Danh Họa Paul Gauguin Và Hành Trình đi Về Nơi Hoang Dã

Cho đến nay, danh họa Pháp Paul Gauguin vẫn được xem là một "thiên tài khó hiểu". Không chỉ là người sáng lập ra trường phái Tượng trưng, cùng với Paul Cezanne và Vincen Van Gogh, ông còn là một trong ba gương mặt quan trọng nhất của trào lưu hậu Ấn tượng (tháng 9 vừa qua, tại Bảo tàng Tate Modern của Anh đã diễn ra một cuộc triển lãm hoành tráng với tên gọi "Gauguin - người tạo nên huyền thoại" rất thu hút người xem). Tuy nhiên, về lối sống, cách hành xử của ông thì vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Người bảo ông khinh bạc, hay gây gổ (trong đó có vụ cắt tai Van Gogh mà năm 2009, nhiều báo đã đưa tin dựa theo nghiên cứu của hai nhà sử học Đức), người bảo ông có lối sống chân chất, thiên về bản năng, ưa thích cuộc sống ở dạng sơ khai. Việc Gauguin rời bỏ kinh thành Paris hoa lệ để tới sống và vẽ (rồi chết) ở một ngôi làng hẻo lánh trên quần đảo Tahiti là một minh chứng cho ý thích "khác người" của ông...

Paul Gauguin sinh năm 1848 tại Paris, thủ đô nước Pháp, trong một gia đình công chức. Bố ông là một ký giả, mẹ là nhân viên nhà in. Ngay từ thời ấu thơ, cậu bé Gauguin luôn được sống trong sự chăm bẵm, chiều chuộng của những người hầu là các cô gái da nâu gốc Phi, cho nên trong cậu luôn nảy sinh một sự tò mò là được khám phá vùng đất nơi sinh thành của các cô gái ấy.

Những cuộc "chu du thiên hạ để học rùng mình" (như tên một truyện trong "Cổ tích Grim") bắt đầu từ năm Gauguin 17 tuổi. Lần ấy, trên chuyến tàu buôn mang tên Luzitano chạy trên vùng biển Nam Mỹ, Gauguin đã được nghe các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm kể về những chuyến đi xa của mình. Hình ảnh một xứ sở xa xăm, huyền bí, với "những người đàn bà mềm mỏng đáng yêu", "những trái chín lộp độp rụng suốt ngày đêm", "ánh mặt trời tỏa rạng khắp nơi" và "đêm đen thật vô cùng huyền ảo" đã khiến thú phiêu lưu của chàng trai trẻ càng được kích thích, khơi mở. Cũng trong chuyến đi này, lần đầu tiên Gauguin biết được "mùi" đàn bà. Đó là một phụ nữ hơn Gauguin tới 13 tuổi, bấy giờ đang là một ca sĩ nổi tiếng. "Nàng đánh bại sự nghiêm ngắn trong tôi và nhanh chóng biến tôi thành một kẻ chơi bời phóng đãng" - Sau này, Gauguin đã nhận định về bước chuyển đổi "lớn lao" đầu tiên của đời mình.

Paul Gauguin đến với hội họa khá muộn. Bức tranh đầu tiên có chữ ký của ông được ghi năm 1875. Trước đấy, ông làm việc cho một ngân hàng. Thời kỳ đầu, Gauguin ảnh hưởng một số họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng, mà đậm đặc nhất là Pissarro. Tuy nhiên, dù có nỗ lực và mở rộng quan hệ thế nào chăng nữa thì cả hai cuộc triển lãm lần thứ ba và thứ tư của phái Ấn tượng, Gauguin đều không được mời tham gia. Ông chỉ được tham dự cuộc triển lãm lần thứ 5 của phái này với vai trò "thế chỗ" cho những họa sĩ vì lý do nào đó, tuy được mời nhưng... từ chối. Tuy nhiên, tranh của Gauguin cũng không vì thế mà gây được ấn tượng nơi người sành điệu ngoài việc người ta cho rằng nó là "bản sao của Pissarro".

Nhận thấy con người ta khó có thể một lúc ôm đồm nhiều việc, năm 1883, ở tuổi 35, Gauguin quyết định bỏ việc công sở để toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật. "Dẹp quách đi mọi cái liên quan đến cổ phiếu. Tôi là một nghệ sĩ, từ đây tôi sẽ vẽ hằng ngày" - Gauguin đã ghi trong nhật ký của mình.

Cuối năm ấy, vợ Gauguin sinh hạ cậu con trai út.

Liên tiếp mấy năm sau đó, Gauguin phải hứng chịu không biết bao nhiêu rủi ro. Tranh vẽ ra không tiêu thụ được. Các bức sưu tập từ trước đấy đều phải bán lỗ vốn. Vợ chồng phải tạm sống xa nhau (vợ ông trở về sống với bên ngoại ở Đan Mạch) để "ai lo người nấy". Tháng 5 năm 1885, một cơ sở ở Copenhagen (Đan Mạch) thu xếp tổ chức một cuộc triển lãm tranh Gauguin, nhưng công chúng và báo chí tỏ ra hờ hững trước sự kiện trên.

Bức tranh "Hai thiếu nữ Tahifi" của Paul Gauguin.

Cay cú bởi thất bại của cuộc triển lãm và cũng sẵn mặc cảm với thái độ của họ hàng nhà vợ, một lần, trong buổi tiệc trà có nhiều người tham dự, Gauguin đã ngồng ngỗng bước vào phòng khách với chỉ một chiếc... quần lót mỏng. Sau sự kiện này, vợ chồng Gauguin tiếp tục sống ly thân.

Tháng 6 năm ấy, Gauguin trở về Paris, đem theo Clovis, đứa con trai 11 tuổi. Mùa đông năm ấy quả là một sự thử thách lớn lao đối với hai bố con. Có lúc, Gauguin không một xu dính túi, trong khi cậu con mảnh khảnh lại phải nằm liệt vì bệnh đậu mùa. Cực chẳng đã, nhà họa sĩ lại phải đi xin việc. Trong một lá thư gửi vợ, ông kể: "Quẫn trí, anh xin một việc làm trong công ty hỏa xa. Vẻ đường bệ của anh làm cho tay trưởng phòng cười to, nhưng anh nghiêm trang bảo ông ta rằng anh hiện đang có một đứa con bệnh nặng và rất cần tiền. Vì vậy anh được giao cho việc đi dán quảng cáo, với thù lao 5 france một ngày".

Năm 1888 đánh dấu một mốc quan trọng của nền hội họa thế giới. Cùng với Bernard, Paul Gauguin đã sáng lập ra một trường phái hội họa lấy tên là Tượng trưng. Tranh của ông thời kỳ này thường sử dụng đường nét, màu sắc có vẻ trái tự nhiên để gây hiệu quả cảm xúc bất ngờ. Gauguin quan niệm: "Trước giá vẽ, họa sĩ không là nô lệ của cả quá khứ lẫn hiện tại".

Lối vẽ và quan niệm nghệ thuật của Paul Gauguin bắt đầu được các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật chú ý. Tranh của Gauguin được triển lãm ở nhiều nơi và điều quan trọng là ông đã bán được nhiều tranh. Riêng nửa đầu của năm 1891, số tranh bán được đã là 30 bức, với số tiền thu về là xấp xỉ một vạn france.

Tuy nhiên, như một nghịch lý, càng thành công trong sự nghiệp, Gauguin càng cảm thấy ngao ngán với cuộc sống giả trá ở nơi "phồn hoa đô hội".

Năm 1891, Gauguin rời bỏ Paris để chuyển tới sống tại quần đảo Tahiti (bấy giờ là thuộc địa của Pháp) nằm ở Nam Thái Bình Dương. Tại nơi "điền viên và rất gợi tình" này, ông đã vẽ được nhiều tác phẩm có giá trị.

Ta có thể nhắc tới bức tranh nổi tiếng "Những phụ nữ Tahiti trên bờ biển". Rồi bức "Buổi sáng", một kiệt tác mà cách đây ba năm đã được bán đấu giá với số tiền lên tới hơn 60 triệu USD. Bức tranh được Gauguin thực hiện khoảng một năm sau khi ông rời Paris đến sống ẩn cư trên đảo. Tranh thể hiện những thời khắc vô cùng thuần khiết khi người dân bản xứ bắt đầu một ngày mới, với cảnh các cô gái Tahiti tiến hành một nghi thức cổ truyền là tắm rửa và làm vệ sinh buổi sáng dưới vòm lá....

Tuyệt nhiên, Tahiti trong tranh Gauguin không hề có dấu vết dù nhỏ nhoi của văn minh phương Tây.

Bức tranh đậm triết lý nhân sinh nhất của Gauguin có lẽ vẫn là bức "Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là gì? Chúng ta đi đâu?". Đây là bức tranh lớn nhất mà Gauguin thực hiện (có kích cỡ 1,39m x 3,75 m). Nét lạ của bức tranh là cần được chiêm ngưỡng từ phải qua trái mới hiểu hết thông điệp của tác giả. Một nhà phê bình mỹ thuật đã nhận xét về bức tranh này: "Bức tranh diễn tả toàn bộ hoạt động của con người, toàn thể chu kỳ đời sống, từ lúc chào đời cho đến lúc chết... Bức tranh lý giải đời người là một bí ẩn lớn".

Mặc dù là người Pháp, nhưng trong suốt thời gian làm cư dân của làng Mataiea ở Tahiti, Gauguin luôn đứng về phía người dân bản xứ để cất tiếng nói bảo vệ quyền lợi của họ. Bởi vậy, ông thường xuyên va chạm với nhà chức trách địa phương và Nhà thờ Công giáo.

Tại Tahiti, Gauguin đã gặp Tehaamana, một thiếu nữ trẻ đẹp. Đây là nguyên mẫu trong nhiều bức tranh của ông và là người tình của ông trong hai năm. Gauguin lớn hơn Tehaamana 30 tuổi. Năm 1894, người vợ Đan Mạch của Gauguin đã cắt đứt liên lạc hoàn toàn với nhà danh họa. Gauguin chỉ trở về Paris ít ngày rồi sau đó quay lại Tahiti và có mối quan hệ đặc biệt mật thiết với nhiều cô gái ở đây. Tương truyền, Gauguin thường xuyên quan hệ tình cảm với những thiếu nữ làm mẫu cho các bức tranh của mình.

Những ngày cuối đời, Pau Gauguin chỉ có một cậu nhỏ giúp việc nấu nướng và giặt giũ ở cạnh bên. Cho đến một sớm (8/5/1903), khi người giúp việc đến thì thấy Gauguin đã chết. Thi thể ông được bốn người bản xứ khiêng đến huyệt mộ, không có người thân và cũng chẳng có nghi thức tôn giáo, vì trước khi chết mấy tháng, Gauguin từng xung đột với nhà thờ vì một ý kiến bảo vệ người dân bản xứ...

Từ khóa » Họa Sĩ Paul Gauguin