửa theo cách nhà binh, vẫn lịch sự mà giản dị, thân tình, diễn ra trên sân đậu trước nhà chứa máy bay, còn râm mát, chưa nắng tới. Sau thủ tục chào hỏi, giới thiệu…ông Đại sứ phong cách rất trí thức và hòa nhã cho biết: ông bà tới Hải Phòng khá sớm, đã ghé vào khách sạn Giao Tế, nơi đoàn chuyên gia ở và đã làm việc với đoàn. Ông rất vui khi được biết các học viên Việt Nam học rất có kết quả và nếu Cục trưởng đồng ý ông muốn xem học viên trình diễn kỹ thuật bay để có cơ sở khẳng định thực tế điều đã được báo cáo.

Anh Tính cười:

- Tôi nghĩ đó cũng là nguyện vọng của mọi người đang có mặt tại đây, kể cả cả tôi!

Những học viên tôi biết  là khá nhất như Cấn Đỗ Kết, Nguyễn Văn Bang, Mai Trọng Tuấn… chắc sẽ được biểu diễn trước.

Sau khi năm, sáu học viên lần lượt thực hiện các khoa mục được chỉ định, ông Đại sứ nói:

- Thời gian không cho phép tôi xem tất cả học viên của chúng ta biểu diễn. Nhưng chỉ chừng ấy cũng đã thấy được sự cố gắng của các đồng chí lãnh đạo, các huấn luyện viên Tiệp Khắc và Việt nam cùng khả năng tiếp thu rất tốt của các bạn học viên trẻ. Xin chúc mừng đồng chí Cục trưởng sắp có một đội ngũ những phi công tài năng, chẳng phải chỉ để lái máy bay thể thao mà thôi.

Anh Tính cười rất cởi mở:

- Thưa đồng chí Đại sứ, chúng tôi, rất biết ơn sự giúp đỡ của Tiệp Khắc và tự hào đã, đang và còn sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ đó.

Hai vị bắt tay và ôm hôn nhau thắm thiết

Vừa dịch, tôi vừa nghĩ: Ông Tính nhà mình tưởng mộc mạc mà thâm thúy ghê.

Không rõ đã định từ trước hay ngẫu hứng, bà Đại sứ tổ ý được “bay cảm giác” vài vòng trên máy bay thể thao. Huấn luyện viên Cla-ren Va-la-sêch mời bà đội mũ, ngồi ghế trước một trước Trenner, hướng dẫn bà thắt dây an toàn, còn mình thì lên ghế sau. Máy bay nhẹ nhàng cất cánh, lượn vài vòng rồi dưới sự điều khiển của vận động viên hai huy chương vàng quốc tế về thể taho hàng không, một số tiết mục như “bay ngửa”, “bổ nhào”, “trườn”….được thực hiện. Nhưng phải nói là bà Đại sứ thật khỏe, trên dưới 50 tuổi, lại bị thương, thế mà khi máy bay bước xuống vẫn tươi tỉnh, không tỏ ra mệt nhọc. Đại úy Khiếu Anh Lân nhân danh chủ nhà mời mọi người về phòng khách giải khát, vì ánh nắng đã lan đến sân đậu. Đại úy Hồ Văn Luật, Chính ủy sân bay đứng lên nói lời cảm ơn đồng chí Đại sứ và phu nhân đã quan tâm, đến thăm và khích lệ cán bộ, giáo viên, học viên, cảm ơn sự tận tình của cá chuyên gia bạn, rồi mời mọi người dùng hồng chín Lạng Sơn, dứa Phú Thọ. Cuối cùng Cục trưởng Đặng Tính mời đồng chí Đại sứ và phu nhân, các chuyên gia bạn và mọi người có mặt lúc đó dự bữa ăn trưa thân mật tại khách sạn Giao tế, Hải Phòng:

Tranh thủ lúc đi ra xe, tôi hỏi Tô-mát:

- Cậu thấy tay phiên dịch không chuyên hôm nay làm ăn ra sao?

Tô-mát cười giơ cả hai bàn tay:

- Mười điểm

Không ngờ Đại úy Lân đi bên cạnh nghe thấy:

- Chỉ bảy điểm thôi!

- Xin cho biết lỗi chỗ nào?

- Tại sao nói “Thưa đồng chí Đại sứ kính mến”, rồi ngắc ngứ vài giây mới nói tiếp “và phu nhân”.

Tôi cười trừ xí xóa:

- Thưa Đại úy của tôi, anh thật là tinh và cũng quá keo kiệt về điểm. Thật sự là khi đi học, các thầy có dạy dịch chữ “phu nhân” sang tiếp Pháp là gì đâu. Nay đột nhiên gặp phải nên tôi cuống lên. Phúc làm sao, chợt nhớ đến chuyện “Ba chàng ngự lâm” của A. Dumas, Nguyên Văn Vĩnh dịch Madam De Chevrếu là Sơ-vơ phu nhân, nên tôi mới nói tiếp được “…et Madame”

Cả ba cùng cười, Tô-mát cố vớt vát cho tôi:

- Madame là đúng đấy. Đại úy Lân chấm lại đi!

- Cũng chỉ tám điểm là cùng thôi!

Trong ngành Hàng không, chúng tôi được dạy rằng máy bay đã cất cánh lên cao thì chỉ khi nào hạ cánh xuống đường băng, quay vào đường lăn, về đến sân đậu, vào vị trí đã định, tắt máy, người xuống hết mới gọi là an toàn. Tôi cứ tưởng mình đã “tại qua nạn khỏi” rồi, chỉ đánh chén một bữa, rồi chủ khách tạm biệt là xong. Ai ngờ “chông gai” đang chờ.

Vào bàn, tôi được hân hạnh xếp ngồi giữa hai vị chủ và khách chính của bữa ăn trưa thân mật. Tình thế thật “hiểm nghèo”. Vốn chưa hề dược khen là người khéo tay, nay lại lần đầu được thưởng thức “cơm tây”, cũng đã có ý liếc nhìn các bạn Tiệp Khắc để học tập tay nào cầm dao, tay nào cầm dĩa mà vẫn cứ lóng ngóng thế nào ấy; đồng thời lại phải lắng nghe lúc thì thủ trưởng ở ghế phải, lúc đi khách ở ghế trái, chỉ e mình chậm dịch hoặc dịch sai thì mang tiếng là “mải ăn mà lãng quên nhiệm vụ”. Thật tình, muốn thưởng thức cái đùi gà nhưng không dám, e rằng dùng dao, dĩa vào thì sẽ bắn ra khỏi đĩa!

Có vẻ cả chủ và khách đều nhận thấy hoàn cảnh “ăn, dịch lưỡng nan” của tôi. Nhưng là khách, ông Đại sứ tế nhị lên tiếng

- Theo ý tôi, ta sẽ tiếp tục chuyện trò sau bữa ăn, để anh bạn trẻ phiên dịch của chúng ta ăn một chút gì đó.

Có lẽ lúc đó mặt và tai tôi đỏ lựng dù chỉ mới nhắp một chút bia. Nhưng làm sao tôi có thể dịch câu ấy được. May sao có “quý nhân phù trợ”. Anh Lân lên tiếng dịch hộ tôi, rồi xin phép Cục trưởng nói với ông Đại sứ:

- Xin Đại sứ đừng ngại. Anh em Việt Nam chúng tôi ngồi đây toàn là bộ đội chống Pháp, nhịn đói đánh giặc là thường. Riêng đồng chí phiên dịch trước ở đại đoàn chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh lại càng giỏi nhịn đói hơn!

Câu này tôi dịch thoải mái. Mọi người đều cười vui. Tôi cũng thấy bớt căng thẳng hơn.

Trên đường về. Cục trưởng nhận định như để tổng kết, rút kinh nghiệm:

- Hôm nay đạt yêu cầu đấy chứ nhỉ?

- Rất tốt ạ: vui vẻ, thân tình mà vẫn trang nhã, lịch sự, ta và bạn hiểu nhau hơn. Cung lên tiếng.

Anh Tính nói thêm:

- Ông Đại sứ đúng là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, tinh tế mà vẫn bộc lộ được tinh thần quốc tế vô sản. Còn cậu Phách tiếp khách lần đầu mà dịch suôn sẻ thế là được.

Cậu Cung bổ sung:

- Được cái cậu ấy bạo nói, không rụt rè, ấp úng.

Tôi không dám giấu dốt, kể lại chuyện dịch chữ “phu nhân” và điểm số anh Lân đã cho. Mọi người cười vui vẻ. Nhân đó tôi kể vài điều đã biết về sự tinh tế của tiếng Pháp. Xe về gần đến Hải Dương, a Tính bảo:

-  Tiếng Pháp thì hay, nhưng cơm tây thì tớ chán lắm. Còn đói nguyên, chắc cậu cũng thế, cậu Phách thì còn đói hơn. Tó nhớ sắp tới cái quan bán bánh giầy, bánh chưng khá lắm, ta dừng lại ăn thêm rồi hãy về.

Tôi là anh “phổi bò”, lúc ấy chẳng nghĩ xa xôi gì. Đến khi vào quán, chỉ có tôi là “làm” hai cặp bánh giầy giò, còn ba người chỉ nhấm nháp bánh đậu xanh với nước chè tươi, mới biết Cục trưởng kêu đói là để tôi ăn được tự nhiên và thầm nghĩ: thêm một tính cách Đặng Tính nữa!...

                                            ******************

Gần đây, được đọc cuốn “Đồng đội nhớ về anh” của Ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn, tôi thấy ở mỗi bài viết từ thời kỳ anh Tính là Cục trưởng Cục Không quân đến khi là Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân rồi Chính ủy Bộ đội Trường Sơn, mỗi tác giả, trên cương vị của mình, đều có những đánh giá rất cao về đức, tâm, về tài của đồng chí Đặng Tính. Tôi vô cùng tâm dắc với nhận định khái quát và chính xác của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên về Chính ủy Đặng Tính “là một cán bộ quân sự, chính trị song toàn, xuất sắc…là con người tiêu biểu về đạo đức, liêm khiết, chí công vô tư, tiêu biểu cho đoàn kết quân dân, sống trong sạch, giản dị, thương yêu gần gũi quần chúng”.

Trong cuộc đời gần 30 năm liên tục chiến đấu của đồng chí Đặng Tính, nửa ngày tôi được làm việc cạnh anh thật ngắn ngủi, nếu còn tại thế chưa chắc anh đã nhớ, nhưng với tôi thì không thể quên được. Bài viết của tôi chỉ mong được phản ảnh trung thực vài tính cách của anh với góc nhìn của một cấp dưới trẻ tuổi ngày ấy, kết hợp với suy luận của ông lão đã ngấp nghé tuổi chín ngày nay, coi như một nén tâm hương để tưởng niệm anh.

Hồi còn Bác Hồ, chúng ta đã cố gắng noi theo gương Bác. Sau khi Bác đi xa, chúng ta đã, đang và mãi mãi học tập Bác. Nhưng theo tôi mấy ai đã học Bác có kết quả như Đặng Tính. Ước gì cán bộ ta trong lực lượng Vũ trang cũng như trong tất cả các ngành dân, chính, Đảng, kinh tế… từ trên xuống dưới, có nhiều Đặng Tính.

Đinh Khắc Phách                                                                   

 

 

Từ khóa » đội Nét Về Chính ủy đặng Tính