Danh Sách Thuốc Sát Khuẩn đường Tiết Niệu Phổ Biến Nhất Hiện Nay

1. Thông tin chung về bệnh viêm đường tiết niệu

Viêm đường tiết niệu là một bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, không giới hạn độ tuổi. Tuy nhiên phái nữ là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu hơn so với nam giới do cấu tạo của cơ quan này ở nữ có phần ngắn và gần với hậu môn hơn.

Vi khuẩn chính là nguyên nhân dẫn tới viêm đường tiết niệu. Chúng có thể xâm nhập vào niệu đạo thông qua hoạt động quan hệ tình dục, từ hậu môn lan tới, bệnh lý hệ sinh dục lây sang,...

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới

Viêm đường tiết niệu là bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới

Nếu bị viêm đường tiết niệu ở mức độ nhẹ thì bệnh nhân chỉ cần uống nhiều nước thì có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu viêm đường tiết niệu mức độ trung bình hoặc nặng thì không có khả năng tự khỏi mà cần sử dụng kháng sinh và thuốc đường tiết niệu theo dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nguy cơ tái phát của bệnh khá cao, do đó người bệnh cần tuân thủ theo phác đồ điều trị để bệnh nhanh khỏi và hạn chế nguy cơ bệnh quay trở lại.

2. Điểm danh các thuốc sát khuẩn đường tiết niệu phổ biến nhất

Thuốc sát khuẩn đường tiết niệu Domitazol:

Thuốc có thành phần chính bao gồm bột hạt Malva, Camphor monobromid, xanh methylen,... có công dụng sát khuẩn nhẹ và thường được chỉ định cho các trường hợp bị viêm đường tiết niệu chưa xuất hiện biến chứng.

  • Liều dùng: người lớn uống 3 lần/ngày, mỗi lần từ 6 - 9 viên;

  • Chống chỉ định: phụ nữ có thai, người mẫn cảm với các thành phần của thuốc, người thiếu hụt men glucose-6 phosphat dehydrogenase và người có tiền sử bị suy thận,...;

  • Tác dụng phụ: nước tiểu có màu xanh, buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là bị thiếu máu, tan máu,...

Thuốc kháng sinh nhóm Quinolon:

Đây là thuốc hay được chỉ định trong điều trị viêm đường tiết niệu, bao gồm:, levofloxacin, òloxacin,...

Một số chế phẩm đang dùng:

  • Pefloxacin (Peflacin): uống 800mg/ 24h chia 2 lần;

  • Ofloxacin (Oflocet): uống 400- 800mg/ 24h chia 2 lần;

  • Norfloxacin (Noroxin): uống 800mg/ 24h chia 2 lần;

  • Ciprofloxacin (Ciflox): uống 0,5- 1,5g/ 24 h chia 2 lần;

  • Levofloxacin (Levaquin): uống 500 mg.

Trimethoprim - thuốc sát khuẩn đường niệu:

Trimethoprim được dùng cùng với sulfamethoxazol với mục đích để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, tăng hiệu quả kháng khuẩn. Trên thị trường hiện nay vẫn đang lưu hành thuốc này ở cả dạng viên và dạng dung dịch.

  • Liều lượng:

  • Đường uống: 2 lần/ngày, mỗi lần 100mg;

  • Đường tiêm: mỗi ngày 150 - 250mg chia làm 2 lần/ngày.

  • Đối tượng không nên dùng: người mẫn cảm với thành phần thuốc, người suy gan thận, thiếu máu;

  • Bệnh nhân có thể gặp tác dụng phụ như mẩn ngứa, mệt mỏi, chóng mặt.

Các thuốc kháng sinh dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đều phải theo chỉ dẫn của bác sĩ

Các thuốc kháng sinh dùng trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu đều phải theo chỉ dẫn của bác sĩ

Thuốc Doxycycline:

Thuốc này thuộc nhóm kháng sinh phổ rộng có khả năng chống lại sự phát triển của các chủng vi khuẩn kị khí và ưa khí Gram dương, được sản xuất và đưa vào sử dụng theo cả đường tiêm và đường uống.

  • Liều dùng: khởi đầu là 100mg/ngày, sau đó có thể tăng liều lên 100 - 200mg/ngày;

  • Không dùng kết hợp với thuốc phenytoin, carbamazepin và những thuốc kháng axit như magie, nhôm, canxi,...;

  • Không sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 8 tuổi, người mẫn cảm với thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin, người suy gan nặng;

  • Tác dụng phụ: ban da, mẫn cảm với ánh sáng, tiêu chảy, nôn mửa,...

Thuốc Mictasol Bleu 20mg:

Mictasol Bleu có các thành phần giúp sát khuẩn nhẹ đường tiết niệu như Methylthioninium, Camphre monobrome, Malva purpurea. Thuốc có thể được chỉ định dùng kết hợp với kháng sinh Augmentin để gia tăng hiệu quả điều trị.

  • Liều lượng: người lớn dùng 2 - 3 viên/lần, mỗi ngày 2 lần uống với nhiều nước;

  • Thuốc không dành cho trẻ em dưới 15 tuổi, người suy thận nặng và mẫn cảm với các thành phần của thuốc;

  • Người bệnh khi dùng Mictasol Bleu có thể bị xanh nước tiểu, rối loạn vị giác, rối loạn tiêu hoá, bốc hỏa, chóng mặt, buồn nôn,...

Thuốc sát khuẩn đường tiết niệu Nitrofurantoin:

Tương tự như các thuốc nêu trên, Nitrofurantoin cũng có công dụng chính là ức chế hoạt động của các vi khuẩn gram âm và gram dương như E.coli, Enterobacter, Klebsiella, liên cầu, tụ cầu,...

  • Liều sử dụng:

  • Trẻ em: 1mg/kg/ngày;

  • Người lớn: 4 lần/ngày, mỗi lần 50 - 100mg.

  • Thận trọng khi dùng kết hợp với các loại thuốc kháng sinh quinolon, thuốc kháng axit;

  • Đối tượng không nên dùng: người suy thận nặng, người thiểu niệu, người bị thiếu hụt men glucose – 6 – phosphat dehydrogenase,...;

  • Thuốc có thể gây ra các phản ứng phụ như nổi mề đay, mẩn ngứa, buồn nôn, khô miệng, sốt, hiếm gặp hơn là giảm tiểu cầu, thiếu máu,...

3. Các lưu ý khi sử dụng thuốc sát khuẩn đường tiết niệu

Phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng đơn giản hay phức tạp mà các loại kháng sinh sẽ được chỉ định khác nhau. Trước khi kê đơn, bác sĩ sẽ cân nhắc tới các yếu tố: tuổi tác, tình trạng thai sản, nguy cơ dị ứng với các thành phần của thuốc.

Trên thực tế, trong những trường hợp bị nhiễm trùng nhưng chưa có biến chứng thì bệnh nhân sẽ sử dụng kháng sinh trong 2 - 3 ngày. Có bệnh nhân dùng trong 7 - 10 ngày. Nếu nhiễm trùng mang tính chất phức tạp hơn, thời gian dùng thuốc có thể lên tới 14 ngày hoặc lâu hơn.

Dưới đây là một số lưu ý cho bệnh nhân khi dùng thuốc sát khuẩn đường niệu:

  • Sử dụng theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, đúng liều lượng, đúng thời gian được chỉ định. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc và sử dụng, tự tăng giảm liều hoặc bỏ thuốc giữa chừng vì điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc, nhờn thuốc;

  • Uống thuốc với nước lọc, không dùng các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây hoặc sữa để uống thuốc;

  • Bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày (tối thiểu từ 1,5 - 2 lít/ngày) giúp tăng lượng nước tiểu, tống xuất vi khuẩn ra khỏi đường tiểu;

  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như cà phê, bia rượu và thuốc lá;

  • Ăn thêm nhiều hoa quả, rau xanh để tăng cường chất xơ;

  • Ưu tiên những thực phẩm chứa nhiều lợi khuẩn như phô mai, sữa chua trong thực đơn ăn uống hàng ngày.

Nên bổ sung nhiều nước và vitamin C để hạn chế triệu chứng viêm đường tiết niệu

Nên bổ sung nhiều nước và vitamin C để hạn chế triệu chứng viêm đường tiết niệu

Trên đây là danh sách các thuốc sát khuẩn đường tiết niệu được sử dụng phổ biến hiện nay. Trước khi dùng, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị dưới sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu bạn còn nhiều thắc mắc về bệnh lý viêm đường tiết niệu hoặc các vấn đề sức khỏe khác, hãy gọi ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 để được giải đáp và tư vấn kỹ lưỡng hơn.

Từ khóa » Tác Dung Thuốc Xitoran